Vụ trao nhầm con 6 năm ở Ba Vì: Rớt nước mắt vì lời con trẻ
Ông Phùng Văn Phượng chia sẻ, nhiều hôm cứ khoảng 20h tối, cậu bé H cứ chạy sang ôm ông nội khóc và nói: “Ông ơi, ông đừng bỏ con”.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, ông Phùng Văn Phượng (ở thôn Vân Trai, xã Tây Đằng, Ba Vì), ông nội của cháu Phùng Thanh H (một trong 2 cháu bé bị trao nhầm 6 năm trước ở Ba Vì, Hà Nội) nghẹn ngào kể: “Chúng tôi có đồng nào cũng tích cóp vun vén cho các con để đi tìm cháu, bây giờ chúng tôi già, cũng cạn kiệt hết rồi”.
Từ khi biết tin cháu H không phải là cháu ruột của mình, ông Phượng cứ thẩn thơ đi ra, đi vào. Ở tuổi của ông đáng ra được vui vẻ, an hưởng tuổi già, quây quần bên con cháu thì giờ cứ ngày đêm day dứt, đau đáu lo cho con, cho cháu.
Những ngày đầu biết tin, chị Hiền ngất lên ngất xuống vì thương con.
Nhiều hôm ông Phượng cứ lang thang, la cà quán nọ quán kia, ăn cái bánh mì cho qua bữa để đi dò hỏi tin tức cháu ruột của mình giờ ở đâu.
“Thằng cu H lên 6 tuổi rồi, cháu cũng biết chuyện, người ngoài cứ điều qua tiếng lại nên nhiều hôm cứ khoảng 20h tối, nó chạy sang ôm ông nội khóc và nói: “Ông ơi, ông đừng bỏ con”, thương lắm. Kinh tế trong gia đình cũng không còn để dồn vào cho các con đi tìm cháu”, ông Phượng nói.
Ông Phượng cũng chia sẻ, từ khi biết chuyện, 2 bên gia đình cũng gặp nhau khoảng 10 lần, cho bọn trẻ gặp nhau, ổn định tâm lý và tư tưởng cho các cháu. “Hôm đầu tiên gặp bên nhà chị Hương, cả gia đình tôi lên, cũng mua cho cháu M ít đồ chơi, đưa cho cháu H cầm lên. Lên đến nơi, thằng cu H ôm chầm lấy em nó và đưa đồ chơi cho em nó chơi, còn thằng cu M tự nhiên ở trong buồng chạy ra ôm chầm lấy ông nội, ông ngoại, bố Sơn, mẹ Hiền. Thế là cứ 10 người khóc cả 10″ – ông Phượng nói.
Chạy vạy, vay mượn khắp nơi để đi tìm con
Sau khi sinh con được khoảng 1 năm, vợ chồng anh Phùng Giang Sơn vay ngân hàng để mở quán cơm sinh viên ở Mỹ Đình (Hà Nội). Từ khi phát hiện ra cháu Phùng Thanh H không phải là con của mình, vợ chồng anh Sơn phải bỏ mọi việc để lo tìm con.
Anh Sơn cho biết, vợ chồng anh phải bỏ mọi việc để lo đi tìm con.
“Mình phải hủy tất cả công việc, dừng hết lại, vợ đang đi làm cũng phải nghỉ ở nhà để lo đi tìm con, ổn định tinh thần cho các con. Kinh tế trong gia đình phụ thuộc hết vào mình. Giờ ở nhà, nợ nần, vay mượn vẫn phải lo trả hàng tháng. Bây giờ kinh tế gia đình thật sự là cạn kiệt quá rồi” – anh Phùng Giang Sơn chia sẻ.
Anh Sơn cũng cho biết, khi biết tin cháu Phùng Thanh H không cùng huyết thống với vợ chồng anh, chị Phùng Thị Hiền bị sốc một thời gian dài, sút cân dẫn đến kiệt sức.
“Mấy ngày đầu khi biết tin, vợ tôi sức khỏe yếu, ngất lên ngất xuống. Lo nghĩ con mình đẻ ra mà không được nuôi ngày nào, không được chăm sóc, vợ tôi khóc lóc, dằn vặt” – anh Sơn nói.
Theo Thy Hạt (VOV)
Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Mong từng giờ được nhận lại con ruột
Sắp vào năm học mới, gia đình anh Sơn mong muốn sớm giải quyết xong sự việc để thay đổi thủ tục pháp lý cho con, không ảnh hưởng tương lai sau này.
Hai cháu sinh cách nhau chỉ vài phút
Liên quan đến sự việc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm trẻ sơ sinh xảy ra cách đây 6 năm, ngày 11.7, chúng tôi tìm về thôn Vân Trai (Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) để tìm gặp gia đình.
Tại nhà anh Phùng Giang Sơn (SN 1990), một bé trai khoảng 6 tuổi đang được mẹ chăm sóc từng miếng cơm. Khi gặp chúng tôi, cháu bé lễ phép chào hỏi mọi người.
