Vụ sạt lở núi 11 người chết: Trưởng thôn lo cho dân đang nguy kịch
Bà Cao Thị Diệu An (SN 1967, Trưởng thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa), người trực tiếp vận động và tham gia di dời dân vùng sạt lở kinh hoàng xảy ra hôm 18.11 đang bị nhiễm trùng nặng tại các vết thương trên người.
Bà Diệu An nằm điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TPHCM) trong tình trạng nguy kịch.
Hiện bà Diệu An nằm điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TPHCM) trong tình trạng các vết thương đang bị hoại tử, và rất cần những vòng tay nhân ái của cộng đồng.
Ít ai biết, bà An chính là người cùng các cán bộ cơ sở khác (gồm ông Nguyễn Đức Vinh – Bí thư chi bộ thôn; ông Lê Trương Vinh – Thôn đội trưởng; ông Võ Thị Hiền – Phó trưởng thôn,…) đã không ngại hiểm nguy, trực tiếp có mặt ngay tại khu dân cư Xóm Núi, thôn Thành Phát trước khi vụ sạt lở núi xảy ra, cướp đi 11 mạng người.
Hiện trường sụ sạt lở tại khu dân cư xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, Nha Trang (Khánh Hòa), cướp đi 11 mạng người. Ảnh: Nhiệt Băng
Ông Hà Phạm – Phó Ban mặt trận thôn Thành Phát – cho biết, 5h sáng 18.11, thấy nước lũ xuống quá khủng khiếp, bà An cùng các cán bộ nói trên đã tức tốc đến khu dân cư Xóm Núi.
“Trong lúc nhóm cán bộ chạy chỗ này chạy chỗ kia hô hoán người dân nhanh chóng di chuyển xuống đầu làng, tránh sạt lở thì vụ sạt lở núi xảy ra” – ông Phạm cho hay.
Lúc này, hàng khối nước, đá, đất và cây cối tràn xuống, cuốn phăng cả 3/4 cán bộ, trong đó có bà An. 3 cán bộ này đều bị thương, trong đó, bà An bị thương nặng nhất (gãy tay trái, gãy xương sườn, thương tổn sâu vùng da mặt, bụng, ngực…).
Bà Võ Thị Hiền cũng bị thương (trôi từ đầu làng đến cuối làng), nhiễm trùng mũi nặng. Còn ông Nguyễn Đức Vinh bị chấn thương nặng ở bàn chân. Những người này hiện đều phải tới lui tại bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
Video đang HOT
Riêng bà An, dù bị đất đá vùi lấp, nhưng 45 phút sau, người dân mới đưa được xuống đầu làng trong tình trạng mình mẩy tím đen, thương tích khắp nơi.
Bà Diệu An cùng với nhóm cán bộ cơ sở thôn Thành Phát (xã Phước Đồng) có mặt sớm nhất tại khu dân cư xóm Núi để vận động, giúp đỡ người dân nhanh chóng di dời đi nơi khác, tránh sạt lở. Ảnh: Nhiệt Băng
Sau 20 ngày nằm điều trị ở BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, tình trạng sức khỏe vẫn không được cải thiện. Vì thế, gia đình phải chuyển bà An vào BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.
Chị Lê Thị Hồng Thùy (con dâu thứ 2 của bà An) cho biết: “Từ khi nằm viện đến nay, mẹ đã trải qua 5 lần mổ. Sau khi nhập BV Chợ Rẫy, gia đình phải trả chi phí ban đầu 18 triệu đồng”.
“Hiện mẹ tôi sốt liên tục, các vết thương tiếp tục bị hoại tử, ăn sâu. Mẹ tôi có thể phải nằm điều trị trong vài tháng, thậm chí có thể 1 năm trời nên cần chi phí điều trị lớn. Mẹ tôi đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng” – chị Thùy tâm sự.
Bà An có thâm niên gần 7 năm làm phó, rồi trưởng thôn Thành Phát. Ngoài ra, bà còn kiêm cương vị Đại biểu HĐND xã, Ủy biên Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã Phước Đồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thành Phát, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Thành Phát.
“Do ở đây nhiều người dân làng chài không biết chữ nên trong quá trình làm việc, mẹ tôi luôn tận lòng với họ từ lá đơn đến con chữ. Gia đình khuyên mẹ tôi nghỉ vì sợ kham không nổi, nhưng mẹ vẫn một mực làm” – chị Thùy chia sẻ.
Mọi sự giúp đỡ bà Diệu An (mã số: LĐO13122018) xin bạn đọc liên lạc với anh Trần Cao Nhân (con trai bà An, ĐT: 0919.729.245) hoặc gửi về tài khoản anh Nhân: 0581000785531 (ngân hàng Vietcombank Nha Trang). Hoặc gửi về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 04.39232748.
Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, STK: 113000000758 tại Vietinbank chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 129000015204; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank – chi nhánh Hà Nội, STK: 0021000303088. Ủng hộ miễn phí tại BIDV – chi nhánh Hoàn Kiếm, STK 12410001122556.
NHIỆT BĂNG
Theo LĐO
Cứu người trong lũ, trưởng thôn tử vong do nhiễm trùng uốn ván
Trong lúc tham gia cứu hàng chục người dân thoát chết trong gang tấc trong đợt lũ dữ hôm 18.11, ông Trần Văn Chiến - Trưởng thôn Phước Hạ (xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) giẫm phải cọng thép gai, dẫn đến nhiễm trùng uốn ván rồi không qua khỏi.
Người dân thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa hết sức đau buồn trước sự ra đi của ông Trần Văn Chiến. Ảnh: N.P.T
Ngày 8.12, rất đông người dân thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng tập trung tại nhà ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng thôn Phước Hạ bày tỏ tiếc thương, tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.
Ông Chiến là người đã cùng các thanh niên trong thôn cứu hàng chục người dân thoát chết trong gang tấc trong đợt lũ dữ hôm 18.11.
Anh Nguyễn Văn Đồng (người dân thôn Phước Hạ) cho biết, tầm mức cơn lũ hôm 18.11 là chưa từng thấy vì sức nước quá khủng khiếp. Thấy nước lũ dâng quá cao quá nhanh (có nơi cao ngang ngực, thậm chí lút đầu), ông Chiến đã bỏ nhà chạy đi vận động người dân cho mượn ngay 2 chiếc xuồng và đề nghị các thanh niên trong làng tập trung đi cứu dân.
Nơi ông Trần Văn Chiến - Trưởng thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa cùng các thanh niên trong thôn cứu hàng chục người dân thoát chết trong gang tấc hôm 18.11. Ảnh: Nhiệt Băng
"Chỗ nước thấp thì vừa lội vừa cho dân lên xuồng đẩy đi, chỗ ngập sâu nhất, chúng tôi phải bơi để đẩy xuồng. Hàng chục người dân được chúng tôi đưa lên khỏi vùng ngập sâu, dưới sự chỉ huy của anh Chiến. Dù mới làm trưởng thôn nhưng anh Chiến rất năng nổ trong công việc, dân ai cũng yêu thương. Sự ra đi của anh là mất mác lớn đối với người dân chúng tôi" - anh Đồng nói.
Dẫn chúng tôi ra khu vực nước chảy như thác đổ hôm 18.11, anh Đồng cho biết: "Thấy sử dụng xuồng không đủ cứu người và chậm, anh Chiến vận động thanh niên lập tức dùng thêm thùng xốp và dùng dây thừng bắt từ trụ điện này qua trụ điện khác cho dân bu theo dây, di chuyển".
Trong lúc cứu hộ gần bờ thép gai, ông Chiến không mang dép nên giẫm phải cọng thép gai. Theo người dân, việc cứu hộ dân diễn ra từ 8h sáng 18.11, đến khoảng 9h30 thì ông Chiến giẫm thép gai. Dù rất đau nhưng ông Chiến vẫn gắng gượng cứu hộ đến 12h trưa mà quên đi bản thân mình.
Hơn 1 ngày sau, ông Chiến bỗng sốt cao, nhập BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng tình trạng đã nặng. Sau đó, người nhà tiếp tục chuyển ông vào BV Chợ Rẫy (TP HCM) với hi vọng "còn nước còn tát". Tuy vậy, do nhiễm vi trùng uốn ván quá nặng, ông Chiến đã không qua khỏi.
Thời điểm mưa lũ ngày 18.11, nơi này là trở thành dòng lũ, ông Chiến cùng người dân dùng xuồng đi cứu hộ dân. Ảnh: Nhiệt Băng
Chị Vũ Thị Như Mai (con dâu ông Chiến) nức nở: "Hôm lũ lớn 18.11, ba đã bỏ mặc đồ đạc trong nhà đang ngập nước mà đi lo an nguy của dân trước. Ba bảo nếu ba không đi vận động thanh niên cùng ba cứu hộ dân thì rất dễ xảy ra chết chóc. Vậy là ba lao đi".
Anh Trần Văn Thôn (người dân thôn Phước Hạ) cho hay: "Anh Chiến sống ở đây, dân ai cũng kính mến. Ai cần gì, trong khả năng của mình là ông ấy giúp đỡ rất tận tình, chu đáo. Vì vậy, khi bầu anh ấy làm trưởng thôn thì dân ủng hộ 100%".
Ông Bùi Cao Pháp - Phó chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, anh Chiến mất do giẫm phải thép gai, dẫn đến nhiễm trùng trong quá trình cứu hộ dân. Sáng 8.12, chính quyền xã và gia đình đang tổ chức tang lễ cho ông Chiến. Khi được hỏi đánh giá của xã về quá trình công tác, làm việc của ông Chiến, ông Pháp chia sẻ: "Anh Chiến là người rất tốt, năng nổ, hết lòng hết tâm vì công việc, được chính quyền xã và nhiều bà con, lối xóm yêu thương".
Ông Pháp cho biết thêm, ông Chiến làm công an viên thường trực của xã trong nhiều năm nay. Năm 2018, ông Chiến kiêm thêm nhiệm vụ Trưởng thôn Phước Hạ. "Sau khi lo hậu sự cho anh ấy xong, chúng tôi sẽ nghiên cứu vận dụng chính sách để đề xuất các cấp trên xem xét công nhận công lao của anh ấy trong quá trình làm việc" - ông Pháp nói.
NHIỆT BĂNG
Theo Laodong
Nhiều tuyến tỉnh lộ tan nát, cửa ngõ miền tây Khánh Hòa bị phong tỏa Ngày 26/11,ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết, mưa lớn ở phía tây nam tỉnh Khánh Hòa làm tuyến đường tỉnh lộ 9 bị sạt lở, "đứt" đường khiến huyện miền núi Khánh Sơn bị cô lập. Tuyến tỉnh lộ 9 đường huyết mạch lên huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị đứt đường (Ảnh: CTV)...