Vụ sập cầu Long Kiển ở TP.HCM: Cái kết đã được báo trước
Cây cầu sắt Long Kiển (đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè) đã bị sập vào tối 19.1 sau nhiều năm xuống cấp, gồng gánh hàng ngàn phương tiện qua lại mỗi ngày. Số phận cây cầu này sớm được dự báo trước nhưng việc xây cầu mới vẫn bị chậm trễ, kéo dài từ hàng chục năm qua.
Cầu Long Kiển được làm bằng sắt dài 105m, rộng 3m nằm trên đường Lê Văn Lương, nối hai xã Phước Kiểng và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TP.HCM), đồng thời nối TP.HCM với tỉnh Long An. Đây là một trong những cây cầu được xây dựng từ hơn 60 năm qua và đã xuống cấp trầm trọng.
Dù đã nhiều lần được tu sửa nhưng những năm qua người dân qua lại trong khu vực này vẫn hồi hộp sợ cầu sập bất cứ lúc nào. Đáng chú ý trước khi xảy ra vụ sập cầu tối qua, vào năm 2015 cây cầu này từng bị sà lan đâm vào khiến việc đi lại của người dân bị gián đoạn nhiều ngày.
Một nhịp cầu Long Kiển bị sập tối 19.1.
Chị Ngọc Anh (ngụ xã Nhơn Đức) cho hay, mỗi lần đi qua cây cầu này chị đều hồi hộp, lo sợ, nhất là khi đi chung với xe ô tô con hay xe tải qua lại trên cầu: “Đi qua cầu này rất sợ, cứ có xe tải chạy phía trước là cầu lại rung lên nên không dám đi gần nó. Còn mùa mưa cầu trơn trượt, đi xe máy không dám chạy nhanh”. Theo chị Anh, hầu như năm nào cầu cũng được sửa chữa nhưng chỉ mang tính chắp vá vì cầu đã cũ quá, nguy cơ sập vẫn cao.
Video đang HOT
Bà Trần Thị Lắm (ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cũng cho biết, nhiều hộ dân trong khu vực đã nhận tiền đền bù của dự án xây dựng cầu mới Long Kiển gần chục năm nay. Tuy nhiên sau nhiều năm, cây cầu mới vẫn chỉ nằm trên giấy, cây cầu cũ ọp ẹp xuống cấp vẫn phải gồng mình cõng hàng ngàn phương tiện qua lại mỗi ngày.
“Cây cầu sắt này xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ bị sập, chính quyền địa phương và thành phố đều biết. Thành phố có kế hoạch xây mới từ rất lâu nhưng không hiểu sao đến giờ chưa làm cầu mới, để xảy ra sự việc đáng tiếc như hôm nay”, bà Lắm lắc đầu.
“Thành phố đầu tư hàng ngàn tỷ làm cầu đường nhưng cây cầu sắt này xuống cấp và có thể sập bất cứ lúc nào lại không quyết liệt làm. Nếu như không gặp phải sự cố sập cầu này không biết cầu mới bao giờ mới đụng tới”, một người dân bức xúc.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin, sở đã có kế hoạch xây dựng cầu Long Kiển với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Thành phố giao UBND huyện Nhà Bè tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện trong năm 2018 nhưng chưa kịp khởi công thì xảy ra sự cố sập cầu này.
Cầu đang được phong tỏa để khắc phục sự cố.
Theo vị lãnh đạo Sở GTVT, sau khi xảy ra sự cố cầu sập vào tối qua, lực lượng chức năng đã đến hiện trường thực hiện công tác cứu hộ phân luồng giao thông để đảm bảo đi lại của người dân. Qua kiểm tra cho thấy không có thiệt hại về người, một nhịp cầu Long Kiển bị sập, cùng với đó là 2 hệ thống ống nước, cáp điện cũng bị hư hỏng. Theo Giám đốc Sở GTVT, nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế lái xe tải trọng 15 tấn cố tình lưu thông qua cầu, trong khi tải trọng cầu chỉ cho phép 3,5 tấn khiến cầu bị sập đổ.
“Giải pháp trước mắt bàn giao hiện trường cho lực lượng công an phục vụ công tác điều tra, sau đó sẽ tiến hành tháo toàn bộ nhịp này để thay mới, phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán để phục vụ người dân đi lại. Trong thời gian này phương tiện được hướng dẫn lưu thông qua những hướng khác như qua đường Nguyễn Văn Bình, dù có xa hơn nhưng tải trọng không hạn chế. Cầu sắt Long Kiển sẽ được nối nhịp trở lại để phục vụ bà con dịp Tết Nguyên đán và ít nhất thêm 2 năm nữa trong thời gian chờ đợi xây cầu mới” – ông Cường nói.
Trước đó, khoảng 21h45 tối 19.1, tài xế Nguyễn Thanh Lâm (29 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) điều khiển xe tải biển số 60C – 289.99 chở đá lưu thông trên đường Lê Văn Lương, hướng từ xã Phước Kiển về xã Nhơn Đức. Khi lưu thông qua đến giữa cầu Long Kiển thì bất ngờ một nhịp cầu bị đổ sập xuống sông khiến xe tải rơi xuống dưới, anh Lâm kịp thời mở cửa xe thoát ra ngoài. Thời điểm này một thanh niên điều khiển xe gắn máy đi trên cầu cũng may mắn thoát thân, bỏ lại xe máy nằm vắt vẻo trên thành cầu. Cơ quan chức năng đang tiếp tục khắc phục sự cố, đồng thời điều tra làm rõ vụ việc.
Theo Danviet
TP.HCM dùng tiền ngân sách để thuê cầu đường giao thông
"Vừa qua Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho TP.HCM triển khai phương án thuê cầu đường từ tiền ngân sách, thành phố sẽ không xây cầu nữa mà kêu gọi đầu tư để thuê lại. Cách làm này là phù hợp, thành phố chỉ trả tiền thuê còn bảo dưỡng định kỳ và quản lý sẽ do nhà đầu tư thực hiện" - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết bên lề hội nghị về vấn đề an toàn giao thông của thành phố vừa diễn ra.
Những cây cầu sắt đã và đang xuống cấp ở huyện Nhà Bè. Ảnh: H.V
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, phương án thuê cầu đường từ nguồn ngân sách cho dân sử dụng vừa được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, phương án này chủ yếu vận dụng cho những dự án cầu ở các vùng ngoại thành, với giá trị đầu tư từ vài tỷ đồng trở xuống. Các đầu tư, kể cả người dân đủ sức thực hiện, thành phố sẽ tạo điều kiện cho xây và sau đó thuê lại cho người dân sử dụng. Tiền thuê từ ngân sách thành phố. "Trước mắt, sẽ triển khai phương án này tại Nhà Bè với bốn cây cầu sắt đang hư hỏng mà người dân nhiều lần kiến nghị với cơ quan nhà nước tại các buổi tiếp xúc cử tri" - ông Tuyến cho biết.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, hàng trăm người dân đã kiến nghị Bí thư chỉ đạo xây lại 4 cây cầu sắt đã hư hỏng. Bí thư Nhân đã cam kết "sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây cầu phục vụ đi lại của bà con bởi đề nghị của bà con là chính đáng, thành phố không thể để tình trạng này kéo dài".
Về việc thuê máy bơm chống ngập, theo ông Tuyến đã và đang nhờ Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật TP.HCM đánh giá, nghiệm thu, sau đó báo cáo UBND thành phố để tính toán trả tiền thuê cho nhà đầu tư. "Hết ngập thì trả tiền, còn ngập không trả, vậy thôi. Cái này mình không lo vì ngập hay hết ngập còn do dân giám sát, chuyên gia đánh giá" - ông Tuyến nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, sử dụng máy bơm chỉ là biện pháp ngắn hạn, về lâu dài phải sử dụng kế hoạch dài hạn. "Vừa qua có nhà đầu tư đề nghị nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng tôi chưa đồng ý vì phải làm hệ thống thoát nước, ngăn triều tốt chứ nâng đường, đẩy nước vào nhà dân là không được" - ông Phong khẳng định.
Theo Danviet
Trâu "điên" náo loạn đường phố Hà Nội Một con trâu bất ngờ xuất hiện trên đường phố Hà Nội khiến người đi đường được phen náo loạn. Theo người dân cho biết, khoảng 14h chiều 11.12, người đi đường bất ngờ phát hiện một con trâu chạy trên đường Hoàng Đạo Thúy rồi sau đó chạy theo hướng sang đường Lê Văn Lương. Chú trâu xổng ra đường gây náo...