Vụ vỡ đê kinh hoàng và hành trình ‘giết’ sông Lô
Trong ký ức của các lão nông ở xã Sầm Dương, thời khắc đê sông Lô bị vỡ mãi là một ám ảnh kinh hoàng. Con nước hung dữ năm ấy đã cuốn phăng tất cả tài sản, nhà cửa của người dân nơi đây. Nước mắt mặn chát của những người dân đã rơi theo con nước bạc.
Sóng ngầm ở bến sông Lô
Đó là câu chuyện của mấy chục năm về trước. Ấy vậy mà, giờ đây, mỗi khi nhắc lại, các bậc cao niên nơi triền đê sông Lô đều không khỏi giật mình.
Cũng đúng, với những người nông dân suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì mùa mưa bão những năm chưa đổi mới đó chắc khác nào một cơn ác mộng. Nhà cửa, ruộng vườn, tài sản bỗng chốc trôi theo dòng nước.
Ký ức kinh hoàng gần 30 năm
Đó là những ngày mưa gió dầm dề – tháng 7 năm 1986!
Người dân sinh sống cạnh cái doi đất này còn nhớ như in những ngày ấy. Trước ngày đê vỡ, mưa gió, sấm chớp đì đoằng, bầu trời xám xịt. Nước từ thượng nguồn đổ về ầm ầm.
Con sông Lô bình thường hiền lành là thế, bỗng trở nên hung dữ lạ thường, réo ùng ục như con thủy quái khổng lồ. Dòng sông đỏ quạch như màu máu.
Nước lên nhanh. Cả bãi soi Dù Dì ven sông Lô bị dòng nước nuốt chửng. Sáng, nước mới đến mép bãi bồi. Quá trưa, đã thấy nước tràn lên cả bãi soi.
Cả bãi bồi ngày thường toàn màu xanh của ngô, khoai bây giờ đùng đục màu trắng bạc. Con đê già nua dường như đang run lên theo con nước dữ. Từ xa, nó chẳng khác gì một sợi chỉ giữa biển nước mênh mông, sẵn sàng bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Mưa như ném đá. Các vị bô lão trong làng chạy ra chân đê, nhìn về biển nước mà xót xa. Thế là một mùa nữa đói kém. Thế là lại đứt bữa trong những ngày giáp hạt. Phía dưới, nước bắt đầu mấp mé chân đê. Cứ mỗi đợt sóng táp vào, những tảng đất lại đổ ầm xuống.
“Từng nhiều năm sinh sống nơi đây nhưng chưa thấy năm nào mà sông Lô lại hung dữ như thế. Khả năng đê vỡ là rất cao. Hôm đó hình như là ngày 17 tháng 7 thì phải, đang đứng trên triền đê, tôi nghe tiếng kẻng báo động của Hợp tác xã.
Cả xã kéo nhau ra, bằng mọi cách bịt kín những tảng đất phía dưới thân đê. Ngày đó, không có bì tải nên chúng tôi dùng tre, đan thành rọ rồi xúc đất đổ vào.
Hàng trăm cọc tre được người dân nơi đây đóng chặt vào những điểm đê có khả năng bị vỡ, hàng ngàn rọ đất được chuyển đến để chống chọi với con sóng đang gầm gừ dưới lòng sông Lô. Đêm đó, một nhóm người được cắt cử, đội mưa để canh chừng đê vỡ”ông Nguyễn Quang Minh, một người dân ở thôn Đồng Tâm nhớ lại.
Sáng hôm sau, lúc trời còn chưa rõ mặt người, ông Minh bị đánh thức bởi tiếng kẻng báo động. Nghĩ có chuyện chẳng lành, ông bảo vợ con di chuyển lên phía trên đồi, còn mình mang theo quốc xẻng ra phía triền đê.
Tới nơi, đã thấy hàng trăm người dân dầm mình dưới con nước. Nước sông Lô đen kịt, giống như con trâu mộng đang thở phì phò. Thi thoảng, nó lại chồm lên con đê già nua. Từng mảng đất lớn như những thớ thịt cứ thế bị cuốn trôi trước ánh mắt gần như tê dại của người dân.
