Vụ Tú bà tuyển gái Việt: Bức thư đẫm nước mắt từ Hàn Quốc
‘Thời gian đầu mới sang bên này, tôi chỉ như osin của gia đình họ và chỉ là “cỗ máy đẻ”. Hai đứa con của tôi lần lượt ra đời. Nhiều khi bị bố mẹ chồng mắng vô cớ, tôi nói với chồng thì lại nhận thêm về mình sự sỉ báng của chồng. Nhiều đêm nằm ngủ, tôi nhìn sang bên chồng rồi giật mình với những suy nghĩ miên man về người chồng già. Lại quay sang hai đứa con, chúng nó còn quá nhỏ’.
Sau loạt bài phản ánh về trào lưu lấy chồng Hàn Quốc của những thiếu nữ đất Cảng được đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả. Trong đó có cả những bức thư được gửi về từ đất nước Hàn Quốc bởi một cô dâu đang sống bên đó. Cô cũng xuất thân từ vùng đất Thủy Nguyên, Hải Phòng. Những tâm sự, những trải lòng của người phụ nữ ấy nghẹn đắng bởi những câu chuyện cuộc đời.
Từ những trải lòng đầu tiên của cô gái trong bức thư đã khiến người đọc nghẹn lòng
Chúng tôi xin được đăng tải nguyên văn nội dung bức thư này:
“Những ngày đầu sang đất nước Hàn Quốc thật nhớ gia đình và cảm thấy mọi cái đều mới lạ. Mình là một người con gái Việt khi quyết định lấy chồng xa xứ, không có tình yêu, không biết người chồng của mình tính cách ra sao. Có lẽ, một số người nghĩ con gái Việt Nam
vì ham tiền, ham cuộc sống xa hoa mà lấy chồng nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan…). Nhưng không phải ai cũng thế cả. Có người vì hoàn cảnh gia đình, có người vì muốn khám phá một miền đất xa lạ.
Còn tôi, có lẽ vì nhìn thấy cảnh những người chị họ của mình, họ lấy chồng Việt Nam nhưng không được hạnh phúc bởi lúc đầu khi yêu nhau thì hạnh phúc nhưng khi cưới xong, biết chồng mình nghiện ngập ma túy về đánh vợ, chửi con… Rồi phải chịu cảnh mẹ chồng – nàng dâu đầy cay nghiệt. Tôi đã “dứt áo ra đi”, rời bỏ gia đình mà lẽ ra tôi phải là người gánh vác tất cả: bố mẹ đã lớn tuổi, em trai đang đi học… Tôi chia tay cả mối tình đầu đang đẹp như bản tình ca để xây dựng gia đình với một người chồng Hàn Quốc.
Tôi không dám oán trách ai cũng chẳng oán trách số phận mà tôi oán trách chính những người mai mối, những con người chỉ vì lợi ích cá nhân mà bán rẻ hạnh phúc của những người thiếu hiểu biết như chúng tôi. Không phải là thành phố xa hoa, mĩ lệ, cũng chẳng phải chồng tôi làm chủ một trang trại mà thực chất chỉ là một người đi chăn bò. Mức thu nhập của họ cũng không nhiều tới mức như các bà mối vẽ nên mà chỉ đảm bảo duy trì được cuộc sống gia đình với 4 miệng ăn. Chồng hơn tôi gần 30 tuổi.
Vết xe đổ của những người chị họ vẫn còn đó và hôm nay tôi lại phải bước vào dù trong lòng không muốn. 5 năm làm vợ một người chồng bạc nhược theo kiểu “bố mẹ đặt đâu con ngồi đó”, tôi đã nếm trải không biết bao nhiêu cơ cực. Mặc dù có chồng nhưng nhiều khi tôi thấy mình cô đơn tột cùng. Không ai chăm sóc lúc ốm đau, cũng chẳng có người để dốc bầu tâm sự, một phần cũng vì bất đồng ngôn ngữ. Tôi như người lạc bước trên sa mạc.
Muốn khóc nhưng không bật ra thành tiếng vì nếu vô tình những giọt nước mắt của tôi bị ai đó trong gia đình họ bắt gặp, có lẽ tôi không là nạn nhân của những trận đòn roi nhưng sẽ phải hứng chịu không biết bao nhiêu lời mắng nhiếc.
Thời gian đầu mới sang bên này, tôi chỉ như osin của gia đình họ và chỉ là “cỗ máy đẻ”. Hai đứa con của tôi lần lượt ra đời. Nhiều khi bị bố mẹ chồng mắng vô cớ, tôi nói với chồng thì lại nhận thêm về mình sự sỉ báng của chồng. Nhiều đêm nằm ngủ, tôi nhìn sang bên chồng rồi giật mình với những suy nghĩ miên man về người chồng già. Lại quay sang hai đứa con, chúng nó còn quá nhỏ.
Video đang HOT
Những chia sẻ về Quá khứ – Hiện tại – Tương lai trên trang blog cá nhân của chủ nhân bức thư.
Tôi đã bỏ ngoài tai mọi lời đay nghiến. Tiền chồng đi làm về đưa hết cho bố mẹ. Sự tù túng luôn đè nặng lên gia đình tôi đang sống. Để có tiền gửi về cho bố mẹ đẻ, làm “đẹp lòng” mọi người ở quê, tôi đã đi làm thêm bên ngoài và để con cho ông bà nội trông. Một ngày 14 tiếng đồng hồ, nhiều khi tôi thấy mình như con thiêu thân.
Nhưng được ra ngoài đi làm, được gặp rất nhiều người đồng hương cũng chung phận như mình, tôi thấy vui và thoải mái. Tôi còn danh dự gia đình, còn vì con cái nên vẫn an phận với cuộc sống “cầm tù” suốt nhiều năm qua. Nhưng nhiều người đồng hương của tôi, họ đã bỏ trốn ra ngoài vì không chịu được những áp lực từ phía gia đình chồng và chính người chồng Hàn của mình.
Cô luôn cảm thấy cô đơn và cần một ai đó để chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Cuộc sống của những cô dâu Hàn mà tôi gặp giống như chiếc thuyền lênh đênh trong gió bão, chẳng biết xuôi về đâu và có thể chìm lúc nào không ai rõ. Mỗi lần gọi điện về cho gia đình, tôi không dám kể hoàn cảnh thật. Tôi vẫn nói tôi rất hạnh phúc và được gia đình nhà chồng cưng chiều. Cũng 5 năm rồi tôi chưa một lần được về thăm gia đình. Nhớ lắm đất nước Việt Nam, mảnh đất Hải Phòng với biết bao kỉ niệm đẹp, nơi tôi có mối tình đầu dở dang.
Những trải nghiệm của tôi chưa đủ để đưa ra lời tư vấn cho các cô gái Việt Nam vẫn đang ấp ủ ước mơ lấy chồng nước ngoài. Nhưng tôi luôn dành cho các bạn lời khuyên: Đất nước Việt Nam mình đẹp, con người Việt Nam mình cũng rất đỗi thân thiện, đó là nơi nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn. Hãy gắn bó với nó trọn đời.
Một thời gian nữa tôi cũng sẽ quay về với mảnh đất nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi sẽ mang theo hai con của mình qua đó sinh sống để chúng cũng cảm nhận được vẻ thanh bình ở quê ngoại. Hẹn gặp các bạn tại nơi đó”.
Theo tinmoi
Đánh võng cùng các "tú bà", đi tuyển lấy chồng Hàn Quốc
Trong vai một cô gái "quá lứa lỡ thì" muốn tìm chồng để làm vui lòng bố mẹ, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã được "phiêu"cùng những cô gái Việt khi đi tuyển lấy chồng Hàn Quốc.
Trong lúc chờ đợi chàng rể "trắng trẻo, cao to lại có điều kiện tới" các cô gái tranh thủ buôn đủ thứ chuyện.
Cơ hội làm dâu Hàn không của riêng ai
Th. dặn đi dặn lại: "Chị phải có mặt đúng ngày đấy. Mối này là "người nhà" của họ, trắng trẻo, cao to lại có điều kiện. Họ "nhắm" cho chị rồi nên chị phải chắc chắn đi không em mất uy tín lắm. Em giới thiệu cho chị vì đám cưới vừa xong của em với một người Hàn Quốc cũng là qua mối này đấy".
Tới gần ngày rể về ra mắt, Th. ngày nào cũng nhắn tin, gọi điện nhắc nhở để tránh trường hợp người đi tuyển vì công việc mà quên. Thông qua người mai mối, mỗi người đi tuyển còn phải photo chứng minh nhân dân, hộ khẩu gia đình và xin giấy xác nhận từ phía công an xã về tình trạng hôn nhân cũng như lý lịch bản thân để họ mang đi dịch trước sang tiếng Hàn Quốc, làm hồ sơ giữ chân người đi tuyển theo mối của riêng họ cho tới khi "ván đóng thuyền".
8h sáng, tôi có mặt tại địa điểm đã được hẹn trước để xem mặt "chồng tương lai". Cứ ngỡ rể này đã được đóng đinh cho mình nhưng khi bước chân vào phòng chờ, tôi không khỏi ngạc nhiên vì có hơn chục cô gái đã ngồi sẵn ở đó, cũng đang hồi hộp chờ rể "trắng trẻo, cao to lại có điều kiện" tới. Mỗi người mỗi vẻ. Họ đưa mắt nhìn tôi rồi lại nhanh chóng trở về với câu chuyện đời, chuyện người mà mình đang bàn tán với những người xung quanh.
Quay sang phía bà mối định hỏi nhưng tôi chỉ nhận được cái hất hàm: Những người này họ cũng đi tuyển, đợi tầm nửa tiếng nữa thì sẽ có hai rể tới. Mối còn rỉ tai tôi: "Khi họ hỏi vì sao lại đi lấy chồng Hàn Quốc đã biết trả lời thế nào chưa?". Tôi lắc đầu. Bà mối lại liến thoắng: "Cứ bảo vì trai Việt Nam nghèo và hay đánh vợ là được".
Nói tới đây, bà mối lại tíu tít với những cuộc điện thoại mà người gọi là những cô gái tới tuyển chồng Hàn nhưng chưa tìm được địa chỉ. Cuộc điện thoại này chưa dứt lại có cuộc điện thoại khác. Cô gái nào gọi điện hủy lịch sẽ nhận về cho mình những lời mắng mỏ. Các bà mối cũng chia thành các cấp. Ở cấp nhỏ hơn, mỗi người sẽ đi kèm theo 1 đến 2 cô gái.
Trong số những cô gái tới đây, có những người đã ở cái tuổi gần 40, có những người vừa tốt nghiệp cấp 3 nhiều người ở tận Quảng Ninh, Thái Bình... cũng bắt xe khách vượt chặng đường xa hàng trăm cây số sang tận Hải Phòng để tham gia buổi tuyển chồng.
Có chị quê ở Thái Bình mặt xanh như tàu lá chuối vì... say xe nhưng vẫn cố tỏ ra vui vẻ để không làm mất lòng bà mối. Những cô gái có mặt trong buổi tuyển hôm đó, hầu hết họ đều qua những người đã từng đi tuyển trước "dẫn lối đưa đường" để gặp các Tú bà. Họ "nhắm mắt đưa chân", tự đặt cược số phận mình trong mỗi lần đi tuyển như thế mà không biết tương lai sẽ đưa đẩy mình theo con đường như thế nào.
Những lần đeo bám, những cuộc hội ngộ
Tôi từ chối làm dâu Hàn để lại tiếp tục "phiêu" ở những địa điểm khác vì theo thông tin từ chính những người có kinh nghiệm đi tuyển thì "Bây giờ khó khăn hơn ngày trước thật đấy nhưng ngày nào cũng có ấy đợt tuyển ấy mà, chỉ có điều họ không báo trước địa điểm cho mình thôi".
Tôi yên tâm ra về và không quên để lại số điện thoại cho một bà mối. Vừa bước chân khỏi "lãnh địa" ấy, tôi đã nhận được cuộc điện thoại của một bà mối. Lại là những lời ngọt ngào, những câu tâm sự chân thành như chị em. Một bức tranh hoàn hảo về cuộc sống nơi xứ Hàn, một mẫu chồng lý tưởng được bà mối vẽ ra về chàng rể mà tôi đã từ chối... Khi nhất quyết "cho mình cơ hội lần sau", tôi đã nhận được không ít lời mắng không mấy thiện chí của bà mối.
Những tưởng mọi chuyện sẽ đi vào "ngõ cụt" nhưng buổi tối hôm đó tôi nhận được cuộc điện thoại thông báo địa điểm và giờ giấc cho cuộc tuyển chồng sẽ diễn ra ngay ngày hôm sau. Vẫn là những câu từ ngọt ngào để giữ chân người tham gia tuyển.
Có mặt trong một buổi tuyển khác, tôi tình cờ gặp lại một vài gương mặt đã cùng mình tham gia "tuyển chồng" trong buổi hôm qua. Quan sát, tôi thấy nhiều người cũng đang cười nói vui vẻ với nhau bởi cuộc hội ngộ "không hẹn mà tới". Lúc này, câu chuyện cuộc đời được họ trải lòng hơn vì dù sao cũng đã một lần gặp gỡ lại cùng cảnh ngộ bị... trượt.
Nhà hàng Th.V (Thủy Nguyên, Hải Phòng) hôm nay đông hơn mọi ngày vì có tới gần 50 cô gái "dập dìu" đi tuyển chồng ngoại. Mỗi người một câu chuyện, nhà hàng trở nên ồn ào. "Hôm nay là ngày thường chứ vào thứ 7, chủ nhật lượng này còn tăng hơn" - nhún vai, H. tâm sự.
Trong phòng của nhà hàng Th.V (Thủy Nguyên, Hải Phòng) một nhóm cô gái và những người mai mối đang hồi hộp chờ tới lượt mình.
H. cũng ở cái tuổi "bom nổ chậm", cô không đếm được mình đã tham gia bao nhiêu lần tuyển chồng. Cũng đã có lần "lọt mắt xanh" của một trai Hàn gần 50 tuổi nhưng H. không ưng vì tính ra như thế rể chỉ kém bố H. một tuổi. Từ chối "vận may" vừa đến, cô lại tiếp tục "đánh võng" cùng các Tú bà trong những lần tuyển khác để đánh cược cho hạnh phúc của mình. Đã có lúc H. nản và muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ tới cuộc sống gia đình ngột ngạt của mình hiện tại, H. lại nhắm mắt đưa đôi tay mình để các bà mối dẫn đi.
Hai người bước vào trong ra mắt rể Hàn, bên ngoài các cô gái và bà mối cũng hồi hộp, đứng chen chân ngay trước cửa để nghe ngóng. Họ vô tư cười nói khiến cả căn phòng ồn ào. Ở một khu khác của Th.V, một nhóm hơn 20 cô gái Việt và bà mối cũng đang ngồi chờ bên ngoài để tới lượt mình vào xem mặt. Cứ một người bước ra lại một vài người xúm tới hỏi han: "Rể thế nào?", "Họ có ưng mình không?", "Già hay trẻ?"...
Trong khuôn viên nhà hàng, một nhóm người khác hơn 20 người cũng đang hồi hộp không kém để chờ ra mắt một rể khác
Cơ chế "loại trực tiếp" khiến nhiều cô gái buồn bã ra về. Một người được chọn thì có tới mười Tú bà vây xung quanh hết tư vấn lại hỏi han rồi khuyên bảo, cốt sao để cô gái đồng ý. Như thế coi như cuộc "đưa người qua sông" của họ đã thành công.
Xe dựng chật sân, những cô gái không trúng tuyển buồn bã ra về.
Những chiếc xe máy lại tỏa về các hướng, những người ở xa thì lóc cóc đi xe ôm ra bến xe để về quê. Trước khi ra về, bà mối dúi tay tôi 50.000 đồng để đổ xăng. Và số điện thoại của tôi sau đó liên tục nhận được những tin nhắn, những cuộc gọi của các bà mối thông báo địa điểm và thời gian tuyển. Nếu gật đồng đồng ý, ngày nào tôi cũng sẽ được tham gia những buổi tuyển chồng như thế vì số lượng Tú bà và địa chỉ tuyển là con số nhiều.
Theo xahoi
Cược hạnh phúc lấy... đôla Chuyện kết hôn giả để đi xuất khẩu lao động tưởng chừng như chỉ là vấn đề giấy tờ, thế nhưng có những đứa trẻ không thể khai sinh vì mẹ chúng đang là vợ của người đàn ông ngoại quốc. Kết hôn giả, ly hôn thật Chị Bùi Thị Hằng (thôn Đồng Thịnh, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang)...