Vụ tòa từ chối bồi thường oan sai: ‘Không bị tòa khởi tố, tôi mừng nhưng vẫn lo!’
Sau hai lần trả hồ sơ đề nghị VKSND huyện Châu Thành (Long An) phải thu hồi quyết định đình chỉ điều tra đối với anh Đặng Ngọc Thanh, hôm nay (31-8) TAND huyện Châu Thành đã tuyên án vụ chìm sà lan.
Điều đặc biệt của vụ án là TAND huyện Châu Thành đã không ra quyết định khởi tố đối với anh Đặng Ngọc Thanh. Bên cạnh đó, tòa còn tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Sang (tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy) và bị cáo Võ Văn Quốc (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy) mỗi bị cáo bảy năm tù.
“Vụ án kéo dài đã hơn ba năm, công an cũng bắt tạm giam tôi tới bảy tháng. Được thả ra và được đình chỉ vì không có tội nhưng tòa cứ yêu cầu phải khởi tố tôi trở lại hoài. Tối ngày tôi phải bỏ công ăn việc làm, đi hầu tòa, họ làm cho gia đình tôi lao đao, mệt mỏi. Vợ tôi đang mang thai ba cháu trong bụng nhưng hễ tòa mời tôi là vợ lại lặn lội gần 100 cây số theo chồng đến tòa. Không bị tòa Châu Thành khởi tố, tôi mừng lắm nhưng vẫn lo. Vì vẫn còn tòa phúc thẩm nữa mà!” – anh Thanh chia sẻ.
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, Phạm Thanh Sang (chủ sà lan) thuê anh Thanh làm thuyền trưởng. Tháng 4-2013, anh Thanh lái sà lan về sông Vàm Cỏ, trên sà lan có Sang và Võ Văn Quốc (người phụ việc, không có bằng lái). Anh Thanh giao lại sà lan cho Sang điều khiển để mình về nhà có việc. Tối 1-5-2013, Sang lái sà lan từ TP.HCM đến Long An thì giao lại cho Quốc. Do không chú ý quan sát, Quốc đã tông chìm một chiếc ghe trên sông khiến ba mẹ con trên ghe tử nạn.
Dù đang mang thai liền lúc ba đứa con trong bụng nhưng lần nào vợ anh Thanh cũng theo chồng vượt gần 100 km đến hầu tòa. Anh Thanh (bên trái), vợ anh ngồi dưới. Ảnh: NGÂN NGA
Sau đó anh Thanh bị khởi tố, truy tố về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy; Quốc bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy; riêng Sang không bị khởi tố.
Tháng 8-2014, tại phiên xử sơ thẩm lần đầu, TAND huyện Châu Thành đã phạt anh Thanh bảy năm tù, Quốc tám năm tù. Tòa còn yêu cầu VKS khởi tố thêm Sang về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Long An hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Sau đó, Sang bị khởi tố còn anh Thanh được đình chỉ điều tra với lý do hành vi không cấu thành tội phạm.
Video đang HOT
Cuối năm 2015, anh Thanh yêu cầu TAND huyện Châu Thành công khai xin lỗi và bồi thường oan gần 400 triệu đồng. Thế nhưng tòa này trả lại đơn với lý do đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu VKS hủy quyết định đình chỉ điều tra để tiếp tục điều tra, truy tố anh Thanh.
Trước tình huống này, VKSND tỉnh Long An đã xin ý kiến chỉ đạo của VKSND Cấp cao tại TP.HCM và cuối cùng thống nhất không hủy quyết định đình chỉ đối với anh Thanh vì hành vi không cấu thành tội phạm.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai hôm 23-6, đại diện VKSND huyện Châu Thành giữ nguyên quan điểm đình chỉ điều tra đối với anh Thanh, đồng thời bảo lưu quan điểm truy tố hai bị cáo Quốc và Sang, đề nghị HĐXX phạt mỗi bị cáo 4-5 năm tù. Vì vậy, TAND huyện Châu Thành (Long An) đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKS hủy quyết định đình chỉ điều tra bị can để tiếp tục khởi tố trở lại đối với anh Thanh.
Tuy nhiên, dù sau hai lần tòa yêu cầu thu hồi quyết định đình chỉ, VKS vẫn bảo lưu quan điểm anh Thanh không phạm tội.
Hôm qua (30-8), TAND lại đưa vụ án ra xét xử và nghị án tới hôm nay (31-8) mới tuyên mức án như trên.
Anh Đặng Ngọc Thanh cho biết: “Tôi nhất định phải đòi tòa trả lại công bằng cũng như phải công khai xin lỗi và bồi thường oan sai cho tôi”.
NGÂN NGA
Theo PLO
Xin lỗi người bị oan sai 22 năm
Chiều 23.9, tại trụ sở UBND xã Vĩnh Công, đại diện các cơ quan tố tụng huyện Châu Thành, tỉnh Long An, đã tổ chức buổi họp công khai xin lỗi, khôi phục danh dự và bồi thường oan sai số tiền 300 triệu đồng cho ông Phan Văn Lá, 48 tuổi, người bị cơ quan điều tra khởi tố, xét xử rồi... 'treo' suốt 22 năm!
Đại diện cơ quan điều tra thăm hỏi ông Phan Văn Lá
Vụ án xảy ra vào năm 1991, khi đó ông Phan Văn Lá (ngụ ấp 8, xã Vĩnh Công) mới 24 tuổi, bị TAND huyện Châu Thành phạt 4 năm tù về tội "hủy hoại tài sản XHCN". Bản án sơ thẩm sau đó bị tòa phúc thẩm tuyên hủy và trả hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại. Nhưng tới 21 năm sau, cơ quan điều tra mới có quyết định đình chỉ vụ án, lúc này "bị can" đã 46 tuổi!
Theo hồ sơ, vào đêm 21.7.1991, đường dây điện của ấp 1 (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) bị mất điện. Lúc đó, hai em của ông Lá là Phan Văn Tân (15 tuổi) và Phan Văn Châu (13 tuổi) đang soi cá bằng bình xuyệt ngoài đồng. Nghe tiếng truy đuổi và đèn pha rọi tới, sợ bị lấy bình điện, Tân và Châu bỏ chạy nhưng bị người dân bắt giao công an.
Ông Lá cùng thân phụ, vợ và 3 con trai dự họp
Theo bản án phúc thẩm, lúc đầu Tân và Châu không thừa nhận việc cắt dây điện, nhưng vì bị đánh và buộc phải khai theo hướng dẫn của điều tra viên là có cắt trộm dây điện và có người thứ 3 chủ mưu. Chẳng biết khai ai, Tân và Châu khai anh ruột của mình là Phan Văn Lá.
Ngày 22.7.1991, Công an huyện Châu Thành ra lệnh bắt khẩn cấp Tân, Châu rồi tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam Phan Văn Lá. Theo hồ sơ, mặc dù trong quá trình điều tra và ngay tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28.12.1991, ông Lá luôn kêu oan, không nhận tội, nhưng vẫn bị các cơ quan tố tụng buộc tội và bị TAND H.Châu Thành phạt 4 năm tù.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 5.9.1992, TAND tỉnh Long An đã tuyên hủy án sơ thẩm và trả hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì "đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng". Ngày 13.10.1992, Công an huyện Châu Thành tiếp tục ra lệnh tạm giam Phan Văn Lá thêm 2 tháng nhưng 2 ngày sau thì Viện KSND huyện đã ra quyết định hủy bỏ lệnh tạm giam.
Luật sư đang hướng dẫn ông Lá ký nhận hồ sơ
Sau khi được tại ngoại, các cơ quan tố tụng vẫn không đưa vụ án ra xét xử lại, cũng không thông báo gì cho đương sự nên ông Lá phải mang thân phận bị can bị 'treo' suốt 22 năm. Cuối cùng, sau một thời gian dài đương sự vác đơn đi khiếu nại, kêu oan, ngày 12.9.2013 Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với ông Phan Văn Lá, với lý do: "đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm".
Sau đó ông Lá đã nộp đơn tới các cơ quan có liên quan yêu cầu bồi thường số tiền hơn 493 triệu đồng (trong đó bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần 267 triệu đồng và bồi thường thu nhập bị giảm sút 23,4 triệu đồng) do bị tạm giam 449 ngày và phải mang thân phận bị can trong suốt 7.637 ngày.
Trước sự hiện diện của đại diện chính quyền huyện, xã, ấp và gia đình ông Lá, thay mặt các cơ quan tố tụng, ông Nguyễn Văn Châu, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành "nhận trách nhiệm còn nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, đã dẫn tới oan sai đối với ông Lá. Qua đó nhận thấy trình độ nhận thức pháp luật của một số điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán của các ngành công an, kiểm sát, tòa án, tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử vụ án còn hạn chế..."
Ngoài việc nói lời xin lỗi công khai, chính thức khôi phục danh dự cho đương sự, ông Châu mong ông Lá và gia đình thông cảm cho những sai lầm trong quá khứ của các cơ quan tố tụng địa phương.
Hoàng Phương
Theo Thanhnien
Vụ 'mẹ đòi tự sát': VKS xin lỗi người bị bắn lúc 2 tay bị còng Liên quan đến vụ việc "Con chưa được bồi thường oan, mẹ đòi tự sát", ngày 29-8, VKSND TP Cà Mau đã tổ chức xin lỗi trước để gia đình giảm nỗi đau oan, còn tiền bồi thường thì vẫn phải chờ Lúc 14 giờ chiều nay 29-8-2016, tại trụ sở UBND xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu diễn ra...