Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Thủ tục đổi họ cho 2 bé có phức tạp?
Liên quan đến vụ trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội), luật sư cho rằng, nếu 2 gia đình đạt sự đồng thuận hoán đổi thì chính quyền sẽ hướng dẫn cụ thể và việc đổi họ cho các cháu rất dễ dàng, đơn giản.
Hai cháu bé được gần gũi nhau.
Những ngày gần đây, vụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) đang thu hút được sự chú ý của dư luận. Một điều mà nhiều người còn thắc mắc là hiện nay sau khi hai gia đình đồng ý hoán đổi hai cháu thì việc sang tên họ cho hai cháu có khó khăn hay vướng mắc gì không? Trước câu hỏi này, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội).
Theo luật sư Nguyễn Huy An, trong trường hợp này, khi hai gia đình đã đủ điều kiện để nhận lại con đẻ của mình thì thủ tục sang tên họ cho con rất đơn giản.
Theo đó, trong trường hợp này, bố mẹ 2 cháu bé đến UBND cấp xã hoặc cấp huyện nộp tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu và giấy xác nhận quan hệ huyết thống để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Khi có xác nhận, phụ huynh phải hủy giấy khai sinh cũ để làm lại giấy khai sinh mới cho các cháu tại UBND xã sở tại. Để làm lại giấy khai sinh cho 2 cháu bé, cần có giấy chứng sinh thời điểm các cháu sinh ra.
Trường hợp không tìm được giấy chứng sinh, các thủ tục để làm lại giấy khai sinh mới sẽ phức tạp hơn. Luật sư An cho rằng, trường hợp này rất ít khi xảy ra.
Khi được hỏi về việc chị Hương đã ly hôn thì có ảnh hưởng gì đến việc đổi họ cho cháu không? Luật sư An cho rằng, nếu giải quyết theo trình tự pháp luật, có thể căn cứ Điều 352 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để tiến hành các thủ tục yêu cầu TAND Cấp cao tại Hà Nội tái thẩm vụ án, do có tình tiết mới đó là bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn.
Video đang HOT
Ngoài ra, khi đăng ký lại khai sinh, con đẻ của chị Hương dựa trên giấy tờ chứng cứ huyết thống. Vì vậy, chị Hương có thể làm giấy khai sinh cho con mà không cần chồng cũ có mặt do giấy tờ chứng minh cha, con đã được chứng thực.
Trước đó, trao đổi với Lao Động, bà Hồ Xuân Hương, Phó giám đốc Sở tư pháp Hà Nội cho hay, trên căn cứ xét nghiệm AND, xác định đúng sự việc trao nhầm con diễn ra, 2 gia đình có thể thỏa thuận trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương là có thể nhận lại con ruột của mình. Tuy vậy, đó là về mặt thực tế, về các thủ tục pháp lý thì phức tạp hơn nhiều.
Theo bà Hương, thủ tục về mặt pháp lý của 2 cháu thuộc thẩm quyền của khối UBND. Đầu tiên, phải hủy giấy khai sinh cũ để làm lại giấy khai sinh mới cho các cháu tại UBND xã sở tại. Thứ hai, phải làm thủ tục đổi họ, tên cho 2 cháu, việc này sẽ được thực hiện tại UBND huyện Ba Vì. Nếu cả 2 gia đình đạt sự đồng thuận về mặt hoán đổi thì phía UBND xã sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho quá trình chuyển đổi các giấy tờ pháp lý.
QUỐC SANG
Theo Laodong
Vụ nhầm con 6 năm ở Hà Nội: Giấc mơ kỳ lạ và sự ngẫu nhiên bất ngờ
Ông Phùng Văn Phượng, ông nội cháu bé trong vụ trao nhầm con, khi lướt Facebook vô tình thấy tấm ảnh một đứa trẻ mặc bộ quần áo mùa đông, đeo chụp tai. Ông chột dạ vì thấy đứa trẻ quá giống con trai mình.
Ông Phùng Văn Phượng ông nội một cháu bé trong vụ trao nhầm con.
"Bé M ôm chầm khi gặp tôi"
Gần đây, dư luận rất quan tâm tới vụ anh Phùng Giang Sơn (sinh năm 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) tố Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho gia đình sau khi sinh và bệnh viện này cũng đã thừa nhận sự cố.
Về phía gia đình, sáng nay (15.7), chị Vũ Thị Hương (người mẹ có con bị trao nhầm với gia đình anh Sơn) đã đưa cháu Đ.N.M về quê. Hai bên gia đình đã tổ chức bữa ăn thân mật để hai con gặp nhau.
Khi phóng viên ngỏ lời muốn ghi lại hình ảnh về buổi đoàn tụ, anh Phùng Giang Sơn từ chối và nói rằng: "Chúng tôi cần có không gian riêng tư, có nhiều người các con sẽ hoảng sợ".
Anh Phùng Giang Sơn, chị Phùng Thị Thu Hiền cùng người con anh chị đã nuôi 6 năm qua. Ảnh. HT
Chia sẻ với Lao Động, ông Phùng Văn Phượng (ở thôn Vân Trai, xã Tây Đằng, Ba Vì), ông nội của cháu P.T.H (con anh Sơn, chị Hiền đang nuôi) cho biết, khi biết chuyện, 2 bên gia đình đã gặp nhau khoảng 10 lần, giúp các con ổn định tâm lý.
"Hôm đầu tiên gặp bên nhà chị Hương, cả gia đình tôi lên, cũng mua cho cháu M ít đồ chơi. Lên đến nơi, cháu H chạy lên ôm chầm lấy em trai nó (bé Khánh - con thứ 2 của chị Hương - PV), còn bé M chạy từ trong buồng ra ôm chầm lấy tôi. Khoảng khắc lúc đó rất xúc động, ai cũng sụt sùi", ông Phượng kể.
Gỡ nút thắt trong câu chuyện trao nhầm con
Cũng theo ông Phượng, ngày 27 tháng Giêng âm lịch, ông có một giấc mơ kỳ lạ liên quan đến chuyện gia đình. Sáng hôm sau, tỉnh giấc, ông vẫn băn khoăn về giấc mơ đó.
Sau đó, trong lúc lướt Facebook, ông vô tình thấy tấm ảnh một đứa trẻ mặc bộ quần áo mùa đông, đeo chụp tai. Ông chột dạ vì thấy đứa trẻ quá giống con trai mình (anh Sơn).
Ngay lúc đó, ông kể lại chuyện cho anh Sơn và khuyên hai vợ chồng đi xét nghiệm DNA. Trước lời khuyên của bố, anh Sơn bán tín bán nghi, và phải đến 1 tuần sau, anh Sơn mới đi xét nghiệm và vô cùng sốc khi kết quả cho thấy đứa con anh nuôi 6 năm nay không phải con ruột của mình.
Ông Phùng Văn Phượng (ông nội cháu H bị trao nhầm sang gia đình khác).
Không tin vào sự thật, hai vợ chồng anh Sơn phải xét nghiệm DNA đến lần thứ 3 rồi mới quyết định đi tìm con ruột.
Theo lời kể của ông Phùng Văn Phượng, thời điểm con dâu ông sinh, cũng có một ca sinh cách đó 10 phút cùng nằm trong phòng sinh của Bệnh viện đa khoa Ba Vì. Qua tìm hiểu, cả gia đình đã đến gặp chị Vũ Thị Hương.
"Ngay trong lần đầu gặp gỡ, tôi biết chắc cháu M (con chị Hương đang nuôi) là cháu nội của mình", ông Phượng chia sẻ.
Trao đổi với Lao Động, chị Vũ Thị Hương cho biết, sở dĩ đến thời điểm này, hai bên gia đình chưa đổi lại con ruột của mình bởi chị muốn cháu M tiếp xúc dần với gia đình anh Sơn và ngược lại.
"Thời gian đầu, tôi và con vẫn đi lại bình thường rồi sẽ tách dần để con hòa nhập với gia đình anh Sơn", chị Hương nói. Đồng thời, chị cho biết: "Giao con vào lúc này, tôi sợ cả hai cháu không chấp nhận gia đình mới. Có lần M từng nói: "Con không đi đâu cả, con ở mãi với mẹ, nếu ép, con sẽ bỏ đi".
CƯỜNG NGÔ - PHẠM DUNG
Theo Laodong
Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo xử lý vụ trao nhầm con ở Ba Vì Chủ tịch Hà Nội giao giám đốc Sở Y tế kiểm tra thông tin, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm trong vụ việc trao nhầm con suốt 6 năm tại Ba Vì. Ngày 13-7, liên quan đến vụ việc trao nhầm con suốt 6 năm gây xôn xao dư luận nhiều...