Vụ thảm án, bắt cóc trẻ em: Nỗi đau dai dẳng
Vàng My Ly và Vàng Mý Lềnh, hai cháu bị bắt cóc trong vụ giết người bắt cóc 5 đứa trẻ làm chấn động dư luận năm 2007 ở Hà Giang đang có cuộc sống bình yên ở Trung tâm Bảo trợ tỉnh Hà Giang.
Trong số 5 đứa trẻ được giải thoát trở về, thì chỉ còn anh em nhà họ Vàng vẫn ở lại trung tâm, còn các cháu khác đã được nhận làm con nuôi. Khi được hỏi vì sao không đi làm con nuôi, Vàng Mý Lềnh sợ hãi: Cháu sợ bị bắt cóc lần nữa.
Cháu sợ bị bắt cóc lần nữa
Câu chuyện đã xảy ra cách đây 4 năm. Và có lẽ, mỗi khi nhắc lại, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng. 12 giờ đêm ngày 27 tháng 2 năm 2007, người dân thôn Nà Coóng, xã Bạch Đích, huyện Yên Minh bị đánh thức bởi những tiếng kêu gào thảm thiết của một đứa bé trong đêm tối mịt mùng. Rất lâu sau đó, người hàng xóm gần nhất mới đến được tới nơi. Và trước mắt họ là một vụ thảm sát kinh hoàng.
Lúc đó Lềnh mới 4 tuổi, còn Ly cũng chỉ hơn 6 tháng tuổi, và Vàng Mý Tính, 6 tuổi đến giờ vẫn bặt vô âm tín, đều bị bắt cóc sang bên kia biên giới. Chúng đã sát hại cả bố mẹ của ba đứa bé này trong đêm kinh hoàng đó. Ký ức non nớt của anh em họ Vàng không còn nhớ gì về những chuyện đã qua. Nhưng những người dân ở đây thì nhớ. Lềnh nay đã học lớp 2 ở Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, thị xã Hà Giang. Trông Lềnh gầy guộc, bé nhỏ, cứ ôm cậu em vào lòng. Lâu lắm rồi, không có ai đến thăm chúng. Ngày Lềnh và Ly được công an Trung Quốc tìm và trao trả về Việt Nam sau vụ giết người bắt cóc làm chấn động dư luận từ năm 2007 lúc đó, chúng còn quá bé. Hai đứa cứ ngơ ngác, không hình dung được nỗi đau mà chúng đang phải gánh chịu.
Còn giờ đây, chúng đã quen với cuộc sống không có gia đình, quen gọi các cô chú ở trung tâm bảo trợ này là cha và mẹ. Lềnh 8 tuổi, người bé như cái kẹo nhưng khá thông minh và nhanh nhẹn. Cậu có vẻ học giỏi, chữ viết khá đẹp, và nắn nót. Nhưng đôi mắt thì buồn thẳm. Và có vẻ như ngại giao tiếp. “Lâu rồi không có ai đến thăm anh em cháu, ngày tết, chỉ có chú đến thăm thôi. Bà nội cháu già rồi, lâu lắm không có tin gì về bà cả”. “Cháu có thích được nhận làm con nuôi không?”. “Cháu cũng thích, nhưng bà không cho”. “Vì sao bà không cho?”. “Vì bà sợ hai anh em cháu bị bắt cóc lần nữa”. “Cháu có nhớ gì về lần bị bắt cóc đó không?”. Lềnh lắc đầu, ôm Vàng Mý Ly thật chặt, giọng lí nhí: “Cháu sợ…”. Vòng tay của một cậu bé 8 tuổi, vốn đang cần được chở che, còn quá non nớt, chưa đủ mạnh để che chở cho em, làm chúng tôi cay cay sống mũi.
Hai anh em Lềnh và Ly được ở chung trong căn phòng nhỏ tại tầng 2 khu Trung tâm Bảo trợ của tỉnh Hà Giang. Bé Ly năm nay 4 tuổi, đang theo học mẫu giáo ở gần đó. Hai anh em đều được hưởng theo chế độ chung như những đứa trẻ mồ côi ở đây. Mỗi tháng 500 ngàn đồng, cả ăn uống, học hành. Nhưng khi được hỏi, cháu có muốn về nhà không, thì Ly lí nhí: “Cháu nhớ bố mẹ, cháu muốn được về nhà”. Dù ngôi nhà của nó nằm heo hút trên một quả đồi, dù có thể quanh năm, nó sẽ chẳng được nếm mùi của phố xá, thành thị, nhưng nó vẫn thèm được về nơi mà nó sinh ra. Dù ở đó, cuộc sống của nó sẽ không được đủ đầy như ở đây.
“Cháu còn nhớ nhà cháu ở đâu không?”. Lềnh lắc đầu, “xa lắm, cháu không nhớ nữa, chỉ nhớ là một bản gì đó, xa lắm cô ạ. Cháu chỉ được các cô chú ở đây kể lại”. Trông nó rất buồn và ra dáng làm anh dù nó mới chỉ 8 tuổi, cái tuổi còn hồn nhiên và vô tư lự. Các cô trực tiếp chăm nuôi hai anh em bảo: “Lềnh tự giác và rất người lớn. Nó nhường nhịn em, và bảo vệ em nó ghê lắm. Hình như, những ám ảnh mơ hồ đã vô tình làm cho nó sợ hãi. Hồi đầu mới về, cả hai đứa im lặng, ít nói, đêm thường khóc thét lên sợ hãi. Nhưng giờ thì ổn rồi. Có lẽ chúng cũng biết được thân phận của mình”.
Nhiều trẻ mồ côi ở Trung tâm Bảo trợ tỉnh Hà Giang đã được các gia đình nhận nuôi. Nhưng bà nội của Ly và Lềnh nhất quyết giữ hai cháu bé ở lại. Dù biết, khi được nhận làm con nuôi, các cháu sẽ có cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng nỗi sợ hãi khiến bà cương quyết không thay đổi ý định.
Cả hai đứa đều bé nhỏ, gầy guộc. Ly còn phát âm chưa rõ. Nó len lén nhìn những người khách lạ như nhìn về một thế giới xa xôi nào đó. Nó cứ đứng nem nép bên cạnh anh, ôm lấy vai anh trai. Có lẽ nó hiểu, đó là chỗ dựa duy nhất cho nó lúc này. Dù được bao bọc và chia sẻ trong vòng tay của những con người thiện nguyện ở Trung tâm Bảo trợ, thì Lềnh và Ly vẫn mang gương mặt hoang dại của những đứa trẻ bị mất gia đình quá sớm. Nỗi buồn, nỗi cô đơn, hằn lên trong ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ. Dù chúng còn quá nhỏ để hiểu điều khủng khiếp đã xảy ra với gia đình mình.
Ký ức sợ hãi
Câu chuyện xảy ra từ năm 2007, xã Bạch Đích, Yên Minh, Hà Giang chìm trong tang tóc. Những cái chết, những dòng nước mắt, những ký ức kinh hoàng khắc sâu trên gương mặt những người dân ở đây. Vàng Mý Lềnh và Vàng Mý Ly là con trong một gia đình dân tộc Mông ở Bạch Đích. Anh Say, bố của hai đứa bé làm nghề lái trâu nên thường xuyên có quan hệ với nguời nước ngoài. Gia đình anh sinh sống trên một quả đồi rất lớn có 5 gia đình xung quanh, nhưng khoảng cách giữa các gia đình rất xa. Đêm định mệnh của gia đình xấu số, anh Say thấy có người gõ cửa rất muộn, bèn dậy mở. Rồi anh đi theo đám người, không quay lại. Bà Thào Thị Say, mẹ của anh, là nhân chứng sống của vụ án, giờ đã già yếu, sốt ruột lọ mọ dậy thì bị đánh một gậy vào đầu bất tỉnh nhân sự.
Một đám cướp đột nhập vào nhà nhưng không lấy của cải, tiền bạc. Chúng lẻn lên trên nhà, chỗ ba đứa bé đang ngủ cùng mẹ, giết chết chị Sùng Thị Rúa và cướp ba đứa con trai của anh Say. Sau này, chính cụ thân sinh anh Say kể lại rằng: “Đêm hôm đó, chính con trai tôi mở cửa cho chúng vào nhà. Sau đó, tôi đi ngủ và không để ý cho đến khi bọn chúng dùng gậy đánh vào đầu khiến tôi ngất đi, không biết điều gì đã xảy ra. Trong số các đối tượng đến nhà tôi hôm đó có tên Lềnh (người Trung Quốc), lấy vợ ở thôn Há Già, xã Thắng Mố, huyện Yên Minh (Hà Giang) người này vẫn thường xuyên đi lại với con trai tôi”.
Anh Say bị đánh chết nằm còng queo sau một quả đồi, phải mất hơn một ngày, Công an tỉnh Hà Giang mới tìm thấy thi thể.
Đến bây giờ, Vàng Mý Tính, cậu con trai bị bắt cóc của gia đình anh Say vẫn bặt vô âm tín.
Cũng thời điểm đó, ở Yên Minh còn xảy ra một vụ thảm sát khác, ở Sủng Tráng, Yên Minh. Hai đứa trẻ con họ Giàng, Giàng A Pó và Giàng Thị Máy trở thành những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Giờ thì Máy và Pó đã được nhận làm con nuôi. Chúng đã có một cuộc sống khác, và chắc hẳn sẽ bình yên hơn.
Chúng tôi rời Trung tâm Bảo trợ tỉnh Hà Giang khi trời vừa sẩm tối. Hoàng hôn phố núi khi chớm vào đông buồn se sắt. Chúng tôi không quên được đôi mắt buồn hoang dại của hai anh em Vàng Mý Lềnh và Vàng Mý Ly khi chào tạm biệt chúng tôi. Giờ này, linh hồn của bố mẹ hai đứa trẻ đã đi rất xa, kẻ thủ ác đã bị trừng trị. Nhưng nỗi đau, những hậu quả từ một vụ án khủng khiếp vẫn còn dai dẳng trong ký ức của những đứa trẻ vô tội. Không biết rồi mai đây, số phận chúng sẽ đi về đâu?
Rất nhiều trẻ em vùng cao trở thành nạn nhân của những vụ giết người bắt cóc man rợ. Bọn tội phạm chủ yếu là người quen, có quan hệ với người nước ngoài, và hoạt động theo đường dây. Những đứa trẻ bị bắt cóc không có cơ hội trở về, đứa may mắn thì được bán làm con nuôi. Nhưng rất nhiều trẻ em đã trở thành nạn nhân của những đường dây mua bán nội tạng dã man. Số phận và cuộc sống của những đứa trẻ vùng núi vốn hoang dã, mong manh. Chúng rất cần được che chở và bảo vệ của cộng đồng.
Ông Trần Quang Bắc, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Hà Giang.
Các cháu được trao trả sau vụ án giết người bắt cóc trẻ em bán qua biên giới năm 2007 đều đã được bình yên. Chúng tôi luôn cố gắng để giúp các cháu hòa nhập nhanh vào cuộc sống của cộng đồng. Hai cháu Ly và Lềnh là những đứa trẻ nhận được nhiều ưu ái hơn cả. Nhiều gia đình thương cảm, muốn nhận hai cháu làm con nuôi, nhà bà nội nhất quyết không cho. Trước mắt, hai cháu cứ sống ở đây, nhưng về lâu dài, tôi cũng nghĩ, sẽ có một cách nào đó giúp các cháu có cuộc sống tốt hơn.
Theo ANTD
Rờn rợn đối mặt với gã tâm thần từng ăn thịt người
Pẩu từng là nỗi kinh hoàng của người dân nơi đây khi gây ra vụ sát hại dã man một bé gái trong cơn điên loạn...
Video đang HOT
Hà Văn Pẩu chuẩn bị ăn bữa trưa. Trước mặt anh ta là một khay nhựa có nhiều ngăn, ngăn to nhất đựng cơm mà tôi đoán cũng phải hơn 1 bát ôtô, một quả trứng, một miếng chả rim rất to, rau và canh. Hỏi Pẩu có ăn hết chỗ cơm này không, Pẩu gật đầu. Pẩu ăn một mạch. Cắm cúi. Đầu không ngẩng lên. Cái kiểu ăn của những người "ăn rồi bảo chưa". Loáng cái đã hết veo. Đôi mắt Pẩu vẫn dại nguệch nhưng chợt ứa ra hai giọt nước long lanh khi tôi hỏi Pẩu có muốn về nhà không. Pẩu gật đầu: "Em muốn về nhà lắm, về nhà còn lấy vợ sinh con". Nhìn thấy điện thoại của tôi, Pẩu ghé vào nói: "Alo, anh Đoàn ơi, anh lên đón em về nhà đi, cả em Xôi nữa, lên đón anh về đi".
Kẻ tâm thần bị ruồng bỏ
Hà Văn Pẩu, SN 1974, trú tại thôn Nà Pản, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Pẩu từng là nỗi kinh hoàng của người dân nơi đây khi gây ra vụ sát hại dã man một bé gái trong cơn điên loạn vào năm 2008. Nạn nhân là bé Hoàng Thị D (SN 2002), một người hàng xóm của Pẩu. Do Hà Văn Pẩu bị bệnh tâm thần phân liệt Paranoid nên Pẩu bị điều trị bắt buộc ở Viện giám định pháp ty tâm thần Trung ương. Trước đó, Pẩu từng được gia đình đưa xuống bệnh viện tâm thần điều trị vào tháng 5-1999 và tháng 4-2000, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ra Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Hà Văn Pẩu, đưa đến Bệnh viện Giám định pháp y Tâm thần Trung ương để chữa trị.
Ngày 11-10-2011, Hà Văn Pẩu được đưa về trụ sở UBND xã Đồng Giáp và giao cho địa phương tiếp nhận, quản lý. Nhưng một người anh và một người em trai của Pẩu là Hà Văn Đoàn và Hà Văn Xuôi đều từ chối nhận Pẩu về nhà. Họ bị ám ảnh bởi tội lỗi mà Pẩu gây ra. Không chỉ anh em Pẩu, đến hàng xóm cũng phản đối rầm rầm. Không ai muốn một kẻ từng gây ra vụ án kinh hoàng ấy ở gần nhà mình. Họ sợ một ngày nào đó, Pẩu lại lên cơn, và sẽ có một đứa trẻ khác là nạn nhân.
Vậy là, Hà Văn Pẩu được đưa trở lại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I sau 2 ngày về quê. Ở quê, anh ta cũng không được về nhà người thân (nhà Pẩu thì đập đi rồi nên không còn chỗ nào cho anh ta về). "Mẹ em định xây nhà cho em nhưng chưa kịp xây thì mẹ em chết rồi" - kể chuyện này, mắt Pẩu ngân ngấn nước. "Em thương mẹ lắm, không còn nước mắt để khóc. Về quê mà không kịp thắp hương cho mẹ. Em nói với em Xôi (đọc đúng phải là Xuôi), lần sau anh về, em đưa anh ra mộ thắp hương cho mẹ"...
Cứ nghe những lời lẽ này thì có thể Pẩu đã thành người... bình thường mất rồi, nhưng khi hỏi về tội lỗi mà anh ta đã gây ra, Pẩu thành thật: "Sau này về, em sẽ lấy vợ, đẻ con rồi vứt vào nhà nó (tức nhà bố mẹ cháu D)". Theo Pẩu thì đó là cách để anh ta chuộc tội. "Trên nhà anh có phong tục ấy à, hay là tự anh nghĩ ra?" - tôi hỏi. "Có đấy. Có phong tục ấy mà" - Pẩu đáp và giương đôi mắt dại nguệch nhìn tôi.
Câu chuyện của người tâm thần, dù đã được "cấp giấy" trở về xã hội, được trở lại làm người bình thường, vẫn có vẻ gì đó... không bình thường. Pẩu thường lan man sang chuyện khác, và trong câu chuyện, Pẩu có ý trách "anh Đoàn" và "em Xôi" đã mắng anh ta, không cho anh ta về nhà. Thậm chí, "em Xôi có xe máy mà chẳng bao giờ cho em đi", còn "nhà anh Đoàn xây to lắm, đẹp lắm...".
Em muốn lấy vợ, sinh con
- Anh Pẩu có nhớ chuyện cũ không?
- Có, nhớ vợ, vì em yêu vợ mà.
- Hai người yêu nhau mấy năm thì cưới?
- 2-3 năm đấy.
- Vậy hai người ở với nhau bao lâu thì chị ấy bỏ đi?
- 4-5 tháng thôi. Khi cưới tốn nhiều tiền lắm, tốn tiền triệu đấy, tốn hết mấy triệu đấy.
- Anh lấy tiền ở đâu để cưới vợ?
- Mẹ em cho, mẹ em là giáo viên mà. Dạy 4-5 trường đấy.
- Vì sao mà vợ anh lại bỏ đi?
- Vì em yếu mà.
- Vợ bỏ đi, anh Pẩu có buồn không?
- Buồn chứ, cưới vợ mất nhiều tiền mà. Buồn nên một lần nhảy xuống suối, một lần nhảy xuống sông Kỳ Cùng.
- Lúc đấy nghĩ gì mà lại quẩn thế? Mình tự tử thì vợ mình có về với mình đâu.
- Em buồn chán nên nhảy xuống sông Kỳ Cùng, em biết bơi nên lại lên bờ, không biết bơi thì chết rồi.
- Bây giờ mà vợ quay về, anh có vui không?
- Vui chứ. Nhưng vợ lấy chồng, có hai con rồi.
- Trước đây anh làm gì để sống?
- Cũng làm ruộng, làm vườn, làm nương thôi.
- Anh có sợ âm thanh không? Ví dụ như tiếng chó sủa?
- Em thích tiếng chó sủa lắm.
- Anh Pẩu có hay uống rượu không?
- Có, em uống từ bé.
- Nếu để uống thoải mái thì mỗi ngày anh uống hết mấy chai?
- Một chai. Không biết được, có nhiều uống nhiều.
Hà Văn Pẩu đang được bác sĩ khám bệnh
- Vì nguyên nhân gì mà anh Pẩu lại làm hại bé D?
- Vì em bị yếu...
- Bây giờ anh mong muốn điều gì?
- Em mong muốn bác sĩ cho em về nhà làm ăn thôi, còn ở đây đông người khó chịu lắm.
- Có muốn lấy vợ không?
- Có muốn. Muốn lắm.
- Lấy vợ thì hai người làm gì để sinh sống?
- Hai người làm ruộng, làm vườn trồng cây hoa quả thôi.
- Ở quê có nhiều đất không?
- Nhiều đất lắm, chỉ sợ không có sức khỏe làm thôi.
- Về nhà thì anh có ngại gia đình cháu D không?
- Ngại chứ.
- Nhà anh có gần nhà cháu D không?
- Gần lắm, chỉ cách khoảng nửa cây số thôi. Nhà nó làng dưới mình làng trên.
- Nếu anh gặp bố mẹ cháu D, anh có xin lỗi không?
- Xin lỗi chứ. Trước mình làm sai với nó, sau này lấy vợ sinh con sẽ trả cho nó một đứa.
- Anh tự nghĩ ra thế hay là quê anh có phong tục như thế?
- Có phong tục như thế mà. Mình lấy của nó đứa con thì phải trả cho nó thôi.
- Việc làm hại bé D, anh thấy có lỗi không?
- Lỗi to lắm. Trước đây em lên cơn điên thì em làm thế, em không nhớ gì cả. Công an vào bắt luôn, chưa kịp...
- Đêm qua anh ngủ được không?
- Đêm qua không ngủ được, bác sĩ xem thế nào cho thuốc để ngủ được chứ không thế này thì chết mất.
- Thế ăn thì thấy ngon miệng không?
- Ngon chứ. Không ăn được thì chết.
- Ở đây anh quý ai nhất?
- Ở đây quý bạn bè cùng buồng, thân với anh Đông nhất, trước cũng nằm khoa 6.
- Còn quý bác sĩ nào nhất?
- Nhiều lắm, bác sĩ Tài, Tiến...
- Anh Pẩu ơi, bây giờ gia đình anh lên đón có về không?
- Có, em thích về nhà lắm, về nhà kiếm việc làm, có tiền mua ăn uống thoải mái.
- Anh có muốn nói gì với gia đình mình? Với anh Đoàn và em Xôi ý?
- Anh Đoàn hôm trước chửi em.
- Biết rồi, nhưng bây giờ có muốn nói gì với anh Đoàn không?
- A lô, anh Đoàn ơi, em muốn về nhà, anh lên đưa em về đi. Cả em Xôi nữa, anh muốn về nhà, em lên đón anh về đi.
Pẩu ngọng ngịu phát âm tiếng phổ thông, anh ta chỉ học hết lớp 4, "vì mải chơi nên học không vào". Cầm bút, Pẩu run run viết tên mình vào cuốn sổ của tôi, loằng ngoằng như giun. Và Pẩu chậm rãi đi về buồng. Nhìn theo cái vẻ run lẩy bẩy như người cớm nắng của anh ta, chợt thấy xót xa. Không có gì hết, hành trang cho ngày mai dài dằng dặc nhưng tối như hũ nút của Pẩu chỉ là một chứng bệnh tâm thần. Thế nhưng, con người khốn nạn ấy vẫn mơ về một mái nhà, có vợ, có con, hằng ngày cuốc cày chăm bẵm vườn tược... Giá cả đời này, Pẩu cứ điên điên dại dại chứ đừng một phút giây tỉnh táo, để mà biết rằng, ngay cả gia đình cũng rất sợ sự quay về của anh ta...
Bác sĩ Dương Văn Lương, Phó giám đốc Viện giám định pháp y tâm thần TW: Bệnh nhân Hà Văn Pẩu cần được gia đình quan tâm, chính quyền địa phương hỗ trợ. Xã hội không nên xa lánh những người bệnh tâm thần như Pẩu.
Tiến sĩ - bác sĩ cao cấp Tô Thanh Phương - Trưởng khoa 4, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: trường hợp như Hà Văn Pẩu nếu đưa về nhà thì chỉ cần tiêm thuốc phòng 1 tháng 1 lần, kết hợp uống thuốc trầm cảm thì sẽ không có gì phải lo ngại. Bác sĩ Phương cũng cho biết, Pẩu có tư duy khá logic nhưng phải được sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, chính quyền địa phương thì anh ta sẽ hoàn toàn bình thường.
Theo ANTD
Những kiều nữ "bán hồn" cho ác quỷ, Kỳ2: Thế giới ảo, phạm tội thật Một con đường mới dễ dẫn tới hành vi phạm tội: Thế giới ảo. Sa chân vào thế giới ấy, để thoả mãn cơn nghiền thái quá vật vã trong người, nhiều cô cậu đã nhúng tay vào tội ác ngoài đời... Tuổi thơ lêu lổng Ánh non nớt tựa như chồi xanh mới nhú nhưng bây giờ cô trở nên già nua,...