Ông nhìn vào mấy cái vết nứt hôm qua, đã thấy nó hở toang hoác. Lúc này, dưới sông, nước dâng lên mỗi lúc một nhanh. Ông lao xuống dưới, cùng thanh niên trai tráng trong làng lập tức vác những khối đất để vá đê.
Video đang HOT
Hàng trăm, hàng ngàn rọ đất được huy động đến để cứu đê vỡ. Vừa lúc đó, lại một con sóng xô đến, cuốn phăng hàng chục m3 đất mà người dân vừa đắp. Một vết nứt chém ngang thân đê, nước từ ngoài bãi bắt đầu chảy qua thân đê.
Cứ như thế, hàng trăm con người vật lộn để cứu đê dưới cái rét và cơn mưa ngày càng nặng hạt. Hàng chục, hàng trăm m3 đất vừa được vận chuyển để vá những vết thương cho bờ đê thì ngay sau đó, một con sóng lớn lại ập đến, cuốn phăng tất cả. Mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ trong những cơn trêu đùa quái gở của thần sông.
Tầm 9 giờ sáng, lúc này, vết nứt trên thân đê ngày một lớn, bà con bèn tính đến việc phải chấp nhận một sự thật: đê vỡ .
Mọi người chạy thục mạng lên phía những khoảng đồi để tránh cơn đại hồng thủy. Tiếng la hét, tiếng gọi nhau í ới, tất cả tạo nên một khung cảnh hỗn loạn.
Khi những bước chân mệt mỏi cố nhoài đến quả đồi cao nhất trong làng thì một cảnh tượng hãi hùng xảy ra. Dòng nước hung dữ hất tung con đê tội nghiệp. Cả một cái lò gạch cũng bị dòng nước cuốn trôi. Những ngôi nhà phía gần đê ngay lập tức bị nuốt chửng.
Mấy ngày sau, nước rút. Người dân lại lục tục trở về bên những ngôi nhà toàn bùn với rác rưởi. Lúa gạo, thóc giống chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới trôi hết ra tận giữa bãi sông. Lại đói!
Đừng để dân “sống chết mặc bay”
Khi chúng tôi viết những dòng này, cũng là lúc những “binh đoàn” tàu quốc đang ầm ầm tiến đến dòng sông Lô để khai thác cát. Không những lòng sông, mà ngay cả cái bãi bồi phì nhiêu ngun ngút một màu xanh của ngô rồi đây sẽ trở thành một đại công trường.
Người dân tiếc đứt ruột cái bãi bồi phì nhiêu, chỉ cần vứt mất hạt ngô, chẳng cần chăm bón gì mà cuối mùa nào cũng lặc lè những bông ngô hạt chắc mây mẩy. Những bãi ngô xanh hun hút một màu từng làm cảm hứng cho cố nhạc sỹ Văn Cao rồi đây, chỉ còn là trong hoài niệm.
Bờ sông Lô bị sạt lở nghiêm trọng
Khi bài báo này chưa kịp lên trang, cũng là lúc tôi nhận được một tin buồn từ những người dân nơi đây. Họ bảo: có lẽ, chúng tôi sẽ nhận khoản tiền đền bù từ phía doanh nghiệp và chấp nhận mất đất! Xót lắm chú ạ, nhưng biết làm sao, phận người dân thấp cổ bé họng như chúng tôi biết kêu ai bây giờ.
Hỏi số tiền đền bù mà người dân nhận được là bao nhiêu, một ông lão buồn rầu trả lời: họ bảo là 20 triệu mỗi hộ. Ở đây, họ đền bù theo hộ chứ không phải theo diện tích đất. Mà kể cả là đền bù theo diện tích cũng có được đáng là bao đâu, chỉ tầm hơn 2.000 đ/m2.
Vậy là người dân sẽ nhận tiền đền bù, như chấp nhận thua cuộc! Vậy là một trong những thủ tục cuối cùng – hợp đồng thuê đất- sẽ sớm có trong tay các doanh nghiệp.
Một viễn cảnh sắp tới sẽ diễn ra: những bãi ngô xanh đang vào vụ sẽ bị xới tung để lấy cát; bãi bồi từng nuôi sống người dân hàng trăm năm nay sắp tới sẽ biến thành lòng sông. Nụ cười lại rạng ngời trên khuôn mặt của một nhóm người, còn nước mắt – nước mắt giống những ngày dân chạy nạn vì đê vỡ lại chảy trên khuôn mặt những người dân suốt đời lam lũ.
Và ai dám chắc, khi “lòng sông” này chỉ cách bờ đê một quãng rất ngắn, lại không xảy ra thêm một vụ vỡ đê như trong quá khứ?
Theo TTXVN, mới đây, đã xuất hiện vết lún nứt dài 70m dưới chân đê sông Lô.Vết lún nứt thứ nhất dài khoảng 70m, rộng 8 – 20 cm xảy ra tại địa phận thôn Lương Thiện (nơi đã xảy ra vỡ đê năm 1986). Vết lún nứt thứ 2 xảy ra ở địa phận thôn Thái Thịnh có chiều rộng 10 – 20 cm, dài khoảng 60 m. Và vết lún nứt thứ 3 xảy ra ở địa phận thôn Hưng Thịnh rộng 5 cm, dài khoảng 65 m. Được biết, những vết nứt này bắt đầu xuất hiện từ tháng 5/2010 và gần đây càng nghiêm trọng hơn (vết lún nứt rộng và dài hơn). Ngoài 3 điểm lún nứt trên, theo thống kê của UBND xã Sầm Dương, trên diện tích đất bãi soi ven sông Lô của 44 hộ dân còn xuất hiện tình trạng sạt lở, với tổng diện tích đất canh tác bị sạt lở 9.265 m2. Tình hình lún, nứt ngày càng diễn biến hết sức. Đặc biệt, sau trận mưa to kéo dài từ 27-28/8/2010, cống Hưng Định (xã Sầm Dương) – cống tiêu nước qua đê sông Lô đã bị sạt lở vào sát chân đê và mép cống. Cụ thể, vết sạt lở có chiều dài là 60 m, rộng 4 đến 12 m, sâu 6 đến 7 m. Trước những diễn biến phức tạp đó, ngày 19/5/2010, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản số 1024/UBND-NLN chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đề ra phương án đảm bảo an toàn cho đê đoạn qua xã Sầm Dương. Chính quyền xã Sầm Dương cũng từng có văn bản yêu cầu tạm dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Lô để điều tra nguyên nhân lún, nứt đê. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà ngày27/1/2014, ông Phạm Minh Huấn -nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang (vừa được bổ nhiệm sang làm Phó bí thư tỉnh ủy) lại cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho công ty cổ phần khoáng sản Tân Hà.
Hoàng Sang
Theo Khampha
Sóng ngầm ở bến sông Lô
Ngày cũng như đêm, hàng trăm người dân ở xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đốt đuốc để đuổi cát tặc. Những lán trại dã chiến được người dân lập vội trên những bãi bồi. Bất kể mưa hay nắng, cứ có kẻng báo động là dân lại ùa ra bãi bồi để ném đá, đẩy đuổi không cho tàu khai thác cát tiến đến gần bờ.
Sóng ngầm ở bến sông
Cả tháng nay, người dân ở thôn 4, thôn 5, xã Sầm Dương gần như chẳng làm được việc gì, bỏ hết việc đồng áng để giữ đất ở bãi bồi ven sông Lô. Với những người dân nơi đây, đất đai, còn quan trọng hơn cả mạng sống của chính bản thân mình.
Bởi thế, có người dân mà chúng tôi từng gặp trong cuộc chiến trường chinh để giữ đất từng chua chát nói rằng: "Nếu phải bỏ cả tính mạng mà giữ được đất, người dân cũng sẵn sàng".
Những chiếc tàu mải miết hút cát
Ấy vậy mà, cái "quý hơn mạng sống" của người dân rút cuộc đã được chính quyền tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho một doanh nghiệp. Lòng sông, bãi bồi, những ruộng ngô xanh hút tầm mắt rồi đây sẽ trở thành một đại công trường khai thác cát.
Người dân nơi đây kể rằng, gần 1 tháng nay, từ ngày xuất hiện đoàn tàu của doanh nghiệp đổ dồn về đây khai thác, làng xóm vốn dĩ bình yên bỗng ... vui đáo để.
