Vụ tranh cãi “gián điệp” giữa Thái Lan – Campuchia
Vụ việc một lần nữa đẩy hai nước láng giềng khu vực Đông Nam Á vào những mâu thuẫn mới, khiến quan hệ hai nước vốn đã căng thẳng, nay lại căng thẳng hơn.
Sau những căng thẳng chết người trong vụ tranh chấp khu vực biên giới quanh ngôi đền cổ Preah Vihear, sóng gió lại vừa nổi lên trong quan hệ Thái Lan – Campuchia, khi Bangkok tuyên bố vừa bắt giữ một nhóm gián điệp Campuchia. Vụ việc một lần nữa đẩy hai nước láng giềng khu vực Đông Nam Á vào những mâu thuẫn mới, khiến quan hệ hai nước vốn đã căng thẳng, nay lại căng thẳng hơn.
Báo Bangkok Post dẫn lời Trưởng Cảnh sát huyện Kantharalak thuộc tỉnh Si Sa Ket giáp biên giới với Campuchia, ông Sompoj Khomprang cho biết, công dân Thái Suchart Muhammad 32 tuổi cùng với Ung Kimtai 43 tuổi từ Campuchia và Wiang Tengyang 37 tuổi đã bị cảnh sát và an ninh quân đội Thái Lan bắt giữ lúc 17g ngày 9-6. Vụ bắt giữ diễn ra tại làng Ban Phum Srol thuộc huyện Kantharalak khi ba người này đi trên một xe ô tô mang biển kiểm soát Bangkok chạy quanh các căn cứ quân sự và các hầm trú ẩn cỡ lớn mà chính phủ xây dựng cho dân chúng tại đây và dùng bút định vị các địa điểm trên bản đồ.
Chưa giải quyết xong tranh chấp biên giới, Thái Lan lại vướng vào vụ tranh cãi gián điệp
Qua khám xét, Cảnh sát thu giữ nhiều bản đồ khác nhau được Thái Lan và Campuchia dùng để xác định đường biên giới cùng 4 điện thoại di động. Ông Sompoj cho biết, trước đó lực lượng đặc nhiệm Suranaree đã nhận được tin tình báo về việc nhóm này xâm nhập Thái Lan để xác định các vị trí đóng quân của binh sỹ Thái Lan sát biên giới với Campuchia. Ba người trên hiện bị giam giữ với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Trong tuyên bố ngày 10-6, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nêu rõ, vụ nhóm gián điệp Campuchia bị bắt giữ tại Thái Lan là bằng chứng cho thấy Campuchia thực ra mới là bên xâm hại an ninh quốc gia của Thái Lan, mặc dù Phnom Penh luôn tố cáo Thái Lan xâm phạm chủ quyền của mình.
Video đang HOT
Mạng tin của cơ quan chính phủ Thái Lan (NNT) dẫn lời ông Abhisit cho biết, Chính phủ Thái Lan sẽ gửi công hàm phản đối các hành động của phía Campuchia xâm phạm an ninh quốc gia của Thái Lan, đồng thời sẽ thông báo vụ việc này lên các cơ quan đang xem xét tranh cãi chủ quyền giữa hai nước là Ủy ban Di sản thế giới (WHC) và Tòa án công lý quốc tế (ICJ).
Ông Abhisit cũng khẳng định, Thái Lan sẽ không cho phép dẫn độ các gián điệp Campuchia vừa bị an ninh Thái Lan bắt giữ mà sẽ xét xử các đối tượng này theo luật pháp Thái Lan, vì các tài liệu và bản đồ thu giữ khi khám xét các đối tượng bị bắt cho thấy họ đã nắm được nhiều thông tin về các vị trí bố phòng chiến lược của Thái Lan.
Phản ứng trước cáo buộc của Thái Lan, ngay ngày 10-6, Chính phủ Campuchia tuyên bố Thái Lan đã “bịa đặt hoàn toàn” trong vụ việc này. Bộ Ngoại giao Campuchia nêu rõ: “Chính phủ Hoàng gia Campuchia khẳng định, cáo buộc dối trá này chỉ là một cái cớ nhằm biện minh cho sự gây hấn trong tương lai nhằm vào Campuchia”.
Giới quan sát cho rằng, vụ việc này sẽ làm nóng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước. Trước đó, ngày 5-6, Campuchia đã gửi công hàm phản đối Thái Lan nhiều lần cho máy bay vi phạm không phận tỉnh Battambang và tỉnh Poi Pet, đồng thời bày tỏ lo ngại Thái Lan đang chuẩn bị một kế hoạch quân sự mới chống Campuchia. Bộ Quốc phòng Campuchia ra tuyên bố khẳng định chủ trương giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, song cảnh báo sẵn sàng giáng trả các vi phạm của Thái Lan. Đáp lại, phía Thái Lan ngày 7-6 bác bỏ các cáo buộc và cho rằng Campuchia đang sử dụng chiến thuật gây căng thẳng để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Theo đó Campuchia đang dựng lên các cáo buộc và có thể còn chủ động khiêu khích gây xung đột.
Theo giới phân tích, việc Thái Lan và Camppuchia tăng cường cáo buộc lẫn nhau những ngày gần đây – giữa lúc căng thẳng biên giới vẫn chưa lắng dịu kể từ sau cuộc xung đột gây đổ máu hồi tháng 4 vừa qua, đang làm tăng nguy cơ tái diễn xung đột quân sự trên biên giới hai nước.
Theo Pháp Luật XH
Thái, Campuchia sắp đàm phán ở Pháp
Thái Lan và Campuchia sắp có những cuộc tiếp xúc để đàm phán về tranh chấp quanh ngôi đền cổ Preah Vihear, tại trụ sở UNESCO ở Paris, trong bối cảnh hai bên vẫn còn nhiều bất đồng.
Phái đoàn Campuchia do Phó thủ tướng Sok An dẫn đầu tối qua rời Phnom Penh tới Paris, Xinhua đưa tin. Trong khi đó, dẫn đầu phái đoàn Thái Lan là ông Suwit Khunkitti, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường. Đại diện hai nước tới Pháp theo lời mời của Koichiro Matsuura, phái viên đặc biệt của Mỹ tại Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong hai ngày 25 và 26/5, để hai nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á có thể thương lượng về đề xuất kế hoạch quản lý độc lập đối với ngôi đền Preah Vihear mà Campuchia đưa ra. Trước đó, Thái Lan đã phản đối đề xuất này.
Cuộc gặp giữa Thái Lan và Campuchia được tổ chức ngay trước khi hội nghị thường niên lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) diễn ra tại Paris vào ngày 19/6, với chương trình nghị sự gồm có cả đề xuất về kế hoạch quản lý đền Preah Vihear gây tranh cãi của Campuchia.
Binh sĩ Campuchia đứng trước đền Preah Vihear. Ảnh: AP
Trong tuyên bố được đưa ra tại sân bay quốc tế Phnom Penh trước khi lên đường, ông Sok An, người đồng thời là chủ tịch Ủy ban UNESCO quốc gia Campuchia, cho biết ông sẽ tập trung thảo luận với ông Suwit về Preah Vihear và kế hoạch quản lý ngôi đền này.
"Đề xuất của Campuchia bao gồm kế hoạch quản lý đền Preah Vihear được trình lên WHC không gây ảnh hưởng tới Thái Lan, vì kế hoạch này được tiến hành trên lãnh thổ Campuchia", ông Sok An nói.
Phó thủ tướng Campuchia cũng cho biết ông sẽ mô tả cho UNESCO về những thiệt hại của Preah Vihear sau khi quân đội Thái Lan bắn 414 loạt đạn pháo vào ngôi đền này, trong cuộc giao tranh từ ngày 4 tới 7/2 năm nay. "Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị UNESCO gửi các chuyên gia của tổ chức này tới đánh giá thiệt hại, nhằm cân nhắc một kế hoạch tôn tạo", phó Thủ tướng Sok An tuyên bố.
Campuchia cũng phủ nhận thông tin từ phía Thái Lan cho rằng gần đây mới nhận được đề xuất về kế hoạch quản lý đền Preah Vihear. Campuchia khẳng định đã gửi đề xuất này cho cả WHC lẫn Thái Lan vào tháng 7 và tháng 8/2010.
Tuy nhiên, Bangkok Post hôm 20/5 đưa tin Bộ trưởng Suwit tuyên bố rằng Thái Lan duy trì quan điểm giải quyết tranh chấp bằng cách trước hết xác định rõ đường biên giới giữa hai nước, trước khi một kế hoạch quản lý ngôi đền Preah Vihear được đề xuất với WHC. Ông Suwit đồng thời khẳng định các khu vực quanh ngôi đền cổ này vẫn thuộc lãnh thổ Thái Lan.
Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Thái Lan cũng cho rằng cuộc gặp giữa phái đoàn hai nước được UNESCO tổ chức, nhưng quyết định cuối cùng về việc xem xét kế hoạch do phía Campuchia đưa ra lại thuộc về 21 thành viên trong đại hội đồng của WHC.
Đền Preah Vihear thuộc về Campuchia theo phán quyết của Tòa án Quốc tế từ năm 1962 và được công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2008. Tuy nhiên, Thái Lan tuyên bố chủ quyền tại khu vực rộng 4,6 km2 quanh ngôi đền. Giao tranh biên giới giữa hai nước vì tranh chấp ở khu vực này xảy ra liên miên trong những năm qua, khiến nhiều binh sĩ và dân thường của cả hai bên thiệt mạng.
Theo VNExpress