Vụ Trịnh Xuân Thanh: Khởi tố thêm hai đối tượng
C46 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Văn Hồng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC-KB và Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty PVC.
Cơ quan Cảnh sát điều tra điều tra (C46), Bộ Công an vừa có văn bản gửi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để thông tin về việc điều tra mở rộng vụ án Trịnh Xuân Thanh.
Theo đó, C46, Bộ Công an đang khẩn trương tiến hành điều tra mở rộng vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị; Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng Công ty PVC) về tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Tổng Công ty PVC.
Ngày 31/3, C46 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng, gồm Đỗ Văn Hồng, sinh năm 1967, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC-KB; và Nguyễn Mạnh Tiến, sinh năm 1966, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty PVC.
Các bị can trên bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (đồng phạm) quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương tiến hành điều tra triệt để, mở rộng làm rõ bản chất vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Theo T. Minh (chinhphu.vn)
Video đang HOT
Vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy hiện tượng bao che sai phạm?
"Thực tế vụ Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đều vào làm việc trước đó nhưng không phát hiện gì, sau đó mới lộ ra sai phạm. Vậy hoạt động của các cơ quan thanh kiểm tra đó có được coi là bao che không?" - đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại phiên họp toàn thể của UB Pháp luật cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo sáng 9/3.
Ngày làm việc đầu tiên phiên họp toàn thể lần thứ 4, UB Pháp luật cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo.
Tiếp nhận tố cáo qua Facebook, email: Xác định người đi tố đã khó
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, trong cơ quan soạn thảo hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề hình thức tố cáo.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng chỉ nên quy định 2 hình thức là tố cáo bằng đơn thư và tố cáo trực tiếp, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.Loại ý kiến thứ hai cho rằng, ngoài hai hình này, dự thảo luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng fax, email, điện thoại để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.
"Tuy nhiên Chính phủ thống nhất theo loại ý kiến thứ nhất" - Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Đối với những tố cáo nặc danh (không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo), ông Sáu nêu thực tế, những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét giải quyết. Với trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để thông tin nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Do đó dự thảo chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.
Ngược lại, cũng có ý kiến lập luận, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.
Đại diện cho UB Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật, Phó Chủ nhiệm Phạm Trí Thức cho biết, nhiều ý kiến trong thường trực UB đề nghị bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng fax, email, điện thoại để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó giúp kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.
"Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, nhiều nội dung tố cáo qua điện thoại là khá chính xác, trong khi việc bảo vệ người tố cáo chưa có cơ chế hữu hiệu để đảm bảo. Do đó nên quy định trong luật về vấn đề tố cáo nặc danh" - ông Thức nêu quan điểm.
Giải trình thêm vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Kim phân tích về tính phức tạp của vấn đề. Thực tế, thời điểm trước mỗi lần đại hội Đảng là dịp tố cáo nặc danh nở rộ, nhất là các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ mà nếu không cẩn trọng, chặt chẽ sẽ làm phát sinh những "chuyện đau đầu". Ông Kim đề nghị quy định quy trình coi tố cáo nặc danh như thông tin ban đầu.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nói thêm, thực tế, các loại tố cáo chủ yếu là người dân tố cáo cán bộ công chức, cán bộ cấp dưới tố cáo cán bộ cấp trên, ít trường hợp người dân tố cáo nhau.
"Là người từ địa phương đi lên, tôi thấy nhiều cơ quan Trung ương vướng vấn đề này. Nếu có quy định, bộ máy cần có để xử lý những tố giác nặc danh sẽ phình lên rất to. Còn nếu mở rộng hình thức tố cáo, cho phép nhận qua Facebook, email cũng khó xác định cụ thể người tố cáo ở đâu, có tìm được cũng tốn nhiều thời gian" - Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những cái khó.
Ai bảo vệ người tố cáo sai phạm?
Chưa hết băn khoăn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền lật lại vấn đề, luật Phòng chống tham nhũng đã quy định, hình thức tố cáo không chỉ bằng đơn thư hay lời nói mà còn có nhiều hình thức khác. Bộ Luật hình sự cũng nói tin báo tố giác tội phạm có thể bằng lời hoặc văn bản chứ không cần đơn từ, kiến nghị, tố giác có thể gửi qua bưu điện, điện thoại, hay phương tiện thông tin khác và các cơ quan phải tiếp nhận. Theo ông Quyền, luật tố cáo khi xây dựng cũng phải thống nhất với những quan điểm này.
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề, bảo vệ người tố cáo là nội dung quan trọng nhưng dự thảo luật dường như mới chỉ dừng ở mức luật hoá Nghị định hiện hành của Chính phủ. Ông Tùng nghi ngại về tính khả thi của các giải pháp mới đưa ra.
Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cũng phân tích, luật bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước về bảo vệ người tố cáo nhưng quy định lại chung chung kiểu "Thủ trưởng cơ quan cần có biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo". "Biện pháp cần thiết là gì? Một người tố cáo ông Thủ trưởng thì người đó tha không hại chết người tố cáo thì thôi chứ giờ lại yêu cầu người này bảo vệ người tố cáo mình thì quá mơ hồ. Thực tế là hiện người tố cáo có được ai bảo vệ đâu" - ông Cương đề nghị có lực lượng chuyên trách để làm việc này.
Mổ xẻ ở một quy định chi tiết trong dự thảo không có lợi cho người tố cáo như kết luận thanh tra, kiểm tra chỉ được gửi đến người tố cáo nếu họ có yêu cầu, ông Cương phân tích, việc gửi kết luận chính là căn cứ để xác định xem việc giải quyết tố cáo đảm bảo công minh hay có bao che hay không.
"Thực tế vừa qua, vụ Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đều vào làm việc trước đó nhưng không phát hiện gì, sau đó mới lộ ra sai phạm. Vậy hoạt động của các cơ quan thanh kiểm tra đó có được coi là bao che không. Tôi thậm chí nghĩ rằng việc đó có thể coi là đồng phạm" - ông Cương nói.
Từ vụ việc cụ thể này, đại biểu Quốc hội Ninh Thuận cũng đề cập thêm chuyện công nhận hay không tố cáo nặc danh. Ông Cương nói, những thông tin tố cáo ban đầu về vụ Trịnh Xuân Thanh là từ những hiện tượng bất thường về tài chính được phản ánh rồi thông qua kênh báo chí nêu vấn đề ra các cơ quan của Đảng mới vào cuộc kiểm tra và kết luận sai phạm. Vậy thông tin được phản ánh trên báo có phải là nặc danh không, ông Cương đặt câu hỏi?
P.Thảo
Theo Dantri
Xóa "chức" nguyên Bộ trưởng với ông Vũ Huy Hoàng: Cắt giảm nhiều chế độ? Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, sau khi bị xoá chức danh nguyên Bộ trưởng, tiền lương hưu cũng như những chế độ liên quan đến bảo hiểm xã hội đã đóng suốt thời gian công tác trước đó của ông Vũ Huy Hoàng không có gì thay đổi; còn các chế độ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết...