Vụ Út “trọc”: Luật sư đề nghị cựu chủ tịch tỉnh Bình Dương có mặt
Trong phần các luật sư (LS) tham gia xét hỏi các bị cáo trong vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), một vị LS đã nói rất cần thẩm vấn đối với ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương để làm rõ những vấn đề liên quan trong vụ án.
Bị cáo Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ tại tòa (ảnh TTXVN).
Sáng nay (30.7), phiên tòa vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm bước vào phần thẩm vấn. Trong phần các LS bào chữa tham gia thẩm vấn, LS của bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã cho rằng, cần phải triệu tập những người liên quan đến tòa để làm rõ những vấn đề trong vụ án.
LS đã nhắc tới việc vắng mặt của ông Lê Thanh Cung tại tòa, trong khi rất cần thẩm vấn ông Cung để xem xét những vấn đề liên quan trong vụ án. Việc có mặt của ông Cung theo LS là rất cần thiết.
Trả lời về vấn đề này, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng, với những lời khai và những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX thấy vẫn xét được, bên cạnh lời khai của các bị cáo, người liên quan có trong hồ sơ, còn có những căn cứ khác để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo.
Về nội dung có liên quan tới ông Cung, theo cáo trạng, cuối năm 2012, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thái Sơn Bộ Q.P (viết tắt Công ty Thái Sơn) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực chất là thuê đất của quân đội để cho Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu. Đinh Ngọc Hệ đã ký quyết định thành lập chi nhánh Công ty Thái Sơn tại Bình Dương và bổ nhiệm Trần Xuân Sơn làm giám đốc. Việc thành lập chi nhánh là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Công ty Hải Hà mà không liên quan đến nhiệm vụ kinh tế quốc phòng.
Video đang HOT
Ngày 23.6.2014, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Dương kiểm tra cửa hàng xăng dầu Thái Sơn, lập biên bản về việc thiếu giấy chứng nhận đo lường cột bơm, thiếu hợp đồng đại lý bản lẻ xăng dầu và lấy mẫu kiểm tra chất lượng.
Đầu tháng 7.2014, Đội kiểm tra liên ngành thông báo số xăng hơn 20 nghìn lít tồn kho ngày 23.6.2014 không đạt tiêu chuẩn chất lượng nên đã niêm phong cột bơm và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu giải trình. Trần Xuân Sơn thông báo sự việc cho Trần Văn Lâm, Lâm báo cáo cho Đinh Ngọc Hệ. Đinh Ngọc Hệ đã liên lạc với ông Lê Thanh Cung lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đồng thời chỉ đạo Trần Văn Lâm, Tổng giám đốc điều hành làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng gửi cho ông Cung để xin không bị xử phạt.
Đinh Ngọc Hệ còn liên hệ với đại tá Bùi Văn Tiệp, lúc đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 để được giúp đỡ. Bị cáo Hệ còn chỉ đạo Lâm làm hợp đồng gửi xăng, mang đến gặp Bùi Văn Tiệp để bị cáo này ký hợp đồng gửi xăng giả kèm theo hai giấy giới thiệu mạo nhận người của sư đoàn, nhận số xăng kém chất lượng trên là của Sư đoàn 367 gửi, không phải là xăng kinh doanh để trốn tránh việc xử phạt.
Căn cứ hợp đồng gửi xăng, tài liệu do Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn cung cấp và bút phê ý kiến của ông Lê Thanh Cung, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tin tưởng đây là xăng dầu đơn vị quân đội gửi nên không truy xuất đến cùng, không xử phạt hành chính đối với số xăng kém chất lượng nêu trên.
Tài liệu thu thập có trong hồ sơ vụ án xác định mức phải xử phạt đối với sai phạm trong việc kinh doanh xăng kém chất lượng nêu trên là hơn 1,4 tỉ đồng.
Tại phiên tòa sáng nay, khi được tòa hỏi về số tiền 500 triệu đồng đã nộp để khắc phục hậu quả, bị cáo Hệ nói thấy anh em đồng đội làm sai bản thân là lãnh đạo nên nói với gia đình nộp khắc phục hậu quả.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ, sinh năm 1971, quê Yên Khánh, Ninh Bình bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và tội “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 341 BLHS năm 2015. Đinh Ngọc Hệ trước khi phạm tội là Thượng tá, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.
Theo Danviet
Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ ra tòa với 2 tội danh, đối diện án phạt nào?
Theo lịch, sáng nay (30.7), tại Hà Nội, Tòa án Quân sự Quân khu 7 sẽ mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út trọc) và các đồng phạm.
Ông Phùng Danh Thắm bị truy tố về tội danh có khung hình phạt nhẹ hơn so với các bị cáo trong vụ án (ảnh IT).
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và tội "Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 341 BLHS năm 2015. Theo cơ quan tố tụng của Quân đội, Đinh Ngọc Hệ trước khi phạm tội là Thượng tá, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.
Theo điểm b, khoản 2, Điều 341, có hình phạt từ 2 đến 5 năm tù; còn khoản 3 Điều 356 có hình phạt từ 10 năm đến 15 năm tù, tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thuộc nhóm tội về tham nhũng.
Ông Đinh Ngọc Hệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, biệt danh "Út trọc" (đứng giữa, hàng sau), tại lễ ký kết hợp đồng dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới theo hình thức BOT (ảnh: IT)
Ngoài bị cáo Đinh Ngọc Hệ, trong vụ án này còn có 4 bị cáo khác, trong đó có bị cáo Phùng Danh Thắm. Ông này bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 1, Điều 285 BLHS năm 1999. Bị cáo Phùng Danh Thắm trước khi phạm tội là Đại tá, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng. Tội danh và điều, khoản bị cáo Phùng Danh Thắm bị truy tố có mức hình phạt: cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Các bị cáo tiếp theo là Trần Văn Lâm, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015. Trần Văn Lâm khi phạm tội là Tổng Giám đốc điều hành, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn;
Bị cáo Trần Xuân Sơn bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015. Trần Xuân Sơn khi phạm tội là Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn;
Bị cáo Bùi Văn Tiệp bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015. Bùi Văn Tiệp trước khi phạm tội là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân (đã nghỉ hưu).
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, trong vụ án này Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") có vai trò là người khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội; Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp giữ vai trò là người thực hành, giúp sức đối với tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015.
Dự kiến vụ án này sẽ được xét xử trong hai ngày 30 và 31.7.
Theo Danviet
"Út trọc" Đinh Ngọc Hệ phạm tội như thế nào? Trong vài năm, "Út trọc" Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng danh nghĩa công ty trực thuộc Bộ Quốc Phòng để có những hành vi tư lợi, vi phạm pháp luật... Lòng vòng mua bán cổ phần Ngày 3/12/2017, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối...