Vụ xe container đâm xe Innova trên đường cao tốc: Bị cáo Hoàng có bị oan hay không?
Thời gian qua, dư luận xã hội có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau về phán quyết của Tòa án đối với vụ án Ngô Văn Sơn, Lê Ngọc Hoàng bị kết án về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ” xảy ra tại tỉnh Thái Nguyên.
Đặc biệt, mức án mà phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng đã “dậy sóng dư luận”. Vậy Lê Ngọc Hoàng có lỗi trong việc để xảy ra vụ tai nạn hay không? Tác giả xin được chia sẻ với độc giả về quan điểm của mình về vụ án này.
Bài 1: Tòa án xác định vụ tai nạn giao thông là lỗi hỗn hợp
Nội dung vụ án
Sáng ngày 19/11/2016, Ngô Văn Sơn có giấy phép lái xe ô tô hạng B2 theo quy định, hợp đồng chở người đi ăn cưới tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Khoảng 15 giờ cùng ngày, Sơn điều khiển xe ô tô nhãn hiệu TOYOTA- INNOVA, BKS 99A-142.53 (loại xe 8 chỗ ngồi) đến đón anh Nguyễn Văn Trường cùng hai con của anh Trường là Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Nam Khánh ở gần Khu công nghiệp Đông Thọ, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, Sơn điều khiển xe ô tô đến thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đón 7 người gồm: anh Lê Văn Lượng và vợ con của anh Lượng là chị Nguyễn Thị Viên, cháu Lê Tuấn Hùng và Lê Thị Phương; chị Nguyễn Mai Anh; anh Trần Thế Khoa và vợ anh Khoa là chị Nguyễn Thị Sinh. Tổng số người trên xe là 10 người, không kể lái xe. Sau khi đón người xong, Sơn điều khiển xe ô tô đưa những người trên đi theo Quốc lộ 18 rồi sang đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên để lên thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đón chị Nguyễn Thị Giang, là bà con người thân của chị Viên để cùng đi ăn cưới.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ngày 19/11/2016 trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (ảnh: Thế Kha/DT)
Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 19/11/2016, Ngô Văn Sơn điều khiển xe ô tô đi đến nút giao Yên Bình thuộc xóm Sứ, xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Khi vừa đi qua lối ra khỏi đường cao tốc thuộc khu vực nút giao Yên Bình thì anh Trường bảo Sơn đi chậm lại để anh Trường hỏi chính xác đường đi thành phố Sông Công (mục đích đón chị Giang ở Bệnh viện C). Sơn bật xi nhan phải, điều khiển xe ô tô đi vào lề đường ngoài cùng bên phải giáp hàng rào tôn sóng và đi chậm lại, sau đó dừng xe ô tô để anh Trường cho cháu Nam xuống nôn (vì cháu Nam bị say xe).
Sau khi anh Trường và cháu Nam lên xe, Sơn điều khiển xe đi lùi về hướng Hà Nội, với mục đích đi ra nút giao Yên Bình. Cùng lúc đó, Lê Ngọc Hoàng (tên gọi khác là Vũ Văn Hoàng, có giấy phép lái xe ô tô hạng FC theo quy định) điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS 89C-079.17, kéo theo rơ mooc có BKS 89R- 004.85 đi với tốc độ khoảng 60-65km/h, đi đến nút giao Yên Bình (hướng Hà Nội – Thái Nguyên). Hoàng phát hiện phía trước cùng làn đường có xe ô tô BKS 99A-142.53 do Ngô Văn Sơn điều khiển cách đầu xe của Hoàng 70m, có bật đèn phanh đỏ. Lúc này, Hoàng không phanh xe giảm tốc độ mà định vượt lên để tránh xe của Sơn. Quan sát gương chiếu hậu bên trái, Hoàng thấy có xe đầu kéo ben đang đi đến nên Hoàng cũng không chuyển làn được. Khi cách xe phía trước của Sơn khoảng 10m, Hoàng đạp phanh xe và đánh lái về phía bên phải đường. Nhưng do khoảng cách quá gần nên đầu xe của Hoàng đâm vào đuôi xe ô tô do Sơn điều khiển, đẩy đi theo hướng Hà Nội – Thái Nguyên khoảng 38m thì dừng lại.
