Vừa nhậm chức, nữ Thủ tướng Anh bổ nhiệm “trùm” Brexit
Bà Theresa May, người luôn ủng hộ Anh ở lại EU, đã bất ngờ chọn ông Boris Johnson, người đứng đầu chiến dịch kêu gọi Anh rời EU, làm ngoại trưởng.
Bà Theresa May diện kiến Nữ hoàng Anh ngày 13.7 (Ảnh: Reuters)
Thứ 4 ngày 13.7, tân Thủ thướng Anh, bà Theresa May đã chính thức nhậm chức, kế nhiệm ông David Cameron, người đã từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit.
Bà May cam kết sẽ tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu rời Liên minh châu Âu. Ngay trong buổi tối nhậm chức, bà đã đưa ra lựa chọn các thành viên nội các của mình. Trong đó, quyết định bất ngờ nhất là ông Boris Johnson, cựu thị trưởng thành phố London, được bổ nhiệm là ngoại trưởng Anh.
Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm của Anh, ông Boris Johnson, người luôn ủng hộ Brexit
Ông Johnson là người đi đầu trong chiến dịch kêu gọi Anh rời EU (Brexit), trong khi bà May trước đó âm thầm ủng hộ Anh ở lại liên minh. Nhưng sau chiến thắng của Brexit, ông đã đột ngột rút khỏi cuộc đua tranh ghế Thủ tướng Anh vào phút chót. Từ đó, ông Johnson đã khiến nhiều người ủng hộ và nhiều chính trị gia thất vọng, bị coi như là đã chấm dứt con đường chính trị, theo New York Times.
Nhà báo Fraser Nelson đánh giá: “Bổ nhiệm ông Boris Johnson làm Ngoại trưởng có thể là bước đi khôn khéo nhất trong các lựa chọn tối nay của bà Theresa May. Công việc của ông Johnson có thể sẽ trở thành một trong những công việc quan trọng nhất của quá trình Brexit: quảng bá về nước Anh ra thế giới.”
Video đang HOT
Nhiều người cho rằng bà May đã rất khôn ngoan khi lựa chọn những người ủng hộ Brexit giữ vai trò chủ chốt
Sau khi đến dinh thủ tướng ở số 10 phố Downing, tân Thủ tướng May, 59 tuổi nhấn mạnh cam kết sẽ giúp đỡ những người thiệt thòi và chiến đấu để “đốt cháy sự bất công”. Bà May cũng hứa sẽ hướng tới một nền kinh tế có lợi cho tất cả mọi người.
“Khi rời Liên minh châu Âu, chúng ta sẽ xây dựng một vai trò mới, tích cực và táo bạo cho chính mình trên thế giới. Và chúng ta sẽ làm cho nước Anh là một quốc gia không chỉ vận hành cho những bên có đặc quyền, mà là cho tất cả mọi người”, bà May nói, đứng cạnh chồng Philip bên ngoài văn phòng.
Một sự bổ nhiệm khác đáng chú ý là David Davis, một cựu bộ trưởng châu Âu và một người theo chủ nghĩa phản đối EU, sẽ dẫn đầu một bộ phận mới, chịu trách nhiệm về các thủ tục Anh rời EU. Còn Liam Fox, cựu bộ trưởng quốc phòng, sẽ chịu trách nhiệm về thương mại quốc tế.
Nhiều người đánh giá việc đặt những mục tiêu quốc tế quan trọng vào tay những người ủng hộ Brexit có lẽ là một động thái khôn ngoan của bà May, người theo bên Anh ở lại EU.
Theo Danviet
Nơi hoảng loạn nhất nước Anh sau khi bỏ phiếu rời EU
Sau khi tự quyết định rời EU, một trong những hạt nghèo nhất của nước Anh đang lo sốt vó vì chợt nhận ra nguy cơ mất trắng khoản trợ cấp lên tới 60 triệu bảng mỗi năm của EU.
Khoảng 52% người dân Vương quốc Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU
Thứ 5 tuần trước, trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit nước Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu EU, 56% cử tri ở hạt Cornwall đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU. Đây cũng là một quyết định được ủng hộ bởi đa số thành viên của chính quyền hạt.
Nhưng chỉ một ngày sau đó, người dân Cornwall đã tự đặt ra câu hỏi: "Chúng ta vừa làm gì vậy?"
Hạt Cornwall, Vương quốc Anh phụ thuộc rất nhiều vào 60 triệu bảng Anh tiền trợ cấp của EU mỗi năm, chủ yếu để sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng tài chính và giáo dục. Hiện, sau cuộc trưng cầu dân ý, các quan chức của hạt đang hoảng loạn. Họ lo sợ điều tồi tệ sẽ xảy ra trong tương lai của hạt và tự hỏi tại sao một trong những quận phụ thuộc nhất vào EU lại bỏ phiếu chống lại EU và số tiền trợ cấp của liên minh.
Hạt Cornwall, một trong những vùng nghèo nhất nước Anh, khả năng sẽ mất đi khoản trợ cấp quý giá từ EU
"Giờ thì chúng ta biết rằng Anh sẽ rời E.U. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước khẩn cấp để đảm bảo Chính phủ Vương quốc Anh sẽ bảo vệ vị trí của Cornwall trong bất kỳ cuộc đàm phán nào", lãnh đạo hội đồng hạt Cornwall, ông John Pollard phát biểu trên trang web của chính quyền Cornwall.
"Chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu Cornwall phải nhận được một khoản đầu tư tương đương với chương trình của EU", ông ám chỉ tới khoản đầu tư trung bình 60 triệu bảng mỗi năm trong suốt thập kỉ qua.
Cornwall khó có thể đủ khả năng "hoạt động" mà không có khoản chuyển nhượng hàng năm này của EU hoặc khoản bồi thường tương đương của chính phủ Anh. Hạt Cornwall với hơn 500.000 người được coi là một trong những vùng nghèo nhất của nước Anh, và các chuyên gia nói rằng việc cắt giảm tài trợ này có thể trở thành thảm họa.
Việc mất đi 60 triệu bảng Anh tiền trợ cấp có thể trở thành một thảm họa
Một nghiên cứu năm 2014 thực hiện bởi cộng đồng nghiên cứu Civitas cho thấy các hạt nghèo khó như Cornwall sẽ là những nơi bị tổn thương nhất do Brexit. Liên minh châu Âu EU đặc biệt chú ý hỗ trợ các vùng nghèo của các nước thành viên.
Tuy nhiên, lời cảnh báo này đã không ngăn được người dân Cornwall bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU.
Chiến dịch kêu gọi Anh rời EU đã trấn an người dân hạt Cornwall sẽ không mất bất kì một khoản trợ cấp nào nếu rời EU. Tuy nhiên, các quan chức Cornwall đang lo lắng rằng sự bảo đảm này có thể chỉ là những lời hứa "suông".
"Trước cuộc trưng cầu, chúng tôi đã được trấn an bởi những người kêu gọi rời EU. Họ nói rằng việc Anh rời EU sẽ không ảnh hưởng đến sự tài trợ của EU vốn đã được phân bổ cho Cornwall," Hội đồng hạt viết trong một tuyên bố hôm thứ 6. "Chúng tôi đang tìm kiếm xác nhận khẩn cấp từ Bộ trưởng".
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố
Lo ngại của quan chức Cornwall không phải là vô lý: Chỉ vài giờ sau khi thuyết phục người Anh bỏ phiếu cho Brexit, lãnh đạo đảng Độc lập Anh Quốc, Nigel Farage, đã thể hiện sự không chắc chắn về những lời hứa như vậy có được thực thi hay không.
Theo Dan viet