Vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng là lời cảnh tỉnh với người có quyền lực
Đại biểu Lê Thanh Vân (uỷ viên thường trực UB Tài chính-Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, những dấu hiệu sai phạm của nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã rõ, nếu chỉ xử lý hành chính là… quá nhẹ. Vụ việc của ông Hoàng là lời cảnh tỉnh cho những người đang có điều kiện sử dụng quyền lực.
Ông bình luận thế nào về kết quả kiểm tra, kết luận về những vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng mà UB kiểm tra TƯ đã thông báo công khai?
Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc làm rõ những dấu hiệu vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng sau khi có kết luận của UB Kiểm tra TƯ bởi kết luận của UB Kiểm tra TƯ là xử lý về mặt Đảng. Nhưng Đảng không quyết thay việc của Nhà nước là áp trách nhiệm hành chính, dân sự hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Vũ Huy Hoàng và các cá nhân có liên quan hay không. Công việc đó, thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà cụ thể là các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Các cơ quan này phải vào cuộc để xem xét các yếu tố, dấu hiệu vi phạm cấu thành lỗi vi phạm hành chính, hay cấu thành vi phạm hình sự… để xử lý.
Đại biểu Lê Thanh Vân: “Trường hợp cán bộ sai phạm như ông Hoàng không phải là duy nhất”.
Có ý kiến cho rằng cần mở ra một vụ án, khởi tố, điều tra thì mới xác định được mức độ, phạm vi trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng với những vụ việc xảy ra tại Bộ Công thương khi ông còn đương chức. Ý kiến của ông về việc này?
Kết luận của UB Kiểm tra TƯ cho thấy những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng tương đối rõ. Theo tôi, những dấu hiệu vi phạm được chỉ ra cho thấy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm như, cá nhân đã có động cơ, mục đích trong vi phạm pháp luật; sử dụng các động cơ để đạt được mục đích đề ra, bất chấp các quy định của pháp luật và hậu quả có thể xảy ra. Thực tế chúng ta đều thấy, chỉ riêng hậu quả kinh tế do PVC và Trịnh Xuân Thanh gây ra đã thiệt hại hơn 3.000 tỷ. Tất cả những điều đó cho thấy, nếu chỉ xử ông Vũ Huy Hoàng về mặt hành chính là quá nhẹ.
Cụ thể, việc bổ nhiệm con trai vào các chức vụ, cao nhất là lãnh đạo Sabeco của ông Vũ Huy Hoàng, UB Kiểm tra TƯ khẳng định là vi phạm các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Dư luận thì rõ ràng có quyền nghi ngờ khi bố lại bổ nhiệm con vào một vị trí được xem là rất “đắt giá”?
UB Kiểm tra TƯ đã xem xét kỹ lưỡng và kết luận như vậy trên cơ sở xác định những hành vi, hậu quả đã xảy ra. Những dấu hiệu để cơ quan kiểm tra của Đảng xác định là, một người là bố lại bổ nhiệm con, nếu người con đó thực sự là tài, có tư duy, phẩm chất nổi bật, ưu tú thì chắc dư luận, cơ quan tổ chức ở đơn vị sử dụng cán bộ cũng không phàn nàn gì đâu. Nhưng trường hợp của Vũ Quang Hải, có cả một tập thể là Hiệp hội những nhà đầu tư tài chính (VAFI) liên tục phản ứng trong thời gian dài.
Vậy thì cần phải xem xét lại người được bổ nhiệm này có xứng đáng không. Có lẽ vì không xứng đáng nên người ta mới đặt vấn đề có can thiệp, từ hệ thống điều hành của mình, ông Hoàng đã tạo ra sự thuận lợi, làm bệ đỡ cho Vũ Quang Hải lên chức liên tục trong thời gian chưa dài.
Còn với vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, kết luận của UB Kiểm tra nêu rõ là, mặc dù biết ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm nhưng nguyên Bộ trưởng Công thương vẫn cố tình thực hiện các quy trình cán bộ với người này. Vậy quy định pháp luật nào điều chỉnh việc này, để xử lý được sai phạm?
Video đang HOT
Trong vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, như báo chí thông tin, người này đã có những dấu hiệu vi phạm từ lâu, đáng ra các cơ quan đã có cơ hội ngăn chặn sự xâm nhập của người này vào hệ thống. Thế nhưng, hoạt động của Trịnh Xuân Thanh không những không bị ngăn chặn mà còn có cá nhân nào đó, tập thể nào đó giúp “hợp thức hoá” để người này lọt được lưới trong hoạt động rà soát, kiểm tra cán bộ để được bố trí, luân chuyển từ cơ quan này sang cơ quan kia theo chiều hướng đi lên.
Giờ nếu lật ngược lại hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh thì có thể “duy danh định nghĩa”, “chỉ mặt đặt tên” rất cụ thể các cá nhân, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm. Tôi nghĩ việc này không khó, vấn đề là cơ quan pháp luật phải vào cuộc để trả lời cho công luận người dân.
Với những vi phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ như thế của ông Vũ Huy Hoàng, dư luận đặt câu hỏi, những quyết định bổ nhiệm không đúng đó có cần thiết phải được khắc phục, giải quyết thế nào?
Tôi nghĩ khi đã làm rõ, khẳng định được hành vi trái pháp luật thì hoặc phải thu hồi hủy bỏ các quyết định sai trái về bổ nhiệm nhân sự và xem xét mức độ thiệt hại để thu hồi tài sản.
Từ vụ việc của một vị nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ khóa trước tới vụ nguyên Bộ trưởng Công Thương xảy ra khóa này, dường như chỉ khi các Bộ trưởng, Trưởng ngành về hưu thì các sai phạm mới lộ ra, được làm rõ. Cơ chế giám sát tại các bộ ngành quản lý nhà nước có vẻ còn rất lỏng lẻo, thưa ông?
Tôi nghĩ hiện tượng vi phạm pháp luật của những vị giữ trọng trách trong các cơ quan nhà nước, ngay ở trong Đảng và nhà nước có nhiều lý do nhưng cơ bản nhất là do quy định của Đảng, quy phạm pháp luật của nhà nước có kẽ hở, chưa chặt chẽ nên những người đó có cơ hội để lợi dụng.
Cơ chế kiểm soát nội bộ, kiểm soát bên trong của hệ thống cũng có vấn đề, có nghĩa là tính đấu tranh của tập thể, sự ngăn chặn của tập thể với hành vi vi phạm của cá nhân làm chưa tốt. Hoạt động của các cơ quan chức năng, công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan cấp trên với cấp dưới, cơ quan ngang cấp có thẩm quyền giám sát… cũng chưa chuẩn nên mới để lọt những người lạm dụng quyền lực, lạm dụng quy định để làm những việc có lợi cho cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình.
Với ông Hoàng, hình thức kỷ luật về Đảng được đề xuất là cảnh cáo khi vị cựu Bộ trưởng đã về hưu có ý nghĩa thế nào lúc này, thưa ông?
Một Đảng viên tham gia tổ chức Đảng đều phải thực hiện lời dưới cờ Đảng là phục vụ tôn chỉ mục đích mà Đảng theo đuổi và cam kết chấp hành quy định về những việc không được làm. Ông Vũ Huy Hoàng đã có vi phạm, không chỉ làm sai lời thề của mình khi vào Đảng mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Đảng. Tôi nghĩ, UB kiểm tra TƯ đã xem xét kỹ lưỡng mới chọn hình thức cảnh cáo với ông ấy.
Việc đó, với ông Hoàng, có ý nghĩa là sự trừng phạt của Đảng, là lời nhắc nhở, răn đe của Đảng thành viên của mình. Với xã hội, việc này có tác động để dư luận thấy được sự nghiêm minh của Đảng trong việc quản lý cán bộ, Đảng viên.
Tôi nghĩ sự việc của ông Hoàng là lời cảnh tỉnh để những người có điều kiện sử dụng quyền lực như ông Hoàng đừng bao giờ lạm dụng quyền lực nữa. Nhưng trường hợp của ông Hoàng tôi cho không phải là duy nhất. Nếu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra để làm rõ hành vi của những cán bộ có chức vụ tương đương ông Hoàng ở TƯ, địa phương thì không phải ít đâu.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo
Theo Dantri
Ông Vũ Quang Hải có thu nhập bao nhiêu ở Sabeco?
Theo kế hoạch trong năm 2016, ông Vũ Quang Hải sẽ nhận được 11,9 tỷ đồng tại Sabeco nhưng tới tháng 6 mới thực lĩnh khoảng 230 triệu đồng.
Trong những tháng gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tố cáo những sai phạm của Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong đó có sai phạm khi bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương.
Ông Vũ Quang Hải,thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Sabeco.
Những tố cáo của VAFI khiến dư luận quan tâm tới hoạt động tại Sabeco của ông Vũ Quang Hải hơn. Một trong những thông tin khiến dư luận khá choáng váng chính là ông Vũ Quang Hải có thu nhập tiền tỷ từ Sabeco.
Tuy nhiên, mặc dù dự kiến được nhận 1,19 tỷ đồng cho cả năm 2016 nhưng khi năm 2016 đi được nửa quãng đường, thực lĩnh của ông Hải có thể thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 230 triệu đồng cho 6 tháng đầu năm.
Lương sụt giảm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Sabeco trong 6 tháng đầu năm, Sabeco đã chi khoảng 2,3 tỷ đồng cho dàn lãnh đạo trong HĐQT, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát. Quỹ lương này giảm mạnh so với con số 3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, bình quân mỗi vị trí trong dàn lãnh đạo Sabeco được trả 164 triệu đồng cho 6 tháng đầu năm, tương ứng 27,4 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập tương đối thấp cho các cán bộ cấp cao tại một công ty lớn.
Tuy nhiên, do có 3 lãnh đạo kiêm nhiệm, trong đó, ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nắm giữ hai chức vụ thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc nên bình quân, mỗi lãnh đạo Sabeco nhận 230 triệu đồng/6 tháng, tương ứng 38,3 triệu đồng/tháng.
Đây là thông tin khá bất ngờ, vì trước đó, theo kế hoạch, Sabeco sẽ chi trả rất hậu cho các sếp lớn. Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của Sabeco đã thông qua tờ trình quyết toán tiền lương, thù lao năm 2015 của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Theo đó, tổng quỹ tiền lương và thù lao thực hiện năm 2015 của Sabeco là 4,68 tỷ đồng. Bình quân mỗi lãnh đạo Sabeco có thu nhập 520 triệu đồng. Tuy nhiên, sang năm 2016, Sabeco hứa hẹn mức tăng lương khủng cho các sếp lớn.
Cụ thể, Sabeco dự chi 9,99 tỷ đồng lương cho 10 người quản lý. Trung bình mỗi sếp Sabeco nhận 999 triệu đồng tiền lương năm 2016. Ngoài ra, những sếp kiêm nhiệm của Sabeco còn có thêm 783 triệu đồng thù lao kiêm nhiệm. Bình quân mỗi người nhận 195,7 triệu đồng.
Với việc kiêm nhiệm, ông Vũ Quang Hải dự kiến sẽ nhận thù lao 1,19 tỷ đồng tại Sabeco cho cả năm 2016. Cộng với những khoản thưởng khác, thu nhập năm 2016 của ông Hải có thể đạt 1,44 tỷ đồng.
"Mẹ con" cùng ôm tiền cho vay
Đầu tháng 9, công ty mẹ Sabeco khiến dư luận ngạc nhiên khi ôm gần 8.200 tỷ đồng đi gửi ngân hàng. Công ty mẹ gửi tiền ngân hàng trong bối cảnh công ty có nhiều khoản đầu tư thua lỗ, đặc biệt là những khoản rót vốn vào các ngân hàng.
Báo cáo tài chính hợp nhất tháng đầu năm của Sabeco cho thấy không chỉ "mẹ" thích ôm tiền gửi ngân hàng, các công ty con của Sabeco cũng vậy. Tại thời điểm cuối quý 2/2016, toàn hệ thống Sabeco đã "ôm" 9.387 tỷ đồng gửi tiết kiệm.
Các khoản gửi tiết kiệm này có kỳ hạn dưới 3 tháng với lãi suất từ 3,5% tới 5,5%/năm. Tuy nhiên, Sabeco cho biết Tổng công ty đã thế chấp các khoản tiền gửi tiết kiệm nhằm đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng.
Điều đáng nói, 9.387 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng của Sabeco là con số rất lớn, cao gấp 1,5 lần vốn góp chủ sở hữu, nhiều gấp 1,6 lần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và cao gấp 4 lần lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Sabeco.
Vì ôm khoản tiền khủng gửi ngân hàng rất lớn nên Sabeco nhận được tới 232,5 tỷ tiền lãi tiết kiệm. Khoản thu này chiếm tới 84% tổng doanh thu hoạt động tài chính.
Cả "mẹ con" Sabeco ôm tiền đi gửi trong bối cảnh Tổng công ty có nhiều khoản đầu tư thua lỗ. Hiện tại, Sabeco phải trích lập dự phòng 432 tỷ đồng cho những khoản đầu tư thua lỗ đó.
Theo VOV
Nguyên giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa lạm quyền tuyển hơn 3.700 lao động Trong 5 năm (2011-2015), ông Hoàng Sỹ Bình, nguyên Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đã ký quyết định tuyển dụng hơn 3.700 lao động vào các cơ sở y tế và bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cấp phó phòng không qua tổ chức. Thanh tra tỉnh Thanh Hóa vừa có kết luận về việc nguyên Giám đốc Sở Y tế Hoàng...