Vụ VNCB: Sẽ có bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Phạm Công Danh tại tòa?
Diễn biến sức khỏe của Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch VNCB) có chiều hướng xấu đi. Chủ tọa phiên tòa đã có những lời nhắc nhở chuẩn bị tinh thần và hỏi thăm về sức khỏe bị cáo.
Ngày 28.7, phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh cùng đồng bọn gây ra thiệt hại 9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục diễn ra. Cho đến nay, Phạm Công Danh vẫn chưa trả lời bất kỳ câu hỏi nào của HĐXX (trừ phần xét hỏi về nhân thân) trong ngày đầu xét xử.
Phạm Công Danh ôm ngực tại tòa ngày 27.7. Ảnh: H.Đ
Chiều cùng ngày, chủ tọa phiên tòa – Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM đã có những lời nhắc nhở, hỏi thăm về sức khỏe của Phạm Công Danh – chủ mưu trong vụ đại án. Với gương mặt mệt mỏi, dáng liêu xiêu, Phạm Công Danh cho biết sẽ cố gắng giữ sức khỏe để tham gia đầy đủ các phiên tòa xét xử còn lại của vụ án.
Bị cáo cũng cho biết đang phải sử dụng thuốc trị sỏi thận, căn bệnh mang lại nhiều đau đớn cho mình. Ngoài ra, nguyên Chủ tịch VNCB còn bị bệnh viêm phổi, suy giảm trí nhớ và thị lực đang giảm sút nhanh chóng. Chủ tọa phiên tòa cũng cho biết sẽ xem xét tình hình sức khỏe của ông Danh, nếu cần sẽ có bác sĩ chăm sóc ngay tại tòa, có một chiếc ghế dựa riêng cho bị cáo ngồi nếu thật sự cần thiết.
Trước đó, Phạm Công Danh từng muốn trả lời xét hỏi dù chưa được gọi tên với lý do: “Không nói liền bị cáo sẽ quên mất”. Sáng 27.7, khi được công an dẫn giải đến dự phiên tòa, Phạm Công Danh tỏ ra rất khó nhọc khi phải tự đi đến chỗ ngồi dành cho bị cáo, tay ôm ngực cùng vẻ mặt tỏ vẻ khá đau đớn. So với dáng vẻ mạnh khỏe của người đàn ông 52 tuổi này khi xuất hiện ở ngày đầu tiên xét xử vụ án (19.7), mới chỉ qua 10 ngày nhiều người phải bất ngờ vì sự “xuống sắc” của bị cáo.
Video đang HOT
Sáng 29.7, Phạm Công Danh sẽ chính thức tham gia phần xét hỏi về những nội dung liên quan đến vụ án thiệt hại 9.000 tỷ đồng (giai đoạn 1) tại VNCB.
Chỉ sau 10 ngày xét xử, Phạm Công Danh đã “xuống sắc” khá nhiều. Ảnh: H.Đ
Theo nội dung vụ án,trung tuần tháng 11.2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB, do Phạm Công Danh chủ mưu.
Bị cáo Phạm Công Danh cùng các bị can còn gây thiệt hại khi rút 5.190 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo này đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng.
Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỷ khi cùng 33 bị can cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng. Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần.
Theo cáo trạng hơn 220 trang của VKSND TP.HCM, Phạm Công Danh là chủ mưu chính vụ án, phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền trên 9.000 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại. Giai đoạn 2 của vụ án đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo Hồ Đông (Zing)
Đại án tại VNCB: "Bỏ của chạy lấy người" nhưng... không thoát
"Bị cáo thấy hồ sơ vay vốn mà lãnh đạo đưa xuống có liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh về tài sản đảm bảo nên không ký, tuy nhiên bị cáo thấy việc này là... "chống đối lãnh đạo" nên bị cáo xin nghỉ việc".
Bị cáo Võ Ngọc Nguyên Bình (nguyên phó phòng phụ trách kinh doanh VNCB chi nhánh Sài Gòn) cho biết như thế liên quan đến việc xin nghỉ của mình tại VNCB tại phiên tòa ngày 28.7.
Các bị cáo được dẫn giải lên tòa.
Theo cáo trạng, Võ Ngọc Nguyên Bình là người ký duyệt hồ sơ vay của 4 công ty (đều do Phạm Công Danh lập nên) với số tiền giải ngân là 1.770 tỷ đồng. Trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, Bình không đi thẩm định thực tế mà chỉ tìm hiểu thông tin qua Internet dẫn đến gây thiệt hại cho VNCB hơn 858 tỷ đồng.
Tại tòa, nguyên phó phòng phụ trách kinh doanh của VNCB chi nhánh Sài Gòn khai: "Bị cáo có xem xét báo cáo tài chính của các công ty này và thấy báo cáo có cân đối hợp lý. Bị cáo cũng xem xét tài sản đảm bảo là sổ hồng và những sổ hồng này được VNCB định giá cao nên cũng rất yên tâm ký đề xuất cho vay".
Việc ký hợp đồng tín dụng với 4 công ty này, theo Bình khai là đều trực tiếp ký với lãnh đạo 4 doanh nghiệp trên. Tuy nhiên, phản bác lại lời khai của Bình, 3 trong 4 "giám đốc hờ" trên đều khẳng định chưa từng gặp Bình, 1 người thì khai không nhớ.
Sau khi ký cho vay 4 hồ sơ trên, bị cáo Bình tiếp tục được giao xử lý tiếp hồ sơ vay cho 2 công ty là Toàn Tâm và An Phát (cũng do Phạm Công Danh lập nên), nhưng lúc này Bình phát hiện 2 công ty trên đều liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh về tài sản đảm bảo nên không ký cho vay.
"Bị cáo phát hiện 2 công ty Toàn Tâm và An Phát đều liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh, trong khi Tập đoàn Thiên Thanh lại là cổ đông lớn của ngân hàng nên bị cáo cảm thấy cho vay là không đúng quy định pháp luật. Bị cáo đã quyết định không ký cho vay và xin nghỉ việc", Bình khai tại tòa.
"Sau đó, bị cáo cũng tiến hành tìm hiểu thêm về dòng tiền cho 4 doanh nghiệp vay sử dụng thế nào, nhưng thấy tiền không chuyển trực tiếp cho bên vay sử dụng nên bị cáo cảm thấy rất lo lắng", Bình kể thêm, giọng mếu máo.
Tòa đặt câu hỏi, nếu không ký cho vay thì thôi, sao bị cáo còn nghỉ việc? Bình cho biết: "Bị cáo cảm thấy việc chống đối lãnh đạo là không hợp lý nên xin nghỉ...".
Dù đã "bỏ của chạy lấy người", nhưng hành vi ký 4 hồ sơ của Bình đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động tín dụng, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh giải quyết cho các công ty của mình vay trái pháp luật 1.770 tỷ đồng từ VNCB và gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 858 tỷ đồng nên Võ Ngọc Nguyên Bình đã bị bắt và truy tố trước tòa.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank (ngày 6.9.2012), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối Trustbank (sau đổi tên là VNCB) trong khi ngân hàng này đang bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát mọi giao dịch. Mọi giao dịch của ngân hàng từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến Tổng giám sát - Ngân hàng Nhà nước. Do nhu cầu cần tiền sử dụng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành kiểm soát VNCB, các chi nhánh VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện hành vi phạm tội. Từ khoảng tháng 5.2013 đến tháng 9.2014, Phạm Công Danh cùng những thuộc cấp của mình đã gây thất thoát cho VNCB số tiền hơn 9.000 tỷ đồng. Các đối tượng này bị truy tố vì có hành vi vi phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại cho VNCB hơn 7.000 tỷ đồng, đồng thời vi phạm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định gây thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo Danviet
Đại án tại VNCB: Thẩm định hồ sơ cho vay qua... Internet! Làm rõ "đường đi" của việc thẩm định hồ sơ cho vay gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) sáng 28.7, các bị cáo nguyên là nhân viên tín dụng của VNCB gây "sốc" khi cho biết chủ yếu thẩm định hồ sơ cho vay qua mạng Internet, không đi thực tế, thậm chí không...