Hậu quả vụ tai nạn làm 4 người ngồi trên xe ô tô do Ngô Văn Sơn điều khiển bị chết, gồm: Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Mai Anh, Lê Tuấn Hùng, Lê Văn Lượng; 6 người khác bị thương, gồm: Trần Thế Khoa (ông Khoa đã chết ngày 20/8/2018), Nguyễn Thị Viên, Lê Thị Phương, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Nam Khánh. Xe ô tô INNOVA và xe ô tô đầu kéo bị hư hỏng nặng.
Video đang HOT
Kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe Ngô Văn Sơn là 0,192mg/lít khí thở; đối với Lê Ngọc Hoàng là 0,00mg/lít khí thở. Kết quả khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn: Đoạn đường xảy ra tai nạn là| chiều đường phải theo hướng Hà Nội – Thái Nguyên của đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Mặt đường được trải bê tông nhựa, thẳng, phẳng, chia làm 02 làn xe bằng vạch sơn đứt đoạn, mỗi làn rộng 3,3 mét. Bên phải đường theo hướng Hà Nội – Thái Nguyên là lối ra và đường dẫn nhập vào đường cao tốc. Giữa đường có giải phân cách cứng chia 2 chiều xe chạy. Bên phải đường theo hướng Hà Nội đi Thái Nguyên có rào tôn dẫn sóng. Trên mặt đường để lại các dấu vết trượt lốp; vết trượt cao su và đất; vùng cà xước mặt đường; vùng mảnh nhựa vỡ và kim loại; vết trượt kim loại; vùng máu; ô tô sơ mi rơ mooc BKS: 89C-079.17, Rơ mooc BKS: 89R-004.85; xe ô tô TOYOTA- INNOVA, BKS: 99A-142.53. Hai phương tiện liên quan đên vụ tai nạn bị hỏng nặng. Vết trượt lốp số (1) có chiều dài 38,2m; vết trượt lốp số (2) có chiều dài 48,5m; vết trượt lốp số (3) có chiều dài 2m; vết trượt lốp số (4) có chiều dài 3,1m. Vùng mảnh nhựa có chiều dài 18,2m; vết trượt kim loại có chiều dài 33,3m… Khoảng cách từ mép trái lối mở đường đi Khu công nghiệp Yên Bình đến đầu vết trượt lốp đầu tiên dài 60m.
Tại Công văn số 428/CV-CSĐT ngày 12/2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên xác định “…khi bắt đầu có dấu vết phanh, xe ô tô đầu kéo cách đuôi xe ô tô BKS 99A-142.53 nhiều nhất là 4,35m; do vậy, từ điểm đâm va giữa hai xe, ô tô đầu kéo tiếp tục di chuyển ít nhất 33,85m”.
Phán quyết của phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2018/HS-ST ngày 10/5/2018 của TAND thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định: Tuyên bố các bị cáo Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng (tức Vũ Văn Hoàng) phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Áp dụng khoản 3 Điều 202; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Ngô Văn Sơn 10 năm tù; thời hạn tù tính từ ngày 20/11/2016. Áp dụng khoản 3 Điều 202; khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Lê Ngọc Hoàng (tức Vũ Văn Hoàng) 8 năm tù; thời hạn tù tính từ ngày 17/02/2017.
Bị cáo Lê Ngọc Hoàng (phải) tại phiên toà phúc thẩm ngày 01/11 vừa qua.
Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Bị cáo Ngô Văn Sơn phải bồi thường số tiền 707.261.000đ; trợ cấp cho ông Trần Thế Khoa 7.000.000đ/tháng kể từ tháng 12/2016 đến khi ông Khoa chết, trợ cấp cho cháu Trần Thế Đạt 1.000.000 đ/tháng từ tháng 12/2016 đến khi cháu Đạt chết. Bị cáo Lê Ngọc Hoàng (tức Vũ Văn Hoàng) phải trợ cấp cho ông Trần Thế Khoa 3.000.000đ/tháng kể từ tháng 12/2016 đến khi ông Khoa chết; trợ cấp cho cháu Trần Thế Đạt 1.000.000 đ/tháng từ tháng 12/2016 đến khi cháu Đạt chết. Công ty TNHH Hiếụ Thảo (là bị đơn dân sự) phải bồi thường số tiền 420.880.000đ cho các bị hại.
Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, dư luận xã hội cho rằng bị cáo Lê Ngọc Hoàng bị Tòa án tuyên có tội là vô lý, bởi lẽ Hoàng không hề vi phạm các quy định khi lưu thông trên đường. Ngày 12/5/2018, bị cáo Lê Ngọc Hoàng kháng cáo kêu oan, đề nghị TAND tỉnh Thái Nguyên minh oan cho bị cáo. Ngày 21/5/2018, bị cáo Ngô Văn Sơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường. Đồng thời một số bị hại và người đại diện hợp pháp của người bị hại cũng kháng cáo đề nghị tăng mức bồi thường thiệt hại và tăng hoặc giảm hình phạt tù đối với bị cáo Ngô Văn Sơn, Lê Ngọc Hoàng.
Sau 3 lần bị hoãn phiên tòa phúc thẩm, ngày 01 và ngày 02/11/2018, TAND tỉnh Thái Nguyên đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng khai nhận diễn biến trước, trong và sau vụ tai nạn. Bị cáo Sơn nhận tội. Bị cáo Hoàng cho rằng bị cáo đi đúng tốc độ, đúng làn đường, giữ khoảng cách an toàn, trước khi xảy ra tai nạn đã làm hết khả năng của mình, bị cáo không vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nên không phạm tội. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng đa số cho rằng Hoàng không phạm tội vì đây là sự kiện bất ngờ, tài liệu hồ sơ của vụ án chưa đủ chứng cứ buộc tội đối với Hoàng, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện truờng, sơ đồ hiện trường, biên bàn khám nghiệm hai xe liên quan đến vụ tai nạn, lời khai của những người làm chứng, đặc biệt là lời khai ban đầu của chính bị cáo Hoàng tại Cơ quan điều tra, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định lỗi trong vụ tai nạn giao thông này là lỗi hỗn hợp, nhưng lỗi chính thuộc về Ngô Văn Sơn như Sơn đã khai nhận. Còn lỗi của Lê Ngọc Hoàng là điều khiển ô tô đầu kéo theo rơ moóc chở kiện hàng là thép thanh nhưng không có thùng mà chỉ được xếp chằng buộc, đã không chú ý quan sát ở đoạn có biển báo lối rẽ phải ra nút giao Yên Bình cũng như giữ khoảng cách an toàn. Cụ thể, bị cáo Hoàng khi nhìn thấy xe của bị cáo Sơn đi phía trước cách khoảng 70m có bật đèn phanh đỏ, nhưng Hoàng không giảm tốc độ. Lẽ ra trong trường hợp này Hoàng phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn), nhưng Hoàng không xử lý như vậy mà do quá tự tin nên tiếp tục điều khiển xe đi tới cho đến khi cách xe của Sơn đang lùi còn khoảng 30m thì Hoàng mới giảm tốc độ và định chuyển sang làn bên trái để tránh xe của Sơn. Tuy nhiên, do lúc này làn bên trái đang có xe đi tới nên Hoàng không điều khiển xe chuyển làn được. Khi chỉ còn cách xe của Sơn khoảng 10m thì lúc này Hoàng mới đạp phanh đánh lái sang phải rồi đâm vào xe của Sơn đang lùi gây ra vụ tai nạn thảm khốc.
Trong vụ tai nạn giao thông này, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định Lê Ngọc Hoàng vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, nhưng lỗi chính để xảy ra vụ tai nạn là Ngô Văn Sơn. Lê Ngọc Hoàng chỉ có một phần lỗi, nên bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hoàng 8 năm tù là chưa đảm bảo công bằng. Mặc dù Hoàng chưa thừa nhận mình phạm tội nhưng ngay sau vụ tai nạn xảy ra, lời khai ban đầu Hoàng đã khai nhận diễn biến hành vi trước, trong và sau vụ tai nạn nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định bị cáo vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là thành khẩn khai báo. Việc bị cáo Hoàng cho rằng không phạm tội thuộc về vấn đề nhận thức của bị cáo. Sau khi tai nạn xảy ra, gia đình bị cáo Hoàng cũng đã đưa tiền hỗ trợ cho gia đình các bị hại. Đối với bị cáo Sơn, tại phiên tòa phúc thẩm xuất trình tài liệu bố là thương binh và đã hỗ trợ các gia đình bị hại thêm 20 triệu đồng để chi phí cho các bị hại và người đại diện hợp pháp cho bị hại.
