Vụ tạp chất cà phê trộn pin: “Chủ yếu là doanh nghiệp lừa nhau”
Liên quan đến vụ việc một cơ sở ở thu mua nông sản ở tỉnh Đắk Nông có hành vi trộn tạp chất vỏ cà phê, sỏi và pin rồi bán cho một cơ sở ở Bình Phước để trộn vào hồ tiêu nhằm tăng trọng lượng, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành 1 (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết: “Vụ việc này chủ yếu là các doanh nghiệp lừa nhau, chứ chưa thể tới ngay người tiêu dùng được”.
Sáng ngày 3/5, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện ông và đoàn công tác của Bộ NN&PTNT vẫn đang ở Tây Nguyên để tiếp tục phối hợp với lực lượng công an điều tra, làm rõ vụ việc trên.
Cũng theo ông Dũng, bước đầu đoàn kiểm tra xác định, vụ việc trên chủ yếu là các doanh nghiệp lừa nhau chứ sản phẩm chưa thể đến tay người tiêu dùng ngay được.
“Cơ sở bà Loan ở Đắk Nông làm ra hỗn hợp tạp chất từ vỏ cà phê, sỏi và pin, sau đó bán cho một người trung gian và người này bán lại cho cơ sở của bà Dung ở Bình Phước. Bà Dung mua hỗn hợp này về để trộn vào hồ tiêu xô (hồ tiêu chưa phân loại, gồm cả hạt to, hạt nhỏ và hạt lép) nhằm tăng trọng lượng.
Bà Dung khai, nếu không bị phát hiện lượng hồ tiêu trộn hỗn hợp tạp chất này sẽ được bán cho một doanh nghiệp khác, doanh nghiệp này mua về sẽ phải phân loại rồi mới bán ra thị trường.
Do đó, vụ việc này chủ yếu là doanh nghiệp lừa nhau, phải qua vài khâu nữa hỗn hợp tiêu trộn tạp chất này mới được bán đến tay người tiêu dùng”, ông Dũng giải thích.
Bà Loan, chủ cơ sở sản xuất bị tạm giữ để điều tra về hành vi sản xuất thực phẩm bẩn. (Ảnh: Dương Phong).
Video đang HOT
Trước đó, ngày 15-17/4, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) có hành vi dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và bột pin) để ngâm tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê, bột đá thành 21 tấn tạp chất.
Ngày 23/4, cơ quan công an khởi tố vụ án, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 5 đối tượng gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Loan (chủ cơ sở), ông Nguyễn Xuân Bảo (chồng bà Loan) và Ngô Ngọc Sơn (người trực tiếp thực hiện hành vi nhuộm tẩm than pin) và 2 người khác sau khi có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi của cơ sở bà Loan vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại điều 317 của Bộ Luật Hình sự.
Cơ quan Công an cũng đã truy ra người mua 3 tấn hỗn hợp của bà Loan là Phan Thị Dung (giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, trú khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) nhằm mục đích trộn vào 9 tấn hạt hồ tiêu (tỷ lệ tạp chất là 18,34%). Số hỗn hợp còn lại đã bị tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ.
Nguyễn Dương
Theo Dân trí
Quảng Trị: Thoát nghèo, nuôi 2 con học đại học nhờ trồng cao su, hồ tiêu
Nhận ra những thế mạnh vùng gò đồi, vợ chồng anh Phan Văn Thắng và chị Lê Thị Vân (thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã tích cực mở rộng diện tích trồng cao su, hồ tiêu. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ cây trồng, vật nuôi mà gia đình thoát được nghèo, đầu tư cho con đi học đại học.
Gia trại của gia đình anh Thắng, chị Vân tạo dựng được hôm nay là kết quả của quá trình dài lao động vất vả, khổ cực nhiều năm trời. Chị Vân nói rằng, những vất vả trong buổi đầu lập nghiệp khó có thể kể hết.
Anh Thắng là con trai của vợ chồng ông Phan Văn Quýt (94 tuổi) và bà Trần Thị May (85 tuổi). Những năm kháng chiến, ông Quýt và bà May tham gia cách mạng rồi rời mảnh đất Thừa Thiên Huế ra sinh sống, hoạt động tại Quảng Trị. Ngày đất nước thống nhất, hai ông bà không trở về quê cũ mà chọn định cư ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngày đó khu vực còn rất hoang vu, hẻo lánh, đầy rẫy đạn bom còn sót lại sau chiến tranh.
Nay vợ chồng ông Quýt tuổi đã cao, ông được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, bà May cũng vừa tròn 55 tuổi Đảng. Thế nhưng, ông bà vẫn luôn giáo dục, định hướng cho các con và luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế gia đình, chuyện học tập của con cháu. Tất cả các cháu của ông bà đều ngoan ngoãn, lễ phép, học tập khá, giỏi, trong số đó có 2 người cháu nội đã vào đại học.
Vợ chồng ông Quýt đã góp phần tạo dựng nên cơ nghiệp ban đầu để làm nền móng cho các con hôm nay kế tục phát triển.
Không chấp nhận nghèo đói, vợ chồng anh Thắng đã tích cực mở rộng quy mô sản xuất, trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi bò, lợn để tăng năng suất. Chị Lê Thị Vân cho biết, hiện gia đình có 6 ha cây cao su, khoảng 400 gốc hồ tiêu; ngoài ra còn chăn nuôi bò, gà, thả cá... Tổng thu nhập của gia đình hàng năm đạt khoảng 250 triệu đồng, trong đó, thu hoạch từ cao su khoảng 120 triệu đồng, hồ tiêu khoảng 60 triệu đồng.
Cùng sinh sống dưới một mái nhà, vợ chồng ông Quýt đã định hướng, giáo dục cho con tham gia tốt các phong trào xã hội, chăm lo việc học của các cháu
Ban đầu, dù kinh tế còn khó khăn, chưa có nguồn thu nhập ổn định, song hai vợ chồng chị Vân vẫn quyết tâm đầu tư cho con học tập.
Nhờ trồng cao su, hồ tiêu và chăn nuôi, vợ chồng chị Vân mới có nguồn thu nhập ổn định để chu cấp cho các con học Đại học
Gia đình anh Thắng, chị Vân được xem là hộ dân khuyến học tiêu biểu của thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Anh Thắng, chị Vân có 3 người con và tất cả đều có kết quả học tập đạt loại khá, giỏi trong nhiều năm liền. Hiện cô con gái đầu Phan Thị Thảo Phương (SN 1996) là sinh viên năm cuối Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; cậu con trai Phan Hoài Nam (SN 1999) đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Luật - Đại học Huế; cô con gái út Phan Thị Thảo Sương (SN 2008) đang là học sinh Tiểu học.
Chị Vân cho biết: "Những năm trước hai chị em đi học cùng lúc nên khá vất vả, chi phí học tập nhiều. Tuy nhiên, hai vợ chồng tui cố gắng động viên nhau, nỗ lực lao động để có điều kiện chu cấp cho con học tập. Hiện mỗi tháng, vợ chồng tui phải chu cấp cho hai đứa con học đại học gần 10 triệu đồng."
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh Thắng, chị Vân cũng có nhiều đóng góp cho hoạt động của thôn, xóm và thị trấn. Gia đình ông Quýt thuộc diện chính sách nên các hoạt động xã hội đều tiên phong. Ngoài chăm lo cuộc sống gia đình, chị Vân còn tham gia công tác mặt trận của thôn 4, thị trấn Bến Quan, hoạt động rất năng nổ, nhiệt tình.
Vườn hồ tiêu của gia đình chị Vân đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể
Chị Lý Thị Nga - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Bến Quan cho biết, thị trấn có hơn 1.000 hội viên khuyến học. Trong đó, gia đình ông Quýt được xem là gia đình khuyến học tiêu biểu.
Những năm qua, Hội Khuyến học thị trấn luôn chú trọng xây dựng và phát triển công tác khuyến học, khuyến tài. Thị trấn có 15 chi hội Khuyến học luôn thực hiện tốt các phòng trào xây dựng "Gia đình học tập", "Cộng đồng học tập"... Nhờ sự vào cuộc vận động tích cực của các cơ quan, đơn vị, người dân đã ý thức hơn và quan tâm đến việc học tập của con.
"Hội Khuyến học thị trấn đã tham mưu cho cấp trên ra các nghị quyết để xây dựng công tác khuyến học, khuyến tài vững mạnh. Hàng năm, Hội Khuyến học đều tổ chức tuyên dương các cá nhân, gia đình, đơn vị khuyến học tiêu biểu, trao thưởng cho các học sinh có thành tích cao, các tân sinh viên. Tỷ lệ học sinh địa phương thi đậu và học tập tại các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng", chị Nga nói.
Đ. Đức
Theo Dân trí
Đắk Nông: Dùng pin con ó nhuộm tạp chất cà phê để làm hồ tiêu giả?! Nhằm tăng trọng lượng, nhóm của bà Loan đã dùng dung dịch (bao gồm nước và bột pin con ó) ngâm tẩm với tạp chất cà phê, bột đá sau đó sấy khô, phối trộn với hồ tiêu. Cơ quan chức năng khẳng định số tạp chất này được dùng để làm thực phẩm bán ra thị trường. Chiều ngày 24/4, ông Nguyễn...