Vụ sập giàn giáo đường sắt trên cao: Lời kể lái xe
Khi anh Dương điều khiển xe đến vị trí đối diện khách sạn Cầu Am 2 (Hà Nội) thì bất ngờ thấy đá rơi từ trên giàn giáo xuống đường. Anh chưa kịp định hình chuyện gì xảy ra thì giàn giáo đã đổ sập xuống, đè lên xe.
Vào khoảng 3h30 phút sáng nay (28.12), tại công trình xây dựng nhà ga tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh (đoạn đối diện khách sạn Cầu Am 2, quận Hà Đông, Hà Nội) xảy ra vụ sập giàn giáo. Một xe taxi đang lưu thông trên đường bị đè nát.
Hiện trường vụ sập giàn giáo đường sắt trên cao
Anh Nguyễn Bá Dương (SN 1974, trú tại Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội), tài xế chiếc xe bị giàn giáo đè lên kể lại, vào thời điểm trên, anh nhận chở 3 người khách từ Hà Nội về Hà Đông. Khi tới đoạn đường chạy qua khu vực bến xe Hà Đông cũ (đối diện khách sạn Cầu Am 2) thì bất ngờ nghe thấy tiếng động lớn.
“Tôi chưa kịp định hình chuyện gì thì bất ngờ giàn giáo đổ xuống đè lên đầu xe. Tôi cùng khách bị mắc kẹt trong xe, người dân và công nhân đã phải kéo chúng tôi ra ngoài. Lúc đó, tôi rất hoảng sợ”, anh Dương nhớ lại.
Theo anh Dương, sự việc xảy ra qua nhanh nên anh đã không kịp phản ứng. Sau khi xảy ra sự việc, chiếc taxi của anh bị biến dạng, phần đầu bẹp nát.
Thời điểm xảy ra tai nạn, ít các phương tiện lưu thông qua lại.
Video đang HOT
Anh Nguyễn Bá Dương – tài xế chiếc xe bị giàn giáo đè lên (người mặc quần jeans)
Anh Trung, người dân ở khu vực xảy ra vụ sập giàn giáo cho biết, khoảng 3h30 sáng 28.12, anh đang trộn bê tông trước cửa nhà thì bất ngờ nghe thấy động lớn. Anh chạy ra thì thấy giàn giáo đường sắt trên cao đã đổ sập xuống đè ngang đường.
“Lúc đó tôi thấy có một xe taxi bị giàn giáo đè bẹp, bên trong có người. Chúng tôi cùng công nhân đã phải kéo mạnh cánh cửa để giúp họ thoát ra ngoài. Lái xe taxi bị xây xát nhẹ ở chân. Ngay sau đó, lái xe cùng khách cũng rời khỏi hiện trường”, anh Trung nói.
Cần cẩu đưa miếng sắt từ khu vực sập giàn giáo ra ngoài
Anh Trung cho biết thêm, thời điểm xảy ra tai nạn có hơn 10 công nhân thi công. Khi xảy ra sự cố, công nhân đã yêu cầu người dân ra khỏi khu vực, tắt điện tại khu vực sập giàn giáo. Đến khoảng 6h, lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông.
Ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường, toàn bộ hiện trường sập giàn giáo đã được che kín. Dầm chắn ngang trên đường sắt trên cao vắt qua 2 chiều đường Trần Phú đã sập thẳng xuống phía dưới.
Đây là đoạn thi công kết cấu trên ga bến xe Hà Đông, công trình được thi công trở lại từ ngày 21.11.2014. Nhà thầu là Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ và đầu tư xây dựng Việt Nam.
Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)
Sập giàn giáo: Đình chỉ công trình và nhiều cán bộ dự án
Lãnh đạo ban quản lý bị đình chỉ công tác để xem xét, làm rõ trách nhiệm. Cơ quan giám định bước đầu cho biết, nguyên nhân của vụ việc là do giàn giáo chống không bảo đảm an toàn.
Liên quan đến sự cố tại công trình thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vào sáng 28/12, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã quyết định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Bảo - Phó tổng giám đốc Ban Quản lý đường sắt.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu đình chỉ toàn bộ công tác thi công đối với nhà thầu phụ để xảy ra sự cố sập dàn giáo sáng 28.12.
Nhà thầu phụ thi công khu vực ga bến xe Hà Đông là Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech). Đây nhà thầu chịu trách nhiệm trực tiếp thi công hạng mục để xảy ra sự cố.
Ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu vầu đình chỉ toàn bộ công tác thi công, tuyệt đối không cho nhà thầu này tham gia thi công bất kỳ hạng mục nào khác của Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, tổng thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chính và chịu mọi chi phí do sự cố gây ra. Bên cạnh đó, các đơn vị: Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Thầu phụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng nghiêm khắc phê bình cảnh cáo Tư vấn giám sát trưởng Diêm Chí Cương và đình chỉ vô thời hạn đối với ông Tạ Trung Văn - Tư vấn giám sát phụ trách nhà ga Bến xe Hà Đông.
Hiện trường vụ sập giàn giáo ở công trình thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: Nguyễn Đức)
Sau khi kiểm tra hiện trường, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết các bản vẽ thi công, yếu tố kỹ thuật còn được lưu lại để thí nghiệm và kiểm tra nguyên nhân sau. Vì vậy hiện trường được ưu tiên giải tỏa, khắc phục để cho các phương tiện đi lại.
Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu lãnh đạo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khẩn trương xuống ngay hiện trường kiểm tra ngay sự cố này.
Theo ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, dù chưa đưa ra được nhiều nhận xét nhưng qua đánh giá sơ bộ cho thấy giàn giáo chống thi công để đổ bê tông xà mũ số 7 tại khu vực ga Bến xe Hà Đông không đảm bảo an toàn, dẫn đến bị sập trong khi đang thi công.
Thông tin ban đầu từ Ban QLDA Đường sắt cho hay giàn giáo bị sập khi đang thực hiện đổ bê tông, có thể có sai sót do một đà giáo bị sụt. Dàn giáo đã mất khả năng chịu lực, bị dịch chuyển khi đang đổ bê tông.
Có thể có sai sót do một đà giáo bị sụt, giàn giáo mất khả năng chịu lực
Trước đó. vào lúc 4h00 sáng 28.12.2014, tại vị trí ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã xảy ra sự cố trong quá trình đổ bê tông thi công xà mũ trụ H7, hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ H7 bị sụt xuống đường. Một chiếc taxi bị đè nát khi lưu thông qua đây.
Theo Phúc Thịnh - Vinh Hải (Dân Việt)
Nhà xe gây tai nạn thảm khốc ở Sa Pa hoạt động trở lại - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) đã được cấp phép hoạt động trở lại sau 3 tháng. Theo đó, Bộ GTVT sẽ cho phép doanh nghiệp vận tải Sao Việt hoạt động trở lại vào đầu tháng 12 này. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT...