Vừa được bồi thường oan sai 2,3 tỷ đã mất ngay 900 triệu tiền “cảm ơn”?
Sau khi được công an bồi thường oan sai hơn 2,3 tỷ đồng, gia đình ông Mưu Quý Sường ( huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã phải trả ngay 900 triệu đồng cho người hỗ trợ pháp lý cho gia đình những năm qua.
Ông Mưu Quý Sường đã mất 8 năm nhưng đến nay gia đình ông mới nhận được tiền bồi thường oan sai (Ảnh: N.T.).
Như Dân trí đã phản ánh, 3 năm sau khi tiến hành xin lỗi công khai vì đã khởi tố, bắt tạm giam oan ông Mưu Quý Sường vào năm 1977, Công an tỉnh Bắc Giang vừa hoàn tất việc chi trả bồi thường hơn 2,3 tỷ đồng cho gia đình ông Sường.
Đáng chú ý, đại diện gia đình ông Mưu Quý Sường khẳng định, ngay sau khi nhận đủ số tiền bồi thường từ cơ quan công an, họ đã lập tức đưa 900 triệu đồng tiền mặt để “chia công” cho người đại diện pháp lý của gia đình, đang làm việc tại một công ty luật ở Hà Nội.
“Sau khi nhận tiền xong, ông ấy bảo ký hợp đồng để chắc chắn 2 bên. Không sợ sau này mình đòi lại hoặc ông ấy đòi thêm. Số tiền “cảm ơn” khoảng 40% tổng giá trị được bồi thường” – đại diện gia đình ông Mưu Quý Sường thông tin.
Cũng theo người đại diện gia đình, năm 2008, gia đình bắt đầu theo đuổi việc kêu oan cho ông Sường nhưng không có kết quả. Đến tháng 8/2016, khi hay tin công ty luật nêu trên đã giúp kêu oan thành công cho một gia đình ở tỉnh Bắc Ninh, gia đình đã tới trụ sở công ty tìm kiếm sự giúp đỡ.
Sau đó, một lãnh đạo công ty luật này (không phải luật sư) đã nhận làm đại diện, thay mặt gia đình tiến hành các thủ tục pháp lý và làm việc với cơ quan liên quan để kêu oan, đồng thời yêu cầu bồi thường oan sai.
“Trước đó, 2 bên chỉ nói miệng với nhau về tiền thuốc nước. Sau khi được Công an tỉnh Bắc Giang trả tiền bồi thường thì hai bên mới ký hợp đồng thỏa thuận, không phải ký từ đầu”- đại diện gia đình ông Sường nói và cho biết sẽ không khiếu nại việc này.
Chúng tôi rất nhiều lần liên lạc qua điện thoại với người vừa nhận 900 triệu đồng từ gia đình ông Mưu Quý Sường để trao đổi thêm thông tin nhưng không nhận được phản hồi. Giám đốc công ty luật khẳng định có việc ký hợp đồng với gia đình ông Mưu Quý Sường nhưng “sẽ kiểm tra xem chuyện tiền nong như thế nào”.
Video đang HOT
Vào năm 2019, dư luận cũng ồn ào sau sự việc ông Trần Văn Thêm (trú tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng nhưng chỉ mang về nhà trên 2 tỷ đồng. Ông Thêm đã phải đưa 40% số tiền bồi thường oan sai cho một lãnh đạo công ty luật ở Hà Nội “để làm từ thiện, kêu oan cho những trường hợp tương tự” theo văn bản ủy quyền đã ký trước đó.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay, theo quy định pháp luật thì không thể lấy của gia đình người oan sai số tiền lớn như vậy được; về đạo lý là không thể chấp nhận được (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Sáng 1/4, trao đổi với PV Dân trí , luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM bày tỏ thái độ kinh ngạc trước câu chuyện này.
Theo ông Hậu, Luật Bồi thường nhà nước và nghị định hướng dẫn thực hiện luật đã nêu rõ quy trình, các khoản tiền phải bồi thường oan sai cho người dân về tổn thất tinh thần, vật chất, chi phí khiếu nại, tố cáo,…
Trong khi đó, Luật Trợ giúp pháp lý quy định việc trợ giúp pháp lý là miễn phí. Mỗi năm luật sư phải có 8 giờ trợ giúp pháp lý miễn phí và đối tượng chính là người nghèo, người yếu thế, người bị oan sai.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng có bộ quy tắc nghề nghiệp nêu rõ khi trợ giúp pháp lý thì luật sư không được lấy tiền của người dân, người yếu thế và nếu ai làm sai sẽ bị xử lý.
“Ở đây xuất hiện một người nào đó – không phải là luật sư – trợ giúp, hỗ trợ cho gia đình người bị oan sai để đòi tiền bồi thường thì có thể coi là hợp đồng dân sự. Nhưng số tiền họ nhận được cũng phải hợp lý, phù hợp với công sức mà họ bỏ ra thôi. Theo quy định pháp luật thì không thể lấy của gia đình người oan sai số tiền lớn như vậy được. Về đạo lý là không thể chấp nhận được” – ông Hậu thẳng thắn.
Sau 44 năm bị khởi tố oan sai mới được bồi thường
Theo hồ sơ vụ án, ngày 2/11/1977, ông Mưu Quý Sường (Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nội Thành; nay là xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) phát hiện bà Hoàng Thị Múi (vợ ông) bị ngã xuống suối tử vong nên đưa về nhà lo hậu sự.
Đám tang chưa kịp diễn ra thì ông Sường bị Công an huyện Lục Ngạn – Ty Công an Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội giết người; sau đó chuyển vụ án đến Ty Công an Hà Bắc để điều tra theo quy định.
Sau khi xảy ra biến cố này, hai người con còn nhỏ của ông Sường theo người thân sang Trung Quốc sinh sống. 11 năm sau, ông Sường được thả ra mà không rõ lý do.
Thấy mình bị oan, ông Sường đã làm đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng xin cứu xét về trường hợp của mình. Đến ngày 11/12/2013, ông Sường mất do đau ốm mà chưa được minh oan.
Bà Vi Thị Cú (vợ thứ 2 của ông Sường) tiếp tục hành trình gửi đơn kêu oan cho ông Sường. Cuối năm 2017, Công an tỉnh Bắc Giang quyết định đình chỉ vụ án hình sự và đình chỉ điều tra bị can với ông Sường về tội “Giết người” do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm. Tháng 1/2018, gia đình ông Sường đã được Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức xin lỗi công khai tại trụ sở UBND xã Trù Hựu.
Mới đây nhất, cơ quan công an đã hoàn tất việc bồi thường oan sai trên 2,3 tỷ đồng cho gia đình ông Sường.
Sẽ xin lỗi công khai Bí thư Chi đoàn bị giam oan 28 tháng
Ngày 5/3, Cơ quan tố tụng quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết sẽ tổ chức xin lỗi công khai đối với anh Bùi Minh Lý (31 tuổi), nguyên Bí thư Chi đoàn.
Buổi xin lỗi công khai diễn ra ngày 24/3, tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - nơi anh Lý cư trú.
ang đi trên đường, bất ngờ bị khống chế
Hơn 7 năm trước, anh Bùi Minh Lý là đảng viên dự bị, Bí thư Chi đoàn ấp Trung, xã Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Thời điểm đó, anh bị Cơ quan cảnh sát điều tra, VKSND quận Bình Thạnh bắt tạm giam và truy tố tội Cướp giật tài sản. TAND quận Bình Thạnh đã tuyên án anh Lý 3 năm tù.
Bản án sơ thẩm kết tội anh Lý có nội dung: Khoảng 21h ngày 19/1/2014, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tâm đãi tiệc tất niên tại tổ dân phố ở phường 25, quận Bình Thạnh. Bàn tiệc đặt hai bên đường hẻm, chừa lối đi nhỏ ở giữa. Trong lúc chị Tâm bưng thức ăn ra bàn thì bị một nam thanh niên chạy xe máy áp sát giật sợi dây chuyền rồi rồ ga chạy.
Bí thư Chi đoàn Bùi Minh Lý bị hàm oan và sẽ được cơ quan tố tụng xin lỗi công khai tại quê nhà.
Chồng chị Tâm và một người bạn lấy xe máy đuổi theo. Lúc hai người chạy đến chùa Bảo Minh trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thì thấy một thanh niên (là anh Lý) đang chạy xe tà tà phía trước. Cả hai ép xe anh Lý rồi xông vào đánh. Bị đánh tới tấp, anh Lý chống trả. Sau đó, hai người này khống chế đưa anh Lý về nhà rồi gọi tổ trưởng dân phố và công an đến làm việc.
Bản án còn nhận định: "Dù là Bí thư đoàn, có nhiều giấy khen nhưng không chí thú làm ăn lương thiện và dù có tiền hay làm chức vụ gì đi nữa, khi thấy tài sản của người khác cũng sẽ nảy sinh lòng tham mà cướp giật. Do lần đầu đi cướp, không rành đường ở thành phố nên khi gặp các khúc cua, Lý không thể tăng ga được và bị bắt là điều hiển nhiên" .
Kết án quy chụp
Sau khi tòa tuyên án, anh Lý kháng án kêu oan. Tháng 9/2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm với nhận định: "Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo có tội chỉ căn cứ vào các chứng cứ gián tiếp, chưa khách quan. Lời khai của người bị hại và người làm chứng có rất nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ cơ sở chứng minh. Tòa sơ thẩm kết án mang tính quy chụp, vi phạm tố tụng nghiêm trọng..." . Sau đó, Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.
Quyết định đình chỉ điều tra, khép lại vụ án oan cho Bí thư Chi đoàn Bùi Minh Lý.
Tháng 6/2016, VKSND quận Bình Thạnh hay đổi biện pháp ngăn chặn, cho anh Lý tại ngoại sau hơn 28 tháng bắt tạm giam. Sau gần 3 năm điều tra lại, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với anh Lý.
Theo Quyết định đình chỉ bị can số 08 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, sau khi tiến hành điều tra lại vụ án, vẫn không đủ chứng cứ chứng minh anh Lý có tội nên cơ quan điều tra đình chỉ theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vì hành vi không cấu thành tội phạm. Vụ án Bùi Minh Lý cướp giật tài sản chính thức thành án oan.
"Tôi thực sự rất kinh hoàng khi bị bắt oan. Tôi có quay lại tìm nạn nhân để nói cho họ biết rằng tôi đã bị oan như thế nào nhưng nạn nhân đã không còn ở đó", anh Bùi Minh Lý chia sẻ.
Người phụ nữ về nước đầu thú tại khu cách ly tập trung sau 9 năm bị truy nã Một bị can quê ở Bắc Giang sang Malaysia trốn truy nã gần 9 năm vừa về nước và đầu thú sau thời gian cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19. Sáng 15/1, Công an tinh Bac Liêu cho biết, đơn vị vừa bàn giao Nguyễn Thị Hợp (50 tuổi; ngụ xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho...