Vua cá giòn thành tỷ phú ở tuổi 27
Sau 4 năm nuôi cá giòn, chàng trai Nguyễn Thế Phước, sinh năm 1989, ở Nam Sách, Hải Dương đã có thu nhập 6 – 7 tỷ đồng/năm.
Từ bỏ công việc ổn định với mức lương cao nơi thành thị để về quê nuôi cá, chỉ sau 4 năm, chàng trai Nguyễn Thế Phước, sinh năm 1989 ở xã Nam Tân (Nam Sách, Hải Dương) đã có thu nhập 6 – 7 tỷ đồng/năm. “Lá bùa” giúp anh lên như “diều gặp gió” chính là kỹ nghệ nuôi cá trắm, chép thường thành trắm, chép giòn.
Bỏ phố về quê nuôi cá
Trò chuyện với chúng tôi, Phước cho biết, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng khoa Điện tử (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội), anh làm nghề lắp đặt hệ thống âm thanh cho các quán karaoke, phòng trà, khách sạn cho các công ty điện tử. Sau một thời gian bươn chải, anh được cân nhắc lên vị trí Trưởng phòng kinh doanh, với mức lương 15 triệu đồng/tháng.
Mặc dù thu nhập cao, nhưng Phước vẫn quyết định xin nghỉ. “Đó là mức lương hấp dẫn mà nhiều bạn trẻ cùng trang lứa mơ ước, song tôi nghĩ, dù lương cao nhưng mình vẫn là người phụ thuộc, là kẻ làm thuê. Chi bằng mình tự làm cho mình, vừa không phù thuộc vào ai, vừa là dịp để thử sức. Làm giàu ở đâu cũng có ý nghĩa như nhau, nhưng không có gì tốt hơn là làm giàu trên chính quê hương mình” – Phước tâm sự.
Vậy là năm 2012, Phước khăn gói về quê, mặc cho bạn bè “sốc”, rồi gia đình họ hàng ra sức khuyên ngăn. Chia sẻ về quyết định táo bạo đó, Phước cho biết, những năm 2010 – 2012, ở Nam Sách phong trào nuôi cá lồng bè trên sông rất phát triển. Nếu trước đây, các hộ chủ yếu nuôi bằng lồng tre nhỏ, thì nay đã được cải tiến bằng lồng khung kẽm, phủ lưới xung quanh, có thể làm được lồng to nên năng suất nuôi cá rất cao.
Hơn nữa, nuôi cá trên sông thuận lợi hơn nhiều so với nuôi cá ao bởi nguồn nước thông suốt, ít bị ô nhiễm, cá lớn nhanh, chất lượng thịt ngon nên giá bán cũng cao hơn. “Nhận thấy đây chính là cơ hội tốt nên tôi đã bỏ công việc ở thành phố về quê làm ăn” – Phước kể.
Lúc đầu, Phước được bố giao cho tiếp quản 2 lồng bè cá diêu hồng, nuôi ké hàng xóm. Được giao cho nuôi Phước vui lắm nên chăm sóc đàn cá rất cẩn thận. Sau 8 tháng chăm sóc, đàn cá cũng được xuất bán, Phước thu lãi gần 200 triệu đồng. Cầm trên tay số tiền lớn lần đầu kiếm được, Phước bắt đầu nảy ra những ý tưởng làm ăn lớn.
Cuối năm 2012, ngoài số tiền lãi, Phước vay thêm người thân, ngân hàng để đầu tư 20 lồng bè, trung bình mỗi lồng 30 triệu đồng/36m2, anh thả tổng cộng 10 tấn cá diêu hồng giống. Niềm vui chưa đến thì bỗng đàn cá thi nhau chết nổi lềnh bềnh, trắng cả một đoạn sông. Ăn không được, bán không ai mua, Phước đành thuê người vớt đem chôn, thiệt hại gần nửa tỷ đồng.
Hàng ngày vật lộn với những con cá trên sông, chàng trai thư sinh, trắng trẻo ngày nào giờ đã trờ thành người đàn ông da bánh mật, già dặn trông thấy. Trước cú thua lỗ lớn ở cái tuổi 23, Phước đã có lúc chán nản đến nỗi ngày nào cũng đi qua đi lại quanh các lồng cá, rồi bần thần ngồi bệt trên bờ sông nghĩ ngợi…
Nhìn thấy Phước như vậy, người nhà ai cũng lo lắng, song anh đã kịp thời lấy lại thăng bằng. Phước tâm sự: “Tôi nghĩ không có sự thành công nào là không phải trả giá. Cái giá rẻ nhất phải trả là khi mình vẫn còn trẻ, còn nhiều cơ hội để làm lại. Nhưng “soi” kỹ, tôi thấy mình thất bại là bởi còn non yếu về kiến thức…”.
