“Vua chuối” Long An kể chuyện trồng chuối để vạn người mê
Mấy hôm nay, thấy chuối Huy Long An xuất hiện trong “nhà lồng” Phiên chợ Xanh – Tử tế của hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, tôi thấy mơ ước đó hình như đã đi thêm được một bước. Vì bán số lượng lớn cho người tiêu dùng nội địa là một bước đặt nền móng vững cho nông sản cao cấp của mình sống khoẻ hơn, thêm tự tin bước ra thế giới.
Nhà thiết kế Mỹ Richard Moore nghe doanh nông Võ Quang Huy giới thiệu về chuối chuẩn xuất khẩu trong vườn.
Chuyến đi về thăm nông trại của doanh nhân Võ Quan Huy ở Long An cũng cho tôi hiểu thêm về một cách yêu hàng Việt. Lâu lâu ngồi nghĩ về cách anh nói về sản phẩm của mình, tôi lại cười thầm. Hỏi anh, trong chăm sóc cây chuối, trái chuối, anh thấy điều gì là khó nhất? Anh nói liền, là làm sao giữ cho tất cả các trái chuối khỏi bị trầy đó chị. Đã bọc trong hai lớp nilông đúng chuẩn (loại nilông đặc biệt, có châm lỗ thoát không khí) sao còn bị trầy? Là do khi trái lớn lên, các nải chuối phát triển tự nhiên thì có những trái đâm xiên vào thân của trái chuối gần đó, mình phải phát hiện, chăm nó, hướng nó sao để vẫn phát triển mà không làm trầy trái khác. Ai biết với diện tích 200 hecta trồng chuối, cơ man nào là chuối đang lớn, chuẩn bị chín, bao nhiêu công khó để chăm cho từng trái chuối không bị trầy, bị đau? Hôm đó, tôi đưa nhà thiết kế Hoa Kỳ Richard Moore, một ông bạn lâu năm đã xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm Việt, đi thăm Huy Long An. Tôi ghi toàn bộ câu chuyện thăm nông trại chuối rất dài, có cả chuyện về anh công nhân làm cho Út Huy đã 20 năm, kể,”ông chủ kỹ lắm, trầy chuối là bị la, mà tụi tôi biết tính ý chuối hết nên cũng ít khi nào để trái chuối bị trầy”!
“Vua chuối” Võ Quan Huy đang kiểm tra chuối non trong khu vườn triệu đô
Video đang HOT
Khi xuất hiện tại phiên chợ Xanh – Tử tế trong hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao của thành phố 2017, tôi nhìn thiết bị rất “công nghiệp”, anh dùng treo buồng chuối to nặng trĩu và cách anh chào khách Việt, biết là anh rất tâm huyết mở thị trường nội địa (lâu nay chuối Huy Long An với thương hiệu FOHLA hầu hết được xuất khẩu). Anh viết: “Trang trại 200 hecta cùng tình yêu 40 năm vun đắp từng ngày, chúng tôi tiên phong mở lối và kiến tạo Chuẩn chuối vàng hiệu FOHLA. Một chuẩn chuối tươi sạch, mát lành, dẻo ngọt xuất khẩu đi Nhật, Singapore, Trung Đông… nay hân hạnh đồng hành cùng người tiêu dùng Việt”.
Chuối được làm sạch bụi trước khi cắt rời từng nải
Tôi lại hỏi một câu tò mò nữa: “Nhà phân phối và chuyên gia Nhật vào thăm trang trại trước khi quyết định mua hàng, họ quan tâm thứ gì nhất, anh Huy”? Họ đến xem rất lâu, rất kỹ kho phân bón và chú ý nhất chỗ đó thôi. Họ đâu biết anh nuôi gần nghìn con bò, lấy phân, ủ và trữ đủ thời gian đúng công thức mới bón cây, và cũng bón đúng công thức như… sản xuất công nghiệp vậy. Nên nhìn thân cây chuối, anh nói được nó bao nhiêu tháng tuổi và nói được luôn cả buồng chuối (được bao kín hai lớp) có bao nhiêu nải, mấy tuần, mấy ngày nữa thu hoạch. Làm nông như vậy đã khiến Richard Moore xuýt xoa: “Chị Hạnh, đi thăm trang trại này rồi, tôi hiểu thêm về nông dân Nam bộ”.
Theo Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
Cường quốc nông sản mà chỉ có lèo tèo vài thương hiệu?
"Xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia không chỉ dừng lại ở quyền lợi của doanh nghiệp hay nông dân, mà đây còn là quyền lợi và cạnh tranh riêng cho nông sản Việt và là vấn đề chiến lược không chỉ phải giải quyết trong thời gian ngắn hạn mà mang tính dài hạn" - ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh.
Nông sản Việt "lệ thuộc" thương hiệu thế giới
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: "Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa" vừa được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Quảng Nam tổ chức, ông Trần Văn Khởi cho biết: Thời gian qua, Việt Nam vẫn duy trì vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015. Trong đó, có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, như: Gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu...
Tuy nhiên, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới hiện rất khiêm tốn. Cả nước mới chỉ có vài sản phẩm được công nhận dưới dạng đăng ký chỉ dẫn địa lý. Theo số liệu thống kê, trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, thì chỉ có khoảng 15% là của doanh nghiệp trong nước, còn lại hơn 80% hàng nông sản của nước ta bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Ngay tại thị trường trong nước cũng có 80% lượng nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu...
Các đại biểu tham quan cơ sở chế biến dầu phụng mang thương hiệu "Đất Quảng" tại lễ khai trương vừa qua. ảnh: PHẠM LỘC
"Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại, thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng rộng mở nhưng áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Việc xây dựng thương hiệu nông sản còn bao hàm cả việc phát triển thương hiệu sau khi đã đăng ký, tạo dấu ấn cho người tiêu dùng để đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế..." - ông Khởi nhấn mạnh.
Thạc sĩ Võ Thị Lý - Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối cho rằng: "Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đây là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp đang hướng tới thông qua việc chú trọng, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực của Việt Nam...".
Gắn nhãn "made in Vietnam" cho nông sản
Tại diễn đàn, đã có hàng chục ý kiến của các nông dân, doanh nghiệp tập trung phản ánh về tình hình, định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam; xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản của Quảng Nam gắn với chuỗi giá trị; mô hình liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa ở Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Đà Nẵng...
Mới đây, Bộ NNPTNT đã lên kế hoạch đề xuất một số giải pháp cơ bản để triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản. Còn theo lãnh đạo Sở KHCN tỉnh Quảng Nam, phát triển thương hiệu, giá trị thương hiệu các sản phẩm đặc sản nông nghiệp của tỉnh gắn với niềm tin cho người tiêu dùng là nhiệm vụ có tính chiến lược để giữ vững thị trường nội địa và tiến đến xuất khẩu. Đến thời điểm hiện nay, hơn 45 sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam đã được tiến hành xây dựng thương hiệu dưới hình thức như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: sâm Ngọc Linh, quế Trà My, tiêu Tiên Phước, rau Trà Quế, nước mắm Cửa Khe, gà tre Đèo Le, bê thui Cầu Mống...
Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Quảng Nam) chia sẻ: sản phẩm dầu phụng "Đất Quảng" của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành quyết định công nhận thương hiệu "Dầu phụng Đất Quảng" vào ngày 18.11.2016. "Nhờ có thương hiệu riêng, nên "Dầu phụng Đất Quảng" qua một năm thử nghiệm đưa ra thị trường được người tiêu dùng chấp nhận và khen ngợi. Năm 2016 HTX đã xuất bán 25.000 lít dầu phụng" - ông Thành cho hay.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Trong khuôn khổ của diễn đàn không thể nói hết được, nhưng các ý kiến sẽ góp phần để tới đây Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo về Nghị định hợp tác liên kết sản xuất gắn với sản xuất hàng hóa. Đây là nội dung rất quan trọng nhằm mục đích tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các tỉnh thành nói riêng. /.
Theo Danviet
Nông sản Việt: Tìm cơ hội trong cạnh tranh Ở một khía cạnh khác, không ít chuyên gia cho rằng việc áp thuế 0% đối với hàng hóa từ TQ và các nước ASEAN sẽ khiến nông sản Việt gặp nhiều khó khăn, bất lợi, song đây cũng là dịp để các ngành hàng nông sản của Việt Nam tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, nâng cao chất lượng và giá trị...