Vụ Trịnh Xuân Thanh: Tại sao tòa khẳng định không bỏ lọt tội phạm?
Trong vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về tội “Tham ô tài sản”, các luật sư (LS) bào chữa đã đặt vấn đề: Vụ việc này xảy ra từ năm 2010, đã qua nhiều lần xét xử, vậy có việc bỏ lọt tội phạm?
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (áo sáng) và Đinh Mạnh Thắng. Ảnh: TTXVN
Cuối giờ sáng nay (5.2), Hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội đã tuyên đọc bản án dành cho Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và các đồng phạm về tội “Tham ô tài sản”. Bản án của tòa cũng đã giải đáp cả những vấn đề được các LS đưa ra trong quá trình xét xử.
Đáng chú ý trong vụ án này, các vị LS bào chữa đã đặt vấn đề: Vụ việc này xảy ra từ năm 2010, đã qua nhiều lần xét xử, vậy có việc bỏ lọt tội phạm? Cụ thể, khi xảy ra vụ án lừa đảo hàng trăm khách hàng mua dự án Nam Đàn Plaza, tháng 4.2010, cơ quan điều tra đã khởi tố Lê Hòa Bình tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sau đó, khi phát hiện hành vi hạ thấp giá đất của dự án để hưởng tiền chênh lệch, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bổ sung vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với các bị cáo: Nguyễn Ngọc Sinh, Đào Duy Phong, Đặng Sỹ Hùng… Trong suốt giai đoạn này, không thấy vấn đề gì liên quan đến hành vi của Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh.
Video đang HOT
Vụ án Lê Hòa Bình và đồng phạm qua nhiều lần xét xử, đến ngày 15.3.2017, khi Tòa phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra lại đối với một số bị cáo. Đồng thời, tòa đã khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” để điều tra hành vi của Trịnh Xuân Thanh và một số người (thời gian này Trịnh Xuân Thanh vẫn đang bỏ trốn).
Về nội dung trên, Hội đồng xét xử đã cho rằng: Quá trình điều tra trước đây các bị cáo: Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) và Thái Kiều Hương đều khai báo gian dối và có nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan điều tra. Tại cơ quan điều tra, Đinh Mạnh Thắng đã khẳng định: Trước đây để đối phó với cơ quan công an, Thanh đã bàn với Thắng, sau đó Thắng bàn Hương là số tiền 14 tỷ đồng (tiền Trịnh Xuân Thanh đã nhận từ khoản chênh lệch trong mua bán cổ phần, sau đó bị cáo Thanh trả lại cho người gửi) chưa đến tay Thanh, mới chỉ đến tay Hương, coi như Hương chưa giao số tiền này cho Thanh và Thắng, đồng thời hợp lý hóa chứng từ thành tiền mặt mua bán cổ phần của phía Hương từ phía Lê Hòa Bình. “Bị cáo Hương đã khai như vậy nhưng tại phiên tòa bị cáo lại không thừa nhận và không đưa ra lý do vì sao không thừa nhận” – thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền cho biết.
Vẫn theo Hội đồng xét xử, Thái Kiều Hương khai tại cơ quan điều tra, sau khi Công ty Vietsan có đủ 14 tỷ đồng thì Hương liên lạc với Trịnh Xuân Thanh nhưng không được, đây là lời này khai gian dối. Thực tế Hương đã không liên lạc, không gọi điện cho Trịnh Xuân Thanh, yêu cầu của Đặng Sỹ Hùng là nhờ Công ty Vietsan nhận hộ số tiền 14 tỷ đồng để đưa cho Trịnh Xuân Thanh. Sau khi nhận đủ số tiền 14 tỷ đồng, lãnh đạo của Công ty Vietsan đã yêu cầu Hương liên lạc và chuyển cho Đinh Mạnh Thắng (sau đó Thắng chuyển cho Thanh).