Nhận ra điểm yếu đó, ngay hôm sau Phước trang bị một máy vi tính nối mạng internet ra chòi cá, hễ rảnh rỗi là anh vào mạng tìm tài liệu về nuôi cá để nghiên cứu, trau dồi kiến thức. Ngoài ra anh còn lên Hà Nội mua cả chồng sách kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá về đọc thâu đêm. Đến giờ, chỉ cần nhìn thấy cá bơi ít, bơi nhiều, nổi đầu, hay kém ăn… là anh biết ngay chúng đang bị bệnh gì, từ đó áp dụng phương pháp điều trị kịp thời.
Video đang HOT
“Vua” cá giòn đất Bắc
Nguyễn Thế Phước đang bắt cá chép giòn.
Sau vài năm gắn bó với việc nuôi cá lồng cũng như tìm hiểu thị trường, Phước nhận thấy cá diêu hồng mặc dù dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, song nếu chỉ nuôi một thứ thì rủi ro rất lớn. Trong khi đó, đa phần người tiêu dùng lại thích ăn cá lăng, trắm, chép…, vậy là anh tìm cách đưa các loài này vào nuôi. Cứ lứa này gối lứa khác, Phước có cá bán quanh năm. Như năm 2013, sau khi trừ chi phí Phước thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Cũng nhờ chăm chỉ đọc sách báo mà Phước được biết năm 2007, một nông dân ở Hồ Nam (Trung Quốc) đã tình cờ phát hiện ra công dụng đặc biệt của hạt đậu tằm. Khi cho cá trắm, chép ăn đậu tằm một thời gian, thịt sẽ săn chắc lại và giòn, rất thơm ngon.
Nhận thấy đây là một ý tưởng tuyệt vời, Phước đã dành thời gian tìm hiểu về hạt đậu tằm, liệu loại đậu này có ảnh hưởng gì tới sức khỏe người ăn cá hay không… “Theo các tài liệu khoa học, đậu tằm có nguồn gốc xuất xứ ở Trung Đông, có hàm lượng protein tới 31%, với đủ 8 loại axit amin thiết yếu, hàm lượng tinh bột 49%…, do đó, khi cá ăn vào, quá trình trao đổi chất sẽ giúp thịt cá chắc, dai và giòn. Song chỉ có cá trắm và chép ăn đậu này mới cho thịt giòn. Và một điều đáng mừng là hạt đậu tằm đang được dùng rất phổ biến ở châu Âu. Tại Việt Nam, hạt đậu tằm cũng được nhiều người dùng như một loại ngũ cốc” – Phước cho biết.
Bắt tay vào nuôi cá giòn, Phước chọn những con cá trắm, chép đạt trọng lượng cần thiết (1,2 – 1,5kg/con) nuôi riêng và chỉ cho ăn hạt đậu tằm. “Sau khoảng 8 – 9 tháng nuôi bằng phương pháp đặc biệt này, thịt con cá sẽ dai và giòn ra. Tuy nhiên, mức độ dai, giòn như thế nào thì đó là bí quyết của mỗi người!” – anh Phước vui vẻ nói.
Trước đây, Phước phải nhập hạt đậu tằm từ Trung Quốc, song để chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, Phước đã thuê đất ở Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng) để trồng đậu tằm. Phước cho hay: “Trước khi cho cá ăn, hạt đậu tằm sẽ được ngâm ủ trong khoảng 24 giờ. Kỹ thuật ngâm ủ là một trong những yếu tố rất quan trọng, giúp thịt cá dai và giòn hơn. Hiện tôi đã chủ động được hoàn toàn thức ăn và 100% cá giòn được nuôi ở Việt Nam, vì vậy người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng”.
Cũng theo lời Phước, trong 100 lồng cá đang nuôi hiện nay, cá giòn chỉ chiếm 40%, song giá trị lại chiếm tới 60 – 70%. Hiện anh đang bán cá chép giòn tại bè với giá 170.000 đồng/kg (lúc cao điểm 240.000 đồng/kg), trắm giòn 150.000 đồng/kg (cao điểm 200.000 đồng/kg), trong khi cá chép thường chỉ 70.000 đồng/kg, trắm thường 60.000 đồng/kg.
