Vụ Tịnh thất Bồng lai: Ông Lê Tùng Vân không có mặt tại phiên xét xử
Tại phiên phúc thẩm, bất ngờ ông Lê Tùng Vân vắng mặt tại phiên tòa. Nhiều người làm chứng, trong đó có Võ Thị Diễm My cũng vắng mặt nhưng phiên tòa vẫn tiếp tục.
Sáng 2/11, TAND tỉnh Long An mở phiên xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo kêu oan của ông Lê Tùng Vân và 5 người ở “Tịnh thất Bồng Lai”.
Dù là phiên phúc thẩm nhưng an ninh vẫn được thắt chặt, từ sáng sớm hàng chục cảnh sát đã được điều động tới bảo vệ phiên tòa.
Đối với báo chí, chỉ những phóng viên có thẻ nhà báo mới được phép vào tác nghiệp và được bố trí ngồi ở phòng riêng, theo dõi phiên tòa qua màn hình.
Từ sáng sớm lực lượng cảnh sát đã được điều động tới bảo vệ phiên tòa. Ảnh: Đình Tuyến
Hơn 7h, các bị cáo được đưa tới tòa nhưng tới tận 8h25 phiên tòa mới được bắt đầu. Trong phần làm thủ tục, thư ký phiên tòa thông báo, ông Lê Tùng Vân vắng mặt tại phiên tòa. Người làm chứng Võ Thị Diễm My cũng không có mặt tại phiên tòa. Ngoài ra, một số người làm chứng khác cũng không có mặt tại tòa.
Phải có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu, các phóng viên mới được vào tác nghiệp. Ảnh: Đình Tuyến
Trước diễn biến này, nhiều luật sư đã đề nghị hoãn phiên tòa. Sau khi hội ý, HĐXX đã không chấp nhận yêu cầu của các luật sư yêu cầu phải có mặt người làm chứng vì trước đó những người này đã có lời khai tại CQĐT.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, ông Lê Tùng Vân bị TAND huyện Đức Hòa tuyên phạt 5 năm tù, 5 bị cáo còn lại cũng phải lãnh từ 3-4 năm tù giam cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”.
Ông Lê Tùng Vân tại phiên sơ thẩm
Sau phiên sơ thẩm, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo kêu oan. Tại phiên phúc thẩm, có 5 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Các bị hại có mặt tại tòa gồm: Đại diện bị hại Công an huyện Đức Hòa là ông Nguyễn Sơn – Trưởng Công an huyện. Có 4 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại là Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ).
Tòa cấp phúc thẩm còn triệu tập 8 người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Trong đó có 7 người sống tại hộ gia đình bà Cao Thị Cúc, tức nơi có tên “Tịnh thất Bồng Lai” hay có tên khác là “Thiền am bên bờ vũ trụ” và một người là ông Lê Ngọc Luân (ngụ quận 3, hành nghề luật sư).
Tòa phúc thẩm mời 18 nhân chứng cùng đại diện các cơ quan liên quan như: Tổ Giám định Tư pháp của Sở TT&TT tỉnh Long An, Tổ giám định Tư pháp của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Long An và điều tra viên.
Theo Bản án sơ thẩm, nhóm người sống ở “Tịnh thất Bồng Lai” do ông Lê Tùng Vân cầm đầu, chỉ đạo đã đăng tải các bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và Youtube, chứa đựng những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng tọa Thích Nhật Từ).
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm
Chứng cứ trong vụ án này là 5 clip đã đăng tải công khai trên 2 kênh Youtube do nhóm người ở “Tịnh thất Bồng Lai” lập ra, quản lý và sử dụng.
Trong vụ án này, có một bị can khác, là bà Lê Thu Vân (65 tuổi) cũng bị khởi tố với tội danh nói trên. Sau thời gian bỏ đi khỏi địa phương, bà này đã ra đầu thú.
Xét xử vụ Tịnh thất Bồng Lai: 'Không có chuyện dùng nhục hình với các bị cáo'
Sáng nay (20/7), sau 20 ngày tạm hoãn, TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã tiếp tục đưa ra xét xử vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân" xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai" (hay còn gọi là "Thiền am bên bờ vũ trụ", xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa.
6 bị cáo gồm Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), Cao Thị Cúc (62 tuổi) và Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) cùng bị truy tố về tội 'Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân' theo Khoản 2, điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
16h:
Liên quan đến các video nhóm bị cáo đã đăng lên mạng xã hội, đại diện Sở Thông tin - Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, cả 3 kết luận giám định đều khách quan, xác thực. Các chứng cứ này được thu thập đúng trình tự, quy định pháp luật hiện hành.
"Những câu nói xúc phạm của các bị cáo được lan truyền trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến cá nhân, cơ quan nhà nước... nên cần được xét xử nghiêm để răn đe", đại diện Sở Thông tin - Truyền thông nói.
Về việc một số bị cáo nói bị đánh, ép cung trong quá trình điều tra, đại diện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An khẳng định: không có việc cán bộ đánh đập, dùng nhục hình với các bị cáo.
Tham gia xét hỏi, đại diện VKS gọi Nhất Nguyên: "Tại biên bản hỏi cung bị can tháng 3/2022, có luật sư tham gia, bị cáo có nhớ không?". "Bị cáo không biết", Nhất Nguyên trả lời. Khi công tố viên đưa ra biên bản hỏi cung, bị cáo nói "không thấy do không có kính loạn thị". Đại diện VKS sau đó công bố lời khai trong biên bản, thể hiện bị cáo thừa nhận kênh 5 Chú Tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ do mình lập và quản lý, có thu nhập, chỉ có bị cáo giữ mật khẩu... và thừa nhận hành vi.
15h: Nhất Nguyên trả lời Tòa về việc kinh doanh kênh Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official và một số kênh khác
14h30: Bố mẹ của Võ Thị Diễm My trả lời tại toà
Liên quan đến Diễm My (cô gái bỏ nhà đến tịnh thất Bồng Lai tu), nhân chứng Trần Quốc Thắng (cán bộ Công an huyện Đức Hòa) cho biết, tháng 12/2019 được phân công giải quyết đơn tố cáo của ông Võ Văn Thắng (cha Diễm My). Nội dung tố cáo nhóm người trong hộ bà Cao Thị Cúc giữ Diễm My trái pháp luật.
Ông Quốc Thắng sau đó đã mời vợ chồng ông Văn Thắng và Diễm My đến làm việc, không mời bất cứ ai khác. Do Diễm My không hợp tác nên điều tra viên không lập biên bản lời khai, sau khi được khuyên nhủ cô này đã về với gia đình. Vụ việc có lời làm chứng, có biên bản. Tuy nhiên, một lúc sau ông Quốc Thắng nghe nhiều người ở hộ bà Cúc la lối, nói "Công an huyện bắt cóc Diễm My". Dù ông nhiều lần yêu cầu không nói sai sự thật nhưng họ không chấp hành. Ngoài ra, ông Thắng cũng khẳng định không có vụ việc đánh nhau tại trụ sở công an huyện.
Tòa mời nhân chứng Võ Văn Thắng và bà Mai (cha mẹ Diễm My). Họ cho biết, khi đến công an huyện, thấy con gái tinh thần bấn loạn nên nhờ công an hỗ trợ kêu xe cứu thương đến đưa cháu về. Sau khi về nhà được 6 tháng, Diễm My tiếp tục bỏ đi, đến nay không biết ở đâu.
14h: Phiên xử buổi chiều tiếp tục với phần xét hỏi.
Liên quan việc ông Vân và bị cáo Lê Thanh Trùng Dương, 27 tuổi, phản đối cáo trạng, HĐXX tiếp tục công bố video 5 chú tiểu - thông báo khẩn cấp kết quả vụ án 50 người - các bị cáo đăng lên mạng xã hội, có nội dung sai sự thật; hay video có lời nói xuyên tạc giáo lý Phật giáo, xúc phạm Thượng tọa Thích Nhật Từ...
Trả lời thẩm vấn sau đó, các bị cáo Nhất Nguyên, Nhị Nguyên và Hoàn Nguyên đều xác nhận họ cùng ông Lê Tùng Vân xuất hiện trong video, song đều cho rằng 'không nhớ cụ thể chi tiết', 'lời nói của bị cáo có thể đã bị thêm bớt'...
Riêng Hoàn Nguyên thừa nhận đã có lời nói xúc phạm hòa thượng Thích Nhật Từ.
Bị cáo Lê Tùng Vân tại toà sáng nay. Ảnh: VnExpress.
12h: Phiên toà tạm ngừng, chiều tiếp tục làm việc.
11h30: HĐXX công bố nhiều video thể hiện các bị cáo từng kéo đến trụ sở Công an huyện Đức Hòa đòi Diễm My, vì cho rằng 'công an đã bắt cóc' cô này.
Theo cáo trạng, bị cáo Nhất Nguyên đã dùng điện thoại ghi hình sự việc, sau đó đăng lên kênh Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official với nội dung 'công an huyện bắt cóc cô gái tên Diễm My'. Những bị cáo còn lại có vai trò tham gia diễn xuất, phát trực tiếp các video có nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự người khác.
Hành vi của ông Vân và đồng phạm bị cho là 'cố ý xâm hại đến cơ quan nhà nước, tổ chức tôn giáo và cá nhân'.
Bị cáo Lê Tùng Vân
10h45: Tòa bước qua phần xét hỏi. Đại diện VKS công bố cáo trạng dài 16 trang.
Là người đầu tiên lên bục khai báo, bị cáo Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo và các đồng phạm không đúng. Còn bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi) trình bày: 'Hiện tại chúng tôi quá thiệt thòi nếu phiên tòa tiếp tục vì các luật sư không đủ các căn cứ để bảo vệ, giúp đỡ chúng tôi tại toà'.
Theo bị cáo này, có những điểm trong bản cáo trạng không đúng với quá trình điều tra. 'Quá trình điều tra tôi không được tiếp cận, làm việc, chưa hỏi tôi mà lại ra cáo trạng, đưa ra xét xử. Tôi cũng không đồng ý về tội danh bị truy tố, không đồng ý nội dung cáo trạng', Nhất Nguyên nói.
Bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên, Cao Thị Cúc (62 tuổi) cũng không đồng tình với nội dung. 'Cáo trạng cho rằng tôi nghe theo lời ông Lê Tùng Vân để làm video, clip... như vậy là không đúng', các bị cáo trình bày.
Clip: Lê Thanh Nhị Nguyên kêu oan toàn bộ cáo trạng
Còn bị cáo Lê Tùng Vân ban đầu nói không nghe rõ nội dung bản cáo trạng mà VKSND công bố. Sau đó, bị cáo Lê Tùng Vân nói không đồng ý với nội dung bản cáo trạng 16 trang được công bố tại tòa.
Ông Vân khai đã lập ra Tịnh thất Bồng Lai rồi đổi tên nơi này thành Thiền Am bên bờ vũ trụ. 'Việc tôi và mọi người đến sinh sống, mặc áo nâu, sinh hoạt tại đây hơn 30 người nhưng không theo Phật giáo, không đăng ký theo Phật giáo vì muốn được tự do. Pháp danh Thích Tâm Đức là tự tôi đặt...', ông Vân khai.
10h: Luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa với lý do những thắc mắc của người bào chữa trong 2 lần mở phiên tòa không được trả lời. Luật sư cũng cho rằng việc những người làm chứng không có mặt đầy đủ sẽ không thể làm rõ một số nội dung tại tòa.
HĐXX đã hội ý lần 2 và quyết định tiếp tục xét xử. Sau đó, đại diện VKS đã công bố bản cáo trạng.
9h15: HĐXX thông báo, những kiến nghị của luật sư thuộc về đánh giá chứng cứ, tòa sẽ nghe các bên tranh luận, nếu thấy cần thiết sẽ dừng phiên toà. Với biểu quyết 3/3, HĐXX không chấp nhận ngừng phiên toà, tiếp tục làm việc.
Do bị cáo Vân bị khiếm thính nên toà cho phép bà Vòng Kim Hoa (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) được ngồi cạnh để diễn đạt lại các câu thẩm vấn cho bị cáo nghe, song bị cáo phải tự trả lời HĐXX.
Là người duy nhất được tại ngoại, ông Vân cũng là người đầu tiên trả lời thẩm vấn. Bị cáo đứng lên nói, giọng yếu ớt, mệt nhọc. Ông cho biết do đã lớn tuổi nên không nhớ địa chỉ nơi sinh, 'hiện nay vẫn còn độc thân, đang chờ được lấy vợ' và có hai bằng đại học.
Clip: Bị cáo Lê Tùng Vân khai 'hiện nay vẫn còn độc thân, đang chờ để được lấy vợ'
Các bị cáo còn lại khai bị bắt hồi đầu năm 2022. Bốn bị cáo (trừ bà Cúc) khai 'không biết cha mẹ là ai và không có thông tin gì về cha mẹ'. Trả lời HĐXX, các bị cáo này cho biết đều nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử, không yêu cầu thay đổi thành viên HĐXX.
Trong khi đó, bà Vòng Kim Hoa (đại diện của ông Lê Tùng Vân) cho biết bị cáo nói chưa nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử. 'Bị cáo Vân đã lớn tuổi nên không nhớ đã nhận rồi hay chưa', bà Hoa trình bày.
'Tôi quá lớn tuổi, không nhớ gì, không biết bị tội gì. Giờ tòa định sao thì tôi nghe theo vậy', ông Vân nói thêm.
8h45: Phiên tòa lần này tiếp tục vắng một số người có quyền, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng, trong đó có Võ Thị Diễm My (cô gái bỏ nhà đến Tịnh thất Bồng Lai tu).
Hai luật sư của các bị cáo đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên toà để xác minh về một số chứng cứ có trong hồ sơ. Ngoài ra, họ cũng cho rằng 'có khả năng một trong hai đại diện VKS ngồi nhầm chỗ', nên đã đề nghị tòa cho biết 'có gì thay đổi hay không?'.
Play Video
Clip: Bị cáo Lê Tùng Vân cần tới tận 3 người dìu đứng lên trong phiên toà
Bị cáo Lê Tùng Vân có mặt tại toà, bên cạnh là bà Cao Thị Cúc (62 tuổi, chủ tịnh thất Bồng Lai), cả hai được ngồi do sức khoẻ yếu.
Hình ảnh các bị cáo trong phiên toà sáng nay
Từ 7h sáng, cảnh sát đã thực hiện công tác chốt chặn, giới hạn ra vào khu vực TAND huyện Đức Hoà - nơi diễn ra phiên xét xử.
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ những người được phép tham dự toà.
Các bị cáo được đưa đến toà bằng lối riêng.
Bị cáo Lê Tùng Vân (tại ngoại) được cảnh sát và người thân đưa vào phòng xử. Ảnh: VnExpress.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An, những người sống tại 'Tịnh thất Bồng Lai' hay có tên khác là 'Thiền am bên bờ vũ trụ' (địa chỉ tại số 191A, ấp Lập Thành, xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An), do ông Lê Tùng Vân làm chủ mưu, chỉ đạo, đã có những hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021, các đối tượng đã đăng tải các bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và Youtube, chứa đựng những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hoà, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng toạ Thích Nhật Từ)...
Căn cứ mà cơ quan tố tụng cáo buộc hành vi vi phạm pháp luật của ông Lê Tùng Vân và 5 người ở 'Tịnh thất Bồng Lai' là 5 clip đã đăng trên các kênh Youtube do chính họ lập ra và quản lý.
Một người khác là Lê Thu Vân (63 tuổi, em gái ông Vân) cũng bị khởi tố về cùng tội danh, song đã đi khỏi nơi cư trú nên cơ quan điều tra đang truy tìm.
Trong lần mở phiên toà ngày 30/6 và lần mở lại vào ngày hôm nay (20/7), dự kiến lực lượng địa phương sẽ bảo vệ an ninh nghiêm ngặt trước và xung quanh TAND huyện Đức Hoà.
Nhị Nguyên - bị can thứ 6 trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai có thể phải trả 'giá đắt' thế nào? Nhị Nguyên bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, vi phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Liên quan đến vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, mới đây Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Long An đã quyết định khởi tố bị can và bắt...