Vụ “xẻ thịt” công viên Cầu Giấy: Có hay không sự “bất tuân thượng lệnh”?
UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại dự án công viên Cầu Giấy. Tuy nhiên, đến 23/9, tình trạng lấn chiếm vẫn ngang nhiên diễn ra.
Đây là những hình ảnh phóng viên Dân trí ghi được tại dự án công viên Cầu Giấy vào chiều ngày 23/9, tức là hơn 10 ngày sau khi UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 6682/UBND – TNMT, do ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký và ban hành gửi huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy, yêu cầu UBND quận Cầu Giấy, UBND huyện Từ Liêm kiểm tra, làm rõ sự việc và tổ chức xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về quản lý sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Công viên Cầu Giấy theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 30/9/2013.
Dự án xây dựng Công viên Cầu Giấy là dự án xây dựng hồ điều hòa và khu công viên trung tâm trên diện tích rộng 40ha, tiếp giáp với mặt đường Phạm Hùng, giao cắt giữa quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, hàng chục ha đất thuộc dự án công viên Cầu Giấy ngang nhiên bị xẻ thịt.
Không chỉ dùng để chăn nuôi, diện tích đất dự án công viên Cầu Giấy còn bị “xẻ” thành từng mảng phục vụ kinh doanh như: trông giữ xe, rửa xe, gara ô tô, sân tennis, quán bia…. Tất cả các hoạt động này diễn ra một cách công khai ngay trên mặt đường Phạm Hùng.
Khu xóm liều tạm bợ với các khu nhà tạm lụp xụp vẫn dựng lên san sát và mọi sinh hoạt của những cư dân nhảy dù này vẫn diễn ra như bình thường, rất ngang nhiên như chưa hề nhận được bất kì sự chỉ đạo nào của lãnh đạo UBND TP Hà Nội.
Càng bất ngờ hơn, khi chúng tôi hỏi chuyện một người dân lấn chiếm trái phép khu vực diện tích đất thuộc dự án công viên Cầu Giấy…
Và cũng theo những người dân này, sau khi đóng tiền thì mọi hoạt động kinh doanh cho đến sinh hoạt hàng ngày như trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm đều diễn ra một cách công khai. Điều đáng nói là các hộ dân tứ xứ vẫn tiếp tục đua nhau kéo đến xẻ thịt công viên Cầu Giấy ngày càng đông, mà không hề thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra, dẹp bỏ khiến dư luận bất bình.
Video đang HOT
Không biết tram trộn bê tông khổng lồ này đã dùng loại “vải” gì để che được sự phát hiện của chính quyền địa phương (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Nhiều người dân sống trong khu vực không giấu nổi sự bức xúc và tha thiết mong cơ quan chức năng giải quyết triệt tình trạng xẻ thịt đất dự án xây dựng công viên để đem lại môi trường trong lành và an toàn về an ninh trật tự cho các hộ dân sống trong khu vực:
Trước thực tế đang diễn ra tại dự án công viên Cầu Giấy, nhiều người dân đang đặt câu hỏi: Vì lý do gì, ngay giữa thủ đô Hà Nội, những hành động chiếm dụng trái pháp luật lại có thể diễn ra công khai trong nhiều năm, và tại sao khi lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo kiểm tra và xử lý các sai phạm nhưng dường như cơ quan chức năng địa phương vẫn “án binh bất động”?
Xuân Ngọc – An Nhiên
Theo Dantri
Thành phố Hà Nội chỉ đạo xóa sổ tình trạng "băm nát" Công viên Cầu Giấy
Liên quan đến vụ dự án Công viên Cầu Giấy đang ngày đêm bị "xẻ thịt" làm nơi kinh doanh, trạm trộn bê tông do báo Dân trí phản ánh, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy kiểm tra, xử lý theo đúng quy định.
Văn bản số 6682/UBND - TNMT đề ngày 12/9/2013, do ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký và ban hành gửi huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy nêu rõ:
"Ban Tuyên giáo Thành ủy có văn bản số 443-BC/BTGTU ngày 5/9/2013 báo cáo khái quát báo chí phản ánh các vụ việc bức xúc liên quan đến Hà Nội, trong đó có bài của báo Dân trí ra ngày 30/8/2013: " Hàng trăm hộ dân "băm nát" Công viên Cầu Giấy làm nhà bất hợp pháp", phản ánh hàng trăm hộ dân tự chiếm dụng, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp quy hoạch dự án xây dựng Công viên Cầu Giấy sang làm công trình kinh doanh dịch vụ và làm nhà ở nhưng không bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.
Về việc này, UBND Thành phố chỉ đạo như sau: "Giao UBND quận Cầu Giấy, UBND huyện Từ Liêm kiểm tra, làm rõ sự việc theo phản ánh của báo Dân trí; tổ chức xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về quản lý sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Công viên Cầu Giấy theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND Thành phố và thông tin cho báo Dân tríkết quả thực hiện trước ngày 30/9/2013".
Văn bản chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội
Như thông tin báo Dân trí đã đưa, Công viên Cầu Giấy là dự án xây dựng hồ điều hòa và khu công viên trung tâm trên diện tích rộng 40ha, tiếp giáp với mặt đường Phạm Hùng, giao cắt giữa quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm.
Từ mặt đường Phạm Hùng nhìn vào thì đây là một khu đất trống, cỏ dại um tùm, nhưng thực chất, công viên Cầu Giấy đang bị chiếm dụng trở thành nơi cư trú bất hợp pháp và địa điểm kinh doanh của nhiều hộ dân. Nằm giữa công viên là một con đường đất chạy cắt ngang và điều đáng nói là hai bên đường mọc lên nhiều ngôi nhà tạm, được làm bằng tôn và nhiều ngõ ngách dẫn tới các kho chứa đồng nát.
Những hộ dân này, đang chiếm dụng phần đất của dự án, nhưng dường như họ "nghiễm nhiên" coi đó là đất của cá nhân. Mọi hoạt động kinh doanh cho đến sinh hoạt hàng ngày như trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm đều diễn ra một cách công khai, giống như những cụm dân cư khác trên địa bàn.
Vì cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, nên các hộ dân "thừa cơ" kéo đến công viên Cầu Giấy làm nhà, "lập ấp" ngày càng đông, mà không hề thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra, dẹp bỏ. Điều này khiến nhiều người dân sống ở khu vực lân cận dự án hồ điều hòa và công viên trung tâm luôn cảm thấy bất an về tình hình an ninh - trật tự.
Hàng trăm nghìn m2 đất đang bị "xẻ thịt" làm nơi kinh doanh
Không chỉ làm nhà để ở, những phần "đất vàng" của công viên nằm trên mặt đường Phạm Hùng còn bị "xẻ thịt" thành từng mảng phục vụ kinh doanh như: trông giữ xe, rửa xe, gara ô tô, sân tennis, quán bia....
Những hoạt động kinh doanh này diễn ra một cách công khai, vô tư "chềnh ềnh" biển hiệu của một cơ sở lớn như: Bia hơi Hà Nội, gara 3 chuẩn, gara ô tô - xe máy, nhà hàng Thắng xoăn... Không thể biết cụ thể giá trị của bản hợp đồng cho thuê những khu đất này, nhưng chắc chắn để có thể tự do hoạt động trong khoảng thời gian dài trên đất dự án, chủ kinh doanh ở đây đã phải "làm luật" với số tiền không nhỏ thì mới được "vô tư" lấn chiếm đất công đến vậy.
Một tình trạng đáng báo động khác, môi trường của công viên Cầu Giấy rộng 40ha đang bị ô nhiễm bởi phế liệu xây dựng và chất thải từ một số trạm trộn bê tông đang ngày đêm hoạt động.
Trạm trộn bê tông hiên ngang tồn tại suốt nhiều tháng
Để bảo vệ môi trường và an ninh trong khu vực, báo Dân trí đề UBND TP. Hà Nội, Thanh tra TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra, giải quyết những bất cập đang diễn ra tại công viên Cầu Giấy. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thuộc hai quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm khẩn trương siết chặt công tác quản lý dân nhập cư trái pháp luật và xóa bỏ tình trạng "xẻ thịt", chiếm dụng đất bất hợp pháp làm nhà ở và nơi kinh doanh trên phần đất của dự án trên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Dantri
Chàng trai 4 năm đi tìm gia đình cho "người dưng đã chết" Lương tự nhận mình có "duyên" với các vụ tai nạn giao thông và trở thành Lục Vân Tiên bất đắc dĩ cứu giúp người gặp nạn. Và có lẽ số phận đã luôn sắp đặt cho anh những tình huống oái oăm mà nếu là người bình thường thì chắc chắn đã bỏ cuộc... Lẽ thường, người ta chỉ nhận người sống...