Vụ tấn công tên lửa của Iran vào Israel báo hiệu bùng nổ chiến tranh khu vực?
Khoảnh khắc tên lửa Iran lao xuống Tel Aviv vào tối ngày 1/10 chính là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy cuộc xung đột khu vực được cảnh báo từ lâu cuối cùng đã nổ ra.
Tên lửa phóng từ Iran bị hệ thống phòng không của Israel đánh chặn trên bầu trời thành phố Nablus, Bờ Tây ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang The Guardian (Anh), vụ tấn công tên lửa tối ngày 1/10 là cuộc không kích thứ hai của Iran vào Israel trong vòng chưa đầy 6 tháng qua. Trong cuộc tấn công được cảnh báo trước đó vài ngày hồi tháng 4, Iran đã triển khai thiết bị bay không người lái và tên lửa hành trình, và mục tiêu chính là một căn cứ quân sự ở sa mạc Negev thưa dân.
Trong cuộc tấn công hôm 1/10, sau 12 phút bay, tên lửa đạn đạo của Iran đã được triển khai đến trước, nhằm và các mục tiêu bao gồm các khu vực đô thị đông đúc. Theo truyền thông địa phương, giới chức Israel gọi các cuộc tấn công này chính là lời tuyên chiến của Iran.
Mặc dù không gây thương vong, nhưng thực tế, các thành phố bị nhắm mục tiêu được coi là yếu tố rất quan trọng đối với phản ứng của Israel.
Sau cuộc tấn công của Iran hồi tháng 4, Israel chủ yếu thực hiện hành động đáp trả mang tình phô diễn. Mục tiêu duy nhất bị tấn công bên trong Iran là một tiền đồn phòng không tại một căn cứ quân sự gần Isfahan.
Còn trong cuộc tấn công tên lửa tối ngày 1/10, khi nhiều người dân Israel rơi vào trạng thái bất an, Thủ tướng Benjamin Netanyahu được cho là sẽ phản ứng theo cách toàn diện hơn nhiều. Các đề xuất đáp trả đã được đưa ra, sẵn sàng để nội các chiến tranh lựa chọn, và danh sách mục tiêu được coi là đáng kể, có thể bao gồm các cơ sở hạt nhân của Iran.
Hôm 1/10, Nhà Trắng là bên đầu tiên đưa ra cảnh báo về vụ phóng tên lửa sắp xảy ra của Iran, có lẽ là nhằm mục đích tước đi yếu tố bất ngờ của cuộc tấn công, và với hy vọng mong manh là có thể ngăn chặn được cuộc tấn công này. Mặc dù đã thất bại, nhưng cuộc họp báo của Mỹ trước vụ phóng vẫn có lợi ích chính trị, còn lại cho thấy rằng ít nhất Washington đã không bị bất ngờ.
Bất chấp mọi nguy cơ gây ra cho Trung Đông, cuộc tấn công này cũng đe dọa gây tác động đáng kể đến nền chính trị Mỹ. Chỉ còn 5 tuần nữa, nước Mỹ sẽ bước cuộc bầu cử tổng thống căng thẳng.
Video đang HOT
Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã thất bại trong vai trò làm trung gian cho một thỏa thuận trao đổi con tin lấy hòa bình ở Gaza. Nỗ lực của nước này cùng với Pháp để đàm phán lệnh ngừng bắn ở Liban trong suốt cuộc họp tại đại hội đồng Liên hợp quốc tuần trước cũng đã không đạt kết quả.
Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Liên hợp quốc hôm 27/9, Israel đã ngay lập tức đưa ra phản ứng. Tel Aviv đã thực hiện cuộc kích nhằm vào thủ lĩnh tối cao của Hezbollah – một đối tác hàng đầu của Iran trong khu vực, ông Hassan Nasrallah.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết cuộc tấn công bằng tên lửa vào tối ngày 1/10 chính là để trả thù cho cái chết của ông Nasrallah, và vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas, Ismail Haniyeh, vào cuối tháng 7 ngay tại thủ đô Tehran.
Kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra vào ngày 7/10 năm ngoái, giới chức trong Chính quyền Tổng thống Joe Biden luôn tuyên bố sẽ ngăn chặn bạo lực leo thang thành cuộc chiến khu vực.
Sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel hồi tháng 4, chính quyền ông Biden đã thúc giục Israel kiềm chế, sử dụng đòn bẩy hỗ trợ phòng không của Mỹ để thuyết phục ông Netanyahu “giành chiến thắng” bằng cách bắn hạ gần như tất cả các tên lửa đang bay tới. Mỹ được cho là đã ra hiệu cho Tehran rằng trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công thứ hai của Iran, họ sẽ không và không thể là một ảnh hưởng kiềm chế.
Các lực lượng kiềm chế ở Trung Đông đang suy yếu theo từng ngày. Về mặt chính trị, chính quyền ông Biden không thể bị ngăn Israel đáp trả cuộc tấn công của Iran vào các thành phố của Israel. Trong khi đó, Iran (đặc biệt là IRGC) đang phải chứng minh cho các đại diện khu vực và đồng minh – từ phong trào Hezbollah đến Houthi ở Yemen – rằng họ là một thế lực thực chất trong khu vực, là nhà lãnh đạo của “trục kháng chiến”.
Theo giới quan sát, ông Netanyahu cũng tiến gần hơn đáng kể đến tham vọng lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến chống Iran, cuộc chiến sẽ phá hủy chương trình hạt nhân của nước này, hiện đã gần đạt đến khả năng chế tạo sau sự sụp đổ của thỏa thuận đa phương năm 2015.
Tên lửa phóng từ Iran tới khu vực biên giới phía Bắc Israel, ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo các báo cáo mới nhất vào tối ngày 1/10, tên lửa của Iran chỉ gây ra thương vong tối thiểu, nhưng đã làm dấy lên nỗi mối lo về những kịch bản có thể xảy ra trong vài năm tới: tên lửa chỉ cách Israel 12 phút bay, mang theo đầu đạn hạt nhân.
Và các cuộc chiến hủy diệt của Israel chống lại các đối thủ trong khu vực – trước hết là Hamas và sau đó là Hezbollah – chắc chắn sẽ thúc đẩy cho lập luận của Iran rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể đảm bảo an toàn cho đất nước. Trong khi đó, nỗi lo về những lập luận đó của Tehran sẽ thúc đẩy Israel tiến hành một cuộc chiến tranh phủ đầu.
Trong thời điểm nguy hiểm này, khu vực Trung Đông thường nhờ vào sự hỗ trợ từ những nước có ảnh hưởng lớn, chẳng hạn Washington, để kiềm chế và đảo ngược logic leo thang. Nhưng ảnh hưởng của Tổng thống Biden dường như đang hết sức mờ nhạt trong những tháng cuối tại nhiệm.
Từ lâu đã có những lời kêu gọi trong giới quốc phòng kêu gọi Mỹ hành động đối với chương trình hạt nhân của Iran. Và lời kêu gọi đó giờ đây chắc chắn sẽ tăng lên, trong nỗ lực gây ảnh hưởng đến vị tổng thống đã tuyên thệ sẽ bảo vệ Israel trước mối đe dọa từ Iran.
Chính quyền của ông Biden nhìn chung vẫn thận trọng khi đề cập đến các hoạt động quân sự ở nước ngoài, và bà Kamala Harris dự kiến sẽ đi theo con đường tương tự. Theo các chuyên gia, tình hình bạo lực leo thang ở Trung Đông sẽ làm tổn hại đến cơ hội kế nhiệm ông Biden của bà Harris tại Nhà Trắng, và đưa triển vọng sự trở lại của ông Donald Trump đến gần hơn.
Hezbollah sẽ bị tác động ra sao sau khi thủ lĩnh của nhóm bị Israel tiêu diệt
Cuộc tấn công của Israel vào một boongke ngầm ở Beirut (Liban), khiến thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng đã để lại một khoảng trống lớn ở vị trí lãnh đạo của lực lượng dân quân phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới, đồng thời phủ bóng đen bất ổn lên tương lai của nhóm này.
Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống ngoại ô Beirut, Liban ngày 28/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Wall Street Journal ngày 29/9, việc thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Israel đã gây ra những chấn động mạnh mẽ không chỉ trong phong trào này mà còn ở khu vực Trung Đông. Với hơn ba thập kỷ lãnh đạo, ông Nasrallah đã trở thành biểu tượng của lực lượng dân quân phi nhà nước mạnh nhất thế giới. Việc ông Nasrallah đã để lại một khoảng trống quyền lực lớn và những câu hỏi về tương lai của Hezbollah.
Hezbollah, với tư cách là một phong trào chính trị, xã hội và quân sự ở Liban (Lebanon), đã dựa vào sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông Nasrallah để duy trì sức mạnh và sự ổn định. Tuy nhiên, sau cái chết của ông, nhóm này đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, không chỉ về mặt tổ chức mà còn về mặt chiến lược và quan hệ quốc tế. Những người kế nhiệm tiềm năng của ông Nasrallah như Hashim Safieddine, người đứng đầu hội đồng điều hành của Hezbollah, lại không có sức ảnh hưởng và khả năng lãnh đạo như ông Nasrallah.
Ông Safieddine, một người có mối quan hệ chặt chẽ với Iran, có thể trở thành người kế nhiệm ông Nasrallah. Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy rằng bất kỳ ai kế nhiệm ông Nasrallah cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Theo Rym Momtaz, nhà phân tích an ninh tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, người kế nhiệm ông Nasrallah sẽ tiếp quản một Hezbollah suy yếu, đặc biệt khi đối mặt với áp lực từ Israel và tình hình bất ổn trong khu vực. Đây có thể là "bước ngoặt" trong lịch sử của nhóm này.
Vụ ám sát ông Nasrallah cũng làm phức tạp nỗ lực của Hezbollah trong việc tập hợp các nhà lãnh đạo của họ để thảo luận về người kế nhiệm. Sau cuộc không kích, các nhà lãnh đạo còn sống của Hezbollah đã phải ẩn náu, và điều này khiến việc xác định ai sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo trở nên khó khăn hơn. Nếu Safieddine tiếp quản, ông sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đưa Hezbollah vượt qua giai đoạn chuyển giao phức tạp này, đặc biệt khi Israel đã xâm nhập vào hệ thống liên lạc của Hezbollah, tạo ra sự bất ổn trong nội bộ tổ chức.
Những thách thức mà lãnh đạo tiếp theo của Hezbollah phải đối mặt không chỉ đến từ nội bộ mà còn từ các cuộc tấn công ngày càng quyết liệt của Israel. Trong những tuần gần đây, Israel đã tiến hành một loạt cuộc tấn công quy mô lớn vào Hezbollah, nhằm ngăn chặn các cuộc pháo kích từ lực lượng này. Hơn nữa, việc Israel tấn công vào kho vũ khí tên lửa và rocket của Hezbollah, cũng như giết chết hơn một chục nhà lãnh đạo quân sự của tổ chức này, đã làm suy yếu đáng kể khả năng chiến đấu của họ.
Mặc dù vậy, Hezbollah vẫn duy trì sự đối đầu với Israel. Nhóm này đã bắn một quả tên lửa vào Tel Aviv, đánh dấu lần đầu tiên Hezbollah tấn công thành phố này, nhưng vẫn kiềm chế không có hành động leo thang hơn nữa.
Điều đó cho thấy rằng người kế nhiệm của ông Nasrallah sẽ phải đối mặt với áp lực từ các thành viên của tổ chức để trả đũa, đồng thời phải tìm cách duy trì kỷ luật và sự thống nhất nội bộ.
Việc ông Nasrallah thiệt mạng cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng của Hezbollah trong duy trì sức mạnh quân sự và chính trị của mình, đặc biệt khi Iran, đồng minh chủ chốt của Hezbollah, cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong khu vực. Iran có thể sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ vật chất cho Hezbollah, nhưng mức độ ảnh hưởng và vai trò của Hezbollah trong mạng lưới dân quân thân Iran có thể sẽ bị suy giảm đáng kể.
Một trong những câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu Hezbollah có thể duy trì sự thống trị trong chính trường Liban hay không. Hezbollah, vốn đã trở thành một "nhà nước trong nhà nước" tại Liban, đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng từ phía người dân. Nhiều người Liban đổ lỗi cho Hezbollah về nhiều cuộc khủng hoảng trong nước, từ vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafiq Hariri năm 2005, cuộc xung đột dân sự năm 2008, đến vụ nổ cảng Beirut năm 2020. Những sự kiện này đã làm gia tăng sự bất mãn trong lòng dân chúng và tạo ra một khoảng cách lớn giữa Hezbollah và phần còn lại của Liban.
Trong bối cảnh này, sự suy yếu của Hezbollah có thể mở ra cơ hội cho các lực lượng đối lập tại Liban. Theo chuyên gia Momtaz, các đảng phái đối lập có thể sẽ tận dụng thời điểm này để làm suy giảm sự thống trị của Hezbollah trong nền chính trị Liban. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng Hezbollah sẽ chấp nhận sự suy yếu của mình một cách dễ dàng.
Tóm lại, cái chết của ông Nasrallah đã tạo ra một cú sốc lớn đối với Hezbollah, không chỉ về mặt lãnh đạo mà còn về chiến lược và tương lai của tổ chức này. Trong bối cảnh khu vực Trung Đông đầy bất ổn, người kế nhiệm của ông Nasrallah sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức lớn để giữ vững sự tồn tại và ảnh hưởng của Hezbollah.
Iran tuyên bố sẽ phản đòn trong 'vài giây' nếu Israel trả đũa Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani cho biết bất kỳ hành động nào của Israel chống lại lợi ích của Tehran sẽ phải nhận phản ứng nghiêm khắc chỉ trong "vài giây". Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani (bên trái) trả lời phỏng vấn truyền hình nhà nước Iran. Ảnh cắt từ lip do Reuters phát Sau cuộc tấn...