Vụ VN Pharma: Thuốc thật hay thuốc giả?
Dư luận đang có cuộc tranh luận về câu chuyện thuốc thật – thuốc giả liên quan đến thuốc điều trị ung thư H-Capita của VN-Pharma.
Để cộng đồng có cái nhìn đầy đủ hơn, VietNamNet giới thiệu bài viết của BS Thanh Huyền giải thích rõ một số thuật ngữ theo hướng đơn giản hoá.
Một dược chất ra đời như thế nào?
Sau khi thử nghiệm trên động vật cho kết quả khả quan, người ta mới tính đến việc chiết tách một hoạt chất và bắt đầu thử nghiệm trên người.
Toàn bộ quá trình này diễn ra nhiều năm theo các quy trình nghiên cứu nghiêm ngặt, đảm bảo hoạt chất này khi nghiên cứu trên người phải được giám sát các tác hại và lập tức dừng lại khi có biểu hiện gây ra hậu quả.
Cần làm rõ H-Capita là thuốc thật hay thuốc giả.
Mặt khác, nếu được thử nghiệm trên người thành công (qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng được thiết kế tốt), lúc này mới hoàn thiện hồ sơ dược chất để đăng ký sở hữu trí tuệ. Người ta gọi các nghiên cứu này là nghiên cứu gốc. Từ đây một dược chất ra đời.
Capecitabine đã ra đời từ các nghiên cứu gốc của tập đoàn dược phẩm Hofmann-La Roche. Hiện trên thư viện dữ liệu y khoa lớn nhất Pubmed có đến 5.591 công trình nghiên cứu quốc tế về dược chất này trong suốt hơn 20 năm qua.
Mặc dù vậy, khi Capecitabine được công bố, người ta đặt cho thuốc một cái tên thương mại, gọi là Xeloda, chứ không gọi đích danh tên dược chất để đảm bảo tính tự do thương mại của dược chất, nghĩa là các công ty dược khác được quyền nghiên cứu và phát triển dược chất này thành thuốc.
Biệt dược gốc, thuốc gốc và thuốc generic
Xeloda ra đời đầu tiên có chứa Capecitabine nên được gọi là biệt dược gốc (brand-name drug). Do phải trải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt về nghiên cứu thử nghiệm, đảm bảo đủ 4 pha của thử nghiệm lâm sàng, đồng thời nếu được FDA phê duyệt cấp phép thì phải đảm bảo có ít nhất 2 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng độc lập khác cho ra cùng kết quả (theo luật của Hoa Kỳ).
Do đó các biệt dược gốc thường thực sự có giá trị khoa học và có tác dụng điều trị bệnh một cách hiệu quả.
Nhược điểm của các biệt dược gốc là do sự tốn kém về chi phí nghiên cứu, đăng ký, công bố, chứng minh tác dụng và đưa vào thị trường nên giá thành thường đắt. Một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người có thể tiêu tốn hàng triệu đô la Mỹ trong nhiều năm.
Sau khi hết thời hạn sở hữu độc quyền của nhà sản xuất ban đầu (thường là 20 năm), các hãng dược khác đã tiến hành nghiên cứu để tổng hợp được Capecitabine, tìm kiếm cách bào chế sao cho khi uống viên thuốc vào thì nồng độ của dược chất được đảm bảo đúng với nghiên cứu gốc, từ đó có tác dụng sinh học tương đương. Các thuốc này được gọi là các thuốc thứ cấp (generic).
Tại Việt Nam, thuật ngữ generic drug trước đây được dịch là thuốc gốc, với hàm ý có chung một nguồn gốc. Nhưng có lẽ từ nay nên dịch là các thuốc thứ cấp (generic), nghĩa là được tái lập lại, theo đúng nghĩa của các nghiên cứu thứ cấp về dược chất.
Nghiên cứu thuốc generic thường chỉ bằng một pha của quá trình hình thành biệt dược gốc, lại không phải tạo lập thị trường ban đầu nên giá thành rẻ hơn nhiều.
Video đang HOT
Có nên dùng thuốc thứ cấp?
Nên. Chính phủ đã có chủ trương và gần đây nhất vào tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo sửa đổi quy định mua thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền để giảm giá thuốc.
Tuy nhiên cần cẩn trọng. Không phải loại thuốc thứ cấp nào cũng tốt bởi chúng chỉ tốt trên giấy tờ. Các nghiên cứu ra thuốc thứ cấp nếu được tài trợ bởi chính công ty phát triển thuốc thứ cấp, không có một nhà giám sát nghiên cứu độc lập thì phải hết sức tỉnh táo lựa chọn khi xét duyệt.
Lúc này việc đánh giá một thuốc thứ cấp trở nên vô cùng quan trọng và cần phải có các nhà khoa học y học tham gia để đánh giá tính trung thực của các bằng chứng được cung cấp trong hồ sơ.
Cách phân biệt thuốc thứ cấp và thuốc giả
H-Capita là một thuốc thứ cấp được cho là sản xuất từ Ấn Độ. Tuy nhiên phải xem lại toàn bộ hồ sơ chứng minh tương đương sinh khả dụng của thuốc này để xác minh câu hỏi đầu tiên: Đây có phải là thuốc thật hay không?
Nếu như các nghiên cứu do nhà sản xuất thuốc cung cấp có đầy đủ tính trung thực (nghiệp vụ của các nhà khoa học) thì đồng nghĩa đây là thuốc thật và là thuốc thứ cấp.
Hiện tại căn cứ vào hàm lượng 97% Capecitabine thì chúng ta rất hy vọng đây là một thuốc thứ cấp thật vì thuốc được làm giả với mục đích lừa đảo thường có hàm lượng dược chất rất thấp hoặc nhìn hình thức bên ngoài thì giống nhưng bên trong khác hoàn toàn thành phần.
Nhưng H-Capita có thể được coi là thuốc tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và tại Việt Nam, song không được coi là “thuốc” tại Mỹ do không đạt hàm lượng từ 98% trở lên và 99% đối với một số thuốc đặc biệt theo quy định của FDA.
Từ đây có thể thấy lỗ hổng của việc đăng ký thuốc tại Cục Quản lý dược đã bị các đối tượng kia lợi dụng khi cung cấp một bản hồ sơ quá đẹp: Thuốc được sản xuất tại Canada (thay vì Ấn Độ) và hàm lượng lên đến 99% (thay vì 97%).
Như vậy cần phải có một cuộc điều tra khác để trả lời câu hỏi: Rốt cuộc H-Capita là thuốc thật hay thuốc giả? Có 3 tình huống có thể xảy ra:
1. H-Capita là thuốc giả: Sau khi xem xét lại toàn bộ hồ sơ khoa học, phát hiện ra các nghiên cứu cho H-Capita ra đời chỉ là các nghiên cứu “ma” hoặc không có giá trị khoa học.
2. H-Capita là thuốc thứ cấp: Chỉ cần chứng minh được các bằng chứng khoa học của thuốc này có giá trị thì H-Capita được coi là thuốc mà không phụ thuộc hàm lượng 97% hay 99%.
3. H-Capita là thuốc thứ cấp nhưng tác dụng kém: Đây là một bài toán cực kỳ khó giải đáp và đòi hỏi phải có nghiên cứu công phu khi so sánh đối đầu H-Capita với biệt dược gốc Xeloda. Tuy nhiên Việt Nam nên có các nghiên cứu đối đầu này mỗi khi muốn đưa một loại thuốc thứ cấp nào vào đất nước.
Thuốc giả có thể gây chết người
Thuốc giả (thuốc điều trị ung thư, kháng sinh…) có tác hại rất lớn bởi thành phần không rõ ràng, có thể chứa độc chất nào đó đối với cơ thể hoặc hàm lượng không đủ để đảm bảo khả năng tiêu diệt mầm bệnh (tế bào ung thư, vi khuẩn, nấm…).
Một trong những đặc tính của mầm bệnh là tính nhờn thuốc. Nếu thuốc không đủ nồng độ có thể kích hoạt cơ chế thích nghi, dẫn đến kháng thuốc và người bệnh có thể chết.
Chính vì vậy trách nhiệm của nhà quản lý là rất lớn nếu đi theo chủ trương ưu tiên sử dụng hàng generic.
Cách tốt nhất để tránh dùng thuốc giả là phải đầu tư nghiên cứu ra thuốc thật ngay từ đầu.
Theo BS Thanh Huyền (Vietnamnet)
Vụ VN Pharma: Xử lý tội buôn lậu là sai luật!
Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu... đề nghị xem xét lại tội danh.
Phải xử tội buôn bán hàng giả
Hai vấn đề mấu chốt cần xác định lại là tang vật của vụ án là thuốc giả và hành vi của các bị cáo phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Sau phiên tòa sơ thẩm vụ án tại Công ty CP VN Pharma, vấn đề các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý các bị cáo đúng tội danh hay chưa vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài phân tích của TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM.
Đây là thuốc giả!
Theo tôi, tang vật trong vụ này gồm 9.300 hộp thuốc H-Capita (thuốc điều trị ung thư) do Công ty VN Pharma nhập lậu là thuốc giả chứ không phải thuốc kém chất lượng.
Bởi vì các hành vi nhập khẩu số thuốc nói trên thực hiện vào các năm 2013-2014 nên phải dựa vào quy định của Luật Dược 2005 (chứ không phải Luật Dược 2016). Theo đó, tại các khoản 22, 23, 24 Điều 2 Luật Dược 2005 quy định thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Còn thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp: Không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.
Theo cáo trạng, lô thuốc H-Capita 500 mg là không rõ nguồn gốc. Trên các thùng hàng này có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ, tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bộ Công Thương cũng xác định mã vạch, mã số trên vỏ hộp thuốc không được đăng ký bởi quốc gia nào.
Ngoài ra, còn nhiều hồ sơ khác bị làm giả như giấy chứng nhận bán hàng tự do để được lưu hành thuốc trên thế giới; giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (do Bộ Y tế Canada cấp); con dấu lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada... Bộ Ngoại giao cũng có công văn trả lời A83 (Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an) cho biết không có công ty nào tên Helix Pharmaceuticals Inc tại địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario, Canada như hồ sơ VN Pharma cung cấp cho Cục Quản lý dược.
Cơ quan điều tra từng khẳng định lô thuốc này không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết luận giám định số 31 của Hội đồng giám định của Bộ Y tế chỉ rõ lô thuốc chứa 97% hoạt chất capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại tòa. Ảnh: HY
Một số ý kiến của luật sư bào chữa cho các bị cáo tại tòa cho rằng đây là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả. Thế nhưng theo tôi, từ quy định về thuốc kém chất lượng nêu trên cho thấy lập luận này không đúng. Và như đã phân tích ở trên thì thấy rằng không có công ty nào tên Helix Pharmaceuticals Inc, tồn tại ở địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario, Canada để sản xuất 9.300 hộp thuốc H-Capita. Do đó, không thể kết luận đây là thuốc kém chất lượng mà chỉ có thể coi là thuốc giả.
Cũng có thể có quan điểm cho rằng hành vi nhập thuốc trong vụ án này chỉ giả nhãn hiệu nhưng hàm lượng chất chính (hoạt chất capecitabine) vẫn đạt được. Do đó đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171 BLHS 1999). Quan điểm này cũng bị loại trừ vì chỉ có thể giả nhãn hiệu của một cơ sở sản xuất có thực chứ không thể xâm phạm nhãn hiệu của một cơ sở không có thực.
Với các lập luận nêu trên, có thể kết luận 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư do Công ty VN Pharma nhập lậu trong vụ án là thuốc giả.
Tội buôn bán hàng giả là thuốc mới đúng
Về mặt xác định tội danh, trong vụ án này, các bị cáo đã nhập lậu 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư là thuốc giả là hành vi xâm phạm các khách thể khác nhau và có dấu hiệu của cả hai tội. Đó là tội buôn lậu (Điều 153 BLHS 1999), xâm phạm chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước và tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (Điều 157 BLHS 1999), xâm phạm chế độ quản lý nhà nước đối với thuốc chữa bệnh.
Về mặt lý luận, trường hợp hành vi phạm tội xâm phạm nhiều khách thể trực tiếp thì chúng ta phải lựa chọn khách thể trực tiếp để định tội là khách thể nào thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp này là định tội danh theo khách thể của tội phạm. Ví dụ, hành vi gây rối và đánh chết người tại nơi công cộng thì xử lý về tội giết người (xâm phạm tính mạng con người) chứ không xử lý về tội gây rối trật tự công cộng (xâm phạm trật tự công cộng). Vì lựa chọn khách thể là tính mạng con người mới thể hiện đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội hơn là trật tự công cộng.
Vì thế theo tôi, vụ án này các cơ quan tố tụng phải khởi tố, truy tố và xét xử các bị cáo về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mới đúng. Bởi vì hành vi này xâm phạm chế độ quản lý nhà nước đối với thuốc chữa bệnh, thể hiện bản chất nguy hiểm cho xã hội hơn là chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước. Tính nguy hiểm đó được nhà làm luật thể hiện ở chỗ tội buôn lậu có mức cao nhất là chung thân nhưng tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có mức cao nhất là tử hình.
Có một thực tế là tuy các cơ quan tố tụng xử lý không đúng tội danh như đã phân tích nêu trên nhưng nếu xử về tội buôn lậu thì khung hình phạt áp dụng cao hơn tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, nếu xử lý về tội buôn lậu thì với số hàng lậu trị giá khoảng 5 tỉ đồng sẽ rơi vào khoản 4 Điều 153 (có khung hình phạt là tù 12-20 năm, chung thân). Còn nếu xử lý về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh thì chỉ rơi vào khoản 2 Điều 157 (với tình tiết định khung là có tổ chức), có khung hình phạt là tù 5-12 năm. Lý do là hành vi phạm tội đã bị ngăn chặn (chưa đưa thuốc ra thị trường) nên chưa gây ra hậu quả. Do đó, mức án tối đa đối với bị cáo nguy hiểm nhất nếu xử lý về tội buôn bán thuốc chữa bệnh giả cũng chỉ tối đa 12 năm tù.
Đương nhiên, việc xử đúng tội danh là yêu cầu quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền.
Nội dung vụ án
Năm 2013, Nguyễn Minh Hùng (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty VN Pharma) thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường (giám đốc Công ty Hàng hải quốc tế H&C) đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix Pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Từ năm 2013 đến tháng 9-2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500 mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá 251.000 USD. Cơ quan điều tra còn kết luận Phạm Văn Kiệt (giám đốc Công ty Dược Sài Gòn) đã giúp sức qua hành vi sử dụng con dấu, chữ ký bất hợp pháp giúp Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc.
Theo cáo trạng, kết luận của Hội đồng giám định thuộc Bộ Y tế viết: "Lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người".
-
Một phần do luật chưa rõ
Ngoài việc cơ quan tố tụng chưa xác định rõ tang vật là thuốc giả còn có một phần do BLHS 1999 chưa rõ khi quy định hành vi buôn bán hàng giả qua biên giới bị xử về tội buôn lậu, hoặc các tội khác liên quan đến hàng giả. Trong BLHS 2015, điều này đã được khắc phục vì hành vi nêu trên sẽ bị xử lý về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh với tình tiết định khung tăng nặng là "buôn bán qua biên giới".
TS Phan Anh Tuấn
Theo Pháp Luật
Vụ VN Pharma buôn thuốc ung thư giả: Sao không truy tố tội hàng giả? Theo nguyên thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh, trong vụ án VN Pharma, việc nhập khẩu thuốc giả chắc chắn phải có sự giúp sức của cán bộ khác của ngành y tế về thủ tục nhập khẩu. Ông cũng đặt vấn đề, những bị cáo trong vụ VN Pharma sao không bị truy tố về tội buôn bán hàng giả mà lại truy...