Vụ “sổ đỏ” tranh chấp: Ngân hàng nhận thế chấp không đúng quy định?
Chiều 10.5, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chính thức lên tiếng về trách nhiệm dân sự trong vụ án xảy ra tại Công ty Dệt kim Đông Phương và Agribank Chi nhánh 6 (TP.HCM).
Cụ thể, trong hai ngày 9 và 10.5, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm hình sự vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Dệt kim Đông Phương và Agribank Chi nhánh 6.
Theo đại diện Agribank, liên quan đến phần dân sự trong vụ án này, bản án sơ thẩm hình sự của TAND TP.HCM ngày 5.11.2015, cho rằng: Agribank Chi nhánh 6 là ngân hàng đã nhận tài sản đảm bảo trước đối với 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại TP.HCM (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) và tại số 10 Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú. 23 GCNQSDĐ này được Công ty Thanh Phát thế chấp cho Agribank trong khoản vay 628 tỷ đồng của doanh nghiệp để thực hiện mục đích thanh toán tiền nhận chuyển nhượng đất của các hộ dân.
Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, do 23 GCNQSDĐ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM chưa được sang tên trước bạ, nên khi làm thủ tục thế chấp cho Agribank Chi nhánh 6 đã không thể thực hiện công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định của pháp luật. Vì vậy, sau khi nhận thế chấp, Agribank Chi nhánh 6 đã thông báo thông tin tài sản thế chấp trên mạng CIC theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mọi tổ chức tín dụng khi quyết định tiếp nhận tài sản thế chấp buộc phải kiểm tra.
Việc các bị cáo Dương Thanh Cường, Lê Sơn Hùng lừa đảo Agribank Chi nhánh 6 bằng chiêu thức mượn lại 23 GCNQSDĐ này để hoàn thiện thủ tục sang tên trước bạ nhưng Cường đã đem đi thế chấp tiếp tục vay vốn tại Ngân hàng Phương Nam đã được Tòa án cấp sơ thẩm công nhận.
Cụ thể, tại trang 17 bản án sơ thẩm hình sự ngày 5.11.2015 của TAND TP.HCM đã thể hiện: “Ngay khi lừa dối chi nhánh 6 lấy được tài sản thế chấp Dương Thanh Cường và Lê Sơn Hùng đem đến Ngân hàng Phương Nam làm thủ tục thế chấp vay tiền”.
Xác định số GCNQSDĐ là tang vật vụ án do Cường lừa dối lấy từ Agribank Chi nhánh 6, dùng để lừa đảo Ngân hàng Phương Nam vay tiếp tiền nên Cơ quan điều tra đã có quyết định kê biên. Tương tự như vậy, Dương Thanh Cường với tư cách là Giám đốc Công ty Tấn Phát mượn lại GCNQSDĐ tại số 10 Âu Cơ đã thế chấp tại Agribank Chi nhánh 6 để hoàn thiện thủ tục. Thực tế là Cường cũng đã đem đi thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam. Án sơ thẩm đã nhận định rằng các bị cáo đã gian dối để lừa đảo Agribank Chi nhánh 6.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tại phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX ban đã phán quyết: “…hủy bỏ quyết định kê biên tài sản là 23 GCNQSDĐ trả lại cho Ngân hàng Phương Nam”; và “Ngân hàng Phương Nam đã tất toán các hợp đồng tín dụng có liên quan… không có cơ sở để thu hồi trả cho Agribank Chi nhánh 6″ là chưa phù hợp với nội dung đã được xem xét, nhận định và chưa đúng với thực tế cũng như hồ sơ vụ việc.
Chính vì vậy, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, ngày 19.11.2015, Agribank đã có đơn kháng cáo Bản án hình sự sơ thẩm ngày 5.11.2015 của TAND TP.HCM về hai phán quyết liên quan đến 23 GCNQSDĐ nói trên ở xã Phong Phú, Bình Chánh và tài sản là quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ với mong muốn được TAND cấp cao tại TP.HCM xem xét một cách thấu đáo, tránh gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.
Được biết, liên quan đến vấn đề này, ngày 10.5.2016, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM cho rằng: “Đối với nội dung kháng cáo của Agribank, VKS xét thấy có căn cứ để chấp nhận một phần kháng cáo. Theo quan điểm của VKS thì 23 GCNQSDĐ là vật chứng của vụ án, Ngân hàng Phương Nam nhận thế chấp các tài sản này là không đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, cần phải tiếp tục kê biên đảm bảo thi hành án và khắc phục thiệt hại cho Agribank”.
Sáng nay11.5, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ tuyên án đối với vụ đại án này.
Theo Danviet
Cựu "sếp" Agribank CN6 làm thất thoát gần nghìn tỷ không được giảm án
Tòa phúc thẩm xác định không có căn cứ để giảm hình phạt cho nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 (CN6).
Ngày 11.5, sau ba ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TP.HCM bác kháng cáo của các bị cáo và nguyên đơn dân sự, tuyên y án tù chung thân ông Dương Thanh Cường (nguyên Tổng giám đốc và Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát) - người cầm đầu vụ án - về các tội Lừa đảo, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Hải Duyên
Liên quan đến vụ án, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 (Agribank Chi nhánh 6, TP.HCM) Hồ Đăng Trung nhận 20 năm tù, Hồ Văn Long (nguyên trưởng phòng Tín dụng) nhận 19 năm về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Lê Thành Công (nguyên Tổng giám đốc Công ty dệt kim Đông Phương) nhận 25 năm tù về các tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tòa cũng giữ nguyên hình phạt với những bị cáo khác.
Theo HĐXX, hành vi phạm tội của các bị cáo đã rõ, mức án cấp sơ thẩm áp dụng là hợp lý, không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt. Đối với kháng cáo của Agribank xin được nhận 23 bất động sản mà Cường đã lừa lấy giấy tờ đem đi thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam, tòa cho rằng việc bỏ lệnh kê biên giao tài sản này cho Ngân hàng Phương Nam là hợp lý nên không chấp nhận.
Bản án sơ thẩm xác định, dù không có khả năng tài chính nhưng Dương Thanh Cường vẫn thành lập nhiều công ty với số vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng rồi thuê người làm giám đốc để lập hồ sơ vay vốn ngân hàng.
Năm 2007, Cường bàn với Lê Thành Công hợp tác xây dựng trung tâm thương mại và chung cư cao tầng trên nền đất của Công ty Đông Phương tại số 10, đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TP.HCM). Cường nhận đứng ra huy động vốn để đầu tư xây dựng và khai thác dự án Trung tâm thương mại cùng với công ty này.
Nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 nhận 20 năm tù. Ảnh: Hải Duyên
Cơ quan điều tra xác định, để có tiền kinh doanh Cường chỉ đạo cho cấp dưới lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại số 10 đường Âu Cơ của Công ty Đông Phương cùng với bất động sản tại 44 đường An Dương Vương (quận 8) do công ty của Cường đứng tên.
Được Cường đặt vấn đề vay tiền, Hồ Đăng Trung chỉ đạo cấp dưới lập báo cáo thẩm định. Dù biết dự án Trung tâm thương mại số 10 Âu Cơ chưa được phê duyệt, tài sản đảm bảo chỉ là chứng nhận tạm thời không được cầm cố, thế chấp... nhưng cán bộ tín dụng Agribank vẫn thẩm định "dự án có hiệu quả khả thi" và đề xuất cho vay.
Giám đốc Trung được xác định là phớt lờ quy định của ngân hàng về việc chi nhánh chỉ có quyền phán quyết cho vay tối đa 80 tỷ đồng, không xin nâng quyền phán quyết cho vay mà tự ý lấy quyết định nâng quyền phán quyết cho vay của dự án khác để hợp thức hóa hồ sơ cho công ty của Cường. Ngoài ra, lãnh đạo và các cán bộ tín dụng của Agribank Chi nhánh 6 còn mắc hàng loạt sai phạm như: Ký hợp đồng thế chấp tài sản không công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm, giải ngân không đúng theo hợp đồng cho vay; cho mượn tài sản thế chấp không có biện pháp phòng ngừa rủi ro...
Đến tháng 10.2007, Cường tiếp tục chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay 628 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6 để thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Được giám đốc Trung đồng ý, Cường dùng 3 bất động sản tại quận 12, Bình Tân và quận 8 cùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, đem thế chấp.
Tương tự, trong phi vụ này, bị cáo Trung được xác định là phê duyệt cho vay khi dự án chưa được phê duyệt. 23 bất động sản mà Cường đem thế chấp chưa được chuyển nhượng cho Công ty Thanh Phát nhưng lãnh đạo ngân hàng vẫn ký hợp đồng.
Trong lúc Agribank Chi nhánh 6 đang giải ngân cho công ty của Cường, ông ta tiếp tục chỉ đạo cho hai thuộc cấp mượn 23 tài sản đang thế chấp cho Agribank Chi nhánh 6, với lý do đi hoàn tất thủ tục rồi đem đi thế chấp cho ngân hàng khác để vay hàng trăm tỷ đồng và hàng chục nghìn lượng vàng.
Các công ty của Cường sau đó mất khả năng thanh toán với số tiền nợ ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài vụ án này, Dương Thanh Cường cùng đồng phạm bị điều tra thêm về nhiều hành vi lừa đảo khác. Hồi tháng 6.2015, Cường bị xử phạt tù chung thân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh Bình Chánh. Ông ta cũng từng có 5 tiền án về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Đưa hối lộ...
Hồi tháng 11 năm ngoái, TAND TP.HCM xử sơ thẩm. Dương Thanh Cường, Hồ Đăng Trung cùng 4 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, không được HĐXX chấp nhận.
Theo Hải Duyên (VNE)
Agribank thông tin về việc xét xử phúc thẩm vụ án Agribank Chi nhánh 6 Agribank vừa thông tin thêm một số nội dung liên quan đến phần dân sự trong Bản án sơ thẩm hình sự của Tòa án nhân dân TP. HCM đã tuyên ngày 05/11/2015 trong vụ án tại Công ty Dệt kim Đông Phương và Agribank Chi nhánh 6. Liên quan đến vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;...