Vua Jordan lên tiếng sau âm mưu soán ngôi của em trai
Vua Jordan tuyên bố cuộc nổi loạn đã bị dập tắt và ông đang “chăm sóc” em trai sau cáo buộc “âm mưu chiếm quyền”.
“Không gì diễn tả chính xác cảm giác của tôi lúc này, sốc, đau đớn, tức giận, trong vai trò là một người anh, người bảo vệ gia tộc Hashim và người lãnh đạo nhân dân”, Quốc vương Jordan Abdullah II viết trong bức thư được đăng trên hãng thông tấn nhà nước hôm 7/4 và được đọc trên truyền hình Jordan.
Đây là phát biểu đầu tiên của Quốc vương Abdullah II kể từ khi cựu thái tử Hamzah, em trai ông, bị cáo buộc âm mưu soán ngôi của anh. “Hamzah đang ở cùng gia đình mình trong cung điện của cậu ấy dưới sự chăm sóc của tôi”, ông nói tiếp, tuyên bố đất nước đã ổn định, an ninh được đảm bảo.
Vua Abdullah II phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters
Hamzah cam kết trung thành với anh trai hôm 5/4, sau khi cung điện tuyên bố Quốc vương đồng ý hòa giải.
Sóng gió trong hoàng gia Jordan nổi lên cuối tuần qua, khi hoàng tử Hamzah cáo buộc chính quyền giam lỏng ông tại nhà, còn chính phủ cho rằng Hamzah, người từng được vua cha sắc phong thái tử và là em cùng cha khác mẹ với Vua Abdullah II, có “âm mưu lật đổ Quốc vương”.
Vua Jordan cho hay ông đã quyết định giải quyết sự việc của Hamzah “trong nội bộ gia tộc Hashim”. “Những khía cạnh khác đang được điều tra theo quy định pháp luật”, ông nói.
Giới chức Jordan đã bắt 14-16 người liên quan tới âm mưu soán ngôi. Jordan cũng cấm tất cả các hãng tin tức và người dùng mạng xã hội xuất bản bất kỳ nội dung nào liên quan tới cuộc điều tra Hamzah.
Video đang HOT
Các nước láng giềng và đồng minh của Jordan, bao gồm Arab Saudi, bày tỏ đoàn kết với Quốc vương Abdullah II về các biện pháp đảm bảo an ninh cho vương quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 7/4 cũng điện đàm với Quốc vương Abdullah, khẳng định Mỹ ủng hộ các hành động của Jordan để “duy trì an ninh và trật tự đất nước”.
'Vương quốc buồn tẻ' Jordan nổi bão tố
Vương quốc Jordan chấn động bởi cáo buộc "âm mưu tiếm quyền" liên quan tới hoàng tử Hamzah bin Hussein, em cùng cha khác mẹ của Vua Abdullah II.
Trong thế giới Hồi giáo ở Trung Đông, Jordan từ lâu được gọi bằng biệt danh "Vương quốc buồn tẻ dưới thời Hashim", bởi có rất ít sự kiện bất thường xảy ra tại quốc gia này trong thời đại của dòng tộc Hashim, những người cai trị vương quốc từ năm 1921 tới nay.
Tuy nhiên, sự kiện cuối tuần qua đã phá vỡ sự tĩnh lặng ấy, khi hoàng tử Hamzah bin Hussein, 41 tuổi, người từng được sắc phong thái tử, hôm 3/4 gửi video cho truyền thông phương Tây, cáo buộc chính quyền giam lỏng mình tại nhà. Ông cũng chỉ trích lãnh đạo đất nước tham nhũng và yếu kém, việc cực kỳ hiếm xảy ra trước công chúng.
Hoàng tử Hamzah trong một sự kiện tại Amman, thủ đô Jordan, hồi tháng 8/2004. Ảnh: Reuters
Một ngày sau, Phó thủ tướng Jordan Ayman Safadi tuyên bố đất nước đã đập tan "âm mưu thâm hiểm" liên quan tới Hoàng tử Hamzah, cáo buộc ông này liên lạc với những thế lực bên ngoài nhằm gây bất ổn cho quốc gia.
"Rõ ràng là họ đã chuyển từ giai đoạn lên kế hoạch sang hành động", Safadi khẳng định, thừa nhận Hoàng tử Hamzah đã bị theo dõi một thời gian, nói thêm 14-16 người liên quan đã bị bắt.
Trong số này có nhiều quan chức cấp cao như Sharif Hassan bin Zaid, cũng là một người hoàng tộc, và Bassem Ibrahim Awadallah, từng là người đứng đầu triều thần kiêm phụ tá thân cận của cố vương Abdullah.
Jordan thường hiện lên như một pháo đài vững chắc trong khu vực Trung Đông vốn nhiều biến động và xung đột. Cố vương Abdullah được người dân yêu mến bởi ông đã khéo léo giúp đất nước tránh được những hỗn loạn của phong trào "Mùa xuân Arab" vốn tàn phá nhiều quốc gia trong khu vực. Ông đã thúc đẩy cải cách hiến pháp và pháp luật, hứa hẹn tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong lĩnh vực công.
Sau năm 2011, bất ổn và hỗn loạn thường được nhắc tới ở những quốc gia láng giềng như Syria, Iraq và gần đây là Israel, Arab Saudi, nhưng "sóng ngầm" ở Jordan phức tạp hơn so với những gì thường được nhắc tới.
Nền kinh tế Jordan vốn khó khăn nay càng tồi tệ hơn bởi đại dịch. Chính phủ đã áp đặt một số biện pháp phong tỏa khắc nghiệt nhất, khiến nhiều ngành nghề phá sản, nhưng không kiểm soát được tỷ lệ tử vong do Covid-19 ngày một tăng.
Tháng trước, bộ trưởng y tế Jordan phải từ chức sau khi 6 người chết do thiếu oxy tại một bệnh viện công dành để điều trị bệnh nhân Covid-19, dấu hiệu cho thấy tình hình ở Jordan đang tồi tệ như thế nào.
Dù tỷ lệ thất nghiệp do chính phủ công bố vẫn ở mức 25%, tỷ lệ không chính thức lên tới 40% với ngày càng nhiều người lên tiếng chỉ trích, gây thêm áp lực lên chế độ quân chủ.
Trong những tuần qua, giới quan sát cho hay Jordan đang tăng cường trấn áp các phong trào biểu tình. Taylor Luck, chuyên gia phân tích tại Jordan, cho hay quốc gia này thậm chí còn giải tán hiệp hội giáo viên, cơ quan có tổ chức lớn nhất vương quốc.
Cơ quan an ninh Jordan bắt nhiều giáo viên, những người yêu cầu chính quyền thực hiện lời hứa tăng lương hàng chục năm trước. Chính quyền đã gửi đi thông điệp rằng vào thời kỳ dễ tổn thương này, không ai được phép "làm chao đảo con thuyền" và "sự ổn định của Jordan là lằn ranh đỏ".
Nhưng tất cả những điều đó đều lu mờ trước chuyện xảy ra cuối tuần qua. Hoàng tử Hamzah là người cực kỳ nổi tiếng, không chỉ vì bề ngoài giống cố vương Hussein mà còn vì từng được cho là người sẽ kế vị ông.
Trong những tuần cuối đời, vua Hussein chọn con trai cả Abdullah là người kế vị, sắc phong Hamzah, con của ông với hoàng hậu thứ ba Noor, làm thái tử. Sau khi lên nắm quyền, Vua Abdullah II đã quyết định tước bỏ chức vị thái tử của Hamzah năm 2004 và sắc phong con trai mình làm thái tử.
Tuy mất đi chức vị, hoàng tử Hamzah vẫn được yêu mến, đặc biệt là những người thuộc các vương tộc quyền lực đang ngày càng bất mãn với chính quyền Jordan đương nhiệm. Họ liên tục gặp gỡ Hamzah trước sự kiện hôm 3/4 và chắc chắn sẽ tức giận trước tin hoàng tử bị quản thúc tại gia.
"Điểm khác biệt của sự kiện lần ngày là những người bị bắt có cả giới thượng lưu, vương tộc, người có ảnh hưởng kinh tế, thậm chí cả người hoàng gia", Luck nhận xét. "Nó có thể khiến tầng lớp thượng lưu, người theo chủ nghĩa tự do và các trưởng tộc của Jordan ớn lạnh".
Vua Abdullah II phát biểu tại thủ đô Amman hồi tháng 10/2020. Ảnh: AP
Các chuyên gia cảnh báo những vụ bắt giữ liên quan đến "âm mưu tiếm quyền" này có thể làm trầm trọng hóa tình hình của Jordan.
"Đó là động thái chống đảo chính nhằm kiềm chế hoàng tử Hamzah công kích chính quyền. Đáng buồn là nó sẽ phản tác dụng", Bessma Momani, giáo sư chính trị học tại Đại học Waterloo, nói. "Họ bắt một hoàng tử nổi tiếng và là người Jordan, khiến các dòng tộc ở Bờ Đông rất tức giận".
Trong số những dòng tộc hùng mạnh nhất ở Bờ Đông có Majali. Họ đã đưa ra tuyên bố đầy giận dữ khi Jordan bắt các thành viên xuất chúng trong dòng tộc, bao gồm Yasser Majali, Sheikh Sameer Majali, cũng như một số người khác làm việc trong các vị trí sáng giá trong chính phủ và quân đội Jordan. Họ mô tả đây là "ngày đen tối", cáo buộc lực lượng an ninh đã ập vào nhà người trong dòng họ "như xông vào nhà của lũ cướp và buôn bán ma túy".
"Hành động này không cần thiết", họ nói, tuyên bố những người ra lệnh và thực thi "sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và các dòng tộc".
Cựu thái tử Jordan bị cáo buộc 'cấu kết với nước ngoài' Giới chức Jordan cho biết đã theo dõi cựu thái tử Hamza, phát hiện ông liên lạc với các tổ chức nước ngoài để gây bất ổn đất nước. "Giới chức đã theo dõi cựu thái tử Hamza từ lâu và chặn thu được liên lạc cho thấy âm mưu cấu kết giữa ông với các tổ chức nước ngoài nhằm gây bất...