Vừa cứu người bị tai nạn vừa bị nghi ngờ là thủ phạm, ai dám?
Giáo sư Phạm Gia Khải – Nguyên viện trưởng viện Tim mạch Việt Nam cho biết, người ta sợ cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông cũng không phải là hoàn toàn do vô cảm mà thực tế là người ta sợ dính líu, sợ mất thời gian đặc biệt là sự nghi ngờ.
Những câu chuyện từ chính bác sĩ
Câu chuyện vô cảm trong xã hội ngày nay liên tục được dư luận đặt ra câu hỏi “Vì sao càng ngày người ta càng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại?”. Đặc biệt là đứng trước một tai nạn giao thông, những va chạm cãi vã nhau người ta thường né không can thiệp.
Giáo sư Khải cho biết, không phải là ngẫu nhiên họ vô cảm mà nó có căn nguyên sâu xa: “Cách đây mấy chục năm có một người là người quen của tôi, đưa một nạn nhân bị tai nạn giao thông vào bệnh viện. Và sau đó ông ấy đã bị người ta nghi ngờ là người gây ra tai nạn giao thông nhưng thực chất ông ấy là ân nhân. Ông ấy bị hoài nghi đến vài năm trời liền mà không biết nói cùng ai.
Thực tế, đã có nhiều người đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông vào bệnh viện cấp cứu rồi họ lại bị chính người nhà của nạn nhân đánh vì tưởng họ là người gây ra tai nạn giao thông”.
Những nguyên nhân trên không sợ bằng mang tiếng ăn cắp. Giáo sư Khải kể từ những năm 1972 khi Mỹ đánh phá miền Bắc, có người đã đưa người bị thương vào bệnh viện cấp cứu và lúc ấy nạn nhân đã bị tháo mất đồng hồ, nhẫn vàng và đối tượng người ta nghi lấy trộm của nạn nhân đầu tiên là người đã đưa nạn nhân vào bệnh viện. Hàng ngàn lý do dẫn đến con người ta càng ngày càng vô cảm là vì thế.
Người ta ngại đụng chạm vào nạn nhân vì sợ bị nghi ngờ
Không biết cách cấp cứu
Thạc sĩ Nguyễn Đình Liên khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y chia sẻ, anh nhiều lần bỏ trực, bỏ đi học để cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông trên đường. Một lần đang vội vàng sang viện khác hội chẩn, bác sĩ Liên bắt gặp người đàn ông đi đường và tự gây tai nạn cho mình.
Nạn nhân bất tỉnh, người đi đường chỉ đi qua, đứng lại nhìn mà không một ai đến gần nạn nhân. Lúc đó, bác sĩ Liên vội vàng xuống xe taxi và cấp cứu rồi chuyển bệnh nhân về Bệnh viện. Dù không có người thân, đang bận đi hội chẩn nhưng ở vị trí bác sĩ, cứu người như cứu hoả, nên không thể chậm trễ.
Video đang HOT
Sau khi bệnh nhân an toàn, bác sĩ này mới tìm địa chỉ, tên tuổi và gọi điện cho vợ nạn nhân. Gia đình anh ở Ecopark HưngYên nên họ đã đến và vô cùng cảm động vì hôm đó trời nắng như thiêu, như đốt, nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời chắc nạn nhân sẽ nguy kịch vì mất máu và nằm giữa trời nắng.
Còn bác sĩ Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết theo dõi nhiều ca cấp cứu, anh thấy đa số người ta ngại giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông là thiếu kỹ năng sống, đặc biệt là không biết cách cấp cứu người tai nạn giao thông. Tâm lý lo sợ có thể gây hại cho nạn nhân tồn tại ở rất nhiều người.
Nếu bất cứ ai bắt gặp một tình huống tai nạn và ở đó có nạn nhân cần sự giúp đỡ… thì chắc chắn một điều rằng họ sẽ rất sợ vì nhiều lý do. Nếu người không có chuyên môn, chưa được đào tạo về sơ cứu… thì họ sẽ rất sợ và rất ngại đụng vào nạn nhân vì chưa biết tình hình thế nào, đặc biệt là sợ nạn nhân chết trên tay mình.
Ngay cả đối với những người có chuyên môn, đã được đào tạo về sơ cấp cứu… thì họ cũng sẽ rất sợ và rất ngại đụng vào nạn nhân. Họ sợ “gây hại thêm” cho nạn nhân.
Trong trường hợp này nên nhanh chóng tìm cách khác để cứu nạn nhân như gọi xe cứu thương, gọi công an, gọi thêm người giúp đỡ.
Khi vận chuyển nạn nhân, bác sĩ Chính cho biết cố gắng để nạn nhân được vận chuyển trên cáng hoặc tấm bảng cứng. Điều này rất quan trọng vì làm giảm đáng kể các cử động mà nạn nhân phải chịu đựng để từ đó tránh được việc các tổn thương của nạn nhân trở lên xấu đi hơn.
