Vụ “xẻ thịt” đất cây xanh: Cư dân KĐT Yên Hòa bóc mẽ “chiêu” hiến công trình vi phạm
Về việc UBND phường Yên Hòa đồng ý tiếp nhận nguyên trạng sân tennis và ngôi nhà 96m2 được “khoanh vùng” là công trình vi phạm, đại diện cư dân KĐT Yên Hòa cho biết sẽ từ chối tiếp nhận, đồng thời làm đơn đề nghị UBND phường phá dỡ công trình vi phạm trả lại sân chơi cho cư dân.
Như thông tin báo Dân trí đã đưa, sau 3 năm UBND quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa chưa xử lý các công trình vi phạm được Thanh tra Bộ Xây dựng nêu tại Kết luận thanh tra số 202/KL-TTr ngày 29/9/2012, trong đó nổi bật là 2 sân tennis và khu nhà kiên cố 96m2 nằm trên diện tích được quy hoạch làm vườn hoa, cây xanh, sân thể thao công cộng, đại diện các tổ dân phố trong khu đô thị (KĐT) Yên Hòa đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng phản ánh những vi phạm của chủ đầu tư dự án – Tổng công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Holdings).
Sở Xây dựng chỉ rõ trách nhiệm trong việc chậm xử lý công trình vi phạm dẫn đến khiếu nại kéo dài thuộc về UBND quận Cầu Giấy và UBND phường Yên Hòa.
Nhận được đơn khiếu nại của cư dân, Sở Xây dựng Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và kết luận phần đất ký hiệu CX sau các tòa nhà CT3, CT 4-5, HH1: Constrexim Holdings đã xây dựng 2 sân tennis xoay dọc, có thêm một nhà cấp 4 diện tích 99,6 m2 kích thước (4,8 x 20,75) mét sử dụng kinh doanh dịch vụ giải khát không có trong quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Dựa trên kết quả kiểm tra, Sở Xây dựng khẳng định việc chủ đầu tư cố tình không khắc phục sai phạm theo Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng dẫn đến khiếu kiện vượt cấp thuộc trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy và UBND phường Yên Hoà.
Trước những sai phạm trắng trợn mang tính hệ thống và thái độ chây ỳ thách thức pháp luật của Constrexim Holdings, Sở Xây dựng đề nghị TP Hà Nội giao UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo UBND phường Yên Hòa phối hợp với Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy yêu cầu chủ đầu tư tự khắc phục lỗi vi phạm. Trường hợp chủ đầu tư không khắc phục, tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Công văn chỉ đạo tổ chức xử lý, cưỡng chế các công trình vi phạm gây bức xúc dư luận tại KĐT mới Yên Hòa.
Căn cứ Báo cáo số 10458/BC-SXD của Sở Xây dựng, ngày 2/12/2015, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã kýCông văn số 8627/UBND-XDGTgửi Sở Xây dựng và UBND quận Cầu Giấy, yêu cầu UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo UBND phường Yên Hòa phối hợp Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy yêu cầu chủ đầu tư Constrexim Holdings khắc phục lỗi vi phạm đã thi công xây dựng các hạng mục công trình thể thao và nhà dịch vụ tại ô đất quy hoạch là cây xanh, thể thao công cộng thuộc mảnh 1 sai so với bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế sơ bộ công trình được phê duyệt.
Video đang HOT
Công văn của UBND TP Hà Nội nhấn mạnh nếu chủ đầu tư không khắc phục, UBND quận Cầu Giấy phải tổ chức cưỡng chế thực hiện theo quy định. Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Sau những chỉ đạo xử lý quyết liệt của Sở Xây dựng và UBND TP. Hà Nội,tưởng như công trình vi phạm tại KĐT Yên Hòa sẽ sớm bị “xóa sổ”, nhưng tại cuộc họp ngày 16/12/2015 giữa UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa, Constrexim Holdings, Đội Thanh tra Xây dựng, đại diện tổ dân phố thì phương án xử lý lại chuyển hướng. Thay vì tự tháo dỡ, hoặc tổ chức cưỡng chế, UBND quận Cầu Giấy và Constrexim Holdings đã thống nhất bàn giao nguyên trạng công trình vi phạm về UBND phường Yên Hòa quản lý trước ngày 20/1/2016, chính quyền phường Yên Hòa cũng đồng ý tiếp nhận 2 công trình trên, trước khi thống nhất cư dân việc quản lý – sử dụng.
Cư dân KĐT Yên Hòa đang đặt dấu hỏi xung quang việc UBND phường Yên Hòa chấp thuận nhận bàn giao công trình vi phạm tồn tại nhiều năm gây bức xúc dư luận.
Ngay sau cuộc họp, ông Đích – Tổ trưởng Tổ dân phố 40 phường Yên Hòa khẳng định việc các bên thống nhất bàn giao công trình vi phạm về cho UBND phường Yên Hòa là không phù hợp, bới : “Mong muốn của người dân là phải xử lý nghiêm, cưỡng chế phá dỡ toàn bộ công trình vi phạm để cư dân lập phương án xây dựng 1 sân bóng đá mini và 2 sân cầu lông, xen kẽ trồng cây xanh phục vụ cho nhu cầu tập thể dục của người dân. Nếu UBND phường Yên Hòa có nhận lại công trình vi phạm, tổ dân phố và người dân chúng tôi cũng yêu cầu chính quyền phường phá dỡ trả lại mặt bằng ngay chứ không ai sử dụng công trình vi phạm đã phá vỡ quy hoạch của Thành phố…”.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 21/12/2015, một đại diện khác của tổ dân phố tái khẳng định quan điểm phải xử lý nghiêm các công trình vi phạm: “Người dân KĐT Yên Hòa yêu cầu trả lại mặt bằng sân chơi cho cư dân đúng với thiết kế và quy hoạch của Thành phố. Cư dân không có nhu cầu sử dụng công trình vi phạm, không có điều kiện tập luyện tennis nên chỉ yêu cầu UBND quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo xử lý của TP. Hà Nội và Sở Xây dựng. Để giải quyết dứt điểm vụ việc trên, Tổ dân phố sẽ họp với Ban Quản trị các tòa nhà thống nhất làm đơn yêu cầu quận và phường trả lại sân chơi, nếu nhận bàn giao sau người dân lấy đâu ra tiền thuê phá dỡ?”
Ai là người chịu trách nhiệm phá dỡ? Nguồn kinh phí phá dỡ sẽ lấy từ đâu khi cư dân yêu cầu dỡ bỏ công trình vi phạm sau khi UBND phường Yên Hòa nhận bàn giao? Đó là những câu hỏi mà cư dân KĐT Yên Hòa chờ đợi ông Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy sẽ đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Theo quy định, đối với các công trình vi phạm không tự giác khắc phục hậu quả thì chủ đầu tư phải chịu toàn bộ kinh phí khi UBND phường tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Với trường hợp này, nếu chính quyền nhận bàn giao công trình vi phạm để rồi cư dân phản đối thì việc phá dỡ nếu thực hiện sẽ phải dùng nguồn ngân sách chứ không thể yêu cầu chủ đầu tư quay lại chi trả.
KĐT Yên Hòa do Constrexim Holdings làm chủ đầu tư được phê duyệt quy hoạch gồm 7 tòa nhà HH1, HH2, CT3, CT 4 – 5, CT6 (đưa vào sử dụng năm 2006), CT1, CT2 (đưa vào sử dụng năm 2013). Tính đến nay, KĐT Yên Hòa đã đưa vào sử dụng 800 căn hộ, với số nhân khẩu khoảng 4000 người. Quyết định số 3278/QĐ-UB, ngày 12/6/2003, của UBND TP. Hà Nội nêu rõ: Chủ đầu tư dành 2.715m2/57.862m2 đất dự án xây vườn hoa, cây xanh, sân thể thao công cộng phục vụ nhu cầu sử dụng của cư dân.
Sau gần 10 năm KĐT Yên Hòa đi vào hoạt động, hai ô đất có ký hiệu CX được phê duyệt làm vườn hoa, cây xanh, sân thể thao công cộng đã không được sử dụng đúng mục đích. Từ khi chủ đầu tư bàn giao nhà cho cư dân không có vườn hoa, sân thể thao công cộng nào được xây dựng, thay thế vào là 2 sân tennis hiện đại thu phí và khu nhà điều hành phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Về sai phạm của chủ đầu tư, tại Kết luận thanh tra số 202/KL-TTr ngày 29/9/2012, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ Constrexim Holdings thực hiện không đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt trước và sau các tòa nhà CT3, CT 4-5 và HH1; đối với khu nhà cấp 4 diện tích 99,6m2, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân, nếu người dân tiếp tục khiếu kiện thì phải dỡ bỏ.
Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, Constrexim Holdings sử dụng sai mục đích 2.715m2 đất được duyệt quy hoạch xây vườn hoa, cây xanh, sân thể thao công cộng thành 2 sân tennis, nhà điều hành kiên cố diện tích 99,6m2; Theo chỉ tiêu quy hoạch được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấp thuận tại Văn bản số 1725/QHKT-TH ngày 7/10/2003, khu nhà vườn có tổng số 24 căn nhà, diện tích xây dựng là 1.510m2, mật độ xây dựng 49,7%, số tầng xây dựng tối đa 3,5 tầng. Tuy nhiên, thực tế khu nhà vườn đều xây vượt chiều cao quy hoạch từ 0,5 – 2 tầng; Constrexim Holdings tự ý nâng cao nhà CT5 cao từ 7 lên 12 tầng trong khi chưa được UBND Thành phố chấp thuận. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm ban hành Kết luận số 202/KL-TTr vẫn chưa được thực hiện triệt để.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Anh Thế – Ngọc Cương
Theo Dantri
Bài 4: Yêu cầu tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm "khủng" ở phường Yên Hòa
Sau khi chủ đầu tư không nghiêm túc tự tháo dỡ diện tích xây dựng vi phạm, UBND quận Cầu Giấy cho biết đang yêu cầu chính quyền phường và Đội Thanh tra xây dựng hoàn thiện hồ sơ, lập phương án để quận Cầu Giấy ký quyết định cưỡng chế công trình vi phạm "khủng" ở KĐT Yên Hòa.
Như thông tin báo Dân trí đã đưa, cư dân Khu nhà ở và Công trình công cộng phường Yên Hòa bức xúc gửi ý kiến phản ánh lên cơ quan chức năng và cơ quan báo chí về việc công trình xây dựng biệt thự nhà số 9 có dấu hiệu sai phép, phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phát hiện công trình vi phạm, UBND quận Cầu Giấy đã yêu cầu đình chỉ thi công. Nhưng chỉ sau một thời gian sau, chủ đầu tư lại tiếp tục tiến hành xây dựng.
Chủ đầu tư biệt thự số 9 không nghiêm túc tự tháo dỡ diện tích vi phạm khiến dư luận bức xúc.
Tháng 10/2014, chủ nhà được cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) số 684/GPXD có nhiều điểm khác biệt quy hoạch được phê duyệt ban đầu. Giấy phép xây dựng số 684/GPXD ghi rõ: "Vị trí xây dựng ngôi nhà mới tương đương với vị trí xây dựng ngôi nhà thô đã bị phá dỡ, nhưng được làm thêm tầng hầm dưới ngôi nhà có chiều cao 2,5m, diện tích tầng hầm là 104m2".
Tuy nhiên, thay vì xây dựng 104m2 tầng hầm, chủ đầu tư lại cho xây diện tích tầng hầm lên gần 250m2 gây nứt tường, sân, ảnh hưởng đến môi trường của các hộ dân liền kề. Tại các tầng 1, 2, 3 được xây dựng diện tích 180m2 sàn/tầng, trong khi diện tích cấp trong giấy phép là 104,5m2/tầng. Do chủ đầu tư mở rộng diện tích, buộc công trình phải khoan thêm cọc nhồi sâu hàng chục mét gây ảnh hưởng móng của các biệt thự khác xung quanh. Ngoài ra, công trình còn vi phạm về chiều cao theo GPXD được cấp.
Sau khi các cơ quan báo chí đồng loạt phản ánh việc vi phạm TTXD diễn ra công khai, ngày 13/8/2015, ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã ký Quyết định số 291/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư Lô 9, Biệt thự, Khu nhà ở và Công trình công cộng phường Yên Hòa. Với hành vi thi công xây dựng công trình sai nội dung GPXD, chủ đầu tư bị xử phạt 15 triệu đồng. Quận Cầu Giấy yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm trong thời hạn 10 ngày (kể từ khi nhận được Quyết định).
Khi nhận được Quyết định xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả, chủ đầu tư Lô 9 đã cho người tháo dỡ, nhưng chỉ tự xử lý một phần diện tích rất nhỏ. Hiện thời hạn để chủ công trình tự khắc phục hậu quả đã hết, nhưng công trình "khủng" vẫn ngang nhiên thách thức chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí ngày 7/9/2015, ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết: "Theo quy định, chủ đầu tư các công trình vi phạm có một khoảng thời gian để nộp phạt và tự khắc phục hậu, quả trước khi cơ quan chức năng ban hành quyết định cưỡng chế. Đối với nhà Lô 9 - Biệt thự, Khu nhà ở và Công trình công cộng, chủ đầu tư đã không nghiêm túc tự phá dỡ diện tích vi phạm nên lãnh đạo quận đã chỉ đạo UBND phường Yên Hòa, Đội Thanh tra Xây dựng và các đơn vị chức năng hoàn thiện hồ sơ, lên phương án để ra Quyết định cưỡng chế ngay trong tuần này và sẽ sớm tổ chức thực hiện. Quan điểm của lãnh đạo quận Cầu Giấy là xử lý kiên quyết, triệt để, không bao che cho công trình vi phạm tại Khu nhà ở và Công trình công cộng...".
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương
Theo Dantri
Vụ 146 Quán Thánh: Tạm dừng xây cống mới sau khi người dân phản đối kịch liệt Sau khi báo Dân trí phản ánh công dân nhà 146 Quán Thánh phản đối kịch liệt việc UBND quận Ba Đình và phường Quán Thánh ra thông báo thi công cống mới trong khuôn viên nhà, đồng thời các hộ dân gửi kiến nghị lên Thành phố, kế hoạch thi công được ấn định ngày 10/11/2015 buộc phải tạm dừng. Vụ 146...