Vụ TGĐ đánh người ở sân golf: “Kỷ luật không phải để trù dập”
“Tinh thần kỷ luật đưa ra là để giáo dục, là bài học sâu sắc trong ứng xử đối với các mối quan hệ, chứ kỷ luật không phải để trù dập”, Phó Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội nói.
Vụ việc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Đức Sơn dùng gậy golf đập vào đầu nhân viên caddie Trương Tiến Công một lần nữa lại được báo chí đề cập tại buổi giao ban báo chí thành ủy Hà Nội chiều 8/10.
Ông Nguyễn Đức Sơn bị khiển trách vì hành vi dùng gậy golf đập vào đầu nhân viên phục vụ làm nhân viên này ngất xỉu. Ảnh IT
Ban tuyên giáo Thanh ủy một lần nữa khẳng định, vì liên quan đến vấn đề cán bộ nên Hà Nội đã nghiêm túc xử lý vụ việc này. Tuy nhiên dư luận và báo chí lại đề cập: việc xử lý kỷ luật của UBND TP Hà Nội với mức khiển trách như vậy có nhẹ quá không?
Trao đổi về vấn đề này, Phó Ban tuyên giáo thành ủy Phan Đăng Long cho rằng: “Nhẹ hay nặng do nhận thức của mỗi người”. Với người trọng danh dự thì chỉ cần một lời phê bình nhẹ thôi cũng đã đủ để họ nhận thức được nhiều điều.
Bày tỏ quan điểm của mình trong kết quả xử lý vụ việc này, ông Long cho biết: “Cá nhân tôi thấy thấy hình thức xử lý như vậy là phù hợp. Vì đây là ứng xử ngoài xã hội chứ không phải trong môi trường làm việc”.
Ngoài ra khi xảy ra sự việc, bản thân anh Sơn cũng đã có biện pháp giải quyết trực tiếp là đền bù, rồi xin lỗi anh Công.
Video đang HOT
Theo ông Long, dù mức độ xử lý có ở mức cao hơn hay thấp hơn nữa thì vẫn là một bài học lớn cho ông Sơn.
“Tinh thần kỷ luật đưa ra là để giáo dục, là bài học sâu sắc trong ứng xử đối với các quan hệ, chứ kỷ luật không phải để trù dập. Với hành vi xử sự thiếu kiềm chế như vậy, hậu quả nặng nề nhất đối với anh Sơn chính là sự lên tiếng của dư luận trong thời gian qua”.
“Với tinh thần vị tha, chúng ta cũng không nên xem xét ở góc độ kỷ luật nặng hay nhẹ nữa, vấn đề là anh Sơn sẽ sửa chữa thế nào” – ông Long nói.
Trả lời về việc có hay không chuyện cá độ tiêu cực đằng sau sự việc này của ông Sơn, Phó Ban tuyên giáo cho rằng, việc này không nên phỏng đoán. Sự việc đó có hay không thuộc thẩm quyền của các cơ quan có thẩm quyền, và không nên suy đoán vội vàng.
Trước ý kiến nêu về việc có nên tham mưu để Hà Nội cấm cán bộ công chức chơi golf như cách Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã từng làm trước đây không? Ông Long cho đây là một câu hỏi khó.
“Cá nhân tôi cho rằng việc chơi golf thuộc sở thích của mỗi người. Dù chơi golf hay chơi gì chăng nữa thì quan trọng là phải không vi phạm phẩm chất đạo đức và phù hợp với quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, với mức thu nhập như vậy, công chức lấy tiền đâu chơi golf? Đại diện ban tuyên giáo cho rằng, nếu nhìn vào thu nhập của công chức thì khó có thể chơi golf được. Nhưng bên cạnh đó, công chức có thể còn có nhiều nguồn thu nhập khác như buôn bán đầu tư chứng khoán, đất đai, hay thừa kế tài sản… Ông Long cho rằng, không thể nhìn vào thu nhập của công chức mà vội vàng quy kết được.
Trước đó vào chiều 7/10, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành cho biết, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Đức Sơn – người có hành vi dùng gậy đánh gofl đánh vào đầu nhân viên caddie Trương Tiến Công vào ngày 15.9 tại hố gofl số 13, sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) làm nhân viên này ngất xỉu.
Theo infonet
Thương...cho gậy vào đầu
Bạo lực xuất phát từ sự lộng hành của quyền lực không bị kiểm soát cộng với thói vô đạo đức của bộ phận những kẻ cậy vào tiền bạc, không còn là thứ gì lạ lẫm.
Ngay cả khi nạn nhân tha thứ cho kẻ hành hung mình thì liệu dư luận có thể thông cảm phần nào với thói vũ phu của ông Nguyễn Đức Sơn?
Nhưng có một thứ cũng thành quen thuộc với thế giới là sự tàn phá khủng khiếp, gây ra bởi những kẻ bị bạo hành mà không được bênh vực. Đó là tai hoạ không trừ quốc gia nào, là gốc của loạn và chúng ta không thể né tránh nếu thực sự mong muốn có một tương lai yên bình.
Mặc dù có vô số chuyện đau lòng do bão lụt, tai nạn, cháy nổ, bắn giết nhau nhưng tuần qua xã hộixứng đáng được hưởng một cú xả stress ngoạn mục trước thông tin chỉ có 1% công chức là không hoàn thành nhiệm vụ. Đáng thở phào quá đi chứ. Vấn đề luôn bức xúc dư luận nhất bao nhiêu năm qua là chúng ta nuôi một bộ máy quá cồng kềnh, thừa tới 30 phần trăm công chức, tức có khoảng 700-800 ngàn cán bộ ăn lương ngân sách nhưng chỉ đến cơ quan để láng cháng, hoá ra chỉ là tin thất thiệt! Đồng bào cứ yên tâm mà đóng thuế, coi như chỉ có gần 1% tiền chi cho dịch vụ công là thất thoát thôi. Với tỉ lệ đó thì ngay cả Châu Âu hay Singapore cũng phải cắp sách đến mà học nhé!
Nhưng đúng là thời buổi này kiếm được một niềm vui trọn vẹn quả là quá khó. Chưa kịp hân hoan ăn mừng cho bõ bao năm ấm ức thừa, thì đã lại có vụ việc nhức đầu xiên ngang vào, làm mất hết cả hứng. Vẫn chuyện đánh đấm nhưng lần này không phải gây ra bởi đám côn đồ đầu đường xó chợ hay đám thanh niên đầu xanh đầu đỏ, mà gắn với đại gia Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch-Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội? Thông tin lấy từ biên bản của Ban quản lý sân golf Tam Đảo, được vài báo nhanh nhẩu đưa lại thì trong một cơn cáu giận do chơi golf kém, ông Sơn một gậy Putter vào đầu caddie Trương Tiến Công, khiến anh này ngất đi, đổ vật xuống, phải nhập viện. Còn theo giải thích của ông Sơn thì đó là cách ông đứng vai cha chú dạy bảo con cháu theo kiểu "thương thì cho roi cho vọt". Vì ông không kiểm soát được cữ tay nên mới xảy ra như vậy. Nghe cũng mủi lòng đấy chứ. Dễ gì được một người như ông Nguyễn Đức Sơn coi là con cháu trong nhà. Còn hơn lời đảm bảo cả đời no ấm!
Xin tất cả hãy bình tĩnh, kẻo oan cho người có tấm lòng Bồ Tát. Cái gì cũng phải tỉnh táo mà xem xét. Trước hết ta hãy ngó qua chiếc "roi" mà ông Nguyễn Đức Sơn dùng để "bày tỏ lòng yêu thương" với anh Trương Tiến Công-như lời ông trần tình-có gì đặc biệt (bởi roi của đại gia không thể bình thường), nó có giống như loại roi các cụ ta vẫn dùng để dạy con cháu và có đúng với định nghĩa của từ điển về thứ được gọi là "roi" hay không? (Tiện đây xin trích tự điển tiếng Việt, giải thích vắn tắt về "roi" như sau: Một loại que rẻo, thường vót từ nan tre, sợi mây... dùng để đánh). Nó, chiếc roi của ông Sơn, là một chiếc gậy Putter. Gậy Putter là thứ gì thì cũng lần đầu tiên trong đời tôi biết về nó. Đó là một dụng cụ thể thao đắt tiền, sáng loáng mầu kim loại. Putter là loại gậy được dùng nhiều nhất trong sân golf, trong một trận golf. Bạn đọc có thể vào google, phần hình ảnh, để mục sở thị "chân dung" của nó. Phần dùng để gạt quả bóng vào lỗ, cũng chính là phần tiếp xúc với đầu anh Công sau cú ra đòn của ông Sơn, to như cái đế giầy. Là gậy thì trông nó khá ngộ nghĩnh. Nhưng nếu dùng để làm roi thì có thể so với cây Thiết bổng của Tôn Đại Thánh một đập tan thây mọi yêu quái. Thực sự với cái dụng cụ hầm hố đó, hoàn toàn có thể dùng để giết người.
Đến đây chắc hẳn có nhiều người giống tôi, rất tò mò muốn biết ông Nguyễn Đức Sơn là ai mà có sở thích dùng roi kỳ dị và ấn tượng như vậy, để dậy bảo người mà ông coi như con. (Tất nhiên là sau khi người được dạy bảo chết ngất, còn trước đó thì anh Công chỉ là một caddie, kẻ phục vụ, đừng có mơ thấy người sang bắt quàng làm họ?) Bản thân tôi cũng rất muốn biết thực sự ông ta là ai mà những dòng tin đầu tiên về sự cố đánh người trên sân Tam Đảo chỉ có tờ Dân Trí onlie là đưa đầy đủ, còn khá nhiều tờ báo điện tử khác có ý né (để còn nghe ngóng xem có nguy hiểm không), chỉ nêu tên, chức vụ người "xuất chiêu" nhưng không nêu tên Công ty mà ông Sơn đang làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc? Một nhân vật như vậy không nhiều quyền thì cũng nhiều lực? Về quyền thì chúng ta chỉ biết ông phụ trách một Công ty. Còn về lực thì nó gắn với tiền. Chúng ta sẽ không bao giờ biết ông Sơn giầu cỡ nào nhưng có thể suy đoán mức độ giầu có của ông từ cách mà ông tiêu tiền.
Muốn có cái thẻ Hội viên tại sân golf Tam Đảo, ông phải chi ra ít nhất là 800 triệu đồng. Người ít tiền thì quên khẩn trương. Thêm vào đó là 17 triệu đồng mỗi năm cho phí bảo trì sân golf. Nhưng để có thể chơi golf, còn cần đến bộ dụng cụ, giầy, áo, mũ...tuỳ mức mà có thể lên tới từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ. Nhưng những chi phí ban đầu đó chỉ là muỗi so với số tiền phải bỏ ra trong quá trình chơi golf.
Mỗi lần vào sân, như loại 18 lỗ ở Tam Đảo, rẻ cũng mất ngót nghét 2 triệu, đắt có thể gấp đôi. Người đã dám vào sân golf thường là những người chịu ăn ngon, chịu chơi sang, chịu chiều người đẹp đi cùng, chịu ngủ nghỉ ở những khách sạn sang trọng và số tiền cho những việc ấy không thể tính đếm theo kiểu thủ công được. Tóm lại, lương kịch kim 36 triệu đồng (hoặc 50 triệu đồng sau khi nhân hệ số tối đa) mỗi tháng cũng xin mời đứng ngoài sân golf mà ngó vào.
Ông Nguyễn Đức Sơn có bao nhiêu tiền, chảy vào túi ông từ nguồn nào không phải là vấn đề quan tâm của bài viết này bởi có thể chính ông cũng không biết hết. Nhưng hẳn ông phải biết mình là ai, đang sống giữa thời buổi nào? Đơn giản hơn, ông phải biết rất rõ cái đầu người luôn khác xa với bất cứ vật gì? Thế mà ông lại hành động nhằm vào cái đầu y hệt như khi ông nhằm vào quả bóng golf? Đã vậy ông còn bao biện, nói dối trơn tru là xuất phát từ ý muốn dạy bảo? Ông định dạy bảo điều gì thông qua hành động man rợ ấy? Hay ông quen tay hành xử theo cách của người có quá nhiều quyền lực trên thực tế? Làm chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc một Tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực nhà ở, ông có thể ban phát cho rất nhiều đối tượng, đủ sức thay đổi cuộc đời của rất nhiều thành phần, quen được nghe cầu cạnh, được thấy cấp dưới phục tùng vô điều kiện, quen được người khác coi ý mình là ý giời...không có nghĩa là ông thích làm gì với người khác cũng được, kể cả với con cái ông. Đánh bằng cây gậy putter vào đầu một con mèo, cũng đáng bị coi là hành động dã man, kinh dị, huống hồ đây là đầu một người tận tuỵ phục dịch ông thoả mãn tối đa thú tiêu khiển cao cấp.
Ngay cả khi nạn nhân tha thứ cho kẻ hành hung mình thì liệu dư luận có thể thông cảm phần nào với thói vũ phu của ông Nguyễn Đức Sơn? Điều này không còn phụ thuộc vào sự độ lượng, lòng bao dung, mà sẽ được quyết định bởi sự cần thiết hay không cái nguyên tắc sống văn minh mà chúng ta đang nỗ lực thiết lập. Nếu chúng ta có thể bỏ qua được nguyên tắc tôn trọng tuyệt đối quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người khác, đứng đầu trong thang bảng nhân quyền, một quyền to lớn nhất của con người, nó to lớn đến nỗi cả dân tộc đã từng phải đổi bằng máu để giành lại từ tay ngoại bang, thì cứ việc xuê xoa. Nếu chúng ta không định đòi hỏi công dân của mình phải thượng tôn luật pháp trong mọi hoàn cảnh; nếu chúng ta không định coi trọng các tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn văn hoá mang tính bắt buộc với đội ngũ công chức và nếu chúng ta bỏ mặc cho sự lộng hành thoả sức có đất vùng vẫy, thì có thể bỏ qua cho hành động của ông Nguyễn Đức Sơn.
Tôi thì dứt khoát nói không. Tôi muốn thấy lãnh đạo thành phố Hà Nội chứng tỏ họ linh cảm được một tai hoạ tiềm tàng, thuộc loại nguy hiểm, từ vụ việc vừa rồi của nhân viên do họ quản lý. Bởi vì có những nguyên tắc mà nếu xã hội bỏ qua dù chỉ một lần, là mọi giá trị tử tế thiết lập một cách vất vả hàng chục năm sẽ bị phá hỏng theo kiểu Domino ngay tức khắc.
Theo Xahoi
Vụ việc ở sân golf Tam Đảo: Thêm chi tiết mới từ người trong cuộc Như Báo ANTĐ đã đưa tin vụ việc ông Nguyễn Đức Sơn - Tổng Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, dùng gậy chơi golf đánh nhân viên phục vụ tại sân golf Tam Đảo. Để rộng đường dư luận hiểu đúng sự việc, ngày 27-9, phóng viên ANTĐ tiếp tục có buổi làm...