Giữ cổ và lưng của nạn nhân thẳng. Bạn có thể đặt một cuộn khăn hoặc vải dày dưới cổ nạn nhân để có hỗ trợ tốt hơn. Ngoài ra, chúng ta nên để nạn nhân nằm trên một mặt phẳng. Nếu chỉ có tổn thương chân tay, nạn nhân có thể được vận chuyển ở tư thế ngồi.
Trong trường hợp tổn thương chảy máu, nâng phần bị thương cao hơn phần thân của nạn nhân và băng ép lên vùng chảy máu. Giữ băng ép liên tục cho tới khi bạn đưa được nạn nhân tới bệnh viện. Điều này giúp kiểm soát và cuối cùng là cầm được máu.
Còn trường hợp nạn nhân ngừng thở, phải tiến hành hồi sinh tim phổi hoặc hô hấp nhân tạo cho nạn nhân ngay.
Theo Infonet
Vụ xe Camry: Vì sao người ta bỏ đi khi đồng loại hấp hối?
Không một chiếc xe nào dừng lại trong vụ tai nạn thảm khốc ở Ái Mộ, Long Biên. Đứa trẻ con khi ấy vẫn đang hấp hối. Và hẳn nhiều người sẽ dễ dàng bật ra lý do cho sự lạnh lùng đến tàn nhẫn ấy: họ sợ. Quá nhiều bất an đang chờ nếu họ "dám" giúp người bị nạn.
"Em có khách rồi"
Hà Nội, tháng 11/2009, trong quán ăn, một nhóm thanh niên bàn bên gây sự. Tôi đang đi ăn với bạn gái, hạ mình xin lỗi cho yên chuyện. Chúng tôi ngồi xuống, ăn tiếp và tưởng thế là xong. 10 giây sau, một chai Coca thủy tinh bất ngờ bổ xuống đầu tôi từ phía sau. Cực nhanh và mạnh.
Máu chảy ra rất nhanh, và đến khi tôi đứng dậy, thoát được khỏi bàn, thì đã chảy xuống đến tận giày. Một số người dân cản tên thanh niên lại, còn tôi thì chạy một mình ra đầu phố, tìm một chiếc taxi để đi đến bệnh viện. Bạn gái tôi đã cuống quá không đi được nữa.
Ra đến đầu phố, máu túa ra từ đỉnh đầu đã thấm hết một lần áo khoác và một lần áo len. Tôi vẫn cố tỉnh táo, mở cửa chiếc taxi đầu tiên mình nhìn thấy, nói với người tài xế: "Anh ơi cho em đến bệnh viện".
"Em có khách rồi" - người tài xế nói. Hóa ra băng ghế phía sau có người.
Người khách phía sau là một cô gái trẻ. Cô gái tỏ ý bực tức, nói rằng xe đang có người đi mà. Tôi không được nhìn mặt mình lúc đó, nhưng chắc chắn nó phủ kín máu. Cô gái nói xong, tiếp tục gọi điện cho bạn, mày đang ở đâu sao tao không nhìn thấy.
Người lái taxi bảo tôi xuống xe. Tôi cố nài, vì không biết phía sau cái đứa định giết mình có đang đuổi theo không. "Chị cho em đi nhờ một đoạn, em mời chị cũng được". Cuộc đối thoại thất bại, tôi xuống xe.
Tôi xuống xe và đi bộ ngược trở lại con phố nơi mình vừa đi ra. Một người công an xuất hiện, đưa tôi đến viện. May mắn là tôi vẫn tỉnh táo cho đến lúc cuối.
Em có khách rồi. Tôi nhớ câu nói bình thản ấy khi nghe tin không một chiếc xe nào, một người nào dừng lại để đưa nạn nhân của vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Ái Mộ. Có thể bé gái ấy, cũng sẽ không sống được nếu được đưa đến viện ngay lập tức. Nhưng chi tiết ấy, khiến nhiều người trong chúng ta day dứt về xã hội mình đang sống.
Nỗi sợ lớn hơn sự day dứt
Tháng 6/2013, tại TP.HCM, anh Nguyễn Hữu Duyên (sinh năm 1991) bị một nhóm người tự nhận là "người nhà" đánh đập đến chết ngay trong sân bệnh viện, sau khi đưa một cháu bé vào viện. Cháu bé chỉ bị trầy xước sau vụ va chạm giao thông trước đó. Vụ việc khiến dư luận bàng hoàng. Người chứng kiến kể rằng anh Duyên đã bị đập đầu vào bồn hoa bệnh viện liên tục đến khi ngất đi.
Vụ xe Camry gây tai nạn khiến 3 người chết ở phố Ái Mộ, Gia Lâm, Hà Nội không chỉ đau đớn, mà khiến xã hội bàng hoàng vì sự thơ ơ vô cảm của con người trong hoạn nạn của đồng loại.
Nhưng câu chuyện vô lý như thế xuất hiện với tần suất dày. Và hẳn là mỗi người khi đi qua một vụ tai nạn giao thông, khi đi qua những con người đang khẩn nài chờ được cứu giúp, sự sống đang treo trên chỉ mành, rồi quyết định quay đi, cũng có những lý do của riêng họ.Mối đe dọa không chỉ đến từ những người thân của nạn nhân. Trước đó, năm 2006, cũng tại TP.HCM, anh Trần Hưng Quốc Vũ, đưa một người nước ngoài bị tai nạn giao thông vào bệnh viện cấp cứu. Nghĩ mình không liên quan, anh ra về thì bị ngăn lại và xảy ra tranh cãi. Theo báo Tuổi Trẻ, anh bị công an quận 7 đánh gãy xương hàm và chấn thương đầu mặt, phải nhập viện cấp cứu. Công an quận 7 nói rằng họ đến, thấy có mâu thuẫn thì nhảy vào can ngăn và "có xô xát".
Thậm chí là chính tôi, người từng bị quay đi khi máu chảy từ đầu đã thấm đến tận giày, cũng có thể đi tìm lý do cho họ. Nỗi sợ lớn hơn sự day dứt.
"Em có khách rồi" - Người lái taxi kia không muốn giúp tôi. Tôi là một thanh niên người đầy máu. Tôi có thể vừa bước ra từ một cuộc thanh toán và nếu anh ta quyết định đưa tôi đi, tức là sẽ phải chịu trách nhiệm về tôi. Anh ta có thể bị đánh oan bởi bất kỳ ai. Anh có thể sẽ phải làm tường trình với công an (nếu không làm có thể lại bị đánh?) và mất nguyên một đêm.
Cô gái trẻ ngồi phía sau thậm chí có đầy đủ lý do để giúp anh lái taxi đuổi tôi xuống xe. Một sự giúp đỡ mà anh hẳn sẽ rất biết ơn.
Câu chuyện của anh Trần Hưng Quốc Vũ dường như tạo ra một cách lý giải bao trùm cho sự tha hóa về mặt con người này: pháp luật đang không thể bảo vệ con người để họ hành xử như con người. Họ sợ. Ở bệnh viện, họ bỗng nhiên phải đối mặt với nguy hiểm.
Không nguy hiểm sao được khi mà ngay cả các bác sỹ đang cứu chữa người bệnh cũng thường xuyên bị hành hung ngay trong môi trường làm việc của họ?
"Tì phu hữu phụ mẫu/Lão bệnh bất an ninh" - Bạch Cư Dị đã dùng chữ "an ninh" để nói về bệnh tật. Đã bệnh tật thì không có an ninh. Đó chính là thứ an ninh theo nghĩa đen chúng ta đang dùng: ở trong môi trường bệnh viện, tâm thần con người không ổn định, ai cũng bất an, ai cũng căng thẳng, mọi thứ rối lên từ thủ tục giấy tờ cho đến an toàn thân thể (của nạn nhân, bác sỹ, của người đưa bệnh nhân vào viện). Mâu thuẫn ở trong môi trường ấy dễ dàng lên đến đỉnh điểm.
Chúng ta không có một cơ chế nào để giải quyết sự mất an ninh này, cho dù nó đã kéo dài quá lâu. Lực lượng chức năng đến, khi mọi chuyện đã rối mù, như trong câu chuyện của anh Vũ, họ làm mọi chuyện rối hơn. Một lực lượng cảnh sát riêng để đảm bảo an ninh cho tất cả các bệnh viện, túc trực 24/24, như mô hình của nước Mỹ, có thể sẽ tiêu thêm ngân sách, nhưng tôi tin sẽ được nhiều người ủng hộ.
Theo Jean Jacques Rousseau thì con người là con người chỉ khi họ có các nguyên tắc, các khế ước. Không có được điều đó, thì con người sẽ hành xử không giống con người. Họ bỏ đi khi đồng loại đang hấp hối, vì không biết điều gì đang đón đợi mình ở phía trước.
Theo VietNamNet
Chuyện cứu người gặp nạn: Sợ 'tai bay vạ gió' nên ngại? Vụ tai nạn khiến 3 người chết ở Hà Nội khiến dư luận bàn tán không ngớt về việc hành xử của con người khi thấy người gặp nạn. Mới đây, vụ tai nạn xe Camry khiến 3 người tử vong sáng 29/2 tại phố Ái Mộ, phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội đã khiến dư luận bàn tán không ngớt không...