Vui – buồn tăng lương giáo viên
Đề xuất nâng lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp (vừa được Bộ GDĐT trình lên Chính phủ) khiến không ít giáo viên buồn vui lẫn lộn
Bao giờ cho đến… tăng lương?
20 năm đứng lớp, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Lan – giáo viên một trường mầm non công lập tại Thái Bình mới chỉ nhận được mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. Chồng làm thợ xây nay đây mai đó, số tiền gửi về cho vợ tháng có tháng không. Vì vậy, một mình cô Lan phải cáng đáng chi tiêu trong gia đình và việc học hành của 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Cô Lan cho biết: “Số tiền lương ít ỏi đó có tháng cũng không được cầm đủ vì bị trừ các thể loại quỹ, mình phải chi tiêu rất tiết kiệm mới đủ tiền sinh hoạt cho gia đình. Nếu phải mua sắm gì đến tiền triệu hay đóng học cho con đầu năm thì lại phải vay tạm của bạn bè, người thân rồi trả dần”.
Giờ lên lớp của cô giáo ở điểm trường tiểu học bản Xúm Hom, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. ảnh: HÀ HOÀNG
Để có đồng ra đồng vào, ngoài 10 tiếng lên lớp, cô Lan tranh thủ làm đủ nghề, thời gian buổi tối ở nhà cô Lan nhận hạt điều của xưởng chế biến gần nhà về bóc, chăm chỉ, mỗi tháng cô cũng nhận thêm được hơn 1 triệu đồng. Không những thế, cô vẫn cần mẫn làm 4 sào ruộng của gia đình và nhận thêm 2 sào bãi để trồng rau màu, ngô, đỗ tương theo mùa vụ.
“Mọi người bảo giáo viên chạy chợ, làm ruộng làm gì cho vất vả, nhưng quả thực không làm thêm không đủ sống. Nghe nói, Bộ trưởng vừa đề xuất tăng ngạch lương cho giáo viên lên cao nhất mà vừa mừng, vừa tủi. Mấy chục năm gắn bó với nghề bằng đồng lương còm cõi, không biết trước lúc về hưu có nhận được mức lương cao nhất kia không?” – cô Lan chia sẻ.
Video đang HOT
Câu chuyện về lương của một thầy giáo có 20 năm gắn bó với nghề ở Nghệ An cũng từng khiến cho cộng đồng mạng phải rơi lệ…
“Khoe” số lương 5.678.000 đồng của mình, thầy giáo Nguyễn Đăng Khoa – giáo viên Trường THPT Lê Lợi (Tân Kỳ, Nghệ An) hóm hỉnh cho biết: “Sau gần 20 năm ra trường, đây là lần đầu tiên mình công khai chia sẻ thông tin thu nhập của một viên chức ngành giáo dục. Không phải chê ít hay kêu ca phàn nàn gì mà do gặp được dãy số rất đẹp. Sau khi trừ đi các khoản như: Đảng phí, công đoàn phí, quỹ tham quan, quỹ vì người nghèo, quỹ thăm hỏi và một số loại quỹ khác nữa thì còn lại con số 5.678.000 đồng”.
Thầy Khoa tính toán, với số tiền này, thầy sẽ phải căn ke để chi cho các mục sau: Mua sắm quần áo, dụng cụ học tập, đóng học cho hai con, trả tiền phí điện thoại, internet, truyền hình, gas, điện, nước, mua lương thực, thực phẩm dự trữ. “Mình không dám để dành cho khoản ốm đau bệnh tật vì thời buổi thuốc thật, thuốc giả lẫn lộn, mua làm chi cho phí tiền. Lỡ có ốm thì phó mặc cho số trời vậy” – thầy Khoa hóm hỉnh.
Được biết, để sống được với nghề, thầy Khoa đã phải bươn chải làm thêm rất nhiều công việc khác nhau. Trừ 17 tiết dạy tại trường mỗi tuần, thầy Khoa tranh thủ đứng lớp dạy võ, làm MC đám cưới, tư vấn bảo hiểm…
Cô Lan, thầy Khoa chỉ là 2 trong số hàng ngàn giáo viên vẫn đang cố gắng bám trụ với nghề, với đồng lương ít ỏi để chờ đến ngày ngành giáo dục trả lời được câu hỏi mà nhiều đời Bộ trưởng vẫn… nợ, đó là: “Bao giờ giáo viên mới sống được bằng lương?”
Tăng lương chưa phải là tất cả
Mọi người bảo giáo viên chạy chợ, làm ruộng làm gì cho vất vả, nhưng quả thực không làm thêm không đủ sống.Nghe nói, Bộ trưởng vừa đề xuất tăng ngạch lương cho giáo viên lên cao nhất mà vừa mừng, vừa tủi”.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan
Hiện nay, theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ viên chức đơn vị sự nghiệp (Nghị định 204 năm 2004) đang quy định 12 bậc. Theo đó, mức lương cao nhất là lương viên chức loại A3 nhóm 1 bao gồm: Kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên, giáo sư, giảng viên… cao cấp có hệ số từ 6.2 đến 8.0.
Trong khi đó mức lương khởi điểm của giáo viên hiện nay chỉ có hệ số từ 1.86 – 2.34 theo cấp học từ mầm non đến THPT, tương đương với tổng lương khởi điểm chỉ từ hơn 3,2 triệu đến hơn 3,9 triệu đồng/tháng. Đối với giáo viên có thâm niên giảng dạy từ 20 năm trở lên, mức lương dao động khoảng từ 5 – 7 triệu đồng, chưa trừ các khoản quỹ và đóng góp.
“Nếu như được tăng xếp hạng lương cao nhất thì mức lương của giáo viên sẽ có thể ngang hàng với nhóm lương bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư, giáo sư. Như thế thì chắc chắn giáo viên sẽ sống được bằng lương rồi” – cô Lan vui mừng nói.
Cũng vui mừng với đề xuất tăng lương cho giáo viên, GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết, nếu việc tăng lương được Chính phủ và Quốc hội thông qua sẽ tạo niềm vui rất lớn cho ngành giáo dục. Giáo viên đóng vai trò rất lớn trong việc đổi mới giáo dục nhất là trong giai đoạn sắp tới, nếu lương thấp thầy cô không thể cống hiến hết mình được.
TS Vũ Thu Hương – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đảm bảo thu nhập cho giáo viên là việc cần làm từ rất lâu rồi, nhiều đời Bộ trưởng cũng đã hứa hẹn nhưng chưa thực hiện được. Hy vọng lần này Bộ GDĐT đề xuất sẽ được Chính phủ và Quốc hội chấp thuận triển khai nhanh chứ đừng để thầy cô tiếp tục mỏi mòn chờ đợi…
Theo bà Hương, giáo viên ở các thành phố, thị trấn có nhiều nguồn thu nhập khác ngoài lương như dạy thêm, các khoản thưởng cuối năm từ quỹ của trường, xã hội hóa từ phụ huynh nhưng giáo viên ở nông thôn thì không được như thế. Họ phải làm rất nhiều nghề để trang trải cuộc sống. Việc luôn luôn phải lo nghĩ đến thu nhập sẽ khiến cho thầy cô không thể chuyên tâm với việc giảng dạy trên lớp được.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, bà Hương cũng cho rằng, tăng lương chưa phải là tất cả: “Ngoài tăng lương, muốn tăng chất lượng giáo dục cần “giải phóng”, trao quyền nhiều hơn nữa cho giáo viên. Hiện nay, giáo viên đang bị kìm kẹp bởi rất nhiều quy định. Họ không được quyền dạy theo ý mình, không được quyền phát triển, sáng tạo, chưa được tôn trọng nhiều khi đứng lớp. Thay vì làm một cách máy móc là kiểm tra đột xuất, dự giờ hãy kiểm tra chất lượng giáo viên bằng chính sản phẩm của họ là học sinh. Có như vậy thì họ mới có thể phát huy hết năng lực và tình yêu với nghề trên bục giảng được”.
Theo Danviet
Lương giáo viên tăng lên top đầu, học sinh THCS đi học miễn phí
Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, trong đó, Bộ đề xuất miễn học phí cho cấp THCS và tăng lương giáo viên lên bậc cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.
Cụ thể, tại điều khoản quy định về chế độ tiền lương trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 đã được bổ sung trong Điều 81 dự thảo nêu như sau: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ".
Giải thích lý do thay đổi trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, lương của giáo viên còn rất thấp, đặc biệt là nhà giáo ở các cấp mầm non, phổ thông. Chính vì vậy, cần phải có cơ chế chính sách tháo gỡ vấn đề này. Việc sửa đổi bổ sung Điều 81 trong Luật Giáo dục mới xác định lương của giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp nhằm thể chế hóa khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 của Chính phủ.
Học sinh cấp THCS sẽ được miễn học phí. (Ảnh minh họa: IT)
Cùng với lương, chế độ thâm niên và phụ cấp ưu đãi của giáo viên cũng thay đổi. Cụ thể, theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, mức phụ cấp này sẽ tăng từ 25-50% tùy từng đối tượng. Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa được hưởng phụ cấp ưu đãi 50%.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học. Cụ thể, dự thảo sửa đổi bổ sung điểm a khoảng 1 Điều 77 ghi rõ, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, giáo viên tiểu học phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (trước đây cấp tiểu học có thể dùng bằng trung cấp).
Về mức học phí, dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phi khi bổ sung quy định miễn học phí tới cấp THCS ở các trường công lập. Trong tờ trình xin ý kiến Chính phủ về đề xuất này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh THCS trường công lập".
Theo đó, mức thu học phí sẽ được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp. Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Theo Danviet
Lương giáo viên hiện nay cao nhất gần 11 triệu đồng/tháng Theo báo cáo thực hiện chính sách tiền lương mới nhất của Bộ GDĐT, tổng thu nhập bình quân của giáo viên tại các cơ sở giáo dục do ngân sách nhà nước bảo đảm, đang ở mức từ 3,2-10,8 triệu đồng/tháng. Nên ưu tiên tăng lương cho đội ngũ giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Hải Nguyễn Cơ...