Cái sự "vui đáo để" mà một lão nông tâm sự với tôi, nghe ra rất chua chát. Dân lập hẳn một ban bệ, đề ra những phương pháp để đối phó với cát tặc.
Gọi là "cát tặc" cũng đúng, bởi như lời ông Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang - Hoàng Văn An thì: doanh nghiệp chưa làm đủ các thủ tục (cụ thể chưa có hợp đồng thuê đất) mà tiến hành khai thác là trái phép.
Chưa có hợp đồng thuê đất, ấy vậy mà nhờ cái bảo bối là "Giấy phép khai thác khoáng sản" do phó chủ tịch tỉnh Tuyên Quang - ông Phạm Minh Huấn ký nên doanh nghiệp mặc sức khai thác (vấn đề này, chúng tôi sẽ trở lại trong những bài sau).
Gần như 100% các hộ dân ở thôn 4, thôn 5 xã Sầm Dương được đặt vào tình trạng báo động đỏ. Hễ nghe tiếng kẻng báo động, bất kể ngày hay đêm, toàn bộ dân chạy ùa ra bãi sông. Thời điểm cao nhất, phải có đến hơn trăm người tham gia giữ đất. Nhiều câu chuyện bi hài cũng xuất phát từ những đêm trắng thức cùng cát tặc.
"Chiến dịch" rầm rộ của người dân nơi đây được vắn tắt thế này: về nhân lực, mỗi hộ gia đình cử ít nhất một người tham gia vào đội "phản ứng nhanh"; vũ khí được huy động là đất đá; ngay cạnh bãi soi, mấy cái lều dã chiến kiểu như "ấp chiến lược" được người dân dựng sẵn để họ tá túc qua đêm; trong mỗi cái lều dã chiến, được dựng tạm bợ ấy lúc nào cũng có ít nhất 6 -10 người tá túc. Nếu phát hiện thấy tàu cát ghé sát gần bờ thì lập tức đánh kẻng báo động.
Cuộc chiến không cân sức
Theo ông Hà Đình Hùng, trưởng thôn Đồng Tâm (thôn5, xã Sầm Dương) thì đa số người dân nơi đây sống bằng nghề nông. Những năm gần đây, đất canh tác dần dần bị thu hẹp. Một phần là do nhu cầu xây dựng nhà ở, trường học, trạm xá.
Một phần, diện tích các bãi bồi phì nhiêu ven sông Lô bị cuốn trôi xuống sông. Cũng theo ông Hùng, thời gian gần đây, một công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát tại lòng sông Lô và khu vực bãi soi.
Ban ngày, hàng chục chiếc tàu quốc thi nhau múc cát ở lòng sông; đêm đến, nếu không có dân canh chừng thì vào tận bờ múc cát.
Người dân thôn 4, 5, xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương tập trung ngay bãi bồi để đuổi tàu khai thác cát.
Dẫn chúng tôi đi dọc các bãi bồi ven sông, ông Hà Đình Chiến, thôn Đồng Tâm thở dài: Trước, bãi bồi này rộng thênh thang và đẹp lắm. Hồi đó, nước sông Lô trong vắt, người dân còn gánh nước về ăn uống được. Đêm đêm, vào những hôm trăng thanh gió mát, thanh niên trai tráng trong làng tụ tập ra bãi ngô ngồi hóng gió, tự tình.
Nhưng mấy năm trở lại đây, người dân bỏ hẳn thói quen đó. Dòng sông Lô chuyển từ màu xanh sang đục ngầu, đỏ quạch. Cả một khúc sông dày đặc những tàu là tàu.
Trai làng thay vì ra bãi bồi hóng gió, tự tình vào những đêm trăng, giờ đây, chuyển ra bãi bồi để canh đất. Mà đâu chỉ có trai làng, từ cụ già đến phụ nữ và trẻ em, chẳng quản đêm hay ngày thay phiên nhau ra bãi bồi để xua đuổi đoàn tàu.
Người dân thôn Lương Thiện và Đồng Tâm kể rằng: từ ngày đoàn tàu quốc của Doanh nghiệp Tân Hà (Doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác ở khu vực này) lũ lượt kéo đến đây khai thác, người dân mất ăn mất ngủ để nghĩ ra kế giữ đất. Với những người dân nơi đây, đất còn quý hơn cả vàng.
Cái bãi bồi phì nhiêu, uốn lượn quanh sông Lô, từng nuôi sống bao nhiêu đời người dân nơi đây ngày càng biến dạng bởi phi đội tàu quốc tiến hành khai thác cát.
Mỗi khi chiếc cần cẩu của tàu quốc thọc sâu vào sát bờ là hàng trăm khối "vàng" của người dân lại đổ xuống sông. Người dân nhìn từng khối "vàng" của mình ngày đêm bị thu hẹp mà xót xa. Dân xót của nên kéo nhau ra xua đuổi.
Ban đầu, họ dùng đất, đá ném thẳng xuống tàu. Thấy dân làm dữ, chủ tàu lại ngừng khai thác, cho tàu lùi ra giữa sông. Thế nhưng khi dân về, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Thuyền quốc lại tiến sát bờ, ngoạm sâu vào khu vực không được phép khai thác.
Nhưng, sức người làm sao sánh được với máy móc? Dân có mặt: tàu lùi ra giữa sông. Dân về: những chiếc cần cẩu hút cát lại ngoạm sâm gần bờ.Cuộc chiến "không cân sức" này rút cuộc chẳng thể giúp người dân giữ được đất đai của mình. Bức xúc vì miếng cơm, manh áo của mình trôi hết xuống sông, dân lại kiến nghị lên thôn, xã.
Đại công trường trên sông Lô
Tối 19/3, theo chân người dẫn đường, chúng tôi có dịp thâm nhập vào khu vực khai thác trên sông Lô. Từ trên bờ, vẫn nhìn rõ mồn một từng chiếc tàu quốc đang mải miết hút cát. Đèn từ chiếc tàu quốc và tàu chở cát sáng rực cả một quãng sông.
Lòng sông Lô dường như trở nên chật hẹp bởi sự có mặt của hàng trăm chiếc tàu khai thác, chở cát. Tiếng động cơ rú lên, xé toạc màn đêm đặc quánh. Những chiếc cần cẩu của tàu quốc như những chiếc vòi bạch tuộc, khổng lồ vươn dài và thọc sát bờ sông.
Người dẫn đường cho chúng tôi thở dài: Đơn vị khai thác cát miệt mài làm cả ngày, cả đêm. Thời cao điểm nhất, phải có đến hàng trăm chiếc tàu lúc nhúc, ken kín cả mặt sông. Cách chỗ mấy cái tàu ăn cát, có hẳn cả một trạm của công an được lập nên. Nhưng, cái trạm ấy mọc lên để làm gì thì không ai biết.
"Họ làm cả ngày, cả đêm nên chúng tôi phải cắt cử người ra để canh giữ. Không có dân, y như rằng chúng đưa tàu sát ngay vào bờ để ngoạm đất"- người dân xót xa.
Sáng hôm sau, chúng tôi quay trở lại khu vực khai thác. Cả một quãng sông nham nhở. Bờ sông lúc này trông như một con quái thú khổng lồ.
Thi thoảng, một vạt đất lớn lại đổ ầm xuống sông. Những cây ngô đang vào vụ cũng bị cuốn trôi xuống sông. Bên bờ, một gốc tre lớn đang nằm chênh vênh, chỉ ít hôm nữa, nó cũng bị dòng sông này nuốt chửng.
Ông Nguyễn Công Khanh, một người dân ở thôn Đồng Tâm bảo rằng: Ngày trước, cái bãi bồi này nằm ở tít tận chỗ con tàu đang khai thác cát ấy.
Thế nhưng, từ khi tỉnh thi nhau cấp phép cho các doanh nghiệp vào khai thác, bãi bồi này ngày càng bị thu hẹp lại. Tôi dõi theo cánh tay mà người đàn ông vừa chỉ. Chỗ đó cách nơi chúng tôi đang đứng tầm gần 100m.
Theo_VietNamNet
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị làm Phó Bí thư Kiên Giang Theo quyết định điều động của Bộ Chính trị, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được cử làm Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang. Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, trong đợt luân chuyển cán bộ này, Bộ Xây dựng có 2 thứ trưởng được điều động đi làm nhiệm vụ mới. Cụ thể, thứ trưởng Nguyễn Thanh...