Vụ vỡ đường ống nước sông Đà: 6 bị cáo nộp đơn kháng cáo
Sau hơn 1 tháng tòa sơ thẩm tuyên án, 6/9 bị cáo trong vụ án vỡ đường ống nước sạch sông Đà đã có đơn kháng cáo đề nghị xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.
Các bị cáo có đơn kháng cáo gồm: Hoàng Thế Trung (cựu Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà – Ban QLDA), Trần Cao Bằng (cựu Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), Nguyễn Văn Khải ( cựu Phó Giám đốc Ban QLDA); Vũ Thanh Hải (cựu Phó Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex), Trương Trần Hiển (cựu Trưởng phòng Vật tư, thiết bị thuộc Ban QLDA) và Đỗ Đình Trì (cựu Trưởng đoàn tư vấn giám sát).
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm.
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Hoàng Thế Trung cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo 24 tháng tù giam là quá nặng đối với hành vi mà bị cáo gây ra. Dự án đường ống nước sạch sông Đà là dự án sử dụng ống cốt sợi thủy tinh đường kính lớn lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam. Tất cả các nhà thầu thiết kế, nhà thầu sản xuất, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát đều chưa từng có kinh nghiệm thực hiện vật liệu ống nhựa composite cốt sợi thủy tinh. Dù bị cáo đã nỗ lực phòng tránh rủi ro nhưng vẫn không thể ngăn chặn được những sự cố đáng tiếc.
Từ lập luận của mình, bị cáo Trung cho rằng, Tòa sơ thẩm đã không xem xét áp dụng Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ” theo hướng có lợi cho mình và các bị cáo khác.
Tại bản án sơ thẩm, HĐXX khẳng định, Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm trong việc sản xuất ống cốt sợi thủy tinh cấp cho Dự án cấp nước sông Đà. Do đó, không có căn cứ để áp dụng Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015 để loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo trong vụ án này.
Video đang HOT
Ngoài bị cáo Trung, hai bị cáo Đỗ Đình Trì và Vũ Thanh Hải thừa nhận đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng cho rằng mức án 20 tháng tù đối với 2 bị cáo là quá nặng so với tính chất mức độ, vai trò của họ trong vụ án. Do đó, hai bị cáo này kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét cho 2 bị cáo được hưởng án treo để bị cáo được cải tạo ngoài xã hội, có cơ hội chữa bệnh và làm việc để trang trải kinh tế cho gia đình.
Ba bị cáo Trần Cao Bằng, Trương Trần Hiển và Nguyễn Văn Khải kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại vụ án và triệu tập một số đương sự, người làm chứng, điều tra viên liên quan nhằm làm sáng tỏ thêm về nội dung vụ án này.
Theo bản sơ thẩm được tuyên, dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2004 đến tháng 4/2009 thì được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Quá trình vận hành khai thác, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ với tổng số 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh. Doanh nghiệp khai thác đã phải chi phí hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục.
Bên cạnh đó, việc tuyến ống liên tục bị vỡ khiến doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904 m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội.
Kết luận giám định tư pháp xác định, nguyên nhân gây vỡ đường ống nước là do vi phạm trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội. Trong đó, quá trình sản xuất ống chưa được kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều, chỉ tiêu độ cứng vòng của nhiều mẫu thử không đạt yêu cầu.
Quá trình thi công xây dựng, Ban Quản lý dự án, nhà thầu giám sát chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt. Khi phát hiện có sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng đã không thực hiện kiểm tra lại chất lượng sản phẩm của lô ống tương ứng theo quy định, chưa kiểm soát chặt chẽ việc khắc phục các đoạn ống bị khuyết tật khi thi công…
Xác định 9 bị cáo trên phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Thế Trung và Trần Cao Bằng cùng 24 tháng tù; bị cáo Nguyễn Văn Khải, Vũ Thanh Hải và Đỗ Đình Trì: 20 tháng tù; Trương Trần Hiển: 16 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Biên Hùng bị tuyên phạt 16 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Hoàng Quốc Thống: 16 tháng tù treo; Bùi Minh Quân: 12 tháng tù treo.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Chuẩn bị xét xử vụ vỡ đường ống nước sạch Sông Đà
Theo dự kiến, ngày 5/3 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sạch Sông Đà.
Thông tin từ TAND TP Hà Nội, phiên xử dự kiến sẽ kéo dài liên tục trong 10 ngày. HĐXX gồm 3 thành viên do nữ thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa.
Đường ống nước sạch Sông Đà 18 lần bị vỡ.
9 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Hoàng Thế Trung (SN 1960, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, Hà Nội (gọi tắt là Ban QLDA cấp nước Sông Đà); Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển - nguyên Phó Giám đốc và Trưởng phòng Vật tư, Ban QLDA cấp nước Sông Đà; Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải - nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh (Vinaconex); Đỗ Đình Trì - nguyên Trưởng đoàn Tư vấn giám sát của Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase); Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân, nguyên cán bộ Viwase.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư,, được triển khai xây dựng từ năm 2004 đến 2009 thì hoàn thành. Hệ thống đường ống cấp nước này đã được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống cấp nước Sông Đà, nhiều tuyến ống liên tục xảy ra sự cố nứt, vỡ.
Tiến hành giám định, Bộ Xây dựng kết luận, nguyên nhân do chất lượng ống cốt sợi thủy tinh không đảm bảo yêu cầu thiết kế và độ bền đạt thời gian 50 năm. Từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà đã 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ.
Việc vỡ hệ thống đường ống nước sông Đà dẫn đến đơn vị khai thác, kinh doanh phải bỏ ra hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, hậu quả của những lần vỡ ống nước còn khiến 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ với lưu lượng nước bị ngừng trệ lên tới hơn 1,7 triệu m3.
Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng đó, cáo trạng truy tố 9 bị cáo xác định, nguyên Giám đốc Ban QLDA cấp nước Sông Đà cùng đồng phạm đã vi phạm các quy định về xây dựng. Trong đó, Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải và Trương Trần Hiển là những người có trách nhiệm tổ chức thực hiện thi công, trên cương vị của chủ đầu tư song lại không làm tròn chức trách.
Các bị can này đã ký 73 biên bản nghiệm thu, giai đoạn cung cấp ống và xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống, phụ kiện ống composite dùng trong dự án không đạt chất lượng. Trong 3 cựu cán bộ của Ban QLDA cấp nước Sông Đà, bị can Trung và Hiển phải chịu trách nhiệm toàn bộ về thiệt hại. Còn bị can Khải phải chịu một phần trách nhiệm tương ứng.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Cựu giám đốc Nước sạch Sông Đà bị truy tố khung 10 năm tù Ông Trung bị cáo buộc cùng thuộc cấp vi phạm xây dựng dẫn đến vỡ đường ống nước Sông Đà, ảnh hưởng cuộc sống của 177.000 hộ dân. VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng lần hai truy tố nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà Hoàng Thế Trung (57 tuổi)...