Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Thủ tục nhận lại con ruột như thế nào?
Liên quan đến vụ việc trao nhầm con ở Hà Nội, PV Báo Lao Động có cuộc trao đổi với bà Hồ Xuân Hương, Phó giám đốc Sở tư pháp Hà Nội về các thủ tục nhận lại ruột nếu cả hai gia đình đều có sự đồng thuận.
Bé H cùng bố mẹ nuôi dưỡng mình 6 năm nay là vợ chồng anh Sơn – Ảnh: Báo Gia đình và Xã hội.
Sau khi 2 gia đình phát hiện đã nhận nhầm con cách đây 6 năm, để họ có thể thực hiện thủ tục nhận lại con ruột của mình thì phải qua các trình tự nào, thưa bà?
- Trên căn cứ xét nghiệm AND, xác định đúng sự việc trao nhầm con diễn ra, 2 gia đình có thể thỏa thuận trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương là có thể nhận lại con ruột của mình.
Tuy vậy, đó là về mặt thực tế, về các thủ tục pháp lý thì phức tạp hơn nhiều.
Vậy các thủ tục về mặt giấy tờ, pháp lý sẽ được thay đổi như thế nào?
- Thủ tục về mặt pháp lý của 2 cháu thuộc thẩm quyền của khối UBND. Đầu tiên, phải hủy giấy khai sinh cũ để làm lại giấy khai sinh mới cho các cháu tại UBND xã sở tại. Để làm lại giấy khai sinh cho 2 cháu thì phải có giấy chứng sinh thời điểm 2 cháu được sinh ra. Nếu không thể tìm lại giấy chứng sinh, các thủ tục để làm lại giấy khai sinh mới sẽ phức tạp hơn.
Video đang HOT
Thứ hai, phải làm thủ tục đổi họ, tên cho 2 cháu, việc này sẽ được thực hiện tại UBND huyện Ba Vì. Nếu cả 2 gia đình đạt sự đồng thuận về mặt hoán đổi thì phía UBND xã sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho quá trình chuyển đổi các giấy tờ pháp lý.
Tuy vậy, theo thông tin tôi nắm được, thời điểm này, một bên vẫn chưa đồng ý hoán đổi con, một bên thì đề nghị phía Bệnh viện Ba Vì bồi thường nên quá trình 2 gia đình đón con ruột về vẫn chưa thể diễn ra.
Như trước đó Báo Lao Động thông tin về vụ việc trao nhầm con giữa gia đình anh Phùng Giang Sơn (Tây Đằng, Ba Vì) và gia đình chị Vũ Thị H., người cùng huyện.
Theo đó, cách đây 6 năm, khi cùng sinh con tại bệnh viện huyện Ba Vì, kíp trực của bệnh viện đã xảy ra sai sót khiến việc trao nhận con giữa 2 gia đình bị nhầm lẫn. Sau khi phát hiện ra sự việc bằng việc xét nghiệm AND, anh Phùng Giang Sơn đã có đơn kiến nghị đến Bộ Y tế và mong chờ từng ngày đón con ruột về.
Đại diện bệnh viện Ba Vì cho biết, sau khi xác định sự việc, bệnh viện đã tiến hành họp và xác định trách nhiệm thuộc về 2 nữ hộ sinh trong ca trực ngày hôm đó (1.11.2012). Hiện tại, hai nữ hộ sinh liên quan đến việc trao nhầm con đã bị tạm dừng công tác chuyên môn là đỡ đẻ và tắm cho bé.
Vị đại diện cũng cho biết thêm, khó khăn hiện nay chính là chị Vũ Thị H ( xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) – người nhận nhầm con của anh Sơn chưa chuẩn bị về tâm lý. Hiện nay, chị H vẫn đang rất sốc, chưa chấp nhận sự thật là sẽ phải xa con trai đã nuôi nấng từ sơ sinh.
HÀ PHƯƠNG – VÂN TRƯỜNG
Theo Laodong
Cú sốc sau 6 năm nuôi con: Bệnh viện Ba Vì trao nhầm trẻ sơ sinh!
Anh Phùng Giang Sơn (Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) đang vô cùng sốc khi phát hiện bị bệnh viện trao nhầm con sơ sinh cách đây 6 năm. Hiện, dù bệnh viện đã thừa nhận và tìm được con cho anh nhưng bé vẫn chưa được về với gia đình.
Bộ Y tế vừa nhận được đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn, cư trú tại thôn Vân Trai, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì (Hà Nội) phản ánh về trường hợp vợ anh sinh con tại bệnh viện huyện Ba Vì cách đây 6 năm và đã bị trao nhầm con...
Theo lời kể của anh Sơn, cách đây 6 năm, vào lúc 7 giờ 10 phút ngày 1/11/2012, vợ anh Sơn là chị Phùng Thị Thu Hiền sinh con tại khoa Sản, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Khi được giao con, vợ chồng anh thấy nhầm tã lót của con và mang nghi ngờ này đi hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ. Tuy nhiên, bác sĩ đỡ đẻ khẳng định "bị nhầm tã lót chứ không nhầm cháu".
Tin lời bác sĩ, từ đó tới nay, gia đình anh vẫn nuôi dưỡng cháu Phùng Thanh Hải. Tuy nhiên, khi con càng lớn càng có nhiều điểm, nét không giống với vợ chồng anh. Cùng với sự nghi ngờ ban đầu, gia đình anh Sơn đã đưa con đi xét nghiệm tại Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an.
"Kết quả, cháu Hải không cùng huyết thống, không phải là con của vợ, chồng tôi", anh Sơn nói và cho biết, gia đình anh chị hiện đang rất sốc và cảm thấy bị tổn thương quá nhiều vì sự sai sót của bệnh viện đã gây ra, làm cuộc sống của gia đình bị xáo trộn, luôn trong tình cảnh lo lắng, suy nghĩ đến mất ăn mất ngủ trong nhiều ngày qua.
Khi biết kết quả xét nghiệm, gia đình anh Sơn đã phản ánh tới bệnh viện và thời gian đầu lãnh đạo bệnh viện đã thừa nhận có sai sót trong chuyên môn, thống nhất cùng gia đình phối hợp giải quyết trong thời gian ngắn nhất. Qua thời gian tìm hiểu, truy xuất lại hồ sơ, Bệnh viện đã xác định gia đình chị Vũ Thị Hương (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) là người có khả năng cao bị trao nhầm con.
Bệnh viện đã gặp gỡ hai gia đình vào ngày 14/4/2018 và thống nhất hai gia đình cùng hai cháu đi xét nghiệm AND tại Viện Khoa học Hình sự (Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an). Kết quả cho thấy, đúng là có sự sai sót trao nhầm con giữa hai gia đình.
Trước đó, ngày 27/3 trong biên bản làm việc với gia đình, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ba Vì thay mặt bệnh viện nhận toàn bộ trách nhiệm để xảy ra sự việc. Đồng thời cam kết trong thời hạn hai tuần sẽ bằng mọi cách tìm và làm các thủ tục trao trả lại con cho hai gia đình. Bệnh viện thống nhất giải quyết nội bộ, không để sự việc xảy ra gây ảnh hưởng đến bệnh viện và mối quan hệ của hai gia đình.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, anh Sơn cho biết, sự việc không được giải quyết cụ thể mà luôn nhận được lời hứa "suông" từ phía bệnh viện sẽ sớm giải quyết.
Lời cam kết hoàn thành việc tìm và trao con lại cho gia đình anh Sơn sau 2 tuần (kể từ ngày 27/3) nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện
"Phía bệnh viện đang có hành xử không như cam kết. Gia đình đã nhiều lần liên lạc với người được Giám đốc bệnh viện Ba Vì ủy quyền xử lý thì người này không nghe máy hoặc khi nghe thì trả lời không có chút tình người và trách nhiệm". Đã hơn 3 tháng nay nhưng các cháu của hai gia đình vẫn chưa thể đoàn tụ" anh Sơn bức xúc cho biết.
Trong đơn gửi tới Bộ Y tế, anh Sơn viết: "với vai trò của một người cha, người mẹ, một người công dân, tôi viết đơn này kính đề nghị quý Bộ khẩn trương giải quyết sự việc để hai cháu được đoàn tụ với bố, mẹ, ông, bà, chú và bác ruột của các cháu. Chỉ còn hơn một tháng nữa các cháu vào lớp 1. Sự việc càng kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến cả hai bên gia đình, vừa ảnh hưởng đến tâm sinh lý và cả cuộc đời của các cháu sau này", anh Sơn nói.
Gia đình anh Sơn cũng yêu cầu Bệnh viện Ba Vì bồi thường tổn hại về tinh thần và vật chất theo yêu cầu và sớm có hình thức xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm cũng như trao nhầm con của bệnh viện và xử lý trách nhiệm của tổ chức, bộ phận, cá nhân liên quan trong việc này.
Liên quan đến vụ việc, sáng nay 11/7, Bộ Y tế cho biết đã tiếp nhận đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) về việc Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm trẻ sơ sinh giữa hai gia đình anh Sơn và chị Hương. Ngay sau khi tiếp nhận đơn, Bộ Y tế đã chuyển đơn đến Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của kíp trực tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện Ba Vì và các đơn vị liên quan phải giải quyết dứt điểm vụ việc, các sự cố y khoa liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tránh để tình trạng khiếu kiện kéo dài.
"Sở Y tế Hà Nội phải chỉ đạo các cơ sở có đỡ đẻ thực hiện nghiêm túc việc thăm khám, theo dõi và xử trí trong và ngay sau đẻ, cũng như xây dựng quy định bàn giao trẻ sơ sinh về với mẹ/gia đình" công văn của Bộ Y tế do Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Nguyễn Đức Vinh ký nhấn mạnh.
Theo_VnMedia
Bệnh viện trao nhầm con: Con không giống bố nên vợ chồng ly hôn Thấy đứa con trai đầu lòng càng lớn càng không có nét giống bố, giống mẹ, hai vợ chồng chị Hương đã ly hôn, hạnh phúc của một gia đình tan vỡ. Vợ chồng bỏ nhau vì con không giống bố, mẹ Liên quan đến sự việc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm trẻ sơ sinh cách đây...