Vụ tự tử ở TAND Bình Phước: Vì sao bị hại có lỗi vẫn vô can?
Theo luật sư, Lâm Tươi không có giấy phép, lại có cồn trong người nên việc cơ quan điều tra không khởi tố bị can với người này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Tỉnh ủy Bình Phước vừa tổ chức buổi họp báo thông tin về vụ tai nạn giao thông liên quan đến ông Lương Hữu Phước – người nhảy lầu tại TAND tỉnh này vào ngày 29/5, sau khi bị tuyên án 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ xảy ra năm 2017.
Tại cuộc họp báo, bà Lê Hồng Hạnh, thẩm phán, chủ tọa phiên phúc thẩm vụ án Lương Hữu Phước, cho rằng tuyên phạt 3 năm tù đối với bị cáo Phước là đúng pháp luật. Theo bà Hạnh, đây là một vụ án phức tạp, bị cáo liên tục kêu oan nên những người làm pháp luật rất thận trọng.
Song, nhiều chuyên gia pháp lý bày tỏ quan điểm không đồng tình xoay quanh nhiều vấn đề của vụ án.
Không bằng lái, có nồng độ cồn vẫn vô can?
Trưa 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà người quen ở khu phố Phước An, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, ông Lương Hữu Phước đi về nhà.
Đến 13h cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại bảo ông Phước quay lại để đổi dép. Sau đó, ông Quý rủ ông Phước đi hát karaoke. Do ông Quý không đội mũ bảo hiểm, ông Phước lái xe về nhà người này để lấy mũ.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 15/1/2017. Ảnh: Hồ sơ vụ án.
Đến gần nhà ông Quý ở khu phố Suối Đá, ông Phước dừng xe bên lề phải theo hướng di chuyển của minh. Tuy nhiên, ông Quý không chịu xuống xe.
Lúc này, ông Phước lái xe (không bật tín hiệu đèn xi nhan) rẽ trái đi qua đường. Khi xe của ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều hướng ngã ba trạm điện đi ngã tư Sóc Miên thì va chạm với xe máy do anh Lâm Tươi (23 tuổi, ngụ TP Đồng Xoài, Bình Phước) điều khiển.
Vụ tai nạn khiến ông Phước và ông Quý bị thương. Công an thị xã Đồng Xoài tiến hành do nồng độ cồn đối với ông Phước, xác định 0,69mg/l khí thở.
Đến 17/1/2017, ông Quý tử vong do vỡ xương sọ, dập não xuất huyết.
Điều đáng nói, lúc xảy ra tai nạn, Lâm Tươi chưa có giấy phép lái xe. Ngoài ra, Tươi và người ngồi sau xe là ông Trị Tiếp có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,57mg/l. Tuy nhiên, Tươi chỉ bị xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng và được xác định tư cách tham gia tố tụng là “người bị hại”.
Tại buổi họp báo, bà Hạnh cho biết tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ có 4 yếu tố cấu thành tội phạm, quan trọng nhất là yếu tố lỗi, trong đó lỗi trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân.
Video đang HOT
“Chúng tôi đã xác định được lỗi của bị cáo ở đây là qua đường mà không quan sát. Qua đường phải quan sát, ưu tiên cho người đang đi trên chiều lưu thông của họ. Ở tòa bị cáo cho rằng có quan sát. Nhưng lời trình bày của anh Lâm Tươi và những người có mặt ở hiện trường thì đây là đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất”, chủ tọa phiên tòa này nói.
Cũng theo bà Hạnh, hiện trường chỉ thể hiện vết cà của xe ông Phước. Xe bị cáo ngã nằm hoàn toàn bên phần đường bên phải của xe còn lại. Việc xác định lỗi ở đây trong bản án phúc thẩm đã nhận định rõ, bị hại là ông Quý đưa tay lên vai ông Phước cũng có lỗi.
Đánh giá thiếu khách quan?
Theo dõi xuyên suốt nội dung buổi họp báo, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Phạm Công Hùng cho rằng theo trình bày của chủ tọa Hạnh, tội phạm trong vụ án này được hình thành bởi lỗi hỗn hợp, cụ thể là trong người Phước và Tươi đều có độ cồn khi điều khiển xe, riêng Phước có thêm lỗi là không quan sát, Tươi mắc thêm lỗi không có giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, nạn nhân là ông Quý đã chết cũng có lỗi là đưa tay lên vai của Phước.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng khi phân tích mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tòa án không đánh giá hỗn hợp lỗi của Phước, lỗi của Tươi và lỗi của bị hại để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Phước là không khách quan, không đúng pháp luật.
Việc chủ tọa phiên tòa khẳng định là Phước không quan sát vì nếu quan sát thì Tươi không thể tông vào xe của Phước là rất phiến diện, bởi vì Tươi không được học điều khiển xe, không có giấy phép, không hiểu luật, lại có cồn trong người nên việc Tươi bất cẩn đâm xe vào Phước là hoàn toàn có thể xảy ra kể cả khi Phước quan sát kỹ.
Ông Lương Hữu Phước. Ảnh: Luật sư Dương Vĩnh Tuyến.
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu quan điểm khi xử lý hình sự vụ án về tai nạn giao thông, cơ quan tố tụng phải làm rõ lỗi “cứng” và lỗi “mềm”.
Lỗi “cứng” bao gồm giấy phép lái xe, nồng độ cồn, bằng lái… Lỗi “mềm” là vị trí dừng xe, qua đường thế nào, tốc độ ra sao…
Trong vụ án này, cả ông Phước và Lâm Tươi có lỗi “cứng” là có nồng độ cồn, riêng Tươi còn không có giấy phép lái xe. Còn lỗi “mềm” vẫn còn tranh cãi vì không xác định được tốc độ xe của Tươi.
“Khi có người chết và khởi tố vụ án thì những người điều khiển giao thông va vào nhau có lỗi đều phải bị khởi tố. Trong vụ án này, cơ quan điều tra không khởi tố bị can với Lâm Tươi là bỏ lọt tội phạm”, luật sư Dũng nhận định.
Theo cáo trạng, ông Phước cũng bị thiệt hại sức khoẻ, ông Quý tử vong. Cơ quan chức năng không xác định tốc độ của xe Lâm Tươi. Ngoài ra, theo lời khai của Lâm Tươi tại tòa, khi cách 50 m có nhìn thấy ông Phước qua đường, “lúc chạy gần tới nơi cách 5 m thì ông Phước qua đường gấp nên tôi không xử lý kịp”.
Điều này chứng tỏ Tươi đã không tập trung quan sát về phía trước khi điều khiển xe, dù trước đó ở khoảng cách 50 m anh ta đã thấy ông Phước từ từ qua đường nhưng vẫn tông xe vào. Luật sư cho rằng tốc độ chạy xe của Tươi phải cao
Với những tình tiết như thế, luật sư cho rằng hành vi của ông Phước có thể bị tuyên phạt 16-18 tháng tù treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ.
“Xử 3 năm tù cho ông Lương Hữu Phước là không tương xứng với hành vi phạm tội”, luật sư nói.
Những điểm cần làm sáng tỏ
Bày tỏ quan điểm về vụ án gây rúng động dư luận những ngày qua, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định đối với vụ việc trên cần xác định các vấn đề sau: Ý thức chủ quan của người tham gia giao thông (lời khai); hiện trường điểm va chạm bao gồm phần đường của người tham gia giao thông.
Trong đó, cần làm rõ vị trí va chạm, tốc độ va chạm (thông qua thực nghiệm điều tra) để làm rõ yếu tố khách quan điểm va chạm để xác định lỗi thuộc về ai.
Nếu nhận định do ông Lương Hữu Phước không quan sát dẫn tới va chạm thì chưa đầy đủ, thuyết phục. Bởi lẽ, kể cả có quan sát đi nữa cũng không xử lý kịp được tình huống người lái xe tốc độ cao lao tới mình gây tai nạn.
Buổi họp báo cung cấp thông tin vụ án của Tỉnh ủy Bình Phước. Ảnh: Lê Ngân.
“Điểm chưa được làm rõ trong vụ án là tại sao người có nồng độ cồn cao, không có giấy phép lái xe nếu có quan sát lại có thể va chạm xe ông Phước đang chở người bạn dẫn tới một người tử vong? Theo hiện trường cơ quan điều tra thu thập thể hiện điểm va chạm của xe Lâm Tươi vào phần đầu bugi máy xe ông Phước, tức là xe anh Tươi đâm gần ngang xe ông Phước. Đây là điểm mấu chốt cần thực nghiệm điều tra làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án”, luật sư Nguyễn Văn Quynh nói.
Việc không khởi tố hoặc chỉ xử phạt hành chính Lâm Tươi là căn cứ vào kết quả điều tra xác định anh ta không có lỗi. Tuy nhiên, luật sư Quynh cho rằng vụ án còn nhiều điểm khuất tất, thiếu khoa học chứng minh điểm va chạm để xác định yếu tố lỗi dẫn tới chưa làm sáng tỏ hành vi khách quan của bị cáo Phước và những người va chạm giao thông hôm đó.
Nếu chỉ xét hậu quả mà chưa làm rõ hành vi khách quan sẽ dẫn tới bị cáo kêu oan, sai, không tâm phục khẩu phục.
Một kiểm sát viên TAND Cấp cao tại TP.HCM (đề nghị giấu tên) cho biết với vụ án này, TAND Tối cao đã rút hồ sơ lên xem xét. Cơ quan này và VKSND Tối cao có quyền kháng nghị giám đốc thẩm nếu thấy phán quyết của TAND tỉnh Bình Phước có sai sót.
“Trình tự thủ tục xem xét vẫn được tiến hành theo luật bình thường mặc dù bị cáo đã chết. Việc bị cáo chết không ảnh hưởng đến việc giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án. Nếu sau này xác định ông Phước không có tội thì dù đã chết vẫn phải tuyên vô tội”, KSV này nói.
Vụ nhảy lầu tử vong tại toà: "Ông Lương Hữu Phước và chồng tôi là bạn thân, gia đình tôi không khiếu kiện..."
Ông Lương Hữu Phước đã nhảy lầu tử vong tại TAND tỉnh sau khi bị tuyên 3 năm tù. Ông Phước và nạn nhân Trần Hữu Quý là bạn thân nhiều năm, suốt 3 năm xảy ra vụ tai nạn, gia đình ông Phước giành phần lớn thời gian để kêu oan, cho cả người bạn thân.
Liên quan vụ người đàn ông nhảy lầu tự tử tại sân toà sau khi bị tuyên y án sơ thẩm với mức án 3 năm tù trong một vụ tai nạn giao thông, từ ngày 30/5 gia đình đã tổ chức tang lễ cho ông Lương Hữu Phước tại tư gia ở phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Ngồi thất thần bên linh cửu của chồng, bà Lê Thị Tư (51 tuổi, vợ ông Phước) cho biết, bản thân bà cũng không nghĩ rằng sự việc sẽ đến mức độ này. Bởi trước thời điểm xảy ra vụ việc đau lòng, ông Phước không hề có biểu hiện gì bất thường.
Theo bà Tư, từ ngày xảy ra vụ tai nạn biến ông Phước từ nạn nhân thành bị cáo, gia đình liên tục kêu oan vì một mực khẳng định rằng ông Phước chính là nạn nhân.
"Ngày 29/5, sau khi bị toà án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm 3 năm, chồng tôi không có biểu hiện gì khác thường, buổi chiều ông ấy nói đi lên toà để lấy quyết định. Khoảng vài giờ sau tôi nghe người ta báo rằng chồng tôi đã nhảy lầu tự tử trong sân toà án", bà Tư kể.
Gia đình làm tang chay cho ông Phước tại tư gia. Ảnh: V.D.
Cũng theo bà Tư, từ khi xảy ra tai nạn (năm 2017), bản thân ông Phước cũng bị thương phải nhập viện, sức khỏe ông yếu dần, sau đó lại phải liên tiếp hầu tòa.
Bà Tư cho biết, vợ chồng bà có 2 con, một trai, một gái nhưng đứa nào cũng khó khăn. Do sức khoẻ yếu nên vợ chồng ông bà không biết làm gì để kiếm sống, ông Phước ở nhà trông cháu cùng bà.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra năm 2017 cách nhà ông Phước 200m, nằm ngay trước cửa ngõ nhà bà Trần Thị Kim Liên (43 tuổi, vợ ông Trần Hữu Quý - người tử vong trong vụ tai nạn).
Vị trí nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông năm 2017 khiến ông Phước vướng lao lý. Ảnh: V.D
"Ông Phước và chồng tôi là bạn thân. Vụ tai nạn xảy ra ngoài ý muốn. Gia đình tôi không khiếu kiện, yêu cầu đền bù gì. Vụ án do nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật"- bà Liên chia sẻ.
Khi tòa án mời đến, bà Liên không yêu cầu tiền ma chay, nếu có hỗ trợ được thì hỗ trợ tiền viện phí. Bà Liên không yêu cầu bồi thường.
"Nay sự việc ông Phước tự tử, tôi cũng không biết nói gì hơn, xin được chia buồn cùng gia đình bà Tư"- bà Liên nói.
Trước đó, khoảng 11h ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn tại khu phố Phước An (phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), ông Lương Hữu Phước đi về nhà.
Đến khoảng 13h cùng ngày, ông Trần Hữu Quý rủ ông Phước đi hát karaoke. Đi một đoạn, thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên ông Phước chở ông Quý đi về nhà ông Quý để lấy mũ bảo hiểm. Khi đi đến gần trước nhà ông Quý thì ông Phước dừng xe lại bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý vào nhà lấy mũ bảo hiểm nhưng ông Quý không chịu xuống xe.
Lúc này, ông Phước lái xe rẽ trái đi qua đường. Khi xe của ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều thì bị xe máy do anh Lâm Tươi lái, chở anh Tiếp Trị đụng vào gây tai nạn, khiến ông Lương Hữu Phước và ông Trần Hữu Quý bị thương. Đến ngày 17/1/2017 ông Quý tử vong.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Phước 3 năm tù giam. Ông Phước kháng cáo. Xét xử phúc thẩm lần 1, án sơ thẩm bị hủy... Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2, Hội đồng xét xử vẫn tuyên án với ông Phước 3 năm tù giam.
Sáng 29/5/2020, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm lần 2, tuyên y án sơ thẩm.
3 vụ người dân tự sát sau khi tòa tuyên án gây chấn động Sự việc ông Lương Hữu Phước (SN 1965, TP.Đồng Xoài, Bình Phước) nhảy lầu tử vong ngay tại TAND tỉnh sau khi tòa tuyên án vào chiều 29/5 đang làm dậy sóng xã hội. Trước đó, đã có nhiều trường hợp tương tự xảy ra. Ông Lương Hữu Phước là bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về điều khiển phương...