Vừa mở cửa, tiệm tóc ở 15 phường của TP Thủ Đức phải tạm ngừng
Thuộc vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam) nên hàng loạt tiệm cắt tóc, phòng gym, trung tâm thương mại,… thuộc 15 phường của TP Thủ Đức (TP.HCM) phải tạm ngừng hoạt động.
Ngày 4/10, chị N.H. phải tạm đóng cửa salon tóc trên đường số 11 (phường Linh Xuân, TP Thủ Đức), do nơi chị sống thuộc vùng cam (vùng dịch cấp độ 3). Chưa kịp mừng vì được mở cửa lại sau nhiều tháng tạm ngưng, chị H. phải thông báo với khách hàng quen chờ đợi thêm thời gian để được phục vụ.
Theo văn bản đánh giá cấp độ dịch của UBND TP Thủ Đức vừa ban hành, địa phương này phân chia 34 phường theo 2 vùng.
Việc này dẫn đến hàng loạt cửa tiệm đã mở cửa nhận khách được một vài ngày thì phải đóng cửa ngay. Các chủ cửa hàng bị động không xoay xở kịp và lo lắng mất khách.
Nhiều hoạt động bị tạm dừng
Dựa vào văn bản, cấp độ 3 (vùng cam) có 15 phường, gồm: Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, An Phú, Cát Lái, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Phước Long B, Hiệp Bình Chánh, Bình Chiểu, Tam Bình, Linh Trung, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Xuân. 19 phường còn lại thuộc cấp độ 2 (vùng vàng).
Trung tâm thương mại tại nhiều quận ở TP.HCM đã mở cửa lại phục vụ người dân. Trong khi đó, một số nơi tại TP Thủ Đức, hoạt động này vẫn chưa được phép mở cửa. Ảnh: Phương Lâm.
Đối với những phường thuộc vùng dịch cấp độ 3, trung tâm thương mại, cơ sở cắt tóc, gội đầu, thể dục thể thao (gym, yoga,…), đám cưới, đám tang, dịch vụ kính thuốc, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, dịch vụ làm răng giả, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm,… phải tạm dừng hoạt động. Các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống chỉ kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Những phường thuộc vùng dịch cấp độ 2 (vùng vàng), thì cơ sở cắt tóc, gội đầu, thể dục thể thao (gym, yoga,…) được hoạt động tối đa 30% công suất và tối đa 5 người tại cùng một thời điểm. Các hoạt động đám tang, đám cưới, hội họp, ngoài trời được hoạt động với số lượng người giới hạn.
Video đang HOT
Chung hoàn cảnh với chị N., salon tóc của anh Lê Anh Tuấn đặt cạnh chung cư Citihome (phường Cát Lái) cũng đóng cửa 2 hôm nay. Anh Tuấn và 5 nhân viên trong tiệm đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19, dự định khi hoạt động sẽ đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Nhưng chỉ mở cửa nhận khách được vài giờ thì tiệm phải tạm dừng.
Với những khách hàng đã đặt lịch cắt tóc từ trước, anh Tuấn phải nhắn tin xin lỗi vì không thể phục vụ tiếp và hẹn ngày quay trở lại. Mỗi ngày qua đi, anh phải chi hơn 1 triệu đồng trả phí mặt bằng và khoản lương hỗ trợ nhân viên. Từ khi đóng cửa đến nay, anh Tuấn phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng để bù lỗ trong khi nguồn thu bằng 0.
“Khách hàng không làm được ở tiệm họ sẽ tới những nơi khác được mở cửa để làm chứ không chờ mình. Nếu không đảm bảo cuộc sống cho nhân viên thì họ cũng không gắn bó. Tôi thực sự khó khăn và bị động trước việc này”, anh Tuấn nói.
Anh Lê Thành Dương (26 tuổi, chung cư The Sun Avenue, phường An Phú) chia sẻ hiện chung cư đã tháo hết rào chắn, mọi người có thể đi lại trong nội khu nhưng vẫn chưa nghe thông báo về hoạt động phòng gym và các tiện ích khác. Hai ngày trước, anh Dương đặt lịch cắt tóc ở một salon gần nhà hẹn hôm nay sẽ đi cắt tóc nhưng tiệm vừa thông báo đóng cửa.
Đại diện Ban quản trị chung cư Lexington Residence (phường An Phú) cũng thông báo các tiện ích nội khu hiện vẫn chưa mở cửa lại để đảm bảo an toàn phòng dịch.
“Tiệm tóc, phòng gym, khu tiệc nướng BBQ, hồ bơi, khu vui chơi trẻ em,… là những tiện ích cư dân mong chờ hoạt động nhưng tạm thời đóng cửa. Phải chờ thêm một hoặc hai tuần để chính quyền địa phương đánh giá tình hình dịch rồi mới có phương án tiếp theo”, người này nói.
Người dân mong khoanh vùng dịch hẹp hơn
Trước thông tin này, người dân sinh sống tại vùng cam cũng cho biết gặp một số bất tiện.
Chị Hiến Thu (24 tuổi, ngụ phường Linh Trung) dự định đến phòng gym gần nhà để tập lại nhưng hiện vẫn chưa mở cửa. Chị đã đóng phí theo năm với giá vài triệu đồng, nên đang chờ thông báo từ phòng gym để đi tập lại.
“Mới hôm qua tôi đi ngang thấy tiệm đã lau chùi chuẩn bị. Sáng nay chạy tới nơi thì thấy vẫn chưa hoạt động. Tôi nghĩ nên khoanh vùng dịch theo quy mô nhỏ hơn chứ cấp phường như hiện nay thì người dân sẽ gặp khó”, chị Thu nói.
Nhiều thợ cắt tóc mặc bảo hộ kín mít để làm việc khi TP.HCM cho mở cửa trở lại. Ảnh: Phương Lâm .
Chị Hoàng Lan (28 tuổi, ngụ phường Tam Phú) đã đặt lịch với phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ để chữa bệnh nhưng nơi này đã gọi hủy lịch vì TP Thủ Đức chưa cho phép hoạt động.
“Tôi đã xin nghỉ hôm nay để đi chữa da nhưng cuối cùng lại báo đóng cửa đột ngột. Mong là các hoạt động sớm hoạt động lại để tạo thuận tiện cho người dân”, chị Hoàng Lan nói.
Ở chiều ngược lại, chị Tiên Lê (32 tuổi, phường Linh Trung) cho biết chưa sẵn sàng hớt tóc, gội đầu hay tới trung tâm thương mại ngay. Chị Lê vẫn tập luyện yoga tại nhà hàng ngày dưới sự hướng dẫn online của huấn luyện viên.
Chỉ khi nhận đồ từ shipper hay đi siêu thị, cô gái này mới ra khỏi nhà. Đối với chị Lê, siêu thị cho phép người dân vào mua, các tiệm sửa xe hoạt động lại đã giúp giải quyết những nhu cầu tối thiểu của bản thân.
“Mỗi ngày vẫn còn hàng nghìn ca bệnh nên tôi con lo ngại. Nên mở cửa thận trọng chứ không ồ ạt để chống dịch hiệu quả”, chị Tiên bày tỏ.
UBND TP Thủ Đức thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch sẽ được tiến hành định kỳ hàng tuần. Tùy theo tình hình, địa phương sẽ tiếp tục áp dụng hoặc điều chỉnh mức độ để triển khai phục hồi các hoạt động kinh tế tại các phường cho phù hợp.
Thợ cắt tóc, phục vụ quán bia được hỗ trợ 1,5 triệu đồng
Thành phố sẽ hỗ trợ lao động tự do 1,5 triệu đồng mỗi người, chi trả tiền mặt dựa trên danh sách được phê duyệt.
Nội dung trên nằm trong kế hoạch hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn vừa được UBND thành phố ban hành.
Người được hỗ trợ phải đủ 15 tuổi trở lên, cư trú hợp pháp và bị mất việc làm do tạm dừng hoạt động theo quyết định chống dịch của thành phố, từ 1/5 đến 31/12/2021; lao động tự do bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
Tiệm cắt tóc vỉa hè nhộn nhịp hồi cuối tháng 6 khi Hà Nội cho mở lại một số dịch vụ. Ảnh: Giang Huy
Từ ngày 30/4 đến 18/7, Hà Nội ban hành 7 văn bản chống dịch, tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh không thiết yếu. Các nhóm lao động tự do được hỗ trợ tương ứng nằm rải rác trong các quyết định này.
Theo đó, nhân viên quán karaoke, bar, vũ trường, game; phục vụ quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè; người làm việc trong các cửa hàng ăn uống quanh Viện K Tân Triều và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh) khi hai nơi này bị phong tỏa; phục vụ nhà hàng bia, quán bia, bia hơi; nhân viên nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ bị mất việc khi thành phố chỉ cho bán ăn uống mang về; nhân viên cắt tóc, gội đầu; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng theo Công điện 15 hôm 18/7...
Người lao động lập hồ sơ theo mẫu gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Hồ sơ gồm có đơn đề nghị hỗ trợ; bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp. Đơn đề nghị hỗ trợ gồm những thông tin cơ bản như tên tuổi, quê quán, số căn cước, công việc chính, nơi làm và thời điểm mất việc. Người lao động có thể chọn hình thức nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, bưu điện hoặc chi trả trực tiếp.
Nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại.
Tối đa 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, chính quyền hai cấp xã, huyện phải rà soát, thẩm định và chi trả tiền tới tay người lao động. Danh sách người đủ điều kiện được niêm yết công khai. Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2022.
Nhân viên một quán bia ở Hà Nội khi chưa xuất hiện dịch Covid-19. Ảnh: G iang Huy
Từ cuối tháng 5 đến nay, Hà Nội hai lần tạm dừng hoạt động cơ sở ăn uống, chỉ cho bán mang về; quán cắt tóc, gội đầu. Lần thứ nhất ngày 25/5 và mở cửa trở lại ngày 22/6. Lần thứ hai hôm 13/7 cho đến khi có thông báo mới. Quán bia, ăn uống vỉa hè, cơ sở massage, rạp chiếu phim, spa, gym hơn hai tháng qua chưa được mở cửa. Lao động tự do là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc tạm dừng này.
Chính phủ hôm 1/7 tung gói an sinh 26.000 tỷ đồng với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch. Lao động tự do nằm trong nhóm cuối cùng, được giao về cho các tỉnh thành tự hỗ trợ trên cơ sở cân đối ngân sách, song không thấp hơn 1,5 triệu đồng hoặc 50.000 đồng một ngày.
Giãn cách xã hội, có những người thợ cắt tóc theo cách đặc biệt Dù công việc chịu ảnh hưởng nặng nề vì lệnh giãn cách nhưng những người thợ cắt tóc luôn sẵn sàng mặc đồ bảo hộ hớt tóc miễn phí cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều người trong lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch vui mừng khi được cắt tóc. Ảnh TUYẾT HẠNH CUNG CẤP Ấm lòng nghĩa tình...