Phước cho biết thêm, hiện nhu cầu tiêu thụ cá trắm, chép giòn rất cao nhưng không vì thế mà anh bán ồ ạt, chỉ bán những con đủ cân nặng (3 – 5kg/con) và đủ độ giòn. Hiện mỗi năm Phước xuất bán khoảng 30 tấn cá trắm, chép giòn và hàng chục tấn cá diêu hồng, lăng, sau khi trừ chi phí, Phước lãi từ 6 – 7 tỷ đồng/năm.
Theo Việt Tùng
Dân Việt
Chàng kỹ sư xây dựng bỏ phố về quê chăn nuôi kiếm tiền tỷ
Đang làm kỹ sư xây dựng ở TPHCM với mức thu nhập không hề thấp, nhưng Võ Ngọc Sơn, chàng trai xứ Quảng bỗng dưng bỏ nghề, trở về quê lập trang trại bắt đầu nghề mới: Chăn nuôi.
Hẹn vài ba lần, tôi mới được anh chàng này đồng ý gặp ở trang trại chăn nuôi ở xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Hỏi ra mới biết, dù là chủ có cả chục người làm nhưng mọi việc điều do anh quán xuyến, từ mua thức ăn, bán sản phẩm đến chăm chút đàn gà, đàn heo ở trang trại của mình đều do anh đảm trách nên anh rất bận rộn.
Đàn heo thịt trong trang trại của Sơn
Dù đã hẹn trước nhưng khi vào đến trang trại, những người làm công mới đi gọi "anh kỹ sư xây dựng" từ ngoài chuồng vào. Giống như một anh kỹ sư chăn nuôi đúng nghĩa với quần áo lấm lem, Võ Ngọc Sơn chạy ra bảo: "Đợi em chút, em thay quần áo rồi tiếp mấy anh".
Sơn kể, năm 2001 tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM chuyên ngành xây dựng. Khi ra trường, mục đích là kiếm thật nhiều tiền nên cứ chỗ nào lương cao thì "nhảy" đến. Cuộc sống ở TPHCM cũng thoải mái với thu nhập hàng tháng vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, một ngã rẻ bất ngờ đến với Sơn vào năm 2013 khi về quê ở xã Duy Tân.
Sơn kể: "Năm 2013, trên đường về quê, mình đi ngang cánh đồng hoang vắng thuộc thôn Phú Nhuận ở xã Duy Tân rộng khoảng 10ha bỏ không. Đất này không thể trồng lúa hay hoa màu được nên mấy năm nay, huyện không thể giao cho ai trồng trọt. Chỉ có chăn nuôi là thích hợp nhưng chưa thấy ai đầu tư".
Mạnh dạn hỏi lãnh đạo xã Duy Tân rồi làm việc với huyện. Không ngờ, khi nghe Sơn trình bày ý định sẽ mở trang trại chăn nuôi thì lãnh đạo huyện đồng ý liền và tạo điều kiện giao đất.
Khi được giao đất, Sơn tiến hành cải tạo và lập trang trại nuôi gà đẻ trứng làm nền tảng. Lúc đầu Sơn đầu tư 2 ngàn con gà, nhưng mọi việc không dễ dàng với chàng kỹ sư xây dựng vừa chân ướt chân ráo chuyển nghề. 2 ngàn con gà đẻ trứng không trụ nổi, trứng gà đẻ ra bán không đủ bù chi, lỗ liên tục.
Trang trại gà với 12 ngàn con đang đẻ trứng
"Cơ bản là do giá trứng bấp bênh và chưa có kinh nghiệm nên bị lỗ vốn. Đó cũng là bài học đầu tiên khi bước chân qua lĩnh vực trái với ngành đã học", Sơn tâm sự.
Không nản chí, Sơn bàn với anh em trong HTX chuyển hướng đầu tư qua con heo vì "thịt heo không theo thời vụ như trứng hay thịt gà nên chắc chắn sẽ ổn hơn". Với suy nghĩ như vậy nên Sơn quyết định đầu tư nuôi 300 heo thịt để thử nghiệm. Kết quả thật mỹ mãn, lứa heo đầu tiên nuôi có lãi, và cứ thế đến nay lúc nào trong chuồng của Sơn lúc nào cũng có 100 heo nái đẻ và đàn heo thịt 2.000 con gối đầu.
Tuy thất bại với con gà nhưng sau khi rút kinh nghiệm và bỏ công học hỏi nhiều nơi, đến nay trong chuồng của Sơn cũng có đàn gà lên đến 12 ngàn con đẻ trứng quanh năm. Sơn bảo giờ đã "có kinh nghiệm đầy mình rồi" nên không sợ lỗ nữa.
Theo tính toán, với 12 ngàn con gà đẻ mỗi ngày Sơn thu được 11 ngàn quả trứng. Với giá trứng bán sỉ khoảng 2.200 đồng mỗi quả thì mỗi năm Sơn bán 250 tấn trứng thu về khoảng 7,2 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, Sơn "bỏ túi" từ 70-80 triệu đồng một tháng.
Đối với đàn heo, bình quân mỗi năm Sơn xuất chuồng 200 tấn heo thịt với giá heo hơi 45 ngàn đồng/kg, mỗi năm Sơn thu về khoảng 9 tỉ đồng. Sơn cho biết, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm lãi khoảng hơn 1 tỉ đồng.
Với số vốn vay đầu tư ban đầu 7 tỉ đồng để xây dựng chuồng trại, cải tạo đất, con giống... đến nay đã trả nợ còn hơn 2 tỉ đồng. "Cố gắng sang năm sẽ trả được hết nợ", Sơn cho biết.
Võ Ngọc Sơn giới thiệu về đàn heo trong chuồng của mình
Chỉ trong 2 năm, thành công của Sơn mới chỉ là bước khởi đầu. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng chút nào đối với một người chuyên môn là xây dựng. Sơn kể, lúc đầu cũng khó khăn lắm. Khi đầu tư chuồng trại, mấy anh em cũng phải chạy vạy khắp nơi để vay vốn rồi học tập kinh nghiệm ở các nơi.
Theo Sơn, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn vì cái gì mình cũng muốn làm từ sản xuất con giống đến đầu tư sản xuất thức ăn để tự cấp tự túc. Sơn tính toán, mỗi ngày trang trại tiêu thụ 3 tấn thức ăn, mỗi tháng 90 tấn. Với giá thức ăn mà các công ty cung cấp cho trang trại chỉ cần lời từ 2-3 ngàn đồng một ký, nếu tự sản xuất được thì mỗi năm Sơn "lời" từ việc này tính ra cũng tiền tỉ. "Cái này ao ước nhưng chưa làm được vì không có vốn để đầu tư", Sơn tâm sự.
Khó khăn nữa là ngành chăn nuôi cũng bấp bênh về giá. Chỉ cần tăng hay giảm vài ngàn đồng mỗi ký bán ra là có thể lãi hay lỗ hàng chục triệu đồng. Sơn cho hay, thị trường đầu ra cũng phụ thuộc vào thương lái, do thương lái quyết định giá chứ không phải thị trường. Ví dụ như giá thịt heo ngoài chợ bán cho người tiêu dùng vẫn ổn định nhưng giá heo hơi của thương lái mua tại trại thường hay trồi sụt thất thường.
Hơn nữa, chính những người chăn nuôi cũng đang "kiềm" nhau. Ví dụ, trang trại ông A cần vốn để xoay thì thương lái hạ xuống 1-2 giá cũng bán, trong khi chỉ cần các chủ trang trại liên kết với nhau cùng giữ giá thì cùng có lợi. Việc này khó giải quyết với nhau vì ai cũng có cái khó của mình.
Sơn tự hào hiện nay ngoài đàn gà và heo, trong trang trại còn nuôi 30 con trâu, 200 ngàn con cá dưới ao để tận dụng thức ăn thừa của heo, gà. Ngoài ra, Sơn đang đầu tư một trang trại heo quy mô 6 ngàn con ở xã Đại Tân (huyện Đại Lộc) và chuẩn bị xuống giống.
Hỏi về nghề xây dựng đã học, Sơn cười bảo: "Em hiện là anh chăn nuôi rồi, nghề xây dựng coi như đã quên rồi. Giờ em là kỹ sư chăn nuôi chứ không còn là kỹ sư xây dựng nữa".
Công Bính
Theo Dantri
Làm giàu không khó, nghe 'chém gió' là đủ! Hãy để dành "làm giàu không khó" như một câu nói vui lúc trà dư tửu hậu của chính bạn khi đã tự thân giàu có. Bí quyết giàu của những người... chưa giàu Sáng nào tôi cũng phát mệt vì phải xoá đủ các thể loại những tin nhắn, email mời gọi tham gia các khoá học làm giàu, nào là "Cơn...