Vụ “tê liệt” sân bay vì mất điện: Do kíp trưởng sai thao tác kỹ thuật
Nguyên nhân bị hỏng UPS lưu điện và “sập” hệ thống điện dự phòng 3 cấp tại ACC Hồ Chí Minh khiến hệ thống điều hành bay tại Tân Sơn Nhất bị tê liệt là do kíp trưởng trực điện thực hiện sai thao tác kỹ thuật.
Thông tin từ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, nguồn điện cung cấp cho hệ thống điều hành không lưu gồm điện lưới và điện máy nổ; những nguồn điện này đều phải dẫn qua thiết bị lưu điện UPS để tránh trường hợp bị ngắt điện đột ngột.
“Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hồ Chí Minh (ACC Hồ Chí Minh) có hệ thống điện dự phòng 3 cấp (có 3 bộ lưu điện UPS). Theo thiết kế, 1 bộ có thể đảm bảo cho toàn bộ hệ thống nhưng khi sự cố xảy ra cả 3 hệ thống dự phòng đều bị sập và ngắt điện cả 3 UPS. Khi mất điện tại ACC Hồ Chí Minh, điện lưới vẫn có nhưng điện cho hệ thống hoạt động điều hành bay bị mất. Vì vậy dẫn đến việc mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành ở ACC Hồ Chí Minh và kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất” – ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Hệ thống điều hành bay tại Tân Sơn Nhất bị tê liệt hôm 20/11
Về mặt kỹ thuật, hệ thống UPS có 3 bộ đấu song song để dự phòng cho nhau. Quy trình kỹ thuật yêu cầu mỗi tuần phải chạy máy phát điện 2 ngày để kiểm tra. Hôm xảy ra sự cố (20/11) là lịch phải vận hành 2 chiếc máy phát điện thay cho điện lưới. Khi chuyển sang điện máy phát thì bộ phận kỹ thuật phát hiện 1 trong 3 UPS bị hỏng, phải cắt tải để khắc phục. Trước đó chiếc UPS bị hỏng đã từng gặp trục trặc vào các ngày 13 và 18/11 nhưng đã được xử lý thành công.
Đáng chú ý, trên cả 3 bộ UPS đều ghi rõ cảnh báo nguy hiểm “Nếu ấn nút cắt tải trong trường hợp đấu nối song song sẽ ngắt toàn bộ thiết bị ra khỏi hệ thống. Lệnh này phải đặc biệt cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi ấn nút, tránh gây mất điện đột ngột cho cả hệ thống”. Tuy nhiên, do không nắm rõ cảnh báo này nên vào ngày 20/11, khi phát hiện 1 trong 3 UPS bị hỏng, kíp trưởng trực điện là ông Lê Trí Tình (Đội bảo đảm môi trường kỹ thuật – Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật – Công ty Quản lý bay miền Nam) đã thực hiện sai thao tác kỹ thuật, cụ thể là chưa thực hiện cô lập UPS hỏng nhưng đã nhấn nút ngắt tải nên 2 UPS còn lại cũng lập tức bị ngắt điện, vì vậy gây sập toàn bộ hệ thống.
Một điều liên quan khác là mặc dù vào thời điểm xảy ra sự cố điện lưới vẫn có, nhưng điện của hệ thống liên lạc và điện chiếu sáng được cấp trước UPS thời điểm đó cũng bị mất cùng lúc. Lý do là điện chiếu sáng và điện liên lạc được đấu qua hệ thống chuyển mạch bị ảnh hưởng từ các thiết bị UPS.
Theo quy định, khi thao tác kỹ thuật phải có 2 người thực hiện để giám sát và kiểm tra chéo nhau. Tuy nhiên ở trường hợp này, vì kíp trưởng trực tiếp thực hiện thao tác nên nhân viên trực kỹ thuật điện không có ý kiến gì. Cho tới khi sự cố xảy ra và việc đấu nối nhiều lần không thành công, bộ phận kỹ thuật mới quyết định đấu trực tiếp điện máy phát vào hệ thống thiết bị không lưu. Bởi vậy, thời gian sập hệ thống điều hành bay bị kéo dài suốt hơn 1 tiếng đồng hồ, trong khi đó nếu làm đúng theo quy trình thì chỉ cần 20 phút.
VATM cho hay, hiện công tác điều tra sự cố vẫn đang được rốt ráo triển khai và sẽ sớm có kết luận chính thức. Từ khi xảy ra sự cố, có ít nhất 5 cán bộ, nhân viên có liên quan đã bị đình chỉ công tác để kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm liên quan, trong đó có ông Trần Cung – Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Quản lý bay miền Nam.
Dù chưa thể thống kê hết những ảnh hưởng do sự cố, nhưng chắc chắn thiệt hại cho các hãng hàng không, hành khách và của chính ACC Hồ Chí Minh là rất lớn. Đây cũng là báo động đỏ cho hệ thống điều hành bay của hoạt động kiểm soát không lưu tại Việt Nam. Trước sự cố này đã xảy ra nhiều sự cố uy hiếp an toàn hàng không do lỗi điều hành bay của lực lượng không lưu.
Theo Dân trí