“Mặc dù tại phiên tòa, các bị cáo phủ nhận lời khai này nhưng không đưa ra lý do tại sao lại phủ nhận. Chính vì thế, những lời khai tại cơ quan điều tra của các bị cáo là có căn cứ, đó là lý do dẫn tới việc chưa làm rõ được hành vi của Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng khi chưa khởi tố đối với hai bị cáo như Viện Kiểm sát đã nêu là hoàn toàn chính xác, không có việc bỏ lọt tội phạm ở những giai đoạn tố tụng trước đây đối với Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng” – thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Đặng Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền cũng khẳng định, các cơ quan tiến hành thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, không có bị cáo nào khiếu nại về hành vi tố tụng của những người tiến hành tố tụng, nên những tài liệu đã được thu thập trong hồ sơ vụ án là hợp pháp.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị tuyên phạt tù chung thân, phạt bổ sung 50 triệu đồng. Trước đó, Trịnh Xuân Thanh từng bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”. Hiện Trịnh Xuân Thanh đang kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội.Bị cáo Đinh Mạnh Thắng – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà (em trai ông Đinh La Thăng): 9 năm tù…Các bị cáo khác có mức án cao nhất là 16 năm tù, thấp nhất là 6 năm tù. Tất cả cùng về tội “Tham ô tài sản”.Theo bản án, Công ty cổ phần dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập, trong đó có PVP Land, đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu dự án Nam Đàn Plaza (ở đường Phạm Hùng, Hà Nội) cho Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1-5) với giá tương đương 52 triệu đồng/m2 đất.Thái Kiều Hương (Phó tổng giám đốc Công ty Vietsan – công ty cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương) nhờ Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Sông Đà) kết nối gặp Trịnh Xuân Thanh để đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn. Trịnh Xuân Thanh đồng ý, chỉ đạo Đào Duy Phong (Chủ tịch HĐQT PVP Land) đứng ra thu xếp việc mua bán.Sau đó Đào Duy Phong ký tờ trình gửi PVC phê duyệt phương án bán cổ phần tại dự án Nam Đàn với giá 34 triệu đồng/m2 và được Trịnh Xuân Thanh đồng ý. Việc các bị cáo ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đã đặt cọc 52 triệu đồng/m2 để lấy tiền chênh lệch, chia nhau chiếm đoạt.Tổng cộng, các bị cáo đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng trong tổng số hơn 87 tỷ đồng tiền nhượng cổ phần. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt được 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ đồng, Đào Duy Phong 8 tỷ đồng, Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ đồng, Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ đồng.
Theo Danviet
Vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm: LS "gợi ý" tội khác cho bị cáo
Bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng), luật sư (LS) Nguyễn Huy Thiệp đã nêu việc bị cáo Thắng nộp lại 5 tỷ đồng đã nhận trước thời điểm khởi tố vụ án 7 năm. LS cho rằng, đó là tình tiết đặc biệt để giảm nhẹ cần được Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng. Ảnh TTXVN
Sáng nay (26.1), phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về tội Tham ô tài sản tiếp tục với phần các LS trình bày bài bào chữa. LS Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng cho rằng, các căn cứ để buộc tội thân chủ của ông về tội Tham ô tài sản chưa thỏa đáng.
LS Thiệp phân tích: Căn cứ để Viện Kiểm sát (VKS) buộc tội bị cáo Thắng là việc bị cáo này thừa nhận được Thái Kiều Hương nhờ giới thiệu gặp gỡ Trịnh Xuân Thanh để tác động việc thoái vốn. Diễn biến tại phiên tòa không được đại diện VKS cập nhật, hầu như quan điểm luận tội dựa trên cáo trạng. Cơ quan tố tụng đã không thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội mà thực hiện nguyên tắc suy đoán có tội. Trong quan điểm, VKS không thể hiện nguyên tắc cụ thể hóa hành vi, chỉ nói chung chung 2 hành vi của bị cáo Đinh Mạnh Thắng.
