Vua Khải Định – Người làm mới kiến trúc cung đình Huế
Xung quanh Vua Khải Định, vị Hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn, ở ngôi từ 1916-1925, các quan điểm đánh giá khá phức tạp, không đồng nhất.
Dẫu vậy, càng ngày người ta càng nhận ra và phải công nhận rằng, những công trình xây dựng mà Vua Khải Định để lại đều là những công trình có giá trị rất đặc biệt về kiến trúc, mỹ thuật. Đó thực sự là những di sản rất quý, góp phần làm nên sự phong phú, độc đáo của kho tàng di sản văn hóa Huế. Hơn thế, Vua Khải Định chính là người “làm mới” kiến trúc cung đình Huế theo một cách rất riêng.
Tượng đồng Vua Khải Định trong đình Trung Lập (Cung An Định)
Quần thể kiến trúc cung đình Huế được bảo tồn hiện nay chủ yếu đều là kiến trúc thời Nguyễn (1802-1945); tháng 12.1993, quần thể kiến trúc này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Kiến trúc cung đình Huế vừa mang bản sắc văn hóa kiến trúc truyền thống Việt Nam, vừa có những đặc điểm chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây, đặc biệt là một số công trình kiến trúc được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Và vua Khải Định (1916-1925), chính là người có vai trò đặc biệt trong vấn đề này. Ông đã làm mới kiến trúc cung đình Huế.
Hoàng đế Khải Định trên ngai vàng.
*
Vua Gia Long (1802-1820) là vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn. Trong công cuộc phục quốc và thống nhất đất nước cuối thế kỷ XIX, ông đã tiếp cận và có phần dựa vào thế lực quân sự của người Pháp để đánh bại đối thủ (triều Tây Sơn, 1788-1801). Vì vậy, ông là người hiểu biết khá sâu sắc về sức mạnh quân sự của phương Tây, bao gồm cả các loại vũ khí, thuyền chiến, thành trì… Cũng chính vua Gia Long là người cho áp dụng kiểu thành quân sự Vauban của phương Tây vào việc xây dựng Kinh thành Huế (khởi công vào năm 1805, hoàn thành năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng).
Kinh thành Huế được xây bằng gạch đá và đắp đất ở bên trong, bình diện gần như hình vuông, mỗi cạnh hơn 2,2km, chu vi 10km, có 24 pháo đài chia đều ở 4 mặt, trên thành có tường bắn, pháo nhãn để đặt đại bác phòng ngự, ngoài có phòng lộ, hào hộ thành, thành giai, sông hộ thành bao quanh. Kinh thành Huế thể hiện đặc điểm kiến trúc thành Vauban rất rõ, tuy nhiên, tất cả đều sử dụng vật liệu truyền thống, kể cả cách thức xây dựng. Vì vậy có thể nói, cho đến cuối thế kỷ XIX, kiến trúc cung đình Huế vẫn chủ yếu mang bản sắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, ít chịu ảnh hưởng kiến trúc phương Tây.
Tháng 7 năm 1885, quân đội Pháp chiếm trọn kinh đô Huế sau khi cuộc phản công của triều đình Nguyễn do phe chủ chiến khởi xướng thất bại. Người Pháp đưa vua Đồng Khánh, một vị vua trẻ có xu hướng thân phương Tây lên làm vua. Vua Đồng Khánh trị vị được gần 4 năm (1885-1888), từ thời điểm này trở đi đến thời các vua Thành Thái (1889-1906) và Duy Tân (1907-1915), do ảnh hưởng của người Pháp và văn minh phương Tây, một số công trình kiến trúc được tái thiết hay xây dựng mới đã bắt đầu sử dụng vật liệu nhập khẩu từ phương Tây, đặc biệt là những công trình do người Pháp xây dựng theo phong cách kiến trúc thuộc địa ở bờ nam sông Hương, đối diện với kinh thành Huế như khách sạn Morin, cầu Trường Tiền, nhà Ga xe lửa Huế, trường Quốc học… Công trình đầu tiên của kiến trúc cung đình chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc thuộc địa là Cơ Mật Viện, xây dựng năm 1903, sau đó là phủ Phụ Chính (1906-1907)…
Lăng Vua Khải Định (Ứng lăng).
