Vừa phòng dịch, vừa phòng chống doping
Việc có tên trong danh sách giám sát đặc biệt không phải là điều bất thường. Hằng năm, Liên đoàn Cử tạ thế giới đều đưa ra danh sách những đô cử sẽ vào diện giám sát đặc biệt để phòng, chống doping…
Nếu như việc phòng, chống dịch COVID-19 là công việc đột xuất của ngành thể thao cũng như cử tạ Việt Nam thì việc phòng chống các chất kích thích (doping) lại là công việc liên tục, lâu dài. Điều này càng thể hiện rõ ở việc mới đây, Liên đoàn Cử tạ thế giới đưa 7 lực sĩ cử tạ Việt Nam, những người có thành tích quốc tế ấn tượng trong năm 2019, vào diện giám sát đặc biệt để phòng, chống doping trong năm 2020.
Chuyện thường ngày trong làng cử tạ thế giới
Việc có tên trong danh sách trên không phải là điều bất thường. Hằng năm, Liên đoàn Cử tạ thế giới đều đưa ra danh sách những đô cử sẽ vào diện giám sát đặc biệt để phòng, chống doping. Việc làm này cũng nhằm mục đích giữ được sự trong sạch trong làng cử tạ thế giới sau khi xảy ra hàng loạt vụ việc đáng tiếc từ các giải đấu thế giới cũng như châu lục. Trong đó, nhiều đô cử giành huy chương đã có kết quả dương tính với doping, khiến hình ảnh cử tạ thế giới bị suy giảm nghiêm trọng.
Ngay tại Đông Nam Á, cử tạ Thái Lan đã bị cấm thi đấu quốc tế trong 3 năm từ 2019 đến 2021 vì có quá nhiều đô cử bị phát hiện sử dụng doping. Vấn đề sử dụng doping trong làng cử tạ thế giới nghiêm trọng đến mức, từng có ý kiến rằng có nên tiếp tục đưa cử tạ vào chương trình thi đấu của Olympic hay không?
Cũng bởi vậy những năm gần đây, Liên đoàn Cử tạ thế giới đã phải đưa ra những giải pháp mạnh mẽ để phòng ngừa từ xa việc sử dụng doping trong làng cử tạ thế giới. Theo đó, hằng năm đều có một danh sách các đô cử cần được theo dõi, giám sát. Những đô cử này có thành tích tốt khi thi đấu quốc tế và hoàn toàn có khả năng tiếp tục giành huy chương tại các giải quốc tế trong tương lai.
Đội tuyển cử tạ Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang về thành công cho thể thao Việt Nam tại Olympic tới.
Để thực hiện việc giám sát, Liên đoàn Cử tạ thế giới không đợi đến khi diễn ra giải đấu mới thực hiện kiểm tra doping. Thay vào đó, người của Liên đoàn sẽ trực tiếp đến các quốc gia có VĐV trong danh sách giám sát đặc biệt về doping mà không báo trước rồi trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm của VĐV trong nhóm này. Cách thức này đã mang lại hiệu quả nhất định khi phát hiện được nhiều trường hợp sử dụng doping dù không biết là vô tình hay cố ý.
Video đang HOT
Cử tạ Việt Nam cũng từng có một số VĐV bị kiểm tra, xét nghiệm doping đột xuất trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018. Cuối cùng, có 2 đô cử dương tính với doping và bị đình chỉ thi đấu trên toàn thế giới tới 4 năm. Việc đưa các đô cử vào trong danh sách này không đồng nghĩa các đô cử bị nghi ngờ sử dụng doping.
Đơn giản, họ cần được chú ý đặc biệt hơn những đô cử ngoài danh sách trên do có thành tích tốt tại các giải đấu quốc tế. Như trong năm 2020, có tới 312 đô cử vào danh sách giám sát đặc biệt về phòng, chống doping của Liên đoàn Cử tạ thế giới chứ không chỉ có các đô cử Việt Nam.
7 đô cử Việt Nam trong danh sách này trong đó có những cái tên sáng giá như Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Đỗ Tú Tùng, Ngô Sơn Đỉnh… 2 đô cử đầu tiên đã khẳng định được tài năng ở các giải thế giới trong đó gần đây nhất, ở World Cup cử tạ tại Italy (1-2020), Thạch Kim Tuấn đoạt 3 HCV hạng 61kg nam, Vương Thị Huyền giành 2 HCĐ ở hạng cân 49kg nữ.
Trong khi đó, 2 cái tên đứng sau lại làm mưa làm gió tại các giải cử tạ trẻ thế giới, châu lục. Riêng Đỗ Tú Tùng giành 3 HCV, lập 3 kỷ lục trẻ hạng dưới 49kg nam tại Giải Cử tạ trẻ thế giới 2019; giành 4 HCV, phá 2 kỷ lục châu Á ở hạng 55kg Giải Cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á 2019… Còn Ngô Sơn Đỉnh từng giành HCV hạng 56kg nam tại Olympic trẻ thế giới 2018.
Cẩn trọng để tránh vết xe đổ
Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các chương trình kiểm tra doping đột xuất của Liên đoàn Cử tạ thế giới đang phải tạm ngưng. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch được kiểm soát trên toàn thế giới, chắc chắn Liên đoàn Cử tạ thế giới sẽ triển khai trở lại. Đó cũng là cảnh báo cần thiết với các đô cử đang trong danh sách giám sát đặc biệt của Liên đoàn Cử tạ thế giới, trong đó có các đô cử Việt Nam.
Theo ông Đỗ Đình Kháng – Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT), những đô cử hàng đầu Việt Nam đang tập huấn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh. Trong số này, các đô cử thuộc đội tuyển quốc gia như Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn đang tập huấn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho Giải vô địch Cử tạ châu Á, cũng là vòng đấu quyết định để xác định suất trực tiếp tham dự Olympic 2021.
Quan trọng là từ sau vụ việc đáng tiếc với 2 đô cử Việt Nam bị xét nghiệm đột xuất khi đang tập huấn tại địa phương để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, và có kết quả dương tính với doping, nhiều giải pháp siết chặt công tác phòng, chống doping trong các cấp độ đội tuyển Cử tạ Quốc gia đã được thực hiện.
Trong đó, VĐV tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi gặp vấn đề về sức khỏe và phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bộ phận y tế tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia. Việc này cũng được áp dụng tương tự tại các Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, thành, ngành trong thời gian VĐV không tập trung cùng đội tuyển quốc gia.
Theo chia sẻ của đô cử Vương Thị Huyền, trong giai đoạn chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2021 hiện nay, ngoài việc giữ nhịp độ tập luyện như trước khi xảy ra dịch COVID-19 thì cô cũng luôn phải chú ý đến việc sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng. Điều này cũng được các thành viên khác của đội tuyển quốc gia thực hiện triệt để.
Tất cả đều hiểu rằng, sự dễ dãi rất có thể mang hại cho bản thân, nhất là khi Liên đoàn Cử tạ thế giới đã nhiều lần chủ động đến các quốc gia để thực hiện xét nghiệm thay vì đợi đến kỳ giải để chờ VĐV đến xét nghiệm.
Rõ ràng, cử tạ thế giới đã có thay đổi mạnh mẽ trong cách phòng, chống doping. Cử tạ Việt Nam cũng không thể đứng ngoài sự thay đổi đó. Cho nên, lúc này không chỉ có nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, mà còn phải tự phòng, chống doping một cách hiệu quả nhất. Chỉ có vậy mới có thể đàng hoàng xuất hiện ở Olympic 2021 cũng như các giải quốc tế khác bên cạnh tham vọng gặt hái huy chương.
Hy vọng dành cho cử tạ
Cử tạ là môn thi đấu được kỳ vọng sẽ giúp thể thao Việt Nam có thể giải được bài toán huy chương tại Olympic 2021. Nhưng đến lúc này, cử tạ Việt Nam vẫn chưa chính thức giành vé tham dự Thế vận hội tới do chưa kết thúc hành trình vòng loại.
Lẽ ra, ngày 25/4, cử tạ Việt Nam đã biết có bao nhiêu vé chính thức dự Olympic sắp tới khi đây là ngày kết thúc giải vô địch cử tạ châu Á -2020, đồng thời là vòng đấu tích điểm tham dự Olympic 2020 cuối cùng với các đô cử châu Á.
Tuy nhiên, giải đấu này, dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 25/4, tại Uzbekistan này đã bị hoãn vô thời hạn. Thời gian thi đấu của giải chỉ được xác định sau khi dịch COVID-19 trên toàn thế giới bị khống chế.
Cử tạ Việt Nam giành 10 HCV tại cúp thế giới 2020
Đội tuyển cử tạ Việt Nam kết thúc giải đấu tại Rome, Italy thành công khi giành được 10 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ, và cả 5 đô cử tham dự đều có huy chương.
Rạng sáng 29/1 (giờ Hà Nội), Hoàng Thị Duyên, đô cử cuối cùng của tuyển cử tạ Việt Nam tham dự cúp thế giới, bước vào phần thi chung kết nhóm A hạng 59 kg nữ.
Ban huấn luyện đăng ký mức tạ khởi điểm 92 kg cho Duyên ở phần thi cử giật, vượt xa các đối thủ còn lại. Khi 9 đô cử khác đã hoàn thành xong phần thi, đạt thành tích tốt nhất 89 kg, Duyên mới bước lên sàn đấu.
Hoàng Thị Duyên giành 3 HCV ở hạng cân 59 kg nữ. Ảnh: BTC.
Đô cử Việt Nam thực hiện dứt khoát từng động tác và không gặp nhiều khó khăn ở các mức tạ. Duyên lần lượt chinh phục thành công các mức 92 kg, 95 kg và 97 kg.
Bước sang phần thi cử đẩy, Duyên tiếp tục cho thấy không có đối thủ. Đô cử 24 tuổi đạt thành tích tốt nhất 116 kg, hơn người xếp sau 3 kg. Chung cuộc, Duyên đạt tổng cử 213 kg, thâu tóm cả 3 HCV, hơn vận động viên chủ nhà Alemanno xếp thứ 2 tới 16 kg.
Sau 2 ngày thi đấu, cử tạ Việt Nam giành được 10 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. Trong ngày thi đấu 28/1, 4 đô cử Việt Nam đều đạt huy chương, trong đó Thạch Kim Tuấn (61 kg nam) và Nguyễn Trần Anh Tuấn (55 kg nam) lập hat-trick HCV, Khổng Mỹ Phượng (45 kg nữ) giành 1 HCV và 2 HCB, Vương Thị Huyền (49 kg nữ) giành 2 HCĐ.
Giải đấu này cũng là vòng loại tích điểm Olympic Tokyo 2020. Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền và Hoàng Thị Duyên đều đạt thành tích tốt và có mặt trong top 3 dẫn đầu, qua đó có thêm điểm số trong cuộc cạnh tranh tấm vé tới Tokyo. Vòng loại sẽ kết thúc vào cuối tháng 4. Tám đô cử dẫn đầu ở mỗi hạng cân sẽ giành vé trực tiếp tham dự Thế vận hội.
Sau giải, các đô cử Việt Nam sẽ về quê ăn Tết muộn, trước khi trở lại tập luyện, chuẩn bị cho các giải đấu tiếp theo, quan trọng nhất là giải vô địch châu Á vào tháng 4, giải đấu kết thúc vòng loại Olympic 2020.
Theo Zing
VĐV Việt Nam nói gì khi hoãn Olympic 2020? Nhiều vân động viên (VĐV) Việt Nam cho rằng sẽ có thêm thời gian tập luyện, nâng cao kỹ năng khi Olympic 2020 dời sang năm 2021 vì dịch Covid-19. Trong khi đó, số ít VĐV bày tỏ lo lắng bởi giải đấu bị hoãn quá lâu. VĐV bơi Huy Hoàng đoạt hai chuẩn A Olympic 2020 VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng bày...