Vụ “sếp” kiểm lâm dựng nhà bằng gỗ quý: Đang làm rõ nguồn gỗ
Đó là khẳng định của ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, liên quan đến thông tin dư luận xôn xao về Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh này dựng nhà bằng gỗ quý.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, Sở NN&PTNT đã chủ động giao cho tổ công tác xác minh vụ việc. Tiếp đó, Sở cũng nhận được văn bản của UBND tỉnh Quảng Trị giao cho ngành kiểm tra nội dung trên.
Ông Hưng cho hay, Sở NN&PTNT đã lập đoàn do Thanh tra Sở và các bên liên quan đi kiểm tra, xác minh nội dung báo chí nêu.
Căn nhà gỗ của ông Khổng Trung gây sự chú ý của dư luận
“Đây là tài sản thuộc về cá nhân ông Khổng Trung, nhưng vì ông là đối tượng do Sở NN&PTNT quản lý, nên chúng tôi thực hiện nghiêm túc các quy định về vấn đề kê khai”, ông Hưng nói.
Hiện đoàn kiểm tra đã đi thực tế, xác minh vụ việc. Vài ngày tới, Sở sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh, sau đó sẽ công khai kết quả kiểm tra.
Ông Hưng khẳng định, Sở NN&PTNT sẽ công khai minh bạch, nghiêm túc, không giấu giếm thông tin để tránh gây dư luận không tốt.
Về nội dung kiểm tra, ông Hưng nói rằng, đoàn kiểm đã làm việc với ông Trung để kiểm tra, làm rõ nguồn gốc mua gỗ ở đâu, có giấy tờ hợp pháp hay không.
Những cây cột gỗ ông Trung khẳng định mua từ một người chuyên làm gỗ ở Lào
Như Dân trí đã thông tin, căn nhà bằng gỗ quý được ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị xây dựng tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, quê cũ của ông Trung.
Ông Trung nói rằng căn nhà gỗ trên thực chất chỉ là căn nhà rường bằng gỗ, gồm 3 gian, 2 chái, có thiết kế sân vườn. Ông dựng nhà vừa để ở, vừa làm nơi thờ tự.
Video đang HOT
Cũng theo ông Khổng Trung, để làm căn nhà này, ông phải sử dụng hơn 80 m3 gỗ từ nhiều nơi khác nhau.
Đ. Đức
Theo Dantri
Ngư dân tìm nơi trú ẩn an toàn, tranh thủ bán cá
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ đã gây mưa lớn trên diện rộng tại Quảng Trị, Quảng Nam, Hà Tĩnh, các ngành chức năng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ứng phó trước áp thấp nhiệt đới. Trong đó, Hà Tĩnh đã phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi...
Quảng Trị: 2.308 tàu thuyền vào nơi trú ẩn
Trong 2 ngày 8-9/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ghi nhận lượng mưa khá lớn, nhiều nơi như Vĩnh Khê, Bến Quan (huyện Vĩnh Linh), Cửa Việt (huyện Gio Linh) lượng mưa đo được từ 55-65mm. Hiện lũ trên các sông đang ở dưới báo động 1 và tiếp tục dâng. Dung tích các hồ chứa đạt từ 50-70%.
UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ven sông, ven biển và vùng gò đồi để chủ động sẵn sàng di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết.
Ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn
Đồng thời, tỉnh yêu cầu Bộ đội Biên phòng và các địa phương ven biển, đảo Cồn Cỏ tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; Thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.
Đến thời điểm này, 2.308 chiếc với 7.469 người đã neo đậu an toàn tại các bến của tỉnh; 2 tàu với 12 thuyền viên đang trên đường vào bờ, dự kiến đến sẽ cập bến trong chiều 9/10. 24 tàu ngoại tỉnh, tàu vận tải với 184 thuyền viên đã được kêu gọi vào neo đậu, trú ẩn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Quảng Nam: Ngư dân tranh thủ bán cá
Để chủ động đối phó với tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa lớn có thể xảy ra, sáng ngày 9/10, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động với tình hình diễn biến của ATNĐ và mưa lớn.
Theo đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN Quảng Nam yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến ATNĐ để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Ngư dân Quảng Nam cho tàu vào trú ATNĐ ở cảng cá An Hòa
Theo dõi, kiểm đếm, quản lý việc ra khơi của các tàu thuyền, hướng dẫn việc sắp xếp, neo đầu tàu thuyền của ngư dân đảm bảo an toàn.
Các địa phương ven biển phối hợp với biên phòng hướng dẫn việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền của ngư dân đảm bảo an toàn khi có ảnh hưởng do gió mạnh của ATNĐ có khả năng xảy ra.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trực ban 24/24 giờ, kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố, theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.
Tranh thủ bán số cá vừa đánh bắt trên biển
Theo ghi nhận của PV, từ sáng ngày 9/10, trên địa bàn Quảng Nam một số nơi xuất hiện mưa nhỏ, nhiều tàu thuyền đã cập cảng Tam Quang, cảng An Hòa thuộc huyện Núi Thành để tránh ATNĐ và bán cá.
Ngư dân Ngô Phê (53 tuổi, trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành, chủ tàu cá QNa 91585 TS, công suất 450 CV) cho hay, tàu ông đang hoạt động đánh bắt hải sản trên ngư trường Hoàng Sa thì nghe tin có ATNĐ xuất hiện trên biển Đông nên dù đang đánh bắt trên biển nhưng ông đã cho tàu chạy vào đất liền để trú ẩn an toàn đồng thời bán hải sản đánh bắt được.
"Chuyến biển này tôi đi được 15 ngày và đánh bắt được 10 tấn cá ngừ sọc dưa, cá thu... với tổng số tiền bán được 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí hết 70 triệu đồng, tôi lời hơn 200 triệu đồng. Khi nào hết ATNĐ, tôi sẽ vươn khơi trở lại", ông Phê nói.
Còn ngư dân Đỗ Hữu Trà (44 tuổi, trú thôn An Hải, xã Tam Quang, chủ tàu QNa 90442 TS công suất 280CV) cho biết, sau khi nghe thông tin có ATNĐ trên biển Đông đang di chuyển vào các tỉnh ven biển miền Trung, ông đã cho tàu mình vào cập cảng cá Tam Quang neo đậu nhằm trú ẩn an toàn và cũng là bán số hải sản vừa đánh được trên biển.
Theo lãnh đạo Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, khi nhận được thông tin ATNĐ xuất hiện trên biển Đông đã điện báo cho 152 tàu thuyền của xã đang hoạt động đánh bắt ngoài khơi biết để phòng tránh và chạy vào đất liền trú ẩn. Hiện chỉ còn 7 phương tiện đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa đã vào các đảo trú ẩn, còn lại các tàu thuyền khác đã vào cảng Tam Quang trú ẩn an toàn.
Đến chiều ngày 9/10, vẫn chưa có số liệu đầy đủ số lượng tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn đang đánh bắt trên biển hoặc đang tránh trú ATNĐ.
Hà Tĩnh phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi
Với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động đánh bắt cá trên biển, ngày 9/10, tỉnh Hà Tĩnh đã ra lệnh cấm tàu thuyền ra khơi.
Hà Tĩnh phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi từ 17h chiều nay (9/10) để đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới
Theo đó, yêu cầu các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh thông báo cấm không cho các tàu thuyền tiếp tục ra khơi, thời gian bắt đầu từ 17h chiều nay (9/10).
Đồng thời tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tránh trú an toàn theo đúng quy định.
Giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối hợp với các địa phương ven biển kiểm đếm các loại phương tiện tàu cá, số lượng thuyền viên, đồng thời giám sát chặt chẽ.
Tuyệt đối không cho các tàu thuyền ra khơi trong khi áp thấp nhiệt đới (bão) chưa tan; căn cứ tình hình diễn biến của thời tiết để cho phép và hướng dẫn cho các phương tiện tàu thuyền tiếp tục ra khơi.
Tính đến 16h30 chiều nay (9/10),tổng số phương tiện trên địa bàn là 6.102 phương tiện/17.676 lao động cơ bản đã vào nơi cư trú an toàn. Hiện còn 13 phương tiện/72 lao động đánh bắt tại vũng biển Hà Tĩnh đang trên đường vào nơi trú ẩn.
Trong ngày hôm nay (9/10) trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa vừa, nhiều vùng có mưa rất to. Mực nước trên sông Ngàn Sâu (Hương Khê), sông Ngàn Phố (Hương Sơn), sông Ngàn Trươi (Vũ Quang), sông La (Đức Thọ) đang tiếp tục lên.
Đ. Đức - C. Bính- X. Sinh
Theo Dantri
Bình Định: Gần 61ha rừng bị phá khi Hạt trưởng kiểm lâm bận đi học Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đang xem xét lại hình thức kỷ luật đối với các cán bộ kiểm lâm liên quan vụ lâm tặc tàn phá 60,9ha rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định). Khiển trách Hạt trưởng, cảnh cáo Hạt phó? Ngày 29.9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã có quyết định xử lý kỷ luật...