Vụ Trung Nguyên: Vì sao phiên toà phải tạm ngưng?
Tại phiên xử, luật sư đại diện theo ủy quyền phần tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có đơn đề nghị tạm ngưng phiên tòa gửi HĐXX.
Chiều 1-3, HĐXX vụ án ly hôn và tranh chấp tài sản chung vợ chồng giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên) đã quay lại phần hỏi, sau đó quyết định tạm ngưng phiên toà để thu thập thêm chứng cứ.
HĐXX sẽ mở lại phiên toà vào sáng ngày 27-3.
Bà Thảo chiều 1-3 trước khi HĐXX vào phòng xử án
Vì sao bà Thảo đề nghị tạm ngưng phiên toà?
Ngay tại phiên tòa chiều nay, luật sư đại diện theo ủy quyền phần tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có đơn đề nghị tạm ngưng phiên tòa gửi HĐXX.
Theo đơn, bà Thảo đưa ra yêu cầu đưa Trung Nguyên Singapore vào khối tài sản chung để giải quyết trong vụ án này.
Bà Diệp Thảo đề nghị HĐXX xác minh và thu thập các tài liệu chứng cứ sau:
- Yêu cầu ông Vũ cung cấp tài liệu là căn cứ xác định số tiền theo phản tố là tài sản chung của vợ chồng.
- Yêu cầu các ngân hàng cung cấp số dư tại thời điểm hiện tại trong các tài khoản của bà Diệp Thảo mà ông Vũ yêu cầu.
- Yêu cầu ông Vũ cung cấp tài liệu chứng minh đã đóng góp nhiều hơn vào việc tạo lập: 90% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNI), 30% cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC).
- Bản gốc các tài liệu về đăng ký kinh doanh của ông Vũ năm 1996.
- Tài liệu về việc chuyển đổi từ Hợp tác xã Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên thành Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên năm 2002.
Video đang HOT
Về tranh chấp liên quan đến cổ phần chung của hai vợ chồng tại Công ty Trung Nguyên Singapore, TAND TP.HCM đã có quyết định tách ra. Do đó, khi phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND TP.HCM không đề nghị hướng giải quyết.
Theo tìm hiểu của PLO.VN, hiện toà án Singapore đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án liên quan đến công ty này, chờ kết quả vụ ly hôn và tranh chấp tài sản mà TAND TP.HCM đang giải quyết. Quyết định chưa được dịch sang tiếng Việt.
Chia sẻ sau phiên toà, bà Thảo nói: “Những cái mà truyền thông đưa lên không có đúng, chính xác, thậm chí sai lệch nghiêm trọng đang ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và cái an nguy của mình. Để quyết định của toà không bị cảm tính, đưa ra được phán quyết đúng đắn nên mình đề nghị cung cấp đầy đủ chứng cứ”.
Ông Vũ trong vòng vây báo chí chiều 1-3
Vì sao ông Vũ có yêu cầu phản tố về số tiền 2.102 tỉ đồng?
Về phần ông Vũ, tại phiên toà chiều nay, ông trình bày rằng ông giữ nguyên yêu cầu phản tố về số tiền 2.102 tỉ đồng trong khối tài sản chung vợ chồng mà ông yêu cầu phân chia.
Về số tiền tranh chấp này, khi phát biểu quan điểm giải quyết vụ án chiều 25-9, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX không xem xét do trước đây ông Vũ đã rút nhưng tòa án chưa có quyết định đình chỉ. Theo VKS thì tuy tại tòa, phía ông Vũ vẫn yêu cầu phân chia số tiền này nhưng do chưa đảm bảo về tố tụng, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ nên VKS cho rằng chưa có đủ cơ sở vững chắc để giải quyết trong vụ án này.
Theo xác minh mà HĐXX công bố tại tòa, năm 2015-2016, số tiền còn tại 3 ngân hàng (Eximbank, BIDV, Vietcombank) đứng tên bà Thảo như sau: 654,2 tỷ đồng; 9,3 triệu Euro; 2,3 triệu GBP (bảng Anh); 28,9 triệu USD; 5,1 triệu AUD (đô la Australia) và 10.000 lượng vàng.
Tuy nhiên, đại diện của bà Thảo cho biết số tiền đó được xác minh vào năm 2016, sau thời điểm đó thì số tiền hiện không còn. “Xác định số tiền để chia thì phải xác định hiện tại còn hay không chứ không thể chọn thời điểm trong quá khứ. Ví dụ con anh đi học bao nhiêu tiền một năm, chị Thảo chuyển tiền cho bà nội gần 1.000 tỷ. Xem dòng tiền như thế, dòng tiền đi đâu? Tiền từ cổ tức hay tiền riêng? Không thể giải quyết trong vụ án này được” – vị đại diện bà Thảo trình bày.
Tại phiên toà hôm nay, phía ông Vũ cho biết: Vào năm 2018 có thông tin xác minh từ ba ngân hàng Eximbank, BIDV và Vietcombank các khoản tiền, vàng ngoại tệ xác minh là con số rõ ràng. Do yêu cầu phản tố về khoản tiền này chưa bao giờ đình chỉ, ông Vũ đã nộp tạm ứng án phí đối với việc tranh chấp khoản tiền này nên đề nghị toà tiếp tục giải quyết”.
Phía ông Vũ cũng cho rằng từ năm 2015 đến nay, bà Thảo không đóng góp vào tài sản chung bất động sản cùng ông Vũ hay có mua cổ phần hoặc cổ phiếu gì đối với tất cả công ty của Tập đoàn Trung Nguyên. Trước khi vợ chồng góp vốn, không có thỏa thuận tài sản chung hay tài sản riêng.
LOAN – CHUNG – VƯƠNG
Theo PLO
Tranh quyền điều hành Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ nắm lợi thế nhờ Luật hôn nhân gia đình mới
Việc phân chia tài sản của vợ chồng sau khi ly hôn thì tài sản chung trên nguyên tắc là chia đôi 50/50 nhưng có xem xét công tạo lập, phát triển nên tài sản.
Với thương vụ nghìn tỷ Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo, ông Vũ ngoài công sức phát triển Tập đoàn Trung Nguyên, ông còn là người sáng lập. Chiếu theo Luật Hôn nhân gia đình mới, ông Vũ có thể sẽ được lợi.
Chiều nay, ngày 1.3, HĐXX sẽ chính thức đưa ra kết quả cuối cùng về xụ xét xử vụ ly hôn giữa "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đây là vụ ly hôn nghìn tỷ ồn ào nhất trong thời gian qua bởi kịch tính đến từ việc tranh chấp tài sản và quyền điều hành Trung Nguyên.
Đến thời điểm hiện tại, vụ ly hôn vẫn chưa ngã ngũ bởi khúc mắc liên quan đến việc phân chia khối tài sản tổng cộng lên tới 8.400 tỷ đồng giữa ông Vũ và bà Lê Hoàng Thảo Diệp.
Thuận tình ly hôn, "vướng"chia tài sản
Trước đó, chiều 25.2, VKSND TP.HCM đã phát biểu quan điểm về vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong vụ án ly hôn của ông chủ cà phê Trung Nguyên. Vị đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần nội dung khởi kiện của hai bên đương sự.
Theo đó, về tình trạng hôn nhân, VKSND TP.HCM đề nghị tòa giải quyết cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được ly hôn theo luật định.
Phần con cái: Đồng ý với sự thống nhất của hai bên đương sự, đề nghị giao cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người trực tiếp chăm sóc ba người con (một người đã qua tuổi vị thành niên). Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chịu trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con với số tiền 10 tỷ đồng/năm, từ 2013 đến hết học đại học.
Bà Lê Hoàng Thảo Diệp và ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên xét xử
Về tài sản là 13 bất động sản phân chia theo sự thỏa thuận của hai bên tại phiên tòa diễn ra trước đó. Đề nghị HĐXX giải quyết theo phương án các bên đưa ra, ai đang sở hữu, sử dụng tài sản nào thì tiếp tục sở hữu bất động sản đó. Bà Thảo chịu trách nhiệm thanh toán lại phần chênh lệch cho ông Vũ.
Bất động sản đã chia, con cái cũng có sự lựa chọn, hiện giờ giữa hai vợ chồng họ chỉ còn khúc mắc về việc phân chia cổ phần trong 7 công ty thuộc tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Cả hai đều muốn chiếm giữ số cổ phần lớn hơn đối phương nhằm mục đích giành quyền điều hành Trung Nguyên bởi những lý lẽ của riêng họ.
Hơn thế nữa, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng bà Lê Hoàng Diệp Thảo trở thành "điểm nghẽn" trong công việc, sự nghiệp, con đường đi tiếp theo của ông để xây dựng, phát triển Trung Nguyên, đưa Trung Nguyên ra toàn cầu. Ba năm ông Đặng Lê Nguyên Vũ đối diện với 18 vụ kiện từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo.Thậm chí bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn lập công ty cà phê với thương hiệu King Coffee để trở thành đối thủ của Trung Nguyên.
Theo Đặng Lê Nguyên Vũ cho, lẽ ra bà Thảo phải ủng hộ, hỗ trợ ông tiếp tục gây dựng sự nghiệp lớn mạnh, thì ngược lại, bà Thảo chính là "điểm nghẽn" chưa được khai thông ngăn trở ông.
Còn bà Lê Hoàng Diệp Thảo thì lo sợ ông Vũ bị bệnh, bởi sau 49 ngày thiền ông đã trở thành con người hoàn toàn khác lạ, khác lạ từ cách ăn mặc, hành động, lời nói và đặc biệt bà lo sợ "nhóm lợi ích" phía sau ông Vũ gây lũng đoạn Trung Nguyên rồi dần dẫn đến sụp đổ.
Cũng chính vì nhưng mâu thuẫn này, cao trào và kịch tích của cuộc ly hôn cũng đã được đẩy lên gấp nhiều lần khi có sự tranh chấp quyền điều hành Trung Nguyên thông qua việc phân chia tài sản.
Phần hơn sẽ thuộc Đặng Lê Nguyên Vũ?
Theo số liệu phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ đưa ra thì tổng số tài sản chung của vợ chồng, bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản hiện có tổng trị giá gần 8.400 tỷ đồng.
Khi được tòa cho phép đưa ra đề nghị chia tài sản, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đề nghị chia số tài sản này theo tỷ lệ 70/30.
Tuy nhiên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo không đồng ý chia tỷ lệ từ chồng. Bà đề nghị chia cho mình 51% cổ phần Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Tổng số cổ phần ông Vũ có là 49%. Một bên 51% và một bên 49% sẽ không có việc bên nào dùng ý chí của mình để áp đặt, các bên đều có quyền biểu quyết trong đại hội cổ đông, bà Thảo có quyền tham gia vào hoạt động của công ty này.
Không thống nhất được phương án phân chia, tại phiên nghị án ngày 25.2 vừa qua, VKSND cho rằng, nếu không thỏa thuận được thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính tới yếu tố hoàn cảnh của gia đình, công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì khối tài sản chung.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn trên nguyên tắc là chia đôi 50/50, có xem xét công tạo lập, phát triển nên tài sản. Đây là nguyên tắc chung từ trước đến nay.
"Nguyên tắc thì rõ ràng, đóng góp nhiều sẽ được nhiều. Đối với vợ chồng chia đôi chỉ là phương án tối thiểu nhất, bình thường nhất. Những tài sản nào không chứng minh được công sức đóng góp thì sẽ hòa nhau. Còn nếu ai chứng minh được tôi đóng góp nhiều hơn thì khi phân chia tài sản ly hôn, người đó sẽ nhận được nhiều hơn, tính theo công sức và tài sản", ông Đức nhấn mạnh.
Như vậy, theo Luật hôn nhân gia đình, ông Đặng Lê Nguyên Vũ vừa có công sáng lập vừa có công điều hành Trung Nguyên từ đầu đến cuối. Trong khi đó, Lê Hoàng Diệp Thảo sau khi sinh con có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của Trung Nguyên. Từ 2006 đến nay, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tham gia quản lý điều hành, đóng góp nhiều công sức cho Trung Nguyên nhưng bà không chứng minh được việc đóng góp, tạo lập được công ty cà phê Trung Nguyên.
Chính vì vậy, nếu tài sản chia 50/50 sẽ gây thiệt thòi cho người đã tạo lập nên công ty đó là ông Vũ. Xét theo Luật hôn nhân gia đình, cũng như quan điểm của VKSND, nhiều khả năng phương án chia tài sản sẽ có lợi cho ông chủ tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ.
"Cũng phải nói thêm rằng, phương án phân chia tài sản giữa ông Vũ bà bà Thảo đúng hay sai phụ thuộc vào việc xem xét công sức đóng góp của 2 bên. Nếu xem xét đúng công sức thì phương án chia là đúng, nhưng nếu đánh giá nhầm công sức đóng góp ví dụ như người đóng ít thì lại bảo đóng nhiều, người đóng nhiều lại bảo đóng ít, thì phương án phân chia tài sản sẽ không còn chính xác nữa. Chính vì vậy, việc đánh giá công sức của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại tập đoàn Trung Nguyên là yếu tố vô cùng quan trọng.", luật sư khuyến nghị.
Theo Danviet
Vụ ly hôn của vợ chồng chủ Cà phê Trung Nguyên: Sẽ tuyên án vào ngày 1/3 Chiêu nay, 25/2, TAND TP HCM đa tiêp tuc mơ phiên toa xet xư vu an ly hôn cua vơ chông chu ca phê Trung Nguyên. Tai Toa, đại diện bị đơn và phia nguyên đơn tiếp tục có những tranh cãi gay gắt về tài sản. Kêt thuc buôi xet xư, HĐXX cho biêt nghi an keo dai va se tuyên an...