Vụ Trọng Tấn – Anh Thơ: Bộ sẽ cân nhắc “công – tội”
Việc hai ca sĩ Anh Thơ – Trọng Tấn bỏ đêm diễn tại Lào tiếp tục được đặt ra trong cuộc họp sáng 23/7 của Bộ VH-TT&DL. Tuy nhiên, cuộc họp không đi đến một kết luận chính thức xử lý kỷ luật với 2 ca sĩ.
Trả lời báo chí sau cuộc họp, ông Phan Đình Tân (người phát ngôn Bộ VH-TT&DL) khẳng định:”Hướng xử lý của bộ sẽ thực hiện theo công điện của bộ trưởng, đồng thời căn cứ vào giải trình của hai ca sĩ. Đã có những ý kiến về việc đề nghị tăng nặng hay giảm nhẹ cho Anh Thơ và Trọng Tấn, tuy vậy bộ sẽ xử lý theo đúng nghị định, quy chế đã ban hành. Ngoài ra, các điều khoản của Luật công chức cũng sẽ được cân nhắc áp dụng trong trường hợp này”.
Người phát ngôn cũng cho biết hiện tại bộ chưa nhận được giải trình của nghệ sĩ và tờ trình của cơ quan chủ quản là Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Đặc biệt, bộ sẽ cân nhắc công của nghệ sĩ ở đâu, “tội” ở đâu, sẽ không vì việc này mà xóa nhòa đi những cống hiến khác của họ.
Ca sĩ Trọng Tấn (Ảnh: T.T.D.) – Ca sĩ Anh Thơ trả lời báo chí chiều 23-7 – Ảnh: H.Hương
Video đang HOT
Chiều cùng ngày, hai ca sĩ Anh Thơ – Trọng Tấn cũng có buổi làm việc với lãnh đạo Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Tại buổi làm việc này, hai ca sĩ bổ sung giải trình của mình trước khi học viện gửi lên Bộ VH-TT&DL.
Ca sĩ Anh Thơ: mong khán giả hiểu và thông cảm
Chiều 23-7, ca sĩ Anh Thơ đã xuất hiện trở lại sau mấy ngày im lặng với báo chí. Cô chia sẻ:”Lúc ra về, có nhiều sự việc tác động khiến chúng tôi không suy nghĩ được thấu đáo, dẫn đến quyết định nóng vội. Nếu biết buổi tiệc quan trọng như thế thì chúng tôi đã không có hành động đáng tiếc đó. Mong muốn của tôi là bộ, học viện xem xét giảm mức kỷ luật và khán giả hiểu và thông cảm cho Trọng Tấn và Anh Thơ”. Một quyết định trong thời gian ngắn nhưng đã dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn. Nữ ca sĩ cho rằng đây là một kinh nghiệm xương máu đối với bản thân. “Cái sai ở đây là nhận thức chính trị chưa sâu sắc. Chúng tôi làm ở môi trường nghệ thuật, đi biểu diễn nhiều nên hơi lơ là. Dù vậy, cuộc đời không ai không có lỗi được, vì có chút bồng bột mà để ảnh hưởng đến những người khác. Đây là bài học cho tôi” – ca sĩ Anh Thơ nói.
Trả lời sau cuộc họp, ca sĩ Trọng Tấn cho biết: “Lúc đầu chúng tôi sẵn sàng ở lại trình diễn vào đầu chương trình (khoảng 18g) nếu phía bộ đổi được vé máy bay sang chuyến 20g05 tối 18/7 và điều chỉnh được chương trình. Sau khi không thấy hồi đáp từ bộ, chúng tôi cho rằng không thể điều chỉnh được nên đã ra về vào trưa 18/7. Đây là điều đáng tiếc giữa cá nhân ca sĩ với Bộ VH-TT&DL”.
Cũng như Trọng Tấn, Anh Thơ nhận lịch đi biểu diễn tại Lào khá gấp gáp và cũng chỉ thỏa thuận đi từ ngày 16 đến 18/7 (tức chỉ biểu diễn vào tối 17/7).
Một lãnh đạo của Học viện Âm nhạc quốc gia VN cho biết: Khi cử hai ca sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ đi Lào biểu diễn, nhà trường cũng đã gửi công văn lên Bộ VH-TT&DL, thời hạn đi là đến ngày 18/7.
Tuy nhiên, người này cũng cho rằng chương trình ở Lào có sự thay đổi nằm ngoài dự liệu của Bộ VH-TT&DL nên kéo theo rất nhiều việc đi kèm. Trong tình huống này, để phục vụ mục đích chính trị, các nghệ sĩ không nên vắng mặt.
Văn hóa quản lý từ một vụ kỷ luật
Mấy ngày qua báo chí và dư luận không ngớt xôn xao vụ Trọng Tấn và Anh Thơ – hai ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc tráng ca và trữ tình Việt Nam – vừa đối diện với án kỷ luật tạm ngưng giảng dạy và cấm biểu diễn. Thông tin khá nhiều, nguồn của bên ra quyết định chứng minh cái lý của kỷ luật nguồn của bên bị kỷ luật thanh minh một cách ngập ngừng cho những gì đã xảy ra không thật công bằng với mình. Nhìn vào dòng thông tin chợt nhận ra điều gì đó còn thiếu, khá cơ bản, trong cách hành xử của cả hai bên.
Đáng lẽ trước khi đi làm nhiệm vụ ở Lào, những gì Học viện Âm nhạc quốc gia và đại diện Bộ VH-TT&DL yêu cầu đối với Trọng Tấn (cũng như Anh Thơ) và những gì Trọng Tấn trình bày về hoàn cảnh cá nhân của mình (ký hợp đồng làm chương trình trước đó cả tháng với ngành công an Ninh Bình) phải được xem xét và thể hiện bằng một quyết định. Quyết định đó có thể hợp tình hợp lý bằng một nội dung, theo đó nghệ sĩ sẽ chỉ làm nhiệm vụ trong chương trình chính thức tối 17-7 và có thể không tham gia các hoạt động khác của đoàn. Quyết định đó cũng có thể theo hướng hoàn toàn mệnh lệnh, không xem xét bất cứ hoàn cảnh nào, buộc nghệ sĩ phải tham gia đầy đủ các hoạt động.
Trong trường hợp thứ hai, Trọng Tấn – Anh Thơ phải tự mình cân nhắc, quyết định hành xử trong tư cách một công chức “chấp hành vô điều kiện” hoặc đề nghị cấp trên hỗ trợ bằng cách giải quyết khó khăn của bản thân, tuy là việc cá nhân nhưng hợp pháp và chính đáng để yên tâm làm nhiệm vụ chính trị không có trong kế hoạch. Việc văn bản hóa các quyết định của cơ quan điều động, dù có tình có lý hay thiếu thấu tình đạt lý cũng là cơ sở để cả cơ quan có thẩm quyền điều động và người được điều động hiểu rõ mình đang hành xử đúng hay chưa đúng, và khi cần phán xét cũng dễ phân xử.
Đối với công chức, không chấp hành vô điều kiện sự điều động của cấp trên khi bản thân không đủ khả năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thì việc bị kỷ luật có thể hiểu được theo những quy định pháp lý hiện hành.
Nhưng đối với cơ quan có thẩm quyền điều động công chức, nếu cứ áp dụng thẩm quyền ấy một cách mệnh lệnh, chưa thấu tình và cái lý cũng đạt một cách không vững chắc, liệu có thể yên tâm về tính thuyết phục của các quyết định kỷ luật mà mình đã ban hành cho người dưới quyền mình chăng?
Văn hóa quản lý của thời kỳ nghệ thuật hoạt động theo cơ chế thị trường đang đòi hỏi phải hiểu và tôn trọng đúng mức hơn nữa động lực của sự phát triển là lợi ích. Khi lợi ích của xã hội, của tổ chức và cá nhân ngày càng hài hòa hơn, sẽ bớt đi những xôn xao không đáng có như dư luận đang quan tâm.
NGUYỄN THẾ THANH
Theo Tuổi trẻ