Vẫn theo LS Thiệp, chủ trương thoái vốn của PVPland có trước từ năm 2010, chủ trương thoái vốn không sai. Sai phạm phát sinh từ phần thực hiện thoái vốn, nâng giá, hạ giá để trục lợi... "Tôi không thấy tài liệu nào thể hiện Đinh Mạnh Thắng biết quy trình, quy định thỏa thuận giá cả, thủ tục. Đinh Mạnh Thắng là người ngoài cuộc, hoàn toàn không có liên quan đến đơn vị chuyển nhượng cũng như đơn vị nhận chuyển nhượng cũng như quá trình thoái vốn ...", LS Thiệp nói.
LS Thiệp cho rằng, chứng cứ tại phiên tòa và việc xét hỏi những ngày qua cho thấy, ngoài việc hẹn Trịnh Xuân Thanh đến nhà hàng số 1 Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội) để giúp bị cáo Thái Kiều Hương gặp bị cáo Thanh theo lời nhờ của Hương thì Đinh Mạnh Thắng hoàn toàn không có hành vi nào khác.
LS Thiệp cho rằng, việc Đinh Mạnh Thắng nhận 5 tỷ đồng sau khi giúp Thái Kiểu Hương gặp gỡ Trịnh Xuân Thanh (sau cuộc gặp này, diễn ra việc bán cổ phần của PVPLand - PV) có chăng là dấu hiệu của hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (điều 366 Bộ luật Hình sự).
LS Thiệp nói thêm, ông không bị buộc phải đưa ra các căn cứ, cơ sở để buộc tội khách hàng của chính mình. "Quan điểm LS nêu ra không phải để buộc bị cáo Đinh Mạnh Thắng vào tội theo điều 366, tôi chỉ nói lên suy nghĩ của mình về vụ án", LS Thiệp nói.
Chốt lại phần bào chữa, LS Thiệp cho rằng, nếu xử lý hành vi của Đinh Mạnh Thắng theo hướng nêu trên, HĐXX cần phải xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đó là việc bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã trả lại số tiền 5 tỷ đồng trước thời điểm khởi tố vụ 7 năm. Đó là tình tiết đặc biệt cần được HĐXX xem xét. Bên cạnh đó, LS cũng chỉ ra những tình tiết giảm nhẹ khác như thành tích trong quá trình công tác...
Trích phần luận tội của VKS với bị cáo Đinh Mạnh Thắng:Tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra, bị cáo Đinh Mạnh đã thừa nhận có hành vi: Được Thái Kiều Hương nhờ tác động đến Trịnh Xuân Thanh và bị cáo trực tiếp tác động đến Đào Duy Phong là những người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, sau đó bị cáo được nhận từ Thái Kiều Hương 5 tỷ đồng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhận 14 tỷ đồng, nhưng bị cáo khai không biết số tiền 19 tỷ này là tiền chênh lệch giá từ việc Trịnh Xuân Thanh đồng ý cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 thấp hơn giá thực tế là 52 triệu đồng/m2.Nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương, lời khai của Đào Duy Phong khẳng định, Đinh Mạnh Thắng tác động, giới thiệu Thái Kiều Hương đến trao đổi về việc chuyển nhượng dự án và các tài liệu khác có đủ căn cứ, kết luận: Đinh Mạnh Thắng biết được số tiền 19 tỷ đồng Đinh Mạnh Thắng nhận từ bị cáo Thái Kiều Hương là tiền chênh lệch giá từ việc Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong đồng ý cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng dự án với giá thấp hơn thực tế để bị cáo được hưởng lợi.
Theo Danviet
Phiên tòa vụ Trịnh Xuân Thanh: 3 ngày xét xử có nhiều tình tiết lạ Phiên tòa xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong 3 ngày xét xử đã xuất hiện những tình tiết rất hiếm khi xảy ra. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. (Ảnh: TTXVN) Người bị án chung thân xin xét xử vắng mặt Sáng 24.1, ngay ở phần thủ tục phiên tòa, 1/8 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt...