Vụ thảm án do cuồng tình của tuổi trẻ: Con dại cái mang
Sự nạn nứt trong tình yêu của tuổi trẻ gần đây rất nhiều vụ đã kết thúc bằng những kết cục bi thảm đầy máu và nước mắt.
Lá thư bày tỏ sự ăn năn của đứa con tử tội gửi từ trại giam.
Chiều thứ sáu ngày 7/12, chẳng hẹn trước, một cặp vợ chồng từ Đồng Nai chạy xe máy đến tòa soạn tìm gặp tác giả với lời khẩn cầu đầy nước mắt, kể về đứa con trai của mình là tử tội, rằng có cách nào “cứu” cháu có được con đường sống?!
Nỗi lòng của người làm cha làm mẹ ở miền quê nghèo một đời lam lũ vì con, chẳng dám ăn, dám mặc, dành mọi vật chất, yêu thương nuôi con khôn lớn để rồi nhận lấy trái đắng với sự sống của con nay phải đếm từng ngày, sự thể nghe qua thật đau lòng.
Nỗi đau đớn cùng cực của cặp vợ chồng kia và bản án của con trai họ như nhiều vụ án tình đẫm máu lẫn đẫm lệ khác: Rạn nứt trong tình yêu được kết thúc bằng những kết cục bi thảm.
1. “Vợ chồng tôi có 4 đứa con thì Quân là con út. Học hết lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cháu nghỉ học phụ tôi nghề khuân vác. Nhờ lý lịch tốt nên sau đó cháu được gia nhập đội dân quân xã. Thấy cháu đĩnh đạc, đứng đắn, chẳng cờ bạc, rượu chè bê tha như chúng bạn đồng trang lứa nên vợ chồng tôi rất mừng và tự hào. Mừng nhất là khi cháu quyết định vừa học vừa làm, ngày theo bố chạy xe khuân hàng, tối đến thì đi học bổ túc…
Mọi chuyện đang diễn ra êm thấm thì ai ngờ giông tố ập đến!”.
Ở tuổi 53, ông Ngô Văn Việt (ngụ khu phố 2, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) – người cha cơ hàn hành nghề bốc vác, có con trai bị tòa tuyên án tử hình mở đầu lý do tìm gặp người viết nghĩ cách giúp cho con mình có được con đường sống bằng thổ lộ như thế. Dáng người gầy guộc, gương mặt hốc hác vì nhiều đêm mất ngủ bởi thương nhớ, lo lắng cho đứa con lỡ lầm, bà Trần Thị Mai Liên (51 tuổi) tiếp lời chồng.
Bà nói với đại ý rằng thằng Quân con bà, đứa con đang gánh án tử vì cuồng yêu kia vốn là đứa ngoan, lễ phép, sống chan hòa, chưa từng gây điều tiếng gì với ai và rất có hiếu: “Tôi bị nhiều chứng bệnh kinh niên như tim mạch, huyết áp nên sức khỏe rất kém. Thương mẹ nay đau mai bệnh, thằng Quân ngoài chuyện khuân vác phụ ba thường tranh thủ thời gian về nhà đỡ đần mẹ chuyện cơm nước. Nhìn con thanh niên trai tráng mà lúi húi thổi lửa lặt rau mà thương quá đỗi”.
“Thằng Quân” theo lời kể của vợ chồng ông Việt – bà Liên là Ngô Hùng Quân (21 tuổi). Chẳng như những tên tội phạm giết người thường thấy với hình xăm chi chít, án tích đầy mình, trước khi bị bắt vì tội giết người, lý lịch của tử tội vừa bước sang tuổi 20 này khá “sạch”: “Học lớp 9/12, không tiền án, tiền sự”. Với lý lịch không tỳ vết ấy, lại theo như lời kể của đấng sinh thành rằng “cháu nó ngoan hiền, hiếu thảo, chăm học, có ý chí”, lẽ ra Quân sẽ có tương lai xán lạn ở phía trước. Ai ngờ nó tự khép cửa cuộc đời mình bằng trọng tội, tước đoạt cùng lúc sinh mạng của hai con người.
Video đang HOT
Trong tiếng thở dài não nuột, bà Liên chậm rãi kể về hành trình đẩy đứa con ngoan hiền của mình thành tội phạm giết người mà Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm nhận định “mất hết tính người”. Bi kịch bắt nguồn từ chuyện tình đổ vỡ giữa Quân và cô gái ngụ cùng khu phố là Võ Thị Kim D., một trong hai nạn nhân liên quan đến vụ trọng án.
“Chuyện tình cảm của con trẻ, vợ chồng tôi không được rõ lắm, chỉ biết là thằng Quân phải lòng con bé và giữa hai đứa dần có tình cảm sâu nặng. Nhưng rồi vì chuyện hờn ghen thường tình nên chúng nó xảy ra xích mích rồi dẫn đến chia tay. Trước khi xảy ra cớ sự kẻ chết người đi tù, thấy con buồn buồn tôi có hỏi nhưng nó cười trấn an rằng “má yên tâm, chẳng có chuyện gì đâu”. Ai dè khi nghe tin thằng Quân giết người, vợ chồng tôi điếng hồn, lòng cứ thầm mong đó không phải là sự thật”.
Nỗi thương xót, buồn đau khiến lời kể của bà Liên rời rạc, nhiều lần đứt quãng bởi những tiếng thở dốc và nước mắt. Dẫu rằng cố tỏ ra cứng cỏi nhưng ông Việt cũng chẳng khá gì hơn. Ông kể câu chuyện buồn của gia đình mình với ánh mắt đỏ hoe.
Lời kể của ông phù hợp với hồ sơ vụ án: “Ngô Hùng Quân và chị Võ Thị Kim D. có quan hệ tình cảm yêu thương. Sau đó chị D. cắt đứt tình cảm với Quân và quen với anh Nguyễn Phước Th. (18 tuổi, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Ngày 13/10/2011, Quân gặp chị D. và anh Th. ngồi nói chuyện với nhau nên nảy sinh ghen tức, đe dọa hai người. Anh Th. và chị D. cũng có hành vi xúc phạm và thách thức Quân”.
Thông tin về tử tội Ngô Hùng Quân từ khi gây án và tự sát đến lúc bị đưa ra tòa xét xử được nhiều PV quan tâm đưa tin.
2. Còn nỗi buồn nào hơn nỗi buồn của một chàng trai bị người yêu quay lưng và đang lúc khổ đau ấy thì bắt gặp người mình yêu thương bên người tình mới. Nỗi buồn đau khiến chàng trai trẻ Ngô Hùng Quân có hành xử nông nổi và khi định thần lại, thấy lỗi từ phía mình nên hôm sau Quân tìm gặp D. nói lời xin lỗi cũng như bày tỏ mong muốn được hàn gắn tình cảm, nối lại tình xưa. Nhưng chàng trai si tình vừa thổ lộ đã bị D. từ chối và có lời xúc phạm. Chính điều này đã khiến Quân đi đến suy nghĩ mù quáng, giết người và tự kết liễu đời mình.
“Bị D. từ chối và có lời nói xúc phạm, Quân bỏ về và nảy sinh ý định giết D. rồi tự sát. Quân ra chợ mua 2 con dao Thái Lan mũi nhọn, lưỡi dài 10cm và viết 2 lá thư tuyệt mệnh để lại cho D. và cha mẹ D. Khoảng 19h cùng ngày (14/10), Quân giấu 2 con dao và 2 lá thư bỏ vào túi quần, đi bộ đến nhà D. Khi đi ngang qua tiệm sửa xe “Tám Tiền” ở số 13 khu phố 2, phường Bình Đa, Tp Biên Hòa, thấy D., Th. và anh trai Th. là Nguyễn Phước Lộc (21 tuổi, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Tân) đang nói chuyện với nhau, Quân đến xin lỗi Th. sự việc cãi nhau hôm qua và chạy sang nói chuyện với D.” – trích bản án số 102/2012/HSST của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đồng Nai.
Chuyện lẽ ra sẽ khép lại êm đẹp, sẽ chẳng có máu đổ, chẳng có người phải chết và kẻ phải vào tù, nếu như ngày hôm ấy Võ Thị Kim D. thay vì lựa lời khuyên bảo người tình cũ hãy tĩnh tâm, biết kiềm chế cảm xúc cũng như chấp nhận thực tại không hợp tính, không hợp tình thì chẳng thể đến với nhau. Đằng này khi Quân sang nói chuyện, D. nhiều lần thách thức: “Hôm qua mày muốn đâm tao thì hôm nay đâm đi”. Hồ sơ bản án ghi chi tiết “tình khúc đẫm máu” này: “Quân tức giận rút dao ra đâm D., Lộc xông tới can thì bị Quân đâm một nhát vào ngực. Th. thấy anh Lộc bị đâm nên rút dao Thái Lan trong túi quần đâm Quân thì bị Quân đâm trúng 2 nhát vào tay làm rớt dao”.
Vợ chồng ông Việt, bà Liên.
Khi người ta ghen, khi người ta giận và hận, khi người ta bị thách thức, bị kích động, người ta, nhất là những người trẻ thường cuồng nộ và có hành xử của một con thú bị thương, mất kiểm soát và Ngô Hùng Quân cũng là một trong nhiều người như thế. Hồ sơ vụ án cho biết khi con dao dùng đâm Th. bị cong lưỡi, Quân vứt xuống đất lấy con dao thứ 2 đuổi đâm D. Người tình xưa chạy trốn vào phòng bếp nhà ông Nguyễn Dương Em ở số 120, tổ 16B, khu phố 2, phường Bình Đa nhưng bị Quân truy đuổi tận cùng và dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực, bụng, tay làm D. ngã xuống bất tỉnh.
Sau khi đâm D., Quân quay ra thì cũng là lúc em trai Th. là Nguyễn Hữu Phước cầm gậy chạy đến ứng cứu. Lúc này Th. xông vào đánh Quân thì bị Quân đang trong cơn cuồng sát đâm một nhát vào ngực. Dù trúng vết thương chí mạng nhưng Th. vẫn cố bỏ chạy. Chẳng buông tha, Quân lúc này như con thú điên lao theo tiếp tục đâm vào lưng làm Th. gục xuống trước tiệm sửa xe.
Quá trình điều tra của Cơ quan Công an cho thấy, lúc này Quân tiếp tục đâm một nhát vào ngực Th. rồi dùng dao tự đâm vào bụng và ngực mình với ý định tự sát. May sao khi ấy anh trai Quân là Ngô Tuấn Minh kịp chạy đến giật con dao khỏi tay Quân. Được sự hỗ trợ của người thân quen và bà con chòm xóm, ngay lập tức D., Lộc, Th. và Quân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai nhưng D. và Lộc đã tử vong ngay sau đó. Qua giám định pháp y, Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Nai kết luận tỉ lệ thương tật tạm thời của Nguyễn Phước Th. là 28%.
3. Vậy đó, vụ trọng án xảy ra chỉ bắt nguồn từ những hờn giận, thách thức của những người trẻ đã từng yêu nhau. Những người biết chuyện bình phẩm rằng việc mua và lận dao vào người tìm gặp người yêu và tình địch của Ngô Hùng Quân để nói chuyện phải trái là hành vi nông nổi, nhưng hành xử của Võ Thị Kim D. và hai anh em Th. – Lộc cũng “dại không kém” khi cũng thủ dao và có thể có cả gậy gộc (liên quan đến vụ án, Cơ quan Công an tịch thu 3 con dao cán vàng, 1 khúc gỗ và 1 đoạn ống sắt) nhằm mục đích dằn mặt Quân. Chẳng biết điều dư luận râm ran ấy thực hư ra sao, nhưng chuyện Th. rút dao Thái Lan thủ sẵn từ trước đâm Quân khi thấy Quân đâm anh trai của mình thì quá rõ ràng. Nhưng dù gì thì lỗi chính vẫn từ hành xử rồ dại, thiếu kiềm chế của Ngô Hùng Quân. Nếu Quân không lận dao vào người, không thẳng tay đâm người tình cũ Võ Thị Kim D. thì có đâu bi kịch đẫm máu ấy!
Trở lại nội dung vụ án mạng do Ngô Hùng Quân thực hiện. Sau hơn 10 ngày được đưa đi cấp cứu với ý định tự sát bất thành, đến ngày 25/10, khi sức khỏe ổn định, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện lệnh bắt đối với Ngô Hùng Quân. Ngày 26/9/2012, vụ án được TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử. Bên cạnh nhận định Quân không tiền án tiền sự, thành khẩn khai báo, đã bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình các bị hại…, HĐXX cũng chỉ rõ hành vi của Quân quyết liệt, thể hiện bị cáo mất hết nhân tính, phạm tội với nhiều người. Đặc biệt phạm tội với người chưa thành niên (khi bị sát hại nạn nhân Võ Thị Kim D. chưa đủ 18 tuổi) nên cần thiết áp dụng hình phạt cao nhất, loại bỏ vĩnh viễn Quân khỏi đời sống cộng đồng để trừng phạt, răn đe và phòng ngừa chung. Trên cơ sở nhận định đó, HĐXX đã tuyên phạt Ngô Hùng Quân án tử hình.
Ai đã làm cha làm mẹ, đã sống hết mình vì con, đã dành nhiều sự kỳ vọng ở đứa con mà với họ là “rất ngoan hiền” mới hiểu nỗi đau mà vợ chồng ông Việt – bà Liên đang phải gánh chịu, và các thành viên trong HĐXX cấp sơ thẩm cũng không là ngoại lệ. Làm sao ông bà có thể hiểu được rằng khi lượng hình, tuyên phạt cho con mình mức án tử hình, các thành viên HĐXX đã rất cân nhắc, đắn đo, những người cầm cân nảy mực hiểu rằng phía sau bản án tử mà họ tuyên sẽ là nỗi đau xé nát tâm can những người thân của tử tội. Nhưng HĐXX có lý lẽ, bởi họ làm những gì mà họ tin rằng thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, công bằng (xử đúng người đúng tội)…
Thay lời vợ, ông Việt bộc bạch rằng khi tĩnh tâm lại, ông hiểu những điều ấy, nhưng nỗi niềm của người làm cha làm mẹ, có ai muốn đợi ngày chết của con bao giờ. Dứt lời, ông Việt cùng vợ lầm lũi bước đi, phía trước mây đen bất chợt kéo đến, trời nổi giông gió và đổ mưa
Theo xahoi
Người đàn bà quay về từ 'cõi chết'
"Nếu tội của cháu không thể tha thứ, mong bác cho cháu được cống hiến thân xác cho y học nước nhà", đó là lời khẩn cầu của nữ tử tù Vân Anh trong đơn gửi Chủ tịch nước xin tha tội chết.
Hà Thị Vân Anh (38 tuổi, ở Trại giam Tân Lập, Phú Thọ) không được xếp vào hàng phụ nữ xinh đẹp hay tuýp người ưa ăn diện, càng không có vẻ gì của thương gia buôn "hàng trắng". Gương mặt cứ chân chất, hiền hiền. Ngấp nghé tuổi 40, sống trong cảnh tù tội, Vân Anh vẫn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi.
Sau chút căng thẳng, người đàn bà dần lấy lại tự tin để kể về con đường tội. Vân Anh lớn lên ở một xã nghèo của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Hơn 17 tuổi, chị ta theo chồng về xã Ngọc Vân, Tân Yên làm dâu. Đồng đất Bắc Giang vốn lắm sỏi nhiều dăm, thế nên muốn có cuộc sống no đủ không có cách nào khác là phải "không cho đất nghỉ không ngừng tay ta". Cái đó Vân Anh không ngại, gia đình vốn đông con, chị ta đã học được cái nết hay làm từ nhỏ.
Sau hơn 10 năm lấy chồng và có 2 con trai, Vân Anh đã bị choáng váng trước "phong trào" làm giàu bằng con đường phạm pháp của một số người ở Ngọc Vân. Người này đi buôn ma túy, người kia cũng học theo. Thời điểm ấy và ngay cả bây giờ, đất Tân Yên có không ít trường hợp cả nhà cùng "chết" vì ma túy. Thấy người làng trên xây biệt thự, người xóm dưới sắm ôtô, Vân Anh như có lửa đốt trong lòng.
Một ngày giữa tháng 3/2004, người đàn bà chân lấm tay bùn tình cờ gặp lại người bạn vong niên, nhà ở Phố Thắng, Hiệp Hòa. Anh này có biệt danhh Thịnh "nửa đời". Nghe bạn tỉ tê, Vân Anh quyết định tự mình thay đổi số phận.
Ngày 11/4/2004, được Thịnh "nửa đời" sắp xếp, Vân Anh lên Mộc Châu, Sơn La lấy ma túy. Chuyến hàng định mệnh đó, Vân Anh trực tiếp mua 3 bánh heroin của một người không rõ tên tuổi. Trên đường về, khi vừa đặt chân tới bến đò Bãi Sang (tỉnh Hòa Bình), cô ta bị công an "cất vó".
Theo lời của nữ phạm nhân này, trước khi quyết định "dấn thân", Vân Anh và chị chồng đã bàn bạc kỹ. Lấy lý do lên Mộc Châu buôn mơ, mận về bán, 2 người đàn bà này còn rủ thêm cả chị gái của Vân Anh đi cùng hòng che mắt thiên hạ. Lúc nhận được ám hiệu, Vân Anh một mình ôm đôla Mỹ lẻn đi giao dịch, sau đó để ma túy vào núi nilon đựng cam, rồi xách về như mấy bà đi buôn chuyến thực thụ.
Thụ án chung thân, nhưng Hà Thị Vân Anh vẫn tin tưởng sẽ có ngày về. Ảnh: ANTĐ
Ngày 23/3/2005, Vân Anh bị TAND tỉnh Hòa Bình tuyên phạt tử hình về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Cùng tội danh, chị chồng cũng bị xử phạt tù chung thân. Riêng người đàn bà thứ 3 được xác định là không dính líu đến vụ án. Hơn 2 tháng sau, TAND Tối cao xử phúc thẩm vẫn y án tử hình đối với Vân Anh.
Với cái cách giãi bày của Vân Anh, con đường phạm tội của chị ta thật giản đơn và "cái số" nó đen đủi. "Chồng em cũng mới bị bắt vì ma túy. Anh ta đang bị giam giữ ở một trại tạm giam của Bộ Công an". Vân Anh nói mà không chút biểu lộ cảm xúc.
Khi hỏi về lý do viết đơn xin Chủ tịch nước xá tội chết, chị ta khẽ khọt: "Em không muốn phụ lại tình cảm của các cán bộ trại tạm giam". Theo hồi ức của Vân Anh, ngay từ lúc bị chiếc còng số 8 bập vào tay, chị ta đã xác định chắc chắn "dựa cột". Ngày cấp tòa sơ thẩm, rồi đến cấp phúc thẩm tuyên y án tử hình cũng thế. Cái cảm giác sẽ chết, chấp nhận cái chết và mong nhanh chóng được thi hành án cứ bám chặt lấy đầu óc chị ta.
Được nhập trở lại trại tạm giam sau cái án tử hình, Vân Anh có phần phá phách và tỏ rõ thái độ tiêu cực. Vậy nhưng những hành động ấy cũng chỉ loáng thoáng qua, rồi thay vào đó là trạng thái trầm cảm. Vân Anh vẫn còn nhớ như in, sáng 30/7/2005, chị ta được một nữ quản giáo, rồi hai người và nhiều hơn thế thay nhau đến an ủi, động viên viết đơn xin Chủ tịch nước xá tội chết. Chị ta kiên quyết chối từ. Những ngày tiếp sau cũng vậy, cán bộ trại tạm giam vẫn kiên trì thuyết phục. Họ không tiếc lời động viên và dành cho nữ tử tù những tình cảm yêu thương, gần gũi nhất. Đáp lại, Vân Anh vẫn cứ trơ trơ như hòn đá cuội.
Nhưng đến ngày thứ 7 (thời hạn cuối cùng), chị ta không thể cầm lòng nổi. Mang cơm vào cho phạm nhân, nữ quản giáo bảo với Vân Anh: "Em không sống vì mình cũng phải sống vì con và vì mọi người xung quanh chứ". Vân Anh gục đầu vào vai nữ quản giáo và òa khóc. Để rồi chị ta xin giấy bút viết một mạch kín gần 2 trang giấy với những nét chữ ngả nghiêng.
"Mạng sống con người là trên hết. Cháu phận gái nữ nhi, không hiểu gì luật pháp. Cháu đã ham lợi nhuận mà đánh mất bản thân. Hôm nay, cháu thật xấu hổ phải viết đơn này lên khiếu bác. Cháu mong bác mở rộng lòng khoan hồng. Cho cháu được sống trên con đường cải tạo vì cháu còn mẹ già và 2 con nhỏ".
Đơn xin được sống của tử tù được gửi đi, để rồi hơn 6 năm sau, ngày 19/11/2009, chị ta bất ngờ được "tái sinh". Có lẽ xét thấy người đàn bà này vẫn còn có thể cải tạo, giáo dục được nên Chủ tịch nước đã chấp nhận lá đơn. Hôm Giám thị Trại tạm giam Hòa Bình cầm quyết định xá tội xuống khu giam giữ đặc biệt, tất cả những người có mặt ở đây đều hồ hởi chúc mừng chị ta. Vân Anh úng mãi chẳng nói được gì, ôm ghì lấy nữ quản giáo đứng gần nhất khóc như mưa.
Theo VNE
Những sát thủ... cuồng yêu gây án mạng kinh hoàng Nông nổi và ích kỷ, họ đã hành động thiếu suy nghĩ để rồi vĩnh viễn khép lại tương lai, kẻ vào tù, người mãi mãi đi về thế giới bên kia... Vũ Văn Đông Gần đây, tại Hà Nội liên tục xảy ra các vụ giết người do cuồng yêu. Thủ phạm là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, chỉ...