Sau đó, anh Sơn nhỏ nhẹ bảo vợ đưa con trai vào trong nhà. Anh không muốn con nghe được những câu chuyện trong quá khứ vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý.
Bệnh viện Đa khoa Ba Vì nơi xảy ra sự việc trao nhầm con cách đây 6 năm.
6 năm trước, vào khoảng 7h10 phút ngày 1.11.2012, vợ anh Sơn là chị Phùng Thị Thu Hiền hạ sinh một bé trai tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Sau sinh, chị Hiền được một nữ hộ sinh gọi tên và trao con. Khi đó, thấy tã lót lạ cuốn trên người con, gia đình anh Sơn có thắc mắc nhưng nhân viên y tế khẳng định tã lót đó đúng là của gia đình.
Khi rời viện về nhà, hai vợ chồng anh Sơn đặt tên con là Phùng Thanh H. Kể từ đó đến nay, gia đình yêu thương, chăm sóc cháu H. bằng tất cả những gì mình có.
Con trai anh Sơn càng lớn, anh càng nhận thấy có những điểm không giống bố, cũng chẳng giống mẹ hoặc những người thân hại bên nội ngoại.
Cho đến đầu năm 2018, một người quen của anh Sơn khi đi đến thôn Phú Mỹ A (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) có việc, nhìn thấy một đứa trẻ rất giống với anh Sơn. Sau đó, người quen này có đem câu chuyện kể lại cho anh Sơn nghe, từ đó anh Sơn bắt đầu nghi ngờ và quyết định đi thử ADN.
Kết quả xét nghiệm khiến cả gia đình anh Sơn đều sốc khi đứa con anh hết mực yêu thương từ trước đến nay không cùng huyết thống với mình.
Ngay sau đó, gia đình anh Sơn đã đến thôn Phú Mỹ gặp chị Vũ Thị Hương (SN 1983, mẹ cháu Đoàn Nhật M.). Qua nói chuyện thì được biết chị Hương cũng sinh cùng ngày với vợ anh Sơn, chỉ trước đó có vài phút.
Nghi ngờ hai đứa trẻ sinh ngày 1.11.2012 bị trao nhầm, anh Sơn đã lấy mẫu tóc đi xét nghiệm, kết quả cho thấy 99,9% cháu bé mà chị Hương đang chăm sóc có cùng huyết thống với vợ chồng anh Sơn.
Khi có kết quả xét nghiệm, cả hai gia đình đã đến Bệnh viện Đa khoa Ba Vì để làm rõ mọi chuyện. Qua rà soát sự việc và kết quả xét nghiệm, phía bệnh viện thừa nhận, ngày 1.11.2012 nữ hộ sinh của bệnh viện đã trao nhầm con.
Kết quả giám định ADN việc trao nhầm con là đúng sự thật.
Mong từng ngày được gặp con
Tưởng rằng sau khi mọi chuyện sáng tỏ, những người làm cha làm mẹ sẽ nhận lại được đứa con ruột của mình, nhưng gần 6 tháng trôi qua, vì một số lý do anh Sơn vẫn chưa trao nhận con trai ruột của mình.
"Gia đình tôi từng ngày, từng giờ mong nhận được con về với gia đình để chăm sóc, bù đắp cho con. Nhưng đến giờ không hiểu lý do gì, phía chị Hương vẫn chưa đồng ý.
Quan điểm của tôi, con nào cũng là con. 6 năm rồi tôi nuôi con ruột của chị Hương, vợ chồng tôi có tình cảm với cháu và sẵn sàng nhận cháu làm con nuôi. Nếu được, tôi vẫn nuôi và chu cấp cho cháu như con đẻ của mình, chứ không hề phận biệt đối xử", anh Sơn cho biết.
Theo anh Sơn, chỉ còn vài tháng nữa là hai cháu bắt đầu vào lớp 1, khi đó sẽ phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ thủ tục cho các con. Bởi vậy, anh mong muốn sớm giải quyết được vấn đề này, để pháp luật công nhận, sau đó thay đổi khai sinh cho các cháu, khỏi ảnh hưởng tương lai về sau này.
Được biết, sau nhiều thời gian chờ đợi không giải quyết được vấn đề, anh Sơn đã có đơn gửi Tòa án nhân dân huyện Ba Vì, gửi đơn thư lên Bộ Y tế đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
"Tôi hy vọng nay mai sẽ ngồi lại với chị Hương, với bệnh viện để 3 bên đi đến thống nhất cách giải quyết vấn đề này", anh Sơn bày tỏ.
Theo Lê Phương (Khám Phá)
Vụ nhầm con 6 năm ở Hà Nội: Người mẹ lên tiếng "tôi đổ bệnh vì thương con" "Tôi đổ bệnh vì thương con. Tôi khuyên con nên về với gia đình anh Sơn, chị Hiền vì đó mới là bố mẹ ruột của con. Tôi làm tất cả để tâm lý con ổn định", chị Vũ Thị Hương cho biết. Chị Vũ Thị Hương chia sẻ với chúng tôi về những thông tin xung quanh việc Bệnh viện Đa khoa...