Vụ VEC cấm ô tô đi trên cao tốc: Không có căn cứ và vô pháp?
Luật sư cho rằng, việc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam ( VEC E) thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện tham gia trên các tuyến đường cao tốc do đơn vị quản lý là chế tài không có căn cứ và vô pháp luật.
Những ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm việc VEC E ra thông cáo thay mặt Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 ô tô mang BKS 51A-558.50 và 51G-772.56 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý.
Lý giải về thông báo này, VEC E cho biết các tài xế điều khiển các phương tiện nêu trên đã có hành vi được cho là gây rối, cản trở giao thông trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Nhiều người xuống xe tranh cãi với nhân viên thu phí (Ảnh: VEC E)
Ô tô hết hạn đăng kiểm mới cấm lưu thông
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho rằng, việc VEC E từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô vì tài xế được cho là có hành vi gây rối, cản trở giao thông trên cao tốc HLD làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân của các chủ phương tiện.
“Các trường hợp hạn chế quyền công dân và quyền con người phải được pháp luật quy định, nếu không có quy định cụ thể của pháp luật, không ai có quyền tước đoạt hoặc hạn chế quyền công dân, quyền con người của người dân” – ông Hậu phân tích.
Trong Luật An toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành không có bất cứ quy định nào quy định về quyền của chủ đầu tư đường cao tốc “được quyền” từ chối phục vụ đối với phương tiện giao thông vi phạm.
Video đang HOT
Mặt khác, trường hợp các tài xế này nếu có hành vi gây rối trật tự giao thông thì chủ thể chịu trách nhiệm trước pháp luật phải là chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện, chứ không phải là bản thân các phương tiện giao thông.
Việc xử lý đối với hành vi vi phạm sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật, về thẩm quyền xử lý, mức xử phạt, hình thức xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, xe ô tô không bị cấm lưu hành trừ khi phương tiện này không đạt kết quả kiểm định (đăng kiểm).
“Ở đây, xe ô tô là vật vô tri vô rác nên không thể là đối tượng chủ thể, trong khi đó VEC E chỉ là đơn vị quản lý dịch vụ. Từ những căn cứ trên có thể khẳng định việc từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 02 phương tiện trên đường cao tốc của VEC E là không có căn cứ. Đây là một chế tài vô lối, vô pháp luật” – luật sư Hậu nêu quan điểm.
Trạm thu phí trên cao tốc
Không thể cấm nếu luật chưa quy định
Luật sư Phạm Văn Phất – Văn phòng luật sư An Phát Phạm (Đoàn luật sư Quảng Ninh) cho hay, tại khoản 2, điều 1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…
“Vì vậy theo Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không có quy định hạn chế quyền công dân đối với người đe dọa, uy hiếp an ninh hàng không sẽ bị từ chối vận chuyển (cấm bay). Trong trường hợp này, bất kể cơ quan nào muốn “cấm” ô tô lưu thông trên cao tốc phải có thẩm quyền và được pháp luật quy định” – luật sư Phất nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, VEC không phải là chủ sở hữu của các tuyến đường cao tốc thì đương nhiên VEC không có quyền loại trừ người khác khỏi việc sử dụng các tuyến đường đó. Đó là bản chất của pháp luật.
Như Dân trí đã thông tin, chiều 12/2, ông Nguyễn Văn Huyện- Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam ( Bộ Giao thông vận tải) khẳng định, VEC chỉ có quyền từ chối xe quá tải, không có thẩm quyền cấm lưu thông trên cao tốc. “Thẩm quyền xử lý việc đó là của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi yêu cầu họ báo cáo trong ngày mai, từ đó để có cơ sở xử lý vụ việc”- ông Huyện thông tin.
Nếu VEC E trích dẫn quy định nào đó để bảo lưu quan điểm đang gây phản ứng, “dậy sóng” dư luận, ông Huyện khẳng định “sẽ thu hồi quyết định, văn bản đó”.
Được biết, hiện nay VEC đang quản lý, khai thác 4 tuyến đường cao tốc (Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây).
Nguyễn Trường
Theo Dantri
"Cấm cửa" 2 xe trên cao tốc: Tổng Cục đường bộ nói VEC sai, phải thu hồi quyết định
Lãnh đạo Bộ GTVT vừa có ý kiến liên quan đến nội dung từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện ô tô trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.
Dòng xe nối đuôi nhau đi cao tốc trở về TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019.
Mới đây, Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thay mặt Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn trên tất cả các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý đối với hai phương tiện mang BKS 51A - 558.50 và 51G - 772.56.
Lý do VEC E đưa ra là hai phương tiện nêu trên đã có hành vi gây cản trở, rối loạn trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hôm 10/2. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều người dân, luật sư cho rằng, việc VEC E đưa ra "lệnh cấm" nêu trên là không có căn cứ, vi phạm quyền tự do đi lại của người dân - đó là quyền hiến định.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sau khi nhận được phán ánh của người dân, đơn vị đã yêu cầu Tổng cục đường bộ Việt Nam rà lại các quy định của pháp luật xem việc ký quyết định nêu trên có đúng hay không. Trường hợp đơn vị ký quyết định sai thì sẽ phải thu hồi lại quyết định đó.
Liên quan đến nội dung trên, trưa 12/2, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho hay, đối với các phương tiện vi phạm thì đơn vị vận hành tuyến cao tốc phải phối hợp với công an ở địa phương đó để cơ quan chức năng xử phạt theo quy định của pháp luật.
"Doanh nghiệp không được phép ký quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý đối với 2 phương tiện vi phạm nêu trên. Việc ký như vậy là sai thẩm quyền, không đúng quy định pháp luật. Hiện chúng tôi đang soạn thảo văn bản gửi tới VEC và yêu cầu trong ngày mai (13/2) phải thu hồi lại quyết định đó", ông Huyện thông tin.
Trước đó, trong thông báo của mình, VEC E cho biết, vào lúc 18h20 ngày 10/2/2019, phương tiện mang biển kiểm soát 51A - 558.50 di chuyển vào làn thu phí số 07, hướng từ Long Thành về TP HCM.
Đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí, người điều khiển phương tiện vẫn không trả thẻ thu phí và trả tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí; đồng thời để nhiều người già, phụ nữ và trẻ em xuống xe, cố tình gây rối tại làn thu phí, lôi kéo các phương tiện ở các làn khác, gây ách tách giao thông.
Sau đó, các xe mang BKS 51C - 781.96 tại làn 10 và 51G - 772.56 tại làn 8 đã có hành vi tương tự.
"Nhân viên tại trạm thu phí đã giải thích về các sự cố dẫn đến việc lưu thông chậm trên tuyến, mời lái xe vào trong khu văn phòng của trạm để giải thích cụ thể, tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác. Tuy nhiên người điều khiển phương tiện 51A - 558.50 và 51G - 772.56 cũng như những người đi cùng đã không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông, có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực", trích báo cáo của VEC E.
Theo Danviet
Vụ 2 ô tô bị cấm đi đường cao tốc vĩnh viễn: Luật sư nói gì? Nhiều luật sư cùng nhận định "lệnh" cấm của VEC E với hai phương tiện trên không có giá trị. ""Lệnh" cấm của VEC E không có giá trị" Vụ hai phương tiện mang BKS 51A - 558.50 và 51G - 772.56 bị từ chối phục vụ vĩnh viễn trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát...