Vụ Tân Hiệp Phát: Bí mật điều tra bị tiết lộ?
Phiên tòa sơ thẩm xét xử “ vụ án con ruồi giá… 500 triệu đồng” đã khép lại với bản án 7 năm tù đối với bị cáo Võ Văn Minh. Tuy nhiên, sau khi bản án tuyên, nhiều ý kiến cho rằng vụ án đã bị lộ bí mật điều tra, thiếu khách quan.
Những ngày qua, trên các diễn đàn bàn luận khá nhiều và bày tỏ sự không đồng tình khi trong quá trình điều tra, điều tra viên của vụ án là Trần Chí Tâm (công an tỉnh Tiền Giang) đã để luật sư bảo vệ cho Công ty Tân Hiệp Phát (THP) tham gia hỏi cung bị can Võ Văn Minh. Cụ thể, trong các ngày hỏi cung là 12/3/2015 và 13/3/2015 của điều tra viên Trần Chí Tâm với bị can Minh đều có sự hiện diện 2 luật sư của công ty Tân Hiệp Phát, đương sự liên quan trong vụ án.
Có sự “nể nang” nào đó trong quá trình điều tra vụ “con ruồi”
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc điều tra viên cho luật sư của công ty THP tham gia quá trình hỏi cung bị can Minh là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Luật sư Phạm Hoài Nam, người tham gia bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh cho biết, tại phiên toà sơ thẩm ngày 17 và 18/12/2015, luật sư THP cũng công bố các lời khai hỏi cung khác trong quá trình điều tra, điều đó chứng tỏ họ biết được bí mật và hướng điều tra của cơ quan công an.
Tại phiên toà, luật sư Nguyễn Tấn Thi và luật sư Phạm Hoài Nam tham gia bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh đã phân tích về việc luật sư Tân Hiệp Phát tham gia hỏi cung bị cáo Minh nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Thương hiệu Tân Hiệp Phát càng ảnh hưởng nặng nề sau khi anh Minh bị kết án 7 năm tù
Video đang HOT
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 thì những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng chỉ được phép thực hiện đúng các quy định của Bộ luật này. Cụ thể, điều 3, điều 12 và điều 59 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định, luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (gọi chung là đương sự) chỉ có quyền sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự sau khi kết thúc điều tra; tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; xem biên bản phiên tòa.
“Theo quy định của pháp luật, hoạt động lấy lời khai của bị can là một hoạt động tố tụng nằm trong giai đoạn điều tra phải đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối. Vì thế, việc điều tra viên Trần Chí Tâm cho luật sư của Tân Hiệp Phát dự các buổi lấy cung bị can Võ Văn Minh là vi phạm pháp luật”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khẳng định.
Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng Văn phòng Luật sư Trường (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, chỉ có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Võ Văn Minh thì mới được quyền tham dự các buổi hỏi cung của điều tra viên đối với bị can Minh. “Không hiểu vì lý do gì mà điều tra viên để luật sư của Tân Hiệp Phát tham gia hỏi cung trong khi chuyện này chỉ có luật sư của ông Minh mới đủ thẩm quyền. Chắc chắn có sự nể nang nào đó trong quá trình điều tra”, luật sư Trường nói.
Trao đổi với Dân trí, luật sư Phạm Hoài Nam cho biết sẽ có văn bản kiến nghị Cục điều tra – Viện kiểm sát Tối cao vào cuộc để xử lý các vấn đề vi phạm nghiêm trọng liên quan đến hoạt động tố tụng của những người tiến hành tố tụng vụ án này.
Công Quang
Theo Dantri
Từ vụ Tân Hiệp Phát: Mua chai nước có ruồi, làm sao để không... ngồi tù?
Sau vụ việc liên quan tới anh Võ Văn Minh và "con ruồi 500 triệu", người tiêu dùng đặt câu hỏi: Trong trường hợp tương tự, cần xử lý như thế nào để có thể đòi quyền lợi của mình mà không vướng vào vòng lao lý?
Nhiều vụ khiếu nại Tân Hiệp Phát mà đều bị bỏ qua hoặc... vào tù
Mới đây, liên quan tới vụ việc chai Number One của Tập đoàn Tân Hiệp Phát có dị vật là một con ruồi, Toà án nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên mức án 7 năm tù giam đối với anh Võ Văn Minh (35 tuổi, huyện Cái Bè, Tiền Giang) vì hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".
Sau khi phiên sơ thẩm khép lại, dư luận thêm một lần "dậy sóng" vì thất vọng trước cách hành xử của một doanh nghiệp lớn như Tân Hiệp Phát. Nguyên nhân sâu xa cũng bởi đây không phải lần đầu, một khách hàng vướng vào vòng lao lý bởi những vấn đề liên quan tới sản phẩm của thương hiệu này.
Ngay tại phiên toà xét xử anh Minh, một người phụ nữ tên là Bùi Thị Tiên, chủ cơ sở kinh doanh nước giải khát tại Mỹ Tho, Tiền Giang bất ngờ xuất hiện tố cáo từng suýt phải vào tù vì Tân Hiệp Phát. Theo bà Tiên, bà đã phát hiện một két sữa đậu nành SoYa Number 1 có nhiều chai bị chua sau thời điểm anh Minh bị bắt quả tang vì tội cưỡng đoạt. Rút kinh nghiệm từ vụ việc anh Minh, bà Tiên chỉ đến làm việc với Hội bảo vệ người tiêu dùng và yêu cầu Tân Hiệp Phát xin lỗi.
Trước đó, hồi tháng 6/2012, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội (C45B) Bộ Công an đã bắt quả tang anh Trần Quốc Bình (ngụ tại Bình Thạnh) nhận 50 triệu đồng của Tân Hiệp Phát liên quan tới vụ việc chai trà xanh có con gián bên trong. Giống vụ việc của anh Minh, hai bên ký vào bản cam kết "mua sự im lặng" tuy nhiên, khi hai bên đang trao đổi tiền và vật chứng tại quán cà phê ở Bình Thạnh thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Ngoài ra, trường hợp về một người bị Toà án nhân dân quận Gò Vấp tuyên án 1 năm tù khi bị bắt quả tang đang nhận 35 triệu đồng của Tân Hiệp Phát hay trường hợp chủ quán ăn tại thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) bị bắt khi đang nhận 49 triệu đồng từ doanh nghiệp này cũng được truyền thông nhiều lần nhắc tới.
Làm sao để không ngồi tù?
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, trong mọi trường hợp, khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu "khuyết tật", không đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên khiếu nại lên Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi ích một cách hợp pháp. Đồng thời, người tiêu dùng có quyền yêu cầu đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại.
Nếu có thỏa thuận bồi thường thì người tiêu dùng nên làm biên bản thỏa thuận với công ty có chữ ký cụ thể, đóng dấu có thẩm quyền của các bên. Đây được xác định là quan hệ dân sự, tránh bị hình sự hóa giao dịch dân sự. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể gửi đơn khiếu nại tới cơ quan nhà nước như quản lý thị trường, thanh tra Sở Công Thương để xử lý trách nhiệm đối với đơn vị sản xuất.
Đồng quan điểm, một vị Giám đốc công ty marketing tại TPHCM cho rằng, nếu người tiêu dùng như anh Minh muốn được bồi thường thì cần phải đòi bồi thường một cách công khai thông qua toà án, báo chí, qua các luật sư đại diện. Khi đó, đòi hỏi là quyền của người tiêu dùng và quyết định có bồi thường hay không sẽ do thoả thuận và do Toà án phán quyết.
Còn theo bà Hồng Thanh Thoại Nhi - một người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam và hiện đang điều hành một công ty luật tại Mỹ: "Chai nước có ruồi nhưng ông ta chưa uống nên con ruồi và chai nước đó chưa hề gây hại cho ông ta. Do đó, chỉ có thể làm đến mức yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn lại đúng số tiền bỏ ra mua một sản phẩm bị lỗi từ nhà sản xuất".
Theo bà Thoại Nhi, người tiêu dùng có quyền giữ chai nước, chụp hình, phát truyền đơn, đăng youtube thoải mái vì chai nước đã là sở hữu của ông ta, và những việc làm trên không vi phạm pháp luật nếu ông ta không muốn mang đi trả và muốn cả thế giới biết sản phẩm Tân Hiệp Phát không an toàn. Nâng quan điểm chút nữa là thông báo cho các cơ quan chức năng như Sở y tế hay các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Tân Hiệp Phát.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (ĐH Ngoại Thương) cho rằng, trên thực tế, người tiêu dùng hoàn toàn bế tắc và chưa thực sự được bảo vệ trong những hoàn cảnh như thế này.
"Tất cả các vụ khiếu nại Tân Hiệp Phát mà dư luận biết đều bị bỏ qua hoặc vào tù. Trường hợp xuất hiện ở toà đòi xin lỗi mà người ta cũng không xin lỗi. Trong khi đó chính Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng thừa nhận chả có quyền gì, không giúp được gì hết. Cơ chế không bảo vệ người tiêu dùng đã đẩy người tiêu dùng đến cách người ta đã làm", bà Ánh nói.
Vấn đề còn nằm ở "đạo đức" doanh nghiệp
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nói ngắn gọn: "Doanh nghiệp cần phải biết bảo vệ mình, đừng để thành nạn nhân của những trò tống tiền nhưng phải hành xử có đạo đức, không được làm gì để biến nạn nhân thành tội phạm. Còn người tiêu dùng cần phải hành xử đúng luật đừng biến đó là cơ hội để kiếm tiền".
Theo bà Thoại Nhi: "Chuyện con ruồi có trong chai nước là sự thật, không thể nào giấu được. Nếu không trả tiền cho ông ta, chuyện này sẽ bại lộ. Nếu doanh nghiệp "tương kế tựu kế" tạo vụ tống tiền để bắt ông ta thì chai nước có con ruồi vẫn được tung ra ánh sáng. Trước sau gì cũng lộ, thà rằng ghi âm cuộc điện thoại tống tiền rồi giao cho cơ quan điều tra xử lý là đúng mực nhất".
Vị này cho rằng, sau khi giao cơ quan điều tra xử lý, về phía công ty cần công khai thu hồi toàn bộ sản phẩm của nhãn hàng có con ruồi, rà soát, thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất để con ruồi sẽ không còn xuất hiện trong sản phẩm của mình nữa! Sau đó, doanh nghiệp có thể thực hiện các chiến dịch PR mới quảng bá cho dòng sản phẩm đã được sửa lỗi.
"Đến các hãng nước ngọt có tiếng tăm của nước ngoài còn có vật thể lạ trong chai nước như tôi đã từng chứng kiến ở Việt Nam, chuyện có con ruồi trong chai Tân Hiệp Phát cũng là chuyện có thể xảy ra. Vấn đề nằm ở cái gọi là đạo đức kinh doanh (business ethics), nếu ông chủ hãng kinh doanh cố tình ém nhẹm cái sai của mình (con ruồi trong chai nước), và làm quá khi xử lý kẻ tống tiền, dẫu sao vẫn là một trong những khách hàng - những người nuôi sống Tân Hiệp Phát (trích lời ông Giám đống truyền thông của công ty này) là điều khó có thể chấp nhận", bà nói thêm.
Phương Dung
Theo Dantri
Cà Mau gửi mẫu trà Dr Thanh có cặn đi kiểm nghiệm Ngày 22.12, ông Phạm Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị này đã gửi mẫu trà thảo mộc Dr Thanh có cặn đi TP.HCM kiểm nghiệm. Lực lượng chức năng lập biên bản khi một khách hàng phản ánh sản phẩm trà Dr Thanh có vật lạ - Ảnh:...