Tuy nhiên, phải từ thời vua Khải Định (1916-1925) trở đi, các công trình sử dụng vật liệu mới và chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc phương Tây mới trở nên phổ biến. Vua Khải Định là vị hoàng đế đầu tiên sử dụng vật liệu xây dựng nhập khẩu từ phương Tây như xi măng, sắt thép, ngói đá Ardoise, đĩa bát gốm sứ phương Tây vào xây dựng lăng mộ của Vua cha (tức vua Đồng Khánh) và ông nội (Kiên Thái Vương). Ông cũng dùng vật liệu mới để xây dựng các công trình kiến trúc bên trong Hoàng cung như cửa Chương Đức (1921), cửa Trường An-cung Trường Sanh (1921), cửa Hiển Nhơn (1923), lầu Kiến Trung (1921-1923)… Một văn bản của Bộ Công năm Khải Định thứ 2 (1917) còn cho biết, triều đình đã dùng xi măng để đúc các ống cống cho các thủy khẩu của Kinh thành và tu bổ các cổng, tường thành. Ảnh tư liệu do người Pháp chụp trong giai đoạn này còn cho thấy, bờ kè hào Kim Thủy Ngoại trước cửa Ngọ Môn đã dùng vữa bê tông để trùng tu, thay vì sử dụng kiểu xếp đá khan không vữa như trước đó (ảnh tư liệu). Nghĩa là vật liệu hiện đại đã được triều Nguyễn sử dụng để xây dựng tu bổ công trình, chỉnh trang đô thị.
Video đang HOT
Cửa Trường An của cung Trường Sanh.
Điện Kiến Trung (bản vẽ phục hồi).
Đặc biệt, từ năm 1917-1918, vua Khải Định đã cho xây dựng một biệt cung ở bờ nam sông Hương, bên bờ sông An Cựu (một chi lưu của sông Hương), đó là cung An Định, mang phong cách của một lâu đài châu Âu. Đây là công trình có quy mô lớn nhất (tổng diện tích cung hơn 23.400m2), kết cấu hoàn chỉnh nhất so với toàn bộ các công trình xây dựng theo phong cách mới thời bấy giờ. Khi hoàn chỉnh, cung An Định bao gồm các công trình: Bến thuyền, cổng cung, đình Trung Lập và hoa viên tiền sảnh, Khải Tường Lâu, nhà hát Cửu Tư Đài, Nhà ngang, chuồng thú, hồ nước và vườn sau. Các công trình bố trí theo một trục dọc, hoặc đăng đối qua đường Dũng đạo theo phong cách cung đình. Có thể nói, sự ra đời của cung An Định đã đánh dấu mốc mở đầu thời kỳ lịch sử mỹ thuật Huế tiếp xúc và chịu ảnh hưởng Tây phương, thường được gọi là thời Tân cổ điển (néo – classique).
Bên trong Khải Tường Lâu- cung An Định.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của Tây phương song mỹ thuật Huế với tư cách là một trung tâm mỹ thuật thời Nguyễn nổi tiếng vẫn giữ gìn và tiếp tục phát huy những nội dung và tính chất mỹ thuật truyền thống của dân tộc. Cung An Định đã chứng tỏ cho thấy rõ điều này không chỉ ở tổng thể công trình kiến trúc mà còn ở từng chi tiết trang trí ở nội và ngoại thất.
Bài “Cung quy tổng xuất ngự chế” của nhà vua biên soạn được đắp nổi ngay trên bình phong của tòa Khải Tường Lâu.
Là cung điện quy mô và tiêu biểu nhất của thời Khải Định, dù ảnh hưởng sâu sắc của kiến trúc lâu đài phương Tây nhưng công trình này vẫn mang phong cách kiến trúc- mỹ thuật cung đình thời Nguyễn với kiểu bố cục đăng đối, có trục dũng đạo theo hướng bắc-nam và kiểu bố trí “tiền cung hậu uyển” (phía trước là cung điện, phía sau là vườn), các mô típ và chi tiết trang trí vẫn sử dụng kiểu truyền thống với tứ linh, tứ quý, bát bửu, bát tiên…
Cung An Định và các công trình kiến trúc thời Khải Định được giới thiệu trong bản tham luận của TS. Phan Thanh Hải tại Đại học Tokyo, tháng 3.2019.
Đình Trung Lập và cửa chính cung An Định.
Bên cạnh cung An Định thì thời Khải Định còn có khu lăng mộ của chính vị hoàng đế này, đó là Ứng Lăng. Khu lăng tẩm này từ quy hoạch, bố trí các công trình đến sử dụng vật liệu xây dựng đều khác hẳn các lăng tẩm Hoàng gia trước đó. Công trình thuộc đất làng Châu Chữ, thị xã Hương Thủy, được khởi công năm 1920, đến năm 1931 mới hoàn thành. Tuy công trình không phải hoàn thành trong thời vua Khải Định nhưng toàn bộ ý tưởng quy hoạch, bố trí công trình kiến trúc, hình thức trang trí đều từ ý tưởng của vị hoàng đế này. Ứng lăng (thường gọi là Lăng Khải Định) có diện tích 6.000m2 (60×100m), tọa lạc trên sườn một ngọn núi cao, được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông, sắt thép, vôi vữa, sành sứ và một số vật liệu ngoại nhập, gần như không sử dụng vật liệu gỗ. Nhìn từ xa tới, khu lăng tẩm này trông giống như một tòa lâu đài của châu Âu. Có thể nói, Ứng lăng là một biến tấu độc đáo trong hệ kiến trúc lăng tẩm hoàng gia thời Nguyễn.
Tượng đồng Vua Khải Định tại Ứng lăng.
*
Kiến trúc phương Tây đã ảnh hưởng vào kiến trúc cung đình Huế từ đầu thế kỷ XIX nhưng mới là ở kiến trúc quân sự, phải từ đầu thế kỷ XX thì mới có ảnh hưởng rõ ràng đến đến kiến trúc cung điện. Vua Khải Định là tác giả của nhiều công trình kiến trúc mang ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây, từ cổng cửa, cung điện đến lăng tẩm hoàng gia. Có thể khẳng định, ông chính là người đã làm mới kiến trúc cung đình Huế cả về vật liệu, phong cách kiến trúc, tư duy mỹ thuật… nhưng vẫn kế thừa khéo léo những tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Ở một góc nhìn khác ta có thể thấy, sự ảnh hưởng kiến trúc phương Tây đối với kiến trúc cung đình Huế đã tạo ra một loại hình kiến trúc khá đặc biệt (Tân cổ điển). Đây là một di sản quý trong di sản văn hóa của cố đô Huế, cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị./.
Kiến trúc chùa Việt cổ trong quần thể tâm linh bên vịnh Hạ Long
Nằm trên đỉnh Ba Đèo (Hạ Long, Quảng Ninh), quần thể kiến trúc Phật giáo Bảo Hải Linh Thông Tự mang những nét kiến trúc chùa Việt cổ.
Bảo Hải Linh Thông Tự có vị trí độc đáo trên đỉnh Ba Đèo, giữa rừng thông xanh mướt và xa xa là vịnh biển. Nhờ vị thế độc tôn mà quần thể kiến trúc tâm linh này được Đại lão hòa thượng Thích Trí Tịnh - Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đích thân đặt tên là Bảo Hải Linh Thông Tự, với ý nghĩa: ngôi chùa linh thiêng nằm giữa đồi thông xanh mát, hay bảo vật trấn giữ cho thành phố biển Hạ Long được bình an, thịnh vượng. Từ quẩn thể, du khách có thể chiêm ngưỡng vịnh Hạ Long và toàn cảnh thành phố di sản nên thơ ôm ấp bởi núi và biển.
Nằm trên tổng diện tích 4.000m2, toàn bộ quần thể gồm các hạng mục: Tam quan, Lầu chuông, Lầu Khánh, Tam bảo, Nhà tổ, Nhà mẫu, hai bên hành lang tả vu, hữu vu, Ngũ Phương Bảo Tháp. Tất cả đều đậm nét kiến trúc chùa cổ Việt Nam thế kỷ 17, 18.
Toàn bộ công trình trong quần thể, trừ Ngũ Phương Bảo Tháp đều được làm bằng gỗ lim nhập khẩu, mang linh hồn của những ngôi chùa gỗ cổ xa xưa của người Việt.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống của cha ông với những đường nét tinh xảo là điểm nhấn làm nên giá trị của công trình này. Bộ khung gỗ mái dạng "giá chiêng, chồng rường" và các họa tiết trang trí, tạo hình hoa sen, vân mây được cách điệu, thể hiện óc sáng tạo, sự tài hoa và tỉ mỉ trong từng chi tiết của các nghệ nhân điêu khắc làm nên công trình này.
Hoa sen, hình ảnh tượng trưng cho sự thanh tao, thoát tục và triết lý của nhà Phật được chạm khắc trang trí trên cửa gỗ, các chân cột, và hệ thống cột trống trên xà cũng được đặt trên đấu sen. Biểu tượng lá sen hiện hữu trên các xà, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nghệ thuật tạo hình trang trí gỗ tinh tế tại quần thể tâm linh trên đỉnh Ba Đèo.
Ngũ Phương Bảo Tháp là điểm nhấn của quần thể này khi đặt giữa trung tâm, được tạo tác bằng đá hoa cương lắp ghép nguyên khối và thiết kế theo mô hình ngũ phương Phật, gồm 5 tháp, tượng trưng cho 5 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung tâm; 5 bộ: Bảo Bộ, Liên Hoa Bộ, Kim Cang Bộ, Nghiệp Bộ, Phật Bộ; 5 sắc: Xanh, Đỏ, Vàng, Trắng, Đen.
Trong đó, tháp trung tâm gồm 9 tầng, cao 25,2 mét, bên trong đặt tượng Phật và cột kinh cao 4 mét, được lấy theo mẫu cột kinh Phật có niên đại từ 1.000 năm trước tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình), với mong muốn nguyện cầu bình an cho muôn dân, cho đất nước... Bốn tháp xung quanh mỗi tháp gồm 5 tầng, cao 12,1 mét.
Điểm đặc sắc của Bảo Hải Linh Thông Tự là 106 pho được chế tác kỳ công, trong đó có 66 pho tượng đồng được tạo tác theo nguyên mẫu thờ tại các chùa cổ Bắc Bộ như chùa Bà Đá, Chân Tiên, chùa Vua, chùa Mía, chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
Những bức tượng được đúc theo công nghệ khuôn vỏ mỏng cầu kỳ bởi những nghệ nhân hàng đầu.
Với những giá trị kiến trúc, văn hóa, tâm linh quý giá và đậm truyền thống văn hóa người Việt, quần thể tâm linh trên núi Ba Đèo góp thêm một điểm nhấn độc đáo không thể bỏ qua cho du khách, trên hành trình du ngoạn điểm đến Quảng Ninh vốn đã nổi tiếng với các quần thể tâm linh linh thiêng, hấp dẫn bậc nhất miền Bắc.
Ai cũng nghĩ Dubai là một quốc gia giàu có bậc nhất, nhưng tất cả đã lầm Được biết đến là một trong những địa điểm xa xỉ bậc nhất thế giới, liệu Dubai ở ngoài đời thực có đúng như lời đồn? Có 7 tiểu vương quốc trong UAE với các chính quyền khác nhau. Thủ đô của UAE là thành phố Abu Dhabi, nhưng nơi đông người sinh sống nhất lại chính là Dubai. Dubai có 1.344 tòa...