Trong phần tranh luận, bị hại, người đại diện hợp pháp cho các bị hại tiếp tục xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Sơn. Ông Trần Thế Bàng là đại diện cho bị hại Nguyễn Thị Sinh và Trần Thế Khoa xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hoàng. Đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên sau khi tranh luận cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét mức án cho cả hai bị cáo vì có thêm tình tiết mới tại phiên tòa.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 181/2018/HS-PT ngày 2/11/2018 của TAND tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng xét xử căn cứ điềm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản l Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2018/HS-ST ngày 10/5/2018 của TAND thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, tuyên bố bị cáo Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng phạm tội “Vi phạm quy định về đỉều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 202; đỉểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Ngô Văn Sơn 9 năm tù; thời hạn tù tính từ ngày 20/11/2016. Áp dụng khoản 3 Điều 202; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Lê Ngọc Hoàng 6 năm tù; thời hạn tù tính từ ngày 17/02/2017. Về trách nhiệm bồi thường dân sự, bị cáo Ngô Văn Sơn phải bồi thường cho các bị hại số tiền 886.838.897đồng. Bị cáo Lê Ngọc Hoàng phải bồi thường số tiền 443.419.448 đồng.
Trần Minh Giang
Theo congly
Vụ container đâm Innova lùi ở Thái Nguyên: Thủ tục và trình tự Giám đốc thẩm vụ án được thực hiện như thế nào?
Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm sẽ xem xét lại tính đúng đắn của bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu thấy phiên tòa phúc thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội, bản án phúc thẩm sẽ được giữ nguyên. Nếu phát hiện sai phạm sẽ hủy bản án đã tuyên và yêu cầu điều tra lại.
Liên quan đến vụ container đâm Innova lùi ở Thái Nguyên mới đây, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên án 6 năm tù giam đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng, tài xế container đâm vào xe Innova đi lùi trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Phán quyết này của TAND tỉnh Thái Nguyên với bị cáo Lê Ngọc Hoàng đã gây ra nhiều tranh cãi, trong đó, khá nhiều ý kiến đều cho rằng việc kết tội tài xế Hoàng là chưa thỏa đáng và thiếu thuyết phục.
Liên quan đến vụ việc nói trên, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn kêu oan của chị Vũ Thị Thúy (vợ tài xế container Lê Ngọc Hoàng, quê Thái Bình) đến TAND Tối cao xem xét, xử lý.
Ngày 5/11 vừa qua, ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định, cơ quan này sẽ nghiên cứu, xem xét lại bản án này.
Bị cáo Hoàng tại tòa.
Liên quan đến thông tin nói trên, nhiều độc giả thắc mắc đặt câu hỏi về trình tự Giám đốc thẩm vụ án được thực hiện như thế nào?
Trao đổi với báo Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thủ tục giám đốc thẩm bao gồm: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Nếu sau khi rút hồ sơ vụ án trên mà phát hiện sai phạm trong quá trình xét xử sơ thẩm hoặc phúc thì Chánh án Tòa án cấp cao tại Hà Nội sẽ ký kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Sau đó tòa án thành lập một hội đồng xét xử Giám đốc thẩm, hội đồng này sẽ xem xét lại tính đúng đắn của bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu thấy phiên tòa phúc thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội, bản án phúc thẩm sẽ được giữ nguyên. Nếu phát hiện sai phạm sẽ hủy bản án đã tuyên và yêu cầu điều tra lại.
Trong vòng 4 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiên tòa Giám đốc thẩm.
Tổng hợp
Theo saostar
Vụ lùi xe trên cao tốc: Tòa Tối cao sẽ kiểm tra bản án Theo chuyên gia, lẽ ra tòa phúc thẩm phải hủy án để điều tra lại, trong đó quan trọng nhất là thực nghiệm hiện trường. Như đã phản ánh ngày 1-11, TAND tỉnh Thái Nguyên xử phúc thẩm đã tuyên sửa án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi, tài xế xe Innova) từ 10 năm tù xuống...