Vụ tin đồn về BIDV: Có dấu hiệu hình sự
Luật sư Triệu Dũng (văn phòng luật sư Triệu Dũng) cho rằng: Vụ tung tin đồn thất thiệt các lãnh đạo cấp cao BIDV bị bắt đã có dấu hiệu hình sự.
“Khi Bộ Công an đã vào điều tra, truy nguồn gốc tin đồn thì đó là dấu hiệu hình sự’, ông Dũng nói.
Luật sư Dũng cho biết, theo quy định pháp luật hiện nay, việc xử lý những tin đồn này sẽ theo trình tự, quy định ở từng lĩnh vực. Những lĩnh vực thuộc ngành nào quản lý sẽ phải tiến hành xử lý theo trách nhiệm của ngành đó.
Theo quy trình này, việc đầu tiên phải xem xét đến vấn đề tin đồn ấy có gây thiệt hại gì không? Dấu hiệu gây thiệt hại? Nếu có thiệt hại phải chứng minh được những thiệt hại đó về danh dự, uy tín hay tổn thất kinh tế?…
Nếu như vừa qua, tin đồn các lãnh đạo BIDV bị bắt ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thì Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ phải vào cuộc xác minh làm rõ.
Tin đồn nhảm khiến thị trường chứng khoán chao đảo (ảnh minh họa)
“Khi tin đồn gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến ngân hàng BIDV nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, về nguyên tắc có thể làm phát sinh một vụ án hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành trinh sát, xác minh và có thể khởi tố một vụ án hình sự.”, ông Dũng khẳng định.
Video đang HOT
Cũng theo vị Luật sư này, trong quá trình điều tra, tùy thuộc vào động cơ, mục đích, hậu quả và cấu thành của tội phạm mà cơ quan điều tra sẽ xác định một tội danh cụ thể cho đương sự nếu đúng là có dấu hiệu phạm tội như: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán theo quy định tại Điều 181a của Bộ luật Hình sự, hoặc tội thao túng giá chứng khoán theo điều 181b Bộ luật Hình sự hoặc tội vu khống theo Điều 122 Bộ luật Hình sự.
“Nếu các trang mạng, những trang thông tin cá nhân… góp phần tuyên truyền cho tin đồn nhảm thì sẽ tùy theo mức độ, mục đích và động cơ đưa tin, có thể bị xử phạt hành chính như phạt tiền, cảnh cáo, thậm chí rút giấy phép hay nặng hơn nữa là xử tội hình sự”, Luật sư Dũng nói.
Ngoài ra, ông Dũng cho biết, việc khởi tố hình sự còn phải dựa trên mức độ hành vi đó do một người hay nhóm người.
“Một người không thể tung tin đồn nên phải xem nó có tổ chức hay không. Nếu đơn lẻ, thù hận cá nhân thông thường thì mức độ nhẹ hơn. Nhưng nếu cả một tổ chức gây ra việc đó, có dấu hiệu phá hoại cả một nền kinh tế thì lại khác”, ông Dũng nhận định.
Chiều 23/2, ông Cấn Văn Lực-Phó TGĐ kiêm cố vấn cấp cao HĐQT ngân hàng BIDV cho biết: chưa thể trả lời cho giới truyền thông về vụ việc.
“Tất cả chúng tôi còn chờ cơ quan điều tra xác minh”, ông Lực nói.
Còn đối với người bị tung tin đồn thất thiệt, pháp luật cũng đã có quy định bảo vệ quyền lợi cho đối tượng này. Cụ thể, người bị hại có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc khởi kiện ra toà án yêu cầu người tung tin đồn phải cải chính, xin lỗi hoặc đề nghị cơ quan công an khởi tố hình sự nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm.
“Ngoài ra, người bị hại có quyền đòi đền bù thiệt hại, nếu chứng minh được thiệt hại mà mình phải gánh chịu” – vị Luật sư này cho biết thêm.
Ngày 22/2, sau khi xuất hiện tin dồn lãnh đạo BIDV bị bắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có Công văn hỏa tốc đề nghị các Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) rà soát toàn bộ các giao dịch trong thời gian gần đây, đặc biệt trong phiên ngày 21/2/2013-khi có thông tin đồn nhảm các vị lãnh đạo BIDV bị bắt.
Trong phiên giao dịch ngày 21/2, chỉ số VN-Index giảm với biên độ lớn nhất (mất 18 điểm), mạnh nhất trong nửa năm và chỉ kém phiên giảm hơn 20 điểm lịch sử khi có tin ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Á Châu ( ACB) bị bắt.
Theo nhận định của đại diện các công ty chứng khoán, thị trường chao đảo, áp lực bán tháo lớn trong ngày 21/2 là do ảnh hưởng của tin đồn ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Phó Tổng giám đốc và một Giám đốc chi nhánh của BIDV bị bắt.
Đến chiều cùng ngày, tin đồn được làm sáng tỏ. Vị lãnh đạo này đã chia sẻ trên báo chí: “Đây là thông tin thất thiệt, có thể do một nhóm đầu cơ nào đó tung ra để trục lợi. Những kẻ tung tin đồn nói trên có lẽ đã kiếm được ít nhất 500 – 700 tỷ đồng từ các thị trường chứng khoán, vàng và tỷ giá vốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày qua. Rõ nhất là thị trường chứng khoán xuất hiện 4 mã có nghi vấn bị làm giá. Và điều tra vụ việc này, theo ông, là không quá khó khăn, chỉ cần tìm hiểu từ trung tâm lưu ký chứng khoán”.
Trước vấn đề này, Bộ Công an đã vào cuộc và lập ban chuyên án để điều tra nguồn gốc của thông tin bịa đặt lãnh đạo BIDV. Theo nhận định của Tổng cục An ninh II, Bộ Công An, đối tượng tung tin bịa đặt có thể không chỉ nhằm mục đích trục lợi mà còn nhằm mục đích phá hoại thị trường tài chính ngân hàng.
Theo 24h
Nguyên chủ tịch Dược Viễn Đông lại bị truy tố
Ngày 29/1, VKSND Tối cao truy tố ông Lê Văn Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Viễn Đông) cùng 6 bị can về hành vi làm giả tài liệu để vay hơn 140 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, tháng 3/2010, do cần tiền đáo hạn khoản vay 100 tỷ đồng tại Ngân hàng An Bình, ông Dũng có chủ trương cầm cố hơn 600.000 cổ phiếu của mình và 540.000 cổ phiếu của Đào Xuân Hương (thành viên HĐQT Dược Viễn Đông kiêm Tổng Gíam đốc Công ty liên doanh LiLi of France (LOF) - Công ty con của Dược Viễn Đông) đang lưu ký tại Công ty chứng khoán Bảo Việt. Đến tháng 7/2010, ông Dũng lại đề nghị Ngân hàng Tiên Phong cấp tín dụng hạn mức cho Công ty LOF.
Để thực hiện giải ngân cho các khoản vay trên, ông Dũng chỉ đạo cấp dưới là Cao Hồng Vân (Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng) xây dựng hồ sơ vay vốn cho cá nhân ông Dũng và bà Hương.
Ông Dũng bị Tòa xử 4 năm về tội Thao túng chứng khoán. Ảnh: Nam Anh
Theo đó, ông Dũng và bà Vân làm giả một số tài liệu để lừa dối ngân hàng, trong đó có hợp đồng mua bán với các công ty khác.
Bà Vân còn chỉ đạo Lương Thị Thủy (Kế toán trưởng Công ty LOF), Hoàng Thị Nhung (kế toán Công ty Dược Viễn Đông) giả chữ ký của Chủ tịch hội đồng thành viên một số công ty đối tác.
Với bộ hồ sơ giả trên, Ngân hàng An Bình đã giải ngân cho ông Dũng 34 tỷ đồng, giải ngân cho bà Hương 27 tỷ đồng; Ngân hàng Tiên Phong giải ngân cho Công ty LOF hơn 83,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền mà 2 ngân hàng đã giải ngân là hơn 144,5 tỷ đồng. Sau đó, Dược Viễn Đông không có khả năng thanh toán.
Vụ án còn có sự liên quan của bị can Hoa Triệu Long (nhân viên Phòng thiết kế Dược Viễn Đông) có hành vi scan và in màu chữ ký, con dấu vào bản hợp đồng giả mạo; bị can Nguyễn Thị Chinh (Trưởng ban Kiểm soát của Dược Viễn Đông) là đồng phạm, giúp sức cho hành vi làm giả hồ sơ tài liệu.
Trước đó, bị can Dũng từng bị TAND Hà Nội xử phạt 4 năm về tội Thao túng chứng khoán.
Theo VNE
Giấu ma túy trong người, vùng vẫy thoát thân Nhận thấy có dấu hiệu hình sự các trinh sát đặc nhiệm đã kịp thời dùng nghiệp vụ khống chế không cho đối tượng chạy thoát. Tổ công tác đã kịp thời khống chế đối tượng định bỏ chạy Vào hồi 15h30 ngày 21/11, tổ công tác Y9/141 do Trung tá CSGT Đoàn Văn Hòa chỉ huy làm nhiệm vụ tại chốt đường...