“Vua đầu bếp Mỹ 2012″ Christine Hà: Món ăn đầu tiên tôi nghĩ đến là phở!
Một cô gái khiếm thị người Mỹ gốc Việt, từng không biết gì về nấu ăn đã giành chiến thắng ấn tượng tại cuộc thi nấu ăn danh giá MasterChef tại Mỹ vào hôm nay 11.9 (giờ Việt Nam).
Christine Hà đã trở thành quán quân MasterChef 2012, với phần thưởng là một hợp đồng xuất bản sách hướng dẫn nấu ăn của riêng mình và một khoản tiền thưởng trị giá 250.000 USD.
Christine Hà cũng thú nhận trong một cuộc phỏng vấn với trang TVGuide.com sau khi đoạt giải rằng “Trước đây tôi không biết cách nấu cơm bằng nồi cơm điện. Tôi thấy mình là một nỗi hổ thẹn lớn cho nhiều bà mẹ Việt Nam”.
Christine Hà và đối thủ Josh Marks đang trổ tài tranh giải nhất – Ảnh: Fox
“Hồi còn trẻ tôi chỉ biết làm trứng bác, bánh mì nướng và mì ăn liền. Nhưng khi sắm được căn hộ riêng và có bếp để nấu ăn, tôi bắt đầu học nấu ăn. Tôi mua một, hai cuốn sách dạy nấu ăn ở một hiệu sách cũ. Các quyển sách này chỉ cách nấu món Việt Nam. Ban đầu, tôi chỉ nấu các món đơn giản nhất”, cô cho hay.
Christine cũng nói thêm rằng một trong những món ăn “dễ chịu” nhất, đối với cô, chính là món phở của Việt Nam.
“Có một số món ăn khiến mọi người thấy dễ chịu. Việt Nam có rất nhiều món như thế, nhưng món đầu tiên mà tôi nghĩ đến là phở”, TVGuide trích lời Christine cho biết.
Video đang HOT
Christine cho biết trước khi bước vào vòng thi cuối cô đã quyết tâm “chiến đấu” hết sức mình.
“Trước khi bước vào vòng đấu cuối, tôi tự nhủ nếu chỉ thắng giải nhì thì chẳng thà xếp hạng ba. Vì vậy, tôi nghĩ đã đến đây thì phải cố hết sức có thể để chiến thắng. Tôi đã rất run và nôn nao. Tôi nghĩ Josh (người về nhì) cũng vậy. Chúng tôi đều biết phần thi sẽ là những món ăn quan trọng nhất trong cả đời mình”, Christine Hà nói với TVGuide.
“Vua đầu bếp Mỹ 2012″ cũng cho biết cô đã gặp trục trặc trong lúc thi đấu khi một số thiết bị nấu ăn vận hành không như ý muốn.
“Máy thái thịt của tôi bị hỏng. Vì vậy mọi thứ không được trơn tru. Cả máy thái rau cũng vậy. Nó khiến mớ dưa chuột của tôi ướt nhẹp. Tôi thực sự đã phải nghĩ đến việc làm món khác trong những phút cuối cùng, bỏ qua một số nguyên liệu và tập trung vào những gì đã làm được”, Christine Hà thuật lại.
Cô cũng cho biết cách bài trí bếp trong vòng thi đấu cuối cũng gây nhiều khó khăn.
“Bếp được sắp xếp theo hình móng ngựa. Tôi đã quen với cách đặt đồ đạc từ các vòng thi trước, nhưng lần này mọi thứ đã bị thay đổi hoàn toàn. Ban tổ chức có dắt chúng tôi đi một vòng trước để xác định các vật dụng để ở đâu, nhưng chả ích gì khi mắt tôi không thấy được”, Christine Hà cho hay.
Trả lời phỏng vấn của trang tin ẩm thực FoodBeat, Christine Hà cho biết cô bị khiếm thị vì một chứng bệnh hiếm gặp mang tên NMO (Neuromyelitis optica), khiến hệ thần kinh thị giác bị hỏng.
“Có một giai đoạn cơ thể tôi bị liệt từ cổ trở xuống nhưng sau đó đã phục hồi nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ và gia đình. Tôi bị mất thị lực vĩnh viễn và hiện tôi đang cố duy trì không cho căn bệnh nặng thêm. Kể từ năm 2008, tôi đã phải dùng hóa trị như các bệnh nhân ung thư nhằm làm chậm quá trình tiến triển của căn bệnh”, quán quân MasterChef 2012 cho biết.
Nhiều người cho rằng cô không bị mù vì vẫn có thể thấy các chuyển động, nhưng Christine cho biết cô bị một dạng khiếm thị đặc biệt.
“Nếu có ai đó xòe bàn tay trước mặt tôi, tôi vẫn có thể nhận thấy cái gì đó. Nhưng tôi không nhận ra màu sắc và tôi chỉ có thể thấy hình dạng trong một số trường hợp mà thôi”.
Theo TNO
Sống bám mặt đường
Đi từ Bắc tới Nam, tiêu biểu là theo quốc lộ 1, sẽ thấy khắp nơi dân ta ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi, hiếu hỉ... cách vệt bánh xe, bánh tàu chỉ vài mét. Khoảng cách giữa sự an toàn và không an toàn đôi khi cực mong manh...
Trong phim hành động Mỹ, thường xuyên có cảnh các ô tô rượt đuổi nhau đâm sầm qua những khu nhà cửa, lều trại trong sự tán loạn của mọi người và chỉ kết thúc khi xe bị lộn mấy vòng, bốc cháy đùng đùng, nhưng chẳng ai chết cả, tất cả lại lồm cồm chui từ trong xe ra.
Tất nhiên, đó là phim. Còn chiếc xe Everest mất lái ở Quảng Nam, thì chỉ đâm vào quán ăn sáng đã dừng lại. Nhưng dưới gầm xe là 7 người chết, trong đó có 6 trẻ em, ngoài ra còn 3 người bị thương. Họ chết tức tưởi khi đang chờ ăn mì trong quán... Sự việc khiến người ta bàn tán râm ran một thời gian dài, và rồi dường như nỗi đau chỉ ở lại trong gia đình, họ hàng những người xấu số. Vâng, còn những người khác thì quên đi nhanh chóng. Tôi dám khẳng định điều đó, vì sau nỗi sợ hãi chốc lát với những chiếc xe điên, hàng ngày, hàng giờ đi trên đường tôi vẫn thấy hàng trăm hàng ngàn hàng vạn người ngồi chổng mông ra hè đường, ngay sát dòng xe cộ đang lao vùn vụt và điềm nhiên ăn uống, giặt giũ, vui đùa, điềm nhiên sống. Ngay sát sạt họ, những chiếc xe đang lao sầm sập, không ai dám chắc là tài xế trong xe luôn tỉnh táo.
Ô tô mất lái đâm sập nhà ven đường tại Thanh Hóa. Ảnh: Dantri
Chuyện dân ta đua nhau nhao ra quốc lộ để sống vốn chẳng có gì lạ. Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ cho đến đường liên xã, liên thôn..., xưa kia có lẽ là những con đường hết sức bé nhỏ, vòng vèo qua thôn xóm, nương theo hình thế đất đai mà đi, chứ chưa có cái tư duy xẻ núi, bạt đồi thẳng tiến như thời hiện đại. Ngay cả những con đường làm từ thời Pháp thuộc cũng khá tiết kiệm khâu san lấp, nên có nhiều đoạn khúc khuỷu, quanh co... Và thế là trong cả thế kỷ qua, người ta đã thay đổi từ chỗ sống bám theo sông ngòi, kênh rạch sang xây nhà cửa sống bám theo các trục đường như đàn ruồi bâu lấy khúc dồi. Trung bình cứ vài ba km quốc lộ thì "đàn ruồi" đủ lớn để hình thành một thị tứ, vài chục km thành một thị trấn, và trong khoảng trăm km có một thị xã, hai ba trăm km là có một thành phố... Quy mô cấu trúc của các tổ chức dân cư ấy có thể khác nhau, nhưng đều chung ở chỗ bám lấy mặt đường để... hít bụi. Hai bên quốc lộ có hành lang an toàn theo quy định rộng hàng chục mét mỗi bên, nhưng nghiễm nhiên biến thành sân trước, vườn trước nhà mình, tha hồ trồng cây cối, rau cỏ, rào giậu lại hay biến thành nơi kinh doanh dịch vụ. Nhà cửa bám vào đoạn đường thẳng thì không sao, kinh nhất là những đoạn quốc lộ vòng vèo, xe cộ cứ như đâm sầm vào giữa nhà!
Ở quê tôi, có một gia đình mua đất, xây nhà ngay ở khúc cua của quốc lộ, kết quả là một đứa cháu chơi ở ngoài hè đường bị xe đám ma chạy tuyến Hà Nội - Yên Kỳ chẹt chết, còn ông bố già thì bị xe cán gãy chân, chưa kể một năm không biết mấy lần xe ô tô lỡ trớn phi vào vườn nhà. Có ông đọc sách biết võ vẽ tí chút về phong thủy ra xem khẳng định rằng cái nhà ở đó xây ở chỗ đất xấu, bị "lưỡi gươm" chĩa vào nên không tránh được tai họa. Mọi người nhìn lại thì đúng thật. Con đường thẳng vút chẳng khác gì lưỡi gươm tuốt trần đâm vào sườn nhà. Còn xe cộ thì chạy điên cuồng trên đó chẳng khác thì đám quỷ sứ đi dồn người dưới âm ti địa ngục. Người khác lại bảo tuyến đường này lắm xe đưa ma, nên nhiều xui xẻo. Mãi sau này, khi mở rộng quốc lộ, căn nhà ấy bị bạt đi một nửa. Các kỹ sư cầu đường khẳng định rằng độ nghiêng của mặt đường ở khúc cua, theo thiết kế từ thời Pháp không đảm bảo, nên các xe phóng nhanh thường bị mất lái.
Và xe mất lái chui hẳn vào nhà. Ảnh: NLĐ
Có những cái chết oan do chẳng may gặp phải chiếc xe bị mất lái như 7 người xấu số dưới bánh chiếc "xe điên" nói trên, dù họ đã ngồi hẳn trong quán. Nhưng điều đáng nói là các vụ việc như thế (xe tông đổ quán, đổ nhà...) không phải là hy hữu nữa. Điều đó đặt ra câu hỏi, những căn nhà ven quốc lộ đã được bảo vệ như thế nào, khi dưới lòng đường các xe được chạy với tốc độ 80 km/h bất kể ngày đêm. Nhà cửa sát với lòng đường sao không hề có rào chắn bảo vệ? Những chiếc xe mất lái dẫu sao cũng là tai nạn hy hữu, nhưng quả thực tôi tê tái người mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ tung tăng vui chơi trước nhà, ngay rìa quốc lộ và chúng cứ thế lớn lên.
Thực ra sống gần đường vẫn chưa phải là thảm họa. Thảm họa chính là do sự lấn chiếm. Đường phố chật hẹp, cứ về chiều là tắc. Điều đó ai cũng biết, và đương nhiên cái hàng phở bày 2 dãy bàn ra vỉa hè ấy cũng biết. Thế nhưng đường tắc mặc tắc, mặc xe cộ nhao hết lên vỉa hè tìm đường thoát, đám người ăn phở vẫn húp sì sụp trên vỉa hè, chổng mông ra đường mà ăn, cái ghế họ ngồi chỉ cách các mũi xe đang gầm gừ có phải centimet. Xe cộ tất nhiên phải tránh họ. Vào giờ đó chỉ cần ai đó bưng bát phở lên, dịch cái ghế, cái bàn vào trong một tí thì đám tắc đã giảm đi đáng kể. Nhưng chẳng ai thấy tức mắt về chuyện đó cho nên quán phở ấy vẫn tồn tại cho đến giờ, và ngày càng đông khách.
Con ngõ vào nhà ông anh tôi xưa nay vẫn thấy nó giống hệt một cái hang nhớp nháp, hai xe máy tránh nhau đã khó. Thế mà tình cờ sang chơi lúc khuya khoắt, tôi bất ngờ thấy con ngõ rộng thênh thang, lái xe ô tô vào được tận nơi. Thì ra ban ngày, hàng quán hai bên lấn chiếm, mỗi người nống ra một tí, người thì đặt mẹt rau, vại dưa, người thì kê ba hòn gạch để dắt xe vào nhà..., thế là con ngõ biến thành một cái hang chuột. Ông anh tôi ngậm ngùi bảo: Cứ hôm vào về khuya thì đánh được xe ô tô vào nhà, nhưng sáng phải đánh ra sớm, nếu không thì phải gửi xe ở bãi ngoài! Đi lại ở Hà Nội, nếu không đêm khuya thì tinh sương, khi hàng quán chưa mở cửa, và các chợ cóc chợ tạm chưa bâu lấy các trục đường, thành phố thanh bình như trở về với những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Ti-vi vừa đọc oang oang con số rợn người: 5 tháng đầu năm nay gần 4.000 người chết vì tai nạn giao thông
Hành lang an toàn đường bộ
Đối với đường ngoài đô thị: căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ mép của đường bộ trở ra hai bên là:
- 47 mét đối với đường cao tốc.
- 17 mét đối với đường cấp I, cấp II.
- 13 mét đối với đường cấp III. - 9 mét đối với đường cấp IV, cấp V.
- 4 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V Theo VNE
Phó công an huyện đột tử tại phòng làm việc Trưa 20/8, thượng tá Lê Quang Vinh, Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã đột tử trong nhà vệ sinh ở phòng làm việc. Theo nguồn tin của VnExpress.net, đến giờ cơm trưa nhưng không thấy thượng tá Vinh xuống phòng ăn, mọi người gọi điện vào máy bàn và di động đều không được nên vào phòng làm việc...