Vụ trộm bí ẩn ở Anh gây nghi ngờ về chuyến thăm của Trung Quốc
Hai tháng sau khi đón đoàn khách Trung Quốc, nhà máy Scotland bị mất trộm. Vài năm sau, Trung Quốc phát triển một thiết bị tương tự của họ.
Bên trên là sản phẩm của Pelamis, bên dưới là Hailong 1 của Trung Quốc. Ảnh:Guardian
Một vụ trộm đầy bất thường xảy ra trong đêm 22/3/2011, khi 4 hoặc 5 chiếc máy tính xách tay tại Pelamis, nhà máy năng lượng sóng biển ở Scotland, bị đánh cắp. Đây là nhà máy phát triển các công nghệ mới và được một phái đoàn chính phủ Trung Quốc dẫn đầu bởi ông Lý Khắc Cường, khi đó là phó thủ tướng Trung Quốc, tới thăm hai tháng trước vụ trộm, theo Guardian.
Những tên trộm không lấy thứ gì khác ngoài những chiếc laptop. Vụ án dù gây ra không ít khó chịu cho công ty nhưng cũng nhanh chóng bị lãng quên và không ai tìm ra thủ phạm. Chỉ đến vài năm sau đó người ta mới chú ý tới vụ việc khi nhiều bức ảnh xuất hiện cho thấy một thiết bị giống dự án của Scotland đến lạ kỳ được chế tạo tại Trung Quốc.
Khi đó, một số người có liên quan đến công ty Pelamis Wave Power của Scotland mới bắt đầu có những liên tưởng giữa chuyến thăm cấp cao và vụ trộm. Max Carcas, người từng là giám đốc phát triển kinh doanh tại Pelasmis cho tới năm 2012, cho rằng sự giống nhau giữa sản phẩm của Scotland và Trung Quốc là đáng kinh ngạc. Ông khẳng định: “Một vài chi tiết có thể khác nhưng rõ ràng họ đang thử nghiệm một phiên bản theo mô hình của Pelamis”.
Có thể các kỹ sư Trung Quốc đã cùng phát triển một thiết kế tương tự như của các kỹ sư Scotland. Cũng có thể người Trung Quốc đã tìm cách nhái lại thiết kế dựa trên những bức ảnh về dự án của Pelamis, vốn được đăng tải rộng rãi trên mạng.
Dù vậy, cũng có thể có một cách giải thích nghiêm trọng hơn: Pelamis là mục tiêu bị Trung Quốc nhắm tới, đây là quốc gia nhiều lần bị cáo buộc thực hiện các chiến dịch gián điệp công nghiệp.
Ông Lý Khắc Cường (hàng đầu, chính giữa) cùng phái đoàn thăm nhà máy Pelamis ngày 9/1/2011. Ảnh: WPA Pool
Video đang HOT
“Chúng tôi vốn rất tự hào khi là nơi duy nhất ngoài London tại Anh mà Phó thủ tướng Trung Quốc đến thăm”, Carcas nói. Ông Lý, hiện là Thủ tướng Trung Quốc, khi đó dẫn đầu phái đoàn 60 người đi tham quan những công đoạn then chốt trong quá trình thi công Pelasmis, tại khu vực Leith, thành phố Edinburgh.
“Một vụ đột nhập diễn ra sau đó khoảng 10 tuần, một số laptop bị đánh cắp. Điều đáng ngờ là kẻ trộm lên thẳng văn phòng của chúng tôi ở tầng hai, thay vì vào các công ty khác ở tầng trệt hoặc tầng một”.
Các vụ đột nhập tại các nhà xưởng không phải hiếm thấy. Pelamis cũng từng bị trộm đột nhập lấy cắp cáp đồng. Tuy nhiên, việc trộm chỉ lấy đi laptop từ văn phòng là trường hợp đầu tiên.
“Tôi có thể đưa ra rất nhiều suy đoán nhưng không muốn nói ra”, ông Carcas cho biết.
Điều nực cười là Pelamis giờ đã chết yểu trong khi sản phẩm của Trung Quốc, có tên Hailong 1, có vẻ vẫn đang được phát triển.
Scotland là nước đi đầu trong việc phát triển công nghệ sóng biển trong nhiều thập kỷ. Pelamis là một trong những công ty công nghệ tiên phong, ban đầu có tên là Ocean Power Delivery, thành lập năm 1998 trước khi đổi tên thành Pelamis Wave Power năm 2007.
Cỗ máy Pelamis trông giống như một con rắn khổng lồ bằng kim loại, được đặt để cho sóng ùa thẳng vào trong nhằm khai thác năng lượng từ biển. Máy có hệ thống khớp nối độc nhất có thể giúp kiểm soát năng lượng của dòng chảy khi sóng biển di chuyển về phía cuối đường ống.
Các đặc tính tân tiến khác bao gồm một hệ thống kiểm soát tinh vi và một cơ chế nhanh chóng cho phép triển khai thiết bị cũng như thu hồi. Năm 2004, Pelamis là chiếc máy đầu tiên sử dụng sóng biển để phát điện và truyền thẳng vào lưới điện.
Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến cỗ máy và phái đoàn đã đến thăm nhưng họ không đầu tư vào dự án Pelamis. 3 năm sau, tháng 11/2014, Pelamis đã bị chính phủ tiếp quản. Sau 17 năm phát triển dự án với chi phí 95 triệu bảng Anh , công ty đã cạn kiệt ngân sách.
Những bức ảnh được chụp từ Trung Quốc cho thấy Hailong 1 có vẻ bề ngoài rất giống Pelamis. Ngoài ra, các đặc điểm cụ thể của thiết bị cũng có vẻ giống, nhất là hệ thống khớp nối và hệ thống triển khai và thu hồi thiết bị từ biển.
Hailong 1 dường như được đóng tại Viện nghiên cứu số 710, một cơ sở của Tổng công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc. Viện trên cũng tham gia phát triển các dự án quân sự. Hailong 1 được cho chạy thử nghiệm vào năm 2014 và 2015, nhưng cả hai lần đều bị hủy do biển động.
Guardian đã gửi một loạt câu hỏi cho chính phủ Trung Quốc, yêu cầu chi tiết về nguồn gốc của dự án Hailong 1 nhưng không nhận được câu trả lời. Tờ này nhấn mạnh không có ý cho rằng Thủ tướng Trung Quốc có kết nối với công ty hay biết gì về vụ trộm.
Bất chấp những điểm giống nhau, cả chính phủ Anh cũng như Scotland đều không có kế hoạch chất vấn Trung Quốc về vấn đề bản quyền. Calum Macfarlane, phát ngôn của Wave Energy Scotland nói: “Sở hữu trí tuệ không được bảo vệ tại Trung Quốc”.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Cuba khiến các cường quốc đấu nhau "sứt đầu mẻ trán"
Những ngày cuối tháng 9, người ta đã chứng kiến "cuộc chạy đua nước rút" giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở quốc đảo xinh đẹp Cuba.
Thủ tướng Nhật Bản Abe và Chủ tịch Cuba Raul
Sự kiện hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc và Nhật Bản đến Cuba trong hai chuyến thăm nối tiếp nhau đã cho thấy đang có một cuộc đua mới giữa Bắc Kinh và Tokyo nói riêng và một cuộc đua giữa các cường quốc nói chung ở đất nước nhỏ bé và đầy tiềm năng của Châu Mỹ Latin.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm đến Cuba từ ngày 22 đến 24/9. Ngay sau đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng thực hiện chuyến thăm đến quốc đảo vùng Caribe từ 24 đến 28/9. Điều này có nghĩa là khi ông Abe vừa rời khỏi Cuba sau chuyến thăm 2 ngày thì cũng là lúc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt chân đến thủ đô Hanava trong một chuyến công du kéo dài 4 ngày.
Nếu như ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm Cuba trong 87 năm thì ông Lý Khắc Cường là Thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc có mặt trên đất Cuba sau 56 năm. Chỉ riêng con số này cũng đủ để cho thấy sự quan tâm lớn mà Bắc Kinh và Tokyo dành cho Cuba và cuộc đua của họ ở nơi đây đang rất nóng.
Dù dư luận đang dồn sự tập trung vào cuộc đua của Trung Quốc và Nhật Bản ở Cuba nhưng trên thực tế cuộc đua này được khơi mào từ Mỹ - nước láng giềng có mối quan hệ thù địch kéo dài nhiều thế kỷ với Havana.
Quan hệ Mỹ - Cuba đã đóng băng kể từ đầu những năm 1960. Từ sự kiện Vịnh Con Lợn đến cuộc khủng hoảng tên lửa, sự thù địch đã bao trùm khắp Eo biển hẹp Florida. Chính quyền của Tổng thống John F. Kennedy đã áp dụng lệnh cấm vận đối với Cuba trong suốt hơn 50 năm qua. Những biện pháp cô lập và trừng phạt đã khiến đời sống của hai nước láng giềng gần nhau là Mỹ và Cuba hoàn toàn cách biệt.
Lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba đã ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ của Cuba với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước phương Tây và các nước đồng minh, có quan hệ thân thiết với Mỹ.
Tuy nhiên, một trang sử mới trong quan hệ Mỹ - Cuba đã được mở ra khi ngày 17/12/2014, Tổng thống Barack Obama bất ngờ tuyên bố muốn khôi phục lại quan hệ với láng giềng sau hơn một nửa thế kỷ thù địch. Nói là làm, sau đó, Mỹ liên tục có những bước đi cụ thể để thực hiện mong muốn nói trên. Mỹ bắt đầu nới lỏng các quy định hạn chế trước đây như cho phép người Mỹ sang Cuba mà không cần có giấy phép đặc biệt hay cho phép Mỹ xuất khẩu thiết bị viễn thông, hàng lưu niệm, thuốc lá hay rượu sang Cuba...
Tháng 5/2015, Mỹ gỡ bỏ Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố. Tiếp đó, vào tháng 7/2015, Mỹ và Cuba đã đạt được một thỏa thuận về việc mở lại đại sứ quán ở Washington và Havana. Bước đi đột phá nhất trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba chính là chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama đến Havana từ 20/3 - 22/3/2016. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ sau 88 năm và nó đã đánh dấu một bước ngoặt thực sự trong quan hệ giữa hai nước láng giềng. Trong chuyến thăm đó, Mỹ và Cuba đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế.
Việc Mỹ làm lành với Cuba đã mở màn cho một cuộc đua giữa các nước lớn ở quốc đảo nhỏ bé và xinh đẹp này. Sau sự khai màn của chính quyền Tổng thống Obama, một loạt nước đã tìm đến với Cuba với mục tiêu khai phá một thị trường hấp dẫn, tiềm năng.
Sau các nước Phương Tây, Hàn Quốc, Iran..., Nhật Bản và Trung Quốc cũng cấp tập lao vào "cuộc đua" giành thị phần ở Cuba. Nếu như Nhật Bản đến Havana như một bước khai phá, mở màn một cuộc xâm nhập vào thị trường mới thì Trung Quốc đến đây để củng cố vị thế mà họ đã thiết lập được ở Cuba trong nhiều năm qua.
Trong chuyến ở thăm Cuba, Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp với Chủ tịch Cuba Raul Castro và hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ kinh tế song phương thông qua các khoản đầu tư của Nhật Bản. Tokyo tuyên bố xóa nợ 1,3 tỉ USD trong khoảng nợ 1,75 tỷ USD cho Cuba đồng thời công bố khoản viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 1,3 tỷ yen (12,9 triệu USD) trong lĩnh vực y tế cho Cuba. Ông Abe bày tỏ mong muốn, chuyến thăm của ông sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước và Nhật Bản sẽ trở thành đối tác tin cậy của Cuba, giúp Cuba hiện đại hóa mô hình kinh tế, xã hội của nước này.
Thủ tướng Abe cũng kêu gọi Cuba tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bởi Cuba là một trong số ít các nước còn duy trì mối quan hệ với Bình Nhưỡng.
Việc Mỹ và Nhật Bản tăng cường quan hệ với Cuba đã khiến Trung Quốc lo ngại. Bắc Kinh sợ mất vị thế mà họ đã thiết lập được ở Cuba trong bao năm qua và chuyến thăm cập rập của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Havana đã cho thấy điều đó. Mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Cuba là củng cố vị thế và ảnh hưởng của họ ở nơi đây trước khi Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây tràn vào. Trong chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường, Cuba và Trung Quốc đã ký 12 thỏa thuận hợp tác.
Theo Vnmedia
Triều Tiên sắp phóng tên lửa dưới hình thức phóng vệ tinh Tin từ hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, ngày 19-9, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo thực hiện một vụ thử động cơ tên lửa để tiến tới phóng vệ tinh. "Kim Jong-un đã thăm Trung tâm Không gian Sohae để chỉ đạo vụ thử một loại động cơ tên lửa phục vụ cho việc phóng vệ tinh."...