Vụ Việt Á nâng giá kit xét nghiệm COVID-19: Nhiều địa phương thông đồng ‘thổi giá’?
Theo Bộ Công an, tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí đầu vào để thổi giá kit xét nghiệm COVID-19 và cung cấp cho các địa phương.
Phan Quốc Việt tại cơ quan điều tra – Ảnh: Công an cung cấp
Ông chủ của Việt Á đã chi tiền phần trăm “khủng” cho lãnh đạo bệnh viện và CDC các tỉnh thành. Tuổi Trẻ đã liên hệ nhiều lãnh đạo địa phương.
Đã bắt tạm giam nhiều người
Ngày 19-12, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, sau khi tống đạt quyết định khởi tố bị can, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt tạm giam Phan Quốc Việt – người sáng lập, đồng thời là tổng giám đốc
Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Công ty này được coi là “ông lớn” trong ngành thiết bị y tế tại Việt Nam, sở hữu hệ thống phòng khám tại TP.HCM và Quảng Nam.
Cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam Phạm Duy Tuyến, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, và các bị can là lãnh đạo, nhân viên của Công ty Việt Á. Những người này bị điều tra về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Lãnh đạo C03 đánh giá hành vi sai phạm của các bị can không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền lớn, mà còn “móc túi” hàng triệu người dân khi phải sử dụng dịch vụ xét nghiệm với giá cao hơn giá trị thực.
C03 cũng làm rõ: để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các thuộc cấp ở Công ty Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Trong đó Tuyến được chi gần 30 tỉ đồng.
Video đang HOT
Trụ sở Công ty Việt Á tại 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM, nhưng theo chủ nhà, chỉ đặt bảng tên, không có nhân viên làm việc l Ảnh nhỏ: kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều nơi mua kit từ Việt Á cao hơn Hải Dương
Sau khi những sai phạm tại CDC Hải Dương được công bố, câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại các địa phương khác có xảy ra tình trạng móc ngoặc để “thổi giá” kit xét nghiệm hay không?
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, còn nhiều tỉnh thành mua kit xét nghiệm của Việt Á với mức giá từ 470.000 đồng/bộ test PCR như ở Hải Dương, thậm chí mua ở mức giá cao hơn.
Cụ thể, tại quyết định ngày 23-6-2021 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư chống dịch, Bắc Ninh phê duyệt mua 10.000 bộ test PCR LightPower của Việt Á cho CDC tỉnh Bắc Ninh với giá 470.000 đồng/bộ.
Cùng thời điểm này, tỉnh Nam Định cũng mua 13.536 bộ test tương tự của Việt Á, giá 509.250 đồng/bộ.
Tháng 5-2021, một địa phương ở miền Trung cũng có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ chống dịch COVID-19. Trong 11 loại vật tư mua dịp này (tổng trị giá trên 53 tỉ đồng), có 70.000 bộ LightPower, giá mua là 509.250 đồng/bộ, trị giá trên 35,6 tỉ đồng.
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết tỉnh thành, bệnh viện mua bộ xét nghiệm PCR của Việt Á thời gian qua đều mua với giá từ 470.000 đồng/bộ trở lên. Trong khi đây là mức giá CDC Hải Dương đã mua và giám đốc CDC Hải Dương bị bắt cùng tổng giám đốc Việt Á do nhận “phần trăm” gần 30 tỉ đồng.
Theo cơ quan điều tra, tại Hải Dương mỗi hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm, giám đốc CDC đã được “lại quả” 20 – 25% giá trị hợp đồng. Việc bắt tạm giam các bị can trên chỉ là giai đoạn đầu của chuyên án làm rõ đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế xét nghiệm COVID-19.
Lãnh đạo C03 cho biết đang tiếp tục điều tra mở rộng tại nhiều nơi khác, làm rõ vai trò các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi… và xử lý nghiêm theo quy định.
Thời gian qua, việc xét nghiệm tần suất quá dày, chi phí xét nghiệm cao, doanh nghiệp và người dân khốn đốn vì phí xét nghiệm và các quy định xung quanh việc xét nghiệm, đến nay khi cơ quan công an bắt đầu bóc gỡ việc “thổi giá” xét nghiệm cho thấy còn có những tảng băng chìm xung quanh chi phí xét nghiệm cần được làm rõ.
Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được WHO chấp thuận – Ảnh: Bộ KH&CN
Lãnh đạo Hải Dương chưa thể trả lời
Ngày 19-12, phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ lãnh đạo tỉnh Hải Dương để xác minh thêm thông tin giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến bị khởi tố điều tra hành vi nhận “phần trăm” và câu kết cùng Việt Á “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 nhưng không nhận được câu trả lời.
Trao đổi về việc CDC Hải Dương mua sắm bộ kit xét nghiệm COVID-19 có phải thông qua Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh để phê duyệt hay không, ông Lưu Văn Bản – phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – cho biết không phụ trách lĩnh vực này và đề nghị trao đổi với chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Triệu Thế Hùng – chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – cho biết đang bận họp chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 nên không tiện trao đổi thông tin.
Phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Trọng Hưng – giám đốc Sở Tài chính và ông Phạm Mạnh Cường – giám đốc Sở Y tế Hải Dương, nhưng đều không nhận được hồi âm. Bà Nguyễn Thị Trung Chính – phó giám đốc Sở Y tế – cho biết không phụ trách lĩnh vực nên không nắm được cụ thể.
Long An yêu cầu 4 đơn vị mua kit test của Công ty Việt Á báo cáo khẩn
Sở Y tế Long An yêu cầu tất cả các đơn vị mua kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ Công ty CP công nghệ Việt Á kiểm tra, báo cáo về quy trình mua bán với Sở trước 15h hôm nay.
Long An yêu cầu các đơn vị báo cáo về việc mua kit test (Ảnh minh họa).
Thông tin với PV Dân trí, ông Huỳnh Minh Phúc - Giám đốc Sở Y tế Long An cho biết, Sở đã có văn bản gửi các đơn vị y tế trên địa bàn kiểm tra, rà soát công tác đầu tư, mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phòng, chống dịch năm 2021. Tất cả các báo cáo phải gửi về Sở Y tế chậm nhất vào ngày 22/12.
Sau khi nhận được báo cáo, Sở sẽ tổng hợp và gửi UBND tỉnh, chậm nhất ngày 24/12. Riêng đối với các sinh phẩm xét nghiệm mua từ Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), các đơn vị đã mua phải báo cáo trước 15h ngày 20/12.
Hiện, tỉnh Long An có 4 đơn vị có tham gia mua kit test của công ty Việt Á gồm: CDC Long An, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An, BVĐK Khu vực Hậu Nghĩa và BVĐK Khu vực Cần Giuộc.
Theo ông Huỳnh Minh Phúc, Long An là một trong những địa phương có dịch bệnh Covid-19 khá phức tạp. Thời gian qua, các đơn vị được giao chủ động mua kit test bằng hình thức chỉ định thầu. Các đơn vị xây dựng kế hoạch mua bán dựa vào khung giá của Bộ Y tế, được cơ quan chuyên môn thẩm định trước khi trình UBND tỉnh.
Ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương (trái) và ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (Ảnh Nguyễn Dương).
Trước đó, ngày 18/12, ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương và ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á bị Bộ Công an khởi tố để điều tra về dấu hiệu nâng khống vật tư xét nghiệm Covid-19.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan.
Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng xác định: Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm Covid. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Giá trang thiết bị y tế phải được niêm yết công khai Đây là một trong những nội dung của Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2022. Nghị định này quy định việc quản lý trang thiết bị y tế bao gồm: Phân loại trang thiết bị y tế; sản xuất, nghiên cứu lâm sàng, lưu hành, mua bán, xuất...