Vừa sinh con, chồng đánh vợ dã man
Anh ta là một người vũ phu, đánh đập, đe dọa giết em…Em hoảng sợ quá.
Chị Thanh Bình thân mến!
Em đang rất đau khổ, mong chị hãy cho em một lời khuyên!
Em và anh bằng tuổi nhau, năm nay đều 24 tuổi. Chúng em thích nhau, quen nhau hợp ý hợp tình được nửa năm, rồi đến với nhau vội vàng, có thai đến tháng thứ 3 em mới biết. Lúc đó tinh thần em suy sụp lắm, những suy nghĩ dại dột đều đã nghĩ đến. Em chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị, chưa muốn kết hôn và chưa muốn có con. Nhưng vì bổn phận làm người chưa dứt, không thể dễ dàng chết đi, để lại ưu phiền và vướng bận cho người còn sống, không thể bỏ đi cốt nhục của mình. Cuối cùng, sau những ngày dài như hàng thế kỷ, đầm đìa nước mắt và đau khổ,em quyết định đi đến hôn nhân và vẫn đi làm bình thường, chờ ngày sinh nở. Anh biết chuyện thì nói là định năm sau cưới, bây giờ chuyện như vậy thì phải cưới sớm thôi và gọi về quê báo với gia đình anh chuẩn bị hôn sự. Từ đây, chuỗi ngày đẫm nước mắt của em bắt đầu.
Đám cưới diễn ra vội vàng 1 tháng sau đó, từ việc chọn thiệp, chọn tiệm trang điểm, áo cưới, nhà hàng, chụp hình… tất cả đều do anh quyết định (hay nói đúng hơn là luôn chọn cái gì rẻ nhất). Em chẳng vừa ý chuyện gì, cái nào cũng rẻ bèo và em cảm thấy mất mặt, không muốn mời bà con họ hàng, bạn bè gì cả. Nhà trai qua bưng lễ hỏi cũng sơ sài khiến gia đình em ngỡ ngàng, nhưng vì thương em nên im lặng, gượng làm vui chấp nhận.
Rồi chúng em sống với nhau. Cuộc sống luôn xảy ra mâu thuẫn từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, mỗi lần bất đồng ý kiến, anh ta luôn muốn áp đặt em theo ý của mình, la lối, nạt nộ, dùng lời lẽ thô tục, hù dọa đánh em, bảo em “câm mồm”, “có tin tao tát, đá dính vách không”…Anh ta từng tát em lúc em mang thai 5 tháng, nạt nộ, la lối mẹ ruột và ngoại em.
Em vừa sinh con xong, anh đã đánh đập em dã man (ảnh minh họa)
Gần đây nhất là khi em sanh mổ về chưa được 1 tháng, anh ta đi nhậu về, ẵm bé, rồi bỗng nổi điên lên tát em, đạp vào bụng em trước mặt mẹ ruột em, rồi giắt 2 con dao vào túi, phải nhờ hàng xóm gọi công an can thiệp mới ẵm lại được cháu bé và giải anh về đồn, hai mẹ con em trốn trong nhà mới được yên ổn. Anh ta còn hù dọa sẽ giết gia đình em, sẽ làm cho gia đình em đau khổ mới thôi.
Video đang HOT
Giờ đây em luôn sống trong sợ hãi, chỉ ở trong nhà mẹ ruột khóa chốt cẩn thận như cầm tù, không dám đi đâu hết. Hiện tại em đã nộp đơn ly dị lên tòa và đang chờ đợi. Em sống trong sợ hãi, sợ hắn bắt cháu bé đi, sợ cuộc sống hôm nay và sau này không yên ổn, sống như vậyy hoài rồi lấy gì nuôi con…hay là đi biệt xứ…Em bế tắc quá? Chị hãy giúp em với. Em khổ quá! (Em gái)
Trả lời:
Em gái thân mến! Cảm ơn em đã gửi những tâm sự của mình về cho chuyên mục. Qua thư, chị hiểu rằng em là người phụ nữ bất hạnh trong hôn nhân. Vì chưa tìm hiểu kĩ càng đã vội vàng cưới mà em lấy phải một người chồng vũ phu. Giờ đây cuộc sống của em khốn khổ, bị chồng đánh đập, đe dọa và em không biết làm cách nào để nuôi con trong sự yên ổn.
Sống với người chồng vũ phu là một sự đe dọa quá lớn tới tính mạng của bản thân (Ảnh minh họa)
Việc em gửi đơn ly hôn là hoàn toàn chính xác. Một người chồng như vậy không thể duy trì hôn nhân lâu hơn được nữa. Anh ta không những là một kẻ bất nhân mà còn vô đạo đức, không chỉ không tôn trọng em mà còn không tôn trọng gia đình em. Với một kẻ như vậy em có cố sống thêm cùng anh ta ngày nào sẽ chỉ là đón thêm đau khổ ngày ấy mà thôi. Thậm chí, có thể em sẽ gặp những điều nguy hiểm đến tính mạng.
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi, vợ chồng mới đón nhận đứa con đầu lòng mà anh ta đã đánh đập em như vậy thì càng sống lâu em sẽ chỉ càng chịu những hành hạ của anh ta mà thôi.Cho nên việc em ly hôn là hoàn toàn chính xác. Em đừng lo lắng rằng em sẽ lấy gì để nuôi con. Ai cũng có những lúc khó khăn và khi ấy hãy nhờ đến gia đình, bạn bè giúp đỡ. Khi con lớn hơn một chút em có thể tự tìm kiếm công việc để nuôi mình, nuôi con. Chỉ khi em sống bên một người chồng như vậy em mới không thể yên ổn mà nuôi con.
Ngoài ra, trước sự đe dọa đó của anh ta, em hãy đề nghị với chính quyền địa phương, công an xã…có biện pháp, sự quan tâm cần thiết tới bản thân em để tránh trường hợp anh ta làm liều. Còn nếu như em có người quen, bà con ở xa, tạm thời có thể chuyển đến đó ở để yên ổn trong giai đoạn đầu sinh con, chờ đến khi tòa giải quyết việc ly hôn rồi tính toán tiếp. Em cần phải kiên cường, đừng quá lo sợ và nhất quyết không thỏa nhượng, quay về bên anh ta để rồi khổ mình, khổ con.
Chúc em mạnh khỏe và sớm thoát khỏi được tình trạng đau khổ này!
Theo VNE
Bạo lực gia đình: Người vợ về đâu?
Cuộc đời của những người vợ đau khổ phải chịu cảnh chồng đánh đập, hành hạ sẽ đi về đâu?
Sau 4 năm thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình theo mô hình có đường dây nóng, đội can thiệp nhanh và địa chỉ tin cậy, thị trấn Thanh Nê và huyện Vũ Lạc (Thái Bình) giảm từ 85 - 90% các vụ bạo lực gia đình.
Đây là con số ấn tượng được đưa ra trong Hội thảo khoa học "Các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình hiện nay" do Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL) tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Đi tìm câu trả lời "chạy đến đâu"?
Đây là câu hỏi mà Dự án Phòng chống bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển INGAD (trước đây là Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển RCGAD) đặt ra khi triển khai tại các địa phương, vì việc cứu trợ nạn nhân là điều được chú trọng nhất trong phòng tránh bạo lực gia đình. Vì thế, Dự án đã triển khai mô hình đường dây nóng, đội can thiệp nhanh, địa chỉ tin cậy có sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân địa phương. Mô hình được INGAD đưa ra lần đầu tiên cho Hội LHPN Việt Nam tại 3 tỉnh: Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội. Từ năm 2002, các mô hình này được thực hiện tại Phú Thọ, Thái Bình và các năm sau tại Thừa Thiên Huế. Đặc biệt hơn từ 2007 - 2011, nó đã đi vào hoạt động và đạt được hiệu quả bất ngờ tại thị trấn Thanh Nê và huyện Vũ Lạc (Thái Bình) rồi phát triển bền vững cho đến hôm nay.
GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện INGAD cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, bà nhận thấy một thực tế ở nhiều địa phương là nhiều trường hợp khi bị chồng đánh đã chạy về nhà cha mẹ đẻ. Nhưng trớ trêu là họ thường bị cha mẹ dẫn về trả lại chồng, gia đình chồng vì quan niệm con gái đã đi lấy chồng thì thuộc về nhà chồng, khi có lỗi thì phải được chồng và nhà chồng dạy bảo kể cả đánh đập. Nếu nạn nhân chạy sang nhà hàng xóm thì người chồng đổ tội cho vợ có ngoại tình với hàng xóm nên được bao che, giúp đỡ. Nếu nạn nhân chạy sang nhà bạn bè thì chồng đến gây gổ... Hậu quả là không ai dám giúp đỡ nạn nhân. Những tình trạng này dẫn nhiều phụ nữ bị thương tật hoặc phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Thực tế này đã đặt ra vấn đề bức thiết về việc cứu trợ nạn nhân của bạo lực gia đình. Mô hình ra đời chính là đi tìm câu trả lời cho việc nạn nhân sẽ "chạy đến đâu" khi xảy ra bạo lực gia đình, trong khi Việt Nam không có nhiều tiền để xây dựng các nhà tạm lánh giống như Ngôi nhà bình yên?
Giảm đến 90% các vụ bạo lực
Giáo sư Quý cho biết, mô hình có sự tham gia của nhiều bộ phận từ các cơ quan chức năng đến người dân ở địa phương. Ví dụ Đường dây nóng là do những người hàng xóm của các gia đình có bạo lực, trẻ em tình cờ biết hoặc chính các thành viên của gia đình đến báo cáo.
Đội can thiệp nhanh gồm có công an xã, lãnh đạo UBND xã, bác sĩ... sẽ đến làm việc ngay khi nhận được tin báo. Họ có nhiệm vụ tách nạn nhân ra khỏi kẻ gây ra bạo lực, nếu có trường hợp nạn nhân bị thương thì sẽ đưa đến ngay trạm y tế. Bác sĩ cũng là thành viên của Đội can thiệp nhanh nên họ có trách nhiệm cứu chữa nạn nhân kịp thời. Công an, chính quyền sẽ làm việc với kẻ gây bạo lực và xử lý tùy theo mức độ vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp nạn nhân thoát khỏi người chồng trước khi Đội can thiệp nhanh đến thì họ phải có chỗ trú. Chính vì thế mô hình đã thiết lập thêm "địa chỉ tin cậy" như một dạng nhà tạm lánh cho các nạn nhân khi nguy cấp. Đây là các địa chỉ do người dân tình nguyện dành một phòng của nhà mình làm nơi cho nạn nhân và các con họ trú ẩn một số ngày trong khi chính quyền giải quyết vụ việc.
Rất nhiều người phụ nữ vẫn đang phải chịu đựng cảnh bạo lực gia đình (Ảnh minh họa)
Điều đáng mừng là các địa chỉ tin cậy này lại là sáng kiến của chính địa phương trong quá trình thực hiện Dự án Phòng chống bạo lực gia đình do RCGAD tổ chức tại thị trấn Thanh Nê và huyện Vũ Lạc (Thái Bình). Bằng cách này tại Thanh Nê và Vũ Lạc đã cứu được rất nhiều nạn nhân. Thành công của mô hình này đã được GS Lê Thị Quý báo cáo với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi Ủy ban có kế hoạch soạn thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Sáng kiến này đã được Quốc hội đưa vào Luật để phát động cả nước phòng chống bạo lực gia đình. Hiện nay Thanh Nê có tới 42 "địa chỉ tin cậy", còn Vũ Lạc có 35 địa chỉ.
Dự án đã trang bị cho một số địa chỉ chăn, màn, quạt, tài liệu, tủ thuốc nhỏ để họ có thể sơ cứu và tham vấn cho nạn nhân khi họ tỉnh táo. Các địa chỉ này không chỉ cứu giúp nạn nhân của địa phương mà còn cứu giúp nạn nhân của các huyện khác. Huyện Vũ Lạc còn có sáng kiến là công bố công khai các "địa chỉ tin cậy" trên đài phát thanh và tuyên bố: Người nào gây hại cho các địa chỉ này sẽ bị chính quyền bắt giữ vì tội "chống người thi hành công vụ".
Sau 4 năm thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình theo mô hình có đường dây nóng, đội can thiệp nhanh và địa chỉ tin cậy, Thanh Nê và Vũ Lạc giảm từ 85 - 90% các vụ bạo lực gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình ở hai địa phương này chỉ còn những vụ xô xát nhỏ, chấm dứt hoàn toàn các vụ gây thương tích cho nạn nhân. Vì thế 42 "địa chỉ tin cậy" ở Thanh Nê và 35 "địa chỉ tin cậy" ở Vũ Lạc dường như đang "ế", không mấy khi "phải" tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình.
Nhận thức của cán bộ, nhân dân địa phương về bình đẳng giới và bạo lực gia đình được nâng lên trong đó có cả nạn nhân và người gây ra bạo lực. Nhiều người trong số họ đã trở thành tuyên truyền viên của Dự án. Chống bạo lực gia đình thành một phong trào thường xuyên ở địa phương và phát triển bền vững đến tận hôm nay, khi mà Dự án đã kết thúc được 2 năm.
Thành công của mô hình phòng chống bạo lực gia đình do INGAD thiết kế và thực hiện ở Thái Bình cho thấy tính hiệu quả của công tác phòng chống bạo lực gia đình khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và người dân địa phương. Tuy nhiên mô hình này chỉ được thực hiện trong phạm vi nhỏ lẻ. Nếu các địa phương trên cả nước cũng vào cuộc như Thanh Nê và Vũ Lạc thì bạo lực gia đình sẽ không còn là nỗi ám ảnh của những người phụ nữ trong các gia đình ở Việt Nam.
Theo VNE
Ngứa mắt vợ nghén, chồng đánh chửi dã man Lấy nhau được hơn 5 tháng tôi mang bầu. Vậy là cuộc hôn nhân ấy giống như chỉ tồn tại được đúng 5 tháng hạnh phúc. Lấy về mới biết chồng &'phũ mồm' lại vũ phu Tưởng chừng như mọi thứ cứ thế trôi qua, suôn sẻ và dễ chịu, nhưng không ngờ một ngày, chồng tôi thay tính đổi nết. Nguyên cớ...