Vua nhà Nguyễn gả con gái như thế nào?
Công chúa đông quá, nhiều khi gả không kịp, nhất là khi Hoàng tộc có tang, phải chờ mất mấy năm, khiến các công chúa đều đã cứng tuổi cả.
Vào triều Nguyễn, công chúa lấy chồng được gọi là “hạ giá”, tức là gả xuống, hạ xuống mà lấy chồng. Bởi thân là hoàng đế, cha của các nàng tất nhiên không tìm được nhà thông gia nào ngang hàng với mình, công chúa do đó cũng chẳng tìm được người chồng thực sự môn đăng hộ đối, lấy ai thì cũng là hạ giá mà thôi.
Công chúa cũng có thể thành gái già
Theo quy định của nhà Nguyễn, các công chúa đến tuổi 16 thì phải tìm nơi để gả. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi các cô gái cành vàng lá ngọc đã ngoài 20 tuổi mà vẫn chưa có nơi có chốn.
Nguyên nhân thường gặp là trong Hoàng tộc có tang. Với các đại tang như vua, hoàng phi, hoàng thái phi mất, thời gian để tang là 3 năm. Hoàng gia thì đông, nên đám tang cũng lắm, nhiều khi có đại tang liên tục, khiến hàng loạt công chúa đã đến tuổi lấy chồng nhưng chuyện cưới xin đành “ách” lại.
Ảnh minh họa
Chẳng hạn, năm 1846, dưới thời vua Thiệu Trị, Thuận Thiên Cao hoàng hậu (vợ thứ của vua Gia Long, thuộc hàng bà nội đương kim hoàng đế) qua đời. Ngay năm sau, chính vua Thiệu Trị cũng băng hà. Nghĩa là những công chúa chưa lấy chồng từ trước năm 1846 sẽ phải đợi đến năm 1850 mới được hạ giá. Vào thời gian trước khi Thuận Thiên Cao hoàng hậu mất, có đến vài chục hoàng nữ, con gái của vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị ở tuổi trăng tròn. Và khi thời gian tang chế qua đi, họ đã 20 tuổi.
Video đang HOT
Vào thời ấy, đó đã là tuổi ế chồng nếu là con gái dân thường. Tuy nhiên, là con vua nên kiểu gì rồi họ cũng được người ta tìm cho một tấm chồng. Có điều, theo quy định, chỉ những công tử con đại thần từ nhị phẩm trở lên mới được đưa vào danh sách ứng cử viên con rể vua.
Đó là chưa kể các chàng trai còn phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn như chưa vợ, mặt mũi sáng sủa, cơ thể không có dị tật, thông minh, có học, tuổi phải lớn hơn hoặc bằng công chúa và ngày giờ sinh cũng phải phù hợp. Tuy nhiên, khi công chúa đã 20 tuổi, thậm chí già hơn, mới được lấy chồng thì các chàng trai bằng tuổi cô phần nhiều đã có vợ mất rồi.
Nhiều khi, số chàng trai độc thân trong độ tuổi phù hợp còn ít hơn cả số công chúa cần lấy chồng, vì thế người ta phải hạ tiêu chuẩn xuống, đưa vào danh sách ứng viên các công tử nhà quan tam phẩm.
Một khi phải tổ chức quá nhiều đám cưới cho công chúa, lại trong tình trạng gấp gáp như thế, việc tuyển lựa chú rể cũng không còn quá khắt khe. Nếu như bình thường, sau khi loại bớt những người kém hơn, người ta sẽ lựa ra dăm người để các quan lo hôn sự gặp mặt “phỏng vấn” rồi lựa ra vài người cho đức vua lựa chọn thì trong tình huống này, họ cũng chỉ chọn quấy quá cho xong.
Theo thống kê, trong số 64 hoàng nữ của vua Minh Mạng, độ tuổi hạ giá trung bình là 21 – 24, quá già so với tuổi xuất giá của con gái thường dân.
Đám cưới công chúa có gì lạ?
Khi công chúa đến tuổi lấy chồng, một danh sách ứng viên phò mã được lập để trình lên vua, trong đó kê chi tiết tên họ, quê quán, tuổi… của các chàng trai. Vua chọn ra một vị hoàng thân làm Chủ hôn và một đại thần làm Chiếu liệu (đứng ra tổ chức lễ cưới), đều là những người đạo cao đức trọng, gia đình phúc lộc song toàn. Hai vị này không chỉ chọn ra những ứng viên ưu tú nhất cho vua duyệt mà còn lo liệu cho đến khi lễ cưới tổ chức xong trong ngày lành mà họ chọn.
Tái hiện đám cưới của công chúa triều Nguyễn tại cung Trường Sanh (Đại nội Huế) ngày 10/4/2012. Ảnh: Tuoitre.vn.
Theo quy định thời Minh Mạng, để cưới được công chúa, nhà trai phải đưa 6 lễ: nạp thái (lễ hỏi), vấn danh (hỏi tên tuổi đôi trẻ), nạp cát (báo tin tuổi hai người đều tốt), nạp trưng (báo ngày cưới), thỉnh kỳ (xin ngày cưới), điện nhạn (nộp lễ rước dâu), trong đó 2 lễ lớn nhất là vấn danh và điện nhạn, vì lễ vật ngoài các thứ khác phải có 20 lạng vàng và 100 lạng bạc.
Các đời sau, lễ thỉnh kỳ được bỏ nhưng lại thêm lễ thân nghinh (rước dâu) ở khâu cuối cùng, quy định về lễ vật cũng thay đổi tùy triều vua. Hồi đầu, 6 lễ được tiến hành trong 6 ngày khác nhau, khiến hôn sự kéo dài nên về sau, tất cả được gói gọn trong 3 ngày.
Ngay khi được vua chấm làm rể, vị hôn phu của công chúa được cấp một số tiền lớn để lập phủ đệ, mua sắm đồ đạc sao cho xứng với nơi ở của con vua. Công chúa cũng được cấp hồi môn từ 20.000 – 50.000 quan tiền, tùy địa vị của nàng ta (là con của chính cung hay phi tần, con đầu lòng hay con thứ). Đây là số tiền rất lớn bởi ngay cả lương bổng của hoàng quý phi – vợ chính của vua – cũng chỉ có 1.000 quan mỗi năm.
Vào ngày rước dâu, công chúa đội mũ phượng, mặc áo bào và xiêm đều màu đỏ, thêu hoa tròn và chim phượng, đi hài đỏ thêu phượng, theo nữ quan đến hầu vua cha và hoàng phi để bái biệt và nhận những lời giáo huấn, rồi bước ra ngoài, nơi phò mã đợi sẵn, tự tay vén rèm kiệu hoa mời công chúa bước lên. Đoạn, phò mã cưỡi ngựa che lọng đi trước, dẫn đường cho đoàn rước với 300 binh sĩ mặc nhung phục chỉnh tề, cầm cờ quạt, nghi trượng vô cùng tráng lệ. Hộ tống kiệu công chúa có các nữ quan và thị nữ. Về đến phủ đệ, sau khi làm lễ tơ hồng, đôi tân hôn vào phòng làm lễ hợp cẩn. Họ uống rượu trong hai cái chén được làm bằng hai nửa của cùng một quả bầu.
Đám cưới cuối cùng của công chúa nhà Nguyễn được tổ chức năm 1907, cô dâu là công chúa Châu Hoàn, con gái vua Dục Đức, em gái vua Thành Thái. Từ đó cho đến khi triều Nguyễn sụp đổ năm 1945, không có thêm công chúa nào hạ giá nữa.
Làm phò mã có sướng không?
Lấy được công chúa là kết thúc có hậu, đáng mơ ước nhất cho các nhân vật nam trong chuyện cổ tích, và cũng là mơ ước của đa số đấng nam nhi trong dân gian. Tuy nhiên, các công tử nhà đại thần – đối tượng được chọn làm phò mã – không phải ai cũng muốn làm rể vua.
Tái hiện cảnh đám cưới của công chúa triều Nguyễn. Ảnh: Laodong.com.vn.
Thứ nhất, tuy người lấy công chúa được ban cho chức Phò mã đô úy, hàm tam phẩm, được cấp 50 lính hầu, nhưng anh ta chỉ ngồi không ăn lương chứ chẳng có thực quyền. Phủ đệ tuy to lớn nhưng người ta cũng chỉ biết đó là phủ bà chúa chứ ít ai bảo đó là nhà ông phò mã X, Y nào.
Trong khi đó, lấy phải bà vợ có thân phận cao quý hơn mình, phò mã phải chịu bao nhiêu thiệt thòi, mà đáng chán nhất là không được lấy thêm vợ, trừ khi bà chúa không thể sinh con. Trong cái thời mà đàn ông năm thê bảy thiếp, chàng ta lại là con đại thần, tiền và quyền đều không thiếu, mà phải chịu nhịn như thế thì thật quá ấm ức. Đó là chưa kể, lấy vợ công chúa, chàng ta không thể ngược đãi, hắt hủi vợ như lấy con nhà khác, cho dù có chán ghét thì vẫn phải ra vẻ tôn trọng.
Lại nữa, ngay trong chuyện cưới xin, những người đàn ông làm rể hoàng gia đã phải chịu thiệt thòi. Nào là phải dập đầu tạ ơn bố mẹ vợ, nào là cung kính mời vợ lên, xuống kiệu hoa. Ngay bố mẹ chàng ta cũng phải chịu thiệt bởi sau hôm hợp cẩn, khi ra mắt bố mẹ chồng, nàng dâu đứng ở phía tây lạy 4 lạy thì bố mẹ chồng đứng ở phía đông cũng phải đáp lễ bằng 2 vái. Trong cuộc sống sau này, có nhiều cuộc vui giao tế liên quan đến Hoàng tộc, công chúa được mời còn phò mã thì không.
Nhiều khi, chính các công tử con quan đại thần bị “ép gả” cho công chúa, nhất là với các nàng công chúa quá lứa do hoàn cảnh đặc biệt như đã nói ở trên. Công tử nhà quan đại thần thừa sức lấy vợ trẻ đẹp mà vẫn con nhà danh giá, nay bị ép lấy một phụ nữ đã ngoài 20 tuổi, nhiều khi nhan sắc cũng không lấy gì làm khá, cộng thêm một cuộc đời gò bó, làm cái bóng của vợ, thì quả là không bất hạnh nào bằng. Nhưng một khi đã bị chấm thì có ăn gan trời cũng không dám từ chối, vì thế nhiều chàng trai khi biết mình có khả năng lọt vào danh sách ứng cử viên đã giở chiêu chu du thiên hạ, đi thật xa để dù có bị ghi tên cũng không vào được “vòng phỏng vấn”
Phan Trần